Trình tự xử lý kỷ luật buộc thôi việc viên chức

Quy định xử lý kỷ luật buộc thôi việc viên chức

Trình tự xử lý kỷ luật buộc thôi việc viên chức được pháp luật quy định ra sao? Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng trong trường hợp nào? Để trả lời được HoaTieu.vn mời bạn tham khảo bài viết dưới đây.

Tóm tắt câu hỏi:

Đơn vị chúng tôi là một đơn vị sự nghiệp công lập (Trung tâm Dạy nghề của Huyện). 1 thành viên trong đơn vị là viên chức, anh ta lợi dụng mình là giáo viên trực tiếp giảng dạy để mượn tiền của nhiều học viên, không những thế còn hứa hẹn giúp họ đậu tốt nghiệp mà không cần thi. Học viên đã có đơn tố cáo gửi đến đơn vị. Xin hỏi trình tự, thủ tục để xử lý kỷ luật trường hợp này? Theo Luật viên chức, thì trường hợp này áp dụng hình thức kỷ luật nào? Có buộc thôi việc được không? Mong Luật sư tư vấn, xin cảm ơn.

Luật sư tư vấn:

1. Căn cứ pháp lý:

- Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009

- Luật viên chức 2010

- Nghị định 27/2012/NĐ-CP

2. Giải quyết vấn đề:

Theo như bạn trình bày, 1 thành viên trong đơn vị bạn là viên chức, người này lợi dụng mình là giáo viên trực tiếp giảng dạy để mượn tiền của nhiều học viên, không những thế còn hứa hẹn giúp họ đậu tốt nghiệp mà không cần thi. Học viên đã có đơn tố cáo gửi đến đơn vị thì giám đốc trung tâm Dạy nghề có trách nhiệm giải quyết đơn tố cáo.

Điều 140 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009 quy định tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như sau:

“1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới một triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

đ) Tái phạm nguy hiểm;

e) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

...”

Cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như sau:

- Chủ thể: Phạm tội trong trường hợp quy định tại Khoản 1, 2 Điều 140 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009 thì người phạm tội phải đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự. Phạm tội trong trường hợp quy định tại Khoản 3, 4 Điều 140 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009 thì người phạm tội phải đủ 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự.

- Khách thể: Quan hệ sở hữu. Nếu sau khi chiếm đoạt tài sản, người phạm tội bị đuổi bắt có hành vi chống trả để tẩu thoát gây chết hoặc làm bị thương người khác thì có thể bị truy cứu them trách nhiệm hình sự về tội khác.

Mặt khách quan của tội phạm:

- Hành vi:

Bao gồm các giai đoạn sau:

+) Người phạm tội có được tài sản một cách hợp pháp thông qua hợp đồng vay, mượn, thuê tài sản hoặc hợp đồng khác.

+) Sau khi có được tài sản, người phạm tội không thực hiện như cam kết trong hợp đồng, sử dụng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản.

- Hậu quả: người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản, hoặc đã bỏ trốn, hoặc không còn khả năng trả lại tài sản. Người phạm tội chiếm đoạt được tài sản có giá trị từ 4 triệu đồng trở lên, nếu tài sản có giá trị dưới 4 triệu đồng thì phải kèm theo điều kiện gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xóa án tích mà còn vi phạm mới thì mới cấu thành tội phạm.

Mặt chủ quan của tội phạm:

- Lỗi cố ý.

- Mục đích: chiếm đoạt tài sản

Nếu người đồng nghiệp có dấu hiệu chiếm đoạt số tiền vay từ các học viên có giá trị từ 4.000.000 đồng trở lên thì người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định trên.

Về vấn đề xử lý kỷ luật: Hình thức kỷ luật buộc thôi việc được quy định tại điểm d) khoản 1 Điều 52 Luật viên chức 2010 và được hướng dẫn tại Điều 13 Nghị định 27/2012/NĐ-CP như sau:

Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với viên chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

  • Bị phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng;
  • Không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng;
  • Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập;
  • Nghiện ma túy có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền;
  • Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 07 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà không có lý do chính đáng được tính trong tháng dương lịch; năm dương lịch;
  • Vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; phòng, chống tệ nạn xã hội và các quy định khác của pháp luật liên quan đến viên chức.

Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật viên chức theo quy định tại Chương 2 Nghị định 27/2012/NĐ-CP như sau:

  • Bộ phận tổ chức yêu cầu viên chức, lao động hợp đồng vi phạm kỷ luật viết bản kiểm điểm.
  • Đơn vị có viên chức, lao động hợp đồng vi phạm kỷ luật tổ chức họp kiểm điểm viên chức, lao động hợp đồng vi phạm kỷ luật, đề xuất hình thức kỷ luật.
  • Thành lập Hội đồng kỷ luật của đơn vị theo quy định tại Nghị định 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ.
  • Họp Hội đồng kỷ luật của đơn vị, xem xét, đề xuất hình thức kỷ luật viên chức và lao động hợp đồng.
  • Thủ trưởng đơn vị ban hành quyết định kỷ luật những trường hợp thuộc thẩm quyền và báo cáo cấp trên.
  • Thủ trưởng đơn vị báo cáo lên cấp trên xem xét, giải quyết các trường hợp kỷ luật không thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị.
  • Lưu trữ hồ sơ kỷ luật trong hồ sơ viên chức, lao động hợp đồng; ghi hình thức kỷ luật vào lý lịch viên chức, lao động hợp đồng.

Như vậy, khi có một trong các căn cứ trên thì Hội đồng xử lý kỷ luật của Nhà trường có quyền áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với người này.

Đánh giá bài viết
1 1.117
0 Bình luận
Sắp xếp theo