Chế độ trợ cấp thôi việc đối với viên chức

Chế độ trợ cấp thôi việc đối với viên chức mới nhất

Khi chấm dứt hợp đồng làm việc, viên chức được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội. Vậy chế độ trợ cấp thôi việc đối với viên chức cụ thể như thế nào? Mời các bạn tham khảo.

Tóm tắt câu hỏi:

Tôi là M, tôi và vào công tác giáo viên cấp 2 từ ngày 1/1/2008 hợp đồng trong biên chế, đến ngày 1/9/2009 hết thời gian tập sự tôi được vào biên chế chính thức. Ngày 1/1/2009 tôi tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Vì lý do hoàn cảnh gia đình khó khăn tôi xin nghỉ việc, đến ngày 28/12/2015 tôi có quyết định nghỉ việc chính thức. Hệ số lương của tôi trước khi nghỉ việc là 2.41. Mức lương bình quân 6 tháng liền kề của tôi khi nghỉ việc là 7,3 triệu. Tôi đã được hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 1/2016 đến 6/2016. Từ tháng 1/2016 đến nay tôi đã nhiều lần hỏi nhà trường và phòng giáo dục về chế độ thôi việc. Nhưng nhà trường đến tháng 12/2016 mới trả lời cho tôi là có thể có chế độ thôi việc và tính cho tôi được hưởng trợ cấp thôi việc là 727 nghìn (nếu có) vì PGD còn phải hỏi lên cấp trên xem có chế độ không? Xin hỏi luật sư cách tính như vậy đúng hay sai, thực tế tôi nhận được bao nhiêu tiền, nếu thanh toán chậm tôi có được tính lãi suất không? Nếu không được hưởng chế độ thôi việc tôi được quyền kiện ra tòa không?

Tôi có được hưởng chế độ theo Nghị định 29/2012/NĐ-CP về tuyển dụng và quản lý viên chức: Điểm b) Khoản 1 Điều 39: Mức trợ cấp thấp nhất bằng 1 tháng lương hiện hưởng (tức là 7,3 triệu). Tôi có được bồi thường về việc chậm thanh toán chế độ thôi việc? Nếu kiện ra tòa thì thủ tục như thế nào? Kiện ai? Nhà trường hay phòng giáo dục?

Chế độ trợ cấp thôi việc đối với viên chức mới nhất

1. Cơ sở pháp lý

- Luật Viên chức 2010

- Luật việc làm 2013

- Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12

- Nghị định 29/2012/NĐ-CP

2. Nội dung tư vấn

Căn cứ Điều 45 Luật Viên chức 2010 quy định chế độ thôi việc đối với viên chức như sau:

"1. Khi chấm dứt hợp đồng làm việc, viên chức được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Viên chức không được hưởng trợ cấp thôi việc nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Bị buộc thôi việc;

b) Đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc mà vi phạm quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 29 của Luật này;

c) Chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định tại khoản 5 Điều 28 của Luật này.”

Đối chiếu theo quy định trên vào trường hợp của bạn, bạn vào làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn tại một trường học từ ngày 1/1/2008, đã có biên chế chính thức, đến ngày 28/12/2015, bạn có quyết định nghỉ việc, tuy nhiên, bạn không nói rõ bạn chấm dứt hợp đồng làm việc trong trường hợp nào?

- Thứ nhất: bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại Khoản 2 Điều 45 Luật viên chức 2010 thì bạn sẽ không được chi trả chế độ trợ cấp thôi việc.

- Thứ hai: Bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc không thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại Khoản 2 Điều 45 Luật viên chức 2010 thì bạn sẽ được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc.

Điều 39 Nghị định 29/2012/NĐ-CP quy định Trợ cấp thôi việc như sau:

"1. Trợ cấp thôi việc đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 31 tháng 12 năm 2008 trở về trước được tính như sau:

a) Cứ mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 (một phần hai) tháng lương hiện hưởng, gồm: Mức lương theo chức danh nghề nghiệp, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có);

b) Mức trợ cấp thấp nhất bằng 01 (một) tháng lương hiện hưởng;

c) Trường hợp viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2003, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2008.

d) Trường hợp viên chức được tuyển dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2003 trở về sau, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc theo hợp đồng làm việc (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2008.

2. Trợ cấp thôi việc đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 01 tháng 01 năm 2009 đến nay được thực hiện theo quy định của pháp luật về trợ cấp thất nghiệp.

3. Nguồn kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc được lấy từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

4. Viên chức thôi việc được hưởng trợ cấp thôi việc quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này và được xác nhận thời gian có đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật."

Như vậy, chế độ trợ cấp thôi việc đối với bạn như sau:

- Đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 31 tháng 12 năm 2008 trở về trước được tính như sau:

+ Cứ mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 tháng lương hiện hưởng, gồm: Mức lương cơ bản và phụ cấp (nếu có).

+ Mức trợ cấp thấp nhất bằng 01 (một) tháng lương hiện hưởng;

Đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 01 tháng 01 năm 2009 đến nay được thực hiện theo quy định của pháp luật về trợ cấp thất nghiệp.

Như vậy, đối với trường hợp của bạn, thời gian công tác của bạn từ ngày 1/1/2009 trở đi sẽ được giải quyết chế độ theo quy định của Luật việc làm 2013; đối với thời gian 1 năm (từ ngày 1/1/2008 đến ngày 1/1/2009) thì được chi trả chế độ thôi việc bằng mức thấp nhất là 1 tháng lương hiện hưởng; là 7,3 triệu đồng do đó nhà trường trả lời bạn chỉ được 727.000 đồng là không đúng quy định.

Để đảm bảo quyền lợi cho bạn, bạn có thể làm đơn khiếu nại gửi đến đơn vị bạn công tác hoặc gửi đơn tới Tòa án nhân dân để yêu cầu giải quyết. Trong trường hợp việc chậm chi trả gây thiệt hại đến quyền lợi của bạn, bạn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định.

Ví dụ tiếp theo: Ngày 27/8/2015, mẹ của ông Huỳnh Tấn Phát (An Giang) nhận quyết định nghỉ việc khi đủ 55 tuổi nhưng chưa đủ 20 đóng BHXH. Căn cứ Điều 38 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP, Phòng Giáo dục TP. Châu Đốc cho biết, mẹ ông không được trợ cấp thôi việc vì không có đơn xin thôi việc.

Ông Phát muốn hỏi, Phòng Giáo dục cho mẹ ông nghỉ việc khi mẹ ông không làm đơn xin thôi việc thì có đúng không? Mẹ ông có được trợ cấp thôi việc không?

Về vấn đề này, Sở Nội vụ tỉnh An Giang có ý kiến như sau:

Căn cứ Điều 187 Bộ Luật Lao động về tuổi nghỉ hưu “Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi”. Mẹ của ông Huỳnh Tấn Phát đã đủ 55 tuổi (tức đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định) nên cơ quan quản lý thực hiện thủ tục hưu trí đối với mẹ ông là phù hợp quy định của Bộ luật Lao động và Luật Viên chức .

Điểm 1 Công văn số 2806/BNV-CCVC ngày 29/6/2015 của Bộ Nội vụ về hướng dẫn giải quyết công tác chuyên môn, có hướng dẫn như sau: “Công chức đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 187 Bộ luật Lao động thì được nghỉ việc và hưởng lương theo quy định tại Điều 54 Luật BHXH hoặc hưởng BHXH một lần theo quy định tại Điều 60 Luật BHXH, không giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc theo Nghị định số 46/2010/NĐ-CP ngày 27/4/2010 của Chính phủ về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức và Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng quản lý viên chức”.

Do đó, trường hợp mẹ của ông Huỳnh Tấn Phát không thuộc đối tượng chi trả chế độ trợ cấp thôi việc theo Nghị định số 29/2012/NĐ-CP.

Đánh giá bài viết
1 1.476
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi