Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh sán dây 2024

Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh sán dây 2024. Bệnh sán dây luôn luôn thường trực xung quanh chúng ta bởi nhiễm sán dây qua đường ăn uống, nếu chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo rất có khả năng bị nhiễm sán dây và trứng sán dây vào trong bụng người. Chi tiết về các dấu hiệu, cách phòng ngừa và điều trị bệnh sán dây, mời bạn đọc tham khảo bài viết của Hoatieu.vn nhé.

1. Bệnh sán dây là gì?

Bệnh sán dây (taeniasis) là một bệnh ký sinh trùng lây truyền từ động vật sang người do tập quán ăn thịt lợn, thịt bò chưa nấu chín bị nhiễm ấu trùng sán. Bệnh sán dây phân bố ở nhiều nước có điều kiện kinh tế khó khăn, điều kiện vệ sinh môi trường thấp kém thuộc khu vực Châu Phi, Mỹ Latin, Đông Nam Á... trong đó có Việt Nam.

Có hai loại bệnh ở người gây ra do nhiễm sán dây: sán dây và ấu trùng sán lợn.

Sán dây là bệnh nhiễm trùng ở ruột sau khi ăn thịt bị nhiễm bệnh còn sống hoặc chưa được nấu chín. Một vài loại sán gây ra bệnh sán dây như sán dây lợn và sán dây bò. Bệnh sán dây có thể gây ra các triệu chứng nhẹ và không đặc hiệu, bao gồm đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy hoặc táo bón khi sán dây phát triển trong ruột.

Trong khi đó bệnh ấu trùng sán lợn ở người xuất hiện khi ăn phải trứng của sán dây lợn. Trứng sán được thải qua phân của người bị sán dây lợn, có thể gây ô nhiễm đất và nước. Từ đó, ô nhiễm đất hoặc nước có thể làm cho thực phẩm (chủ yếu là rau) phơi nhiễm với trứng sán. Ấu trùng sán lợn có khả năng gây tác động đáng kể đến sức khỏe của con người. Ấu trùng sán lợn có thể phát triển ở cơ, da, mắt và hệ thần kinh trung ương. Khi các nang ấu trùng sán lợn phát triển trong não, gây ra bệnh ấu trùng sán lợn ở não. Các triệu chứng có thể là đau đầu dữ dội, mù lòa, co giật hoặc động kinh.

 Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh sán dây

2. Bệnh sán dây lợn là gì?

Bệnh sán dây lợn là gì? Bệnh sán dây lợn là một bệnh nhiễm ký sinh trùng gây ra do trứng, ấu trùng sán dây lợn. Người mắc bệnh do ăn phải thực phẩm, nước uống bị ô nhiễm có chứa ấu trùng sán lợn hoặc trứng sán dây lợn chưa được nấu chín. Bệnh sán dây lợn có 2 thể mắc:

- Bệnh ấu trùng sán dây lợn (Cysticercus cellulosae): Do người ăn phải trứng sán dây lợn nhiễm trong thức ăn, sau khi ăn hay nuốt phải trứng sán, trứng vào dạ dày, nở ra ấu trùng, đến ruột non, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại một số cơ quan trong cơ thể như: cơ, mắt hay não của người và sẽ hóa nang. Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau của bệnh.

Những người mắc sán dây lợn trưởng thành trong ruột, khi đốt già rụng, theo phản ứng nhu động ruột mà đốt sán có thể trào ngược lên dạ dày và lúc này như là ăn phải trứng sán dây lợn với số lượng rất lớn ( tự nhiễm).

- Bệnh sán dây lợn trưởng thành(Taenia solium): Do người bệnh ăn phải thịt lợn sống chưa được nấu chín, tiết canh… có chứa các ấu trùng sán (thịt lợn gạo), khi đến dạ dày ấu trùng sán sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non rồi phát triển thành sán dây trưởng thành. Sán dây trưởng thành phát triển dần bằng cách nẩy chồi, sinh đốt mới từ cổ, tạo ra hàng ngàn đốt sán mới, mỗi đốt có khoảng 50.000 trứng, kéo dài chiều dài của sán trưởng thành lên tới 2 đến 4 mét, chúng ký sinh trong ruột của người bệnh.

3. Dấu hiệu bị nhiễm sán dây

Theo Quyết định số 1202/QĐ-BYT về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh sán dây thì triệu chứng lâm sàng của bệnh như sau:

- Đau bụng là triệu chứng thường gặp: Đau âm ỉ vùng quanh rốn.

- Buồn nôn, nôn khan.

- Rối loạn tiêu hóa: Táo bón hoặc tiêu chảy.

- Thỉnh thoảng thấy đốt sán bò ra hậu môn hoặc theo phân ra ngoài.

Theo nhiều khuyến cáo tại bệnh viện, thông thường tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm sán dây như sau:

Đối với Bệnh sán dây trưởng thành

  • Biểu hiện bệnh nhiễm sán dây trưởng thành thường nhẹ, không triệu chứng đặc hiệu. Tình cờ xét nghiệm phân thấy đốt sán.
  • Một số trường hợp có thể có các triệu chứng như buồn nôn, nhức đầu, tiêu chảy từng đợt, sụt cân. Đôi khi đau bụng lan xuống ruột thừa do sán di chuyển từ ruột non qua ruột già có thể cọ xát vào van hồi kết.
  • Ở người suy nhược thần kinh, trẻ em có thể xuất hiện các triệu chứng co giật, thay đổi tính tình, rối loạn tim mạch.
  • Đôi khi bệnh nhân có hội chứng thiếu máu, nguyên nhân do thiếu hụt B12.

Đối với Bệnh ấu trùng

  • Khi di chuyển khắp nơi trong cơ thể, ấu trùng sán dây có thể gây ra bệnh cảnh nghiêm trọng, khi chúng phát triển ở các vùng ngoài da, gan, phổi, mắt, cơ, và mô dưới da, đặc biệt nguy hiểm khi ở trong não. Biến chứng nặng có thể tử vong.
  • Ở người, ấu trùng Taenia solium gây ra tổn thương ở nhiều cơ quan phủ tạng, ấu trùng Echinococcus granulosus và E. multilocularis gây ra bệnh hydatid phế nang; ấu trùng của Spirometra spp, Spirometra erinacei… cũng có thể lây nhiễm cho người.

4. Cách phòng ngừa và điều trị bệnh sán dây

Trứng sán xâm nhập vào con người thông qua 3 con đường chính là: thức ăn, nước, đất bị ô nhiễm. Do vậy, đây là con đường trực tiếp nhiễm bệnh sán dây vào cơ thể con người, dưới đây là những cách phòng ngừa thiết thực nhất để bảo vệ cơ thể.

  • Diệt nguồn gây bệnh: Điều trị người mắc bệnh; vệ sinh cá nhân và vệ sinh ngoại cảnh (tránh đi tiêu bừa bãi).
  • Chăn nuôi: Xử lý phân động vật và phân người đúng cách. Hạn chế tối đa để động vật tiếp xúc với trứng sán dây. Chăn nuôi hợp vệ sinh, không thả rông…
  • Thực hiện tốt vệ sinh: Rửa tay sạch bằng xà phòng và nước sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.
  • Đề phòng thực phẩm: Nếu sinh sống trong khu vực thường có sán dây, hãy đảm bảo rửa và nấu tất cả trái cây và rau quả bằng nước sạch.
  • Thịt: Nấu chín kỹ thịt ở nhiệt độ ít nhất là 66 độ C nhằm tiêu diệt ấu trùng hoặc trứng.
  • Thịt và cá: Cấp đông cá và thịt ít nhất 7 ngày trước khi chế biến.
  • Thực phẩm sống: Không ăn thịt lợn, thịt bò, cá sống hoặc nấu chưa chín.
  • Chó nuôi: Hãy đảm bảo vật nuôi được điều trị sán dây. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân. Đồ ăn cho chó từ thịt, cá cần được nấu chín.
  • Vệ sinh nhà bếp: Đảm bảo tất cả các bề mặt trong gian bếp thường xuyên được lau chùi sạch sẽ và khử trùng.
  • Không để thức ăn sống cùng thức ăn khác. Rửa tay sau khi chạm vào thịt hoặc cá sống. Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng kỹ thuật hun khói hoặc làm khô thịt hoặc cá không hẳn là cách đáng tin cậy để tiêu diệt ấu trùng hoặc trứng.

Khi bị nhiễm trứng giun sán, sán dây, nên đi khám và sử dụng phương pháp điều trị theo lời khuyên và chỉ định của bác sĩ, các phương pháp điều trị bệnh sán dây bao gồm:

- Thuốc uống: Sử dụng thuốc nhuận tràng giúp đào thải sán dây ra ngoài theo đường đại tiện. Nếu bệnh nhân bị nhiễm sán dây lợn, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc đặc trị. Phân của người bệnh sẽ được kiểm tra nhiều lần trong khoảng 1 – 3 tháng sau khi dùng thuốc. Những loại thuốc này, nếu tuân thủ đúng quy trình, có hiệu quả 95%.

- Thuốc chống viêm: Nếu nhiễm trùng ảnh hưởng đến các mô bên ngoài ruột, người bệnh có thể cần dùng một đợt thuốc kháng viêm steroid để giảm sưng do sự phát triển của u nang.

- Phẫu thuật u nang: Nếu bệnh nhân bị u nang đe dọa đến tính mạng đã phát triển trong các cơ quan quan trọng như phổi hoặc gan, có thể phải phẫu thuật. Bác sĩ có thể tiêm thuốc vào u nang (chẳng hạn như formalin) để tiêu diệt ấu trùng trước khi loại bỏ u nang.

5. Thuốc trị sán dây hiện nay

Hiện nay, thuốc điều trị bệnh sán dây được Bộ y tế cho phép sử dụng và khuyên dùng theo Quyết định số 1202/QĐ-BYT về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh sán dây gồm 2 loại thuốc theo thứ tự ưu tiên: Praziquantel và Niclosamide

- Praziquantel: 

+ Liều dùng: Liều duy nhất 10-15 mg/kg, uống xa bữa ăn.

+ Tác dụng không mong muốn: Chóng mặt, nhức đầu, ngủ gà, buồn nôn, khó chịu hạ vị, mẩn ngứa và có thể sốt, các triệu chứng ở mức độ nhẹ, nhanh hết, và thường không phải can thiệp gì.

+ Chống chỉ định:

  • Phụ nữ có thai 3 tháng đầu.
  • Đang nhiễm trùng cấp tính hoặc suy gan, suy thận hoặc rối loạn tâm thần.
  • Dị ứng với praziquantel.

+ Chú ý khi uống thuốc

  • Phụ nữ đang cho con bú: Không cho con bú trong vòng 72 giờ sau khi uống thuốc.
  • Thận trọng với trẻ nhỏ suy dinh dưỡng, người già yếu, người rối loạn tiền đình...
  • Kiêng rượu, bia và các chất kích thích.
  • Nghỉ ngơi tại chỗ, không tự đi xe, đi xa, không lao động ít nhất 24 giờ.

- Niclosamide:

+ Liều dùng: Liều duy nhất, sau khi ăn.

  • Trẻ em dưới 2 tuổi: 500 mg/liều.
  • Trẻ em từ 2-6 tuổi: 1000 mg/liều.
  • Trẻ em trên 6 tuổi và người lớn: 2000 mg/liều.

- Sau 2 giờ uống thuốc trên, uống Magie sulphat 30mg/kg kèm theo uống nhiều nước (1,5-2 lít).

  • Tác dụng không mong muốn của thuốc:
  • Thường gặp: Buồn nôn, nôn, đau bụng.
  • Hiếm gặp: Ban đỏ da, ngứa, ngoại ban.

- Chống chỉ định:

  • Phụ nữ có thai 3 tháng đầu.
  • Đang nhiễm trùng cấp tính hoặc suy gan, suy thận hoặc rối loạn tâm thần.
  • Dị ứng với niclosamide.

Trên đây, Hoatieu.vn đã phân tích và giúp bạn đọc tìm hiểu về Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh sán dây 2024 theo căn cứ Quyết định số 1202/QĐ-BYT về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh sán dây.

Mời bạn đọc tham khảo các bài viết liên quan tại mục Dân sự mảng Hỏi đáp pháp luật của HoaTieu.vn:

Đánh giá bài viết
3 135
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm