Thuyết minh về danh lam thắng cảnh Phú Quốc

Thuyết minh về danh lam thắng cảnh ở Kiên Giang - Phú Quốc được mệnh danh là hòn đảo ngọc với những bãi biển xanh cát trắng mịn thu hút hàng triệu lượt khách thăm quan du lịch hàng năm. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ đến các bạn đọc dàn ý thuyết minh về danh lam thắng cảnh Phú Quốc cùng với một số bài văn mẫu thuyết minh về đảo Phú Quốc, thuyết minh về Bãi Sao ở Phú Quốc giúp các em hiểu thêm nhiều thông tin bổ ích về đảo Phú Quốc.

Thuyết minh về danh lam thắng cảnh Phú Quốc
Giới thiệu về danh lam thắng cảnh Phú Quốc

1. Dàn ý thuyết minh về đảo Phú Quốc

1. Mở bài

- Giới thiệu chung về danh lam thắng cảnh (bạn có thể giới thiệu qua về Phú Quốc rồi dẫn vào danh làm bạn muốn thuyết minh)

2. Thân bài

a. Giới thiệu về vị trí địa lí

- Phú Quốc là huyện đảo ngoài khơi lớn nhất Việt Nam, nằm trong vịnh Thái Lan, thuộc địa phận tỉnh Kiên Giang. Thị trấn Dương Đông - thủ phủ huyện đảo cách thị xã Rạch Giá 120km và cách Hà Tiên 45km.

b. Thuyết minh về từng bộ phận của thắng cảnh

- Đảo chính Phú Quốc rộng 578m2, dài 51km và hơn 20 hòn đảo lớn nhỏ khác nhau tạo thành một quần thể đảo xanh tươi, thơ mộng ngay giữa đại dương.

- Eo biển xanh Phú Quốc được ví như vịnh Hawai trữ tình nổi tiếng của Mỹ với những bờ biển đẹp vào bậc nhất Việt Nam.

- Bãi Trường nằm phía tây đảo kéo dài từ Dương Đông tới An Thới khoảng 20km là bãi tắm sầm uất và là bãi biển duy nhất ở Việt Nam nơi bạn có thể ngắm mặt trời lặn xuống biển.

- Những bãi tắm khác ở Phú Quốc như bãi Kem, bãi Đầm, bãi Cửu Cần, bãi Đại, bãi Sao... nước trong vắt, cát trắng mịn như kem, cũng đầy hấp dẫn, có thể mang lại cho du khách những giây phút vui đùa, thư giãn thoả mái nhất giữa cảnh đẹp hoang sơ, khí hậu trong lành, sự bình yên hiếm có.

- Phú Quốc nổi tiếng với đặc sản nước mắm, có vị ngon thơm đặc biệt, chế biến từ cá cơm, có độ đạm cao, khác hẳn với nước mắm những vùng biển khác. Mỗi năm, hàng trăm cơ sở sản xuất nước mắm của Phú Quốc cho ra thị trường 8 triệu lít nước mắm với sự hỗ trợ của 2.200 tàu đánh cá, sản lượng đánh bắt trung bình 40.000 tấn/năm.

c. Vị trí của thắng cảnh đối với Việt Nam và trên thế giới

- Về giá trị lịch sử, Phú Quốc xuất hiện vết tích con người sinh sống từ thế kỷ X, trải qua gần 11 thể kỷ với những thăng trầm của lịch sử nơi đây đã chứng kiến những sự đổi thay từ thời chúa Nguyễn đến khi Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp, cùng với chiến tranh giữa người Khmer Đỏ với quân ta năm 1975 hay quân đội Tưởng Giới Thạch từng chạy trốn đến nơi đây.

- Về giá trị văn hóa, đảo Phú Quốc lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa tôn giáo như đạo Cao Đài, Phật giáo,….qua những công trình chùa chiền, đền miếu hay những tục lệ, lễ hội địa phương như lễ hội Nguyễn Trung Trực, lễ Dinh Bà Ông Lăng, lễ Nghing Ông,….

- Về giá trị du lịch: Phú Quốc còn mang lại nguồn lợi khổng lồ từ những lượt khách du lịch đến tham quan nơi đây cho địa phương cũng như nhà đầu tư, nổi tiếng với nhiều loại đặc sản như mắm Phú quốc, còi biên mai, tiêu Phú Quốc, cá khô Thiều, rượu Sim, nấm Tràm, rượu mỏ quạ, rượu Hải Mã, Hải Sản, Ngọc trai biển, Cá bớp, Điều Phú Quốc, Cá Trích cùng với đặc sản hồ tiêu Phú Quốc.

3. Kết bài

Khái quát tầm quan trọng của danh lam, đưa ra dự đoán hướng phát triển trong tương lai.

2. Thuyết minh về đảo Phú Quốc - Kiên Giang

Phú Quốc là huyện đảo ngoài khơi lớn nhất Việt Nam, nằm trong vịnh Thái Lan, thuộc địa phận tỉnh Kiên Giang, Thị trấn Dương Đông – thủ phủ huyện đảo cách thị xã Rạch Giá 120km và cách Hà Tiên 45km.

Đảo chính Phú Quốc rộng 578m2, dài 51km và hơn 20 hòn đảo lớn nhỏ khác nhau tạo thành một quần thể đảo xanh tươi, thơ mộng ngay giữa đại dương. Eo biển xanh Phú Quốc được ví như vịnh Hawai trữ tình nổi tiếng của Mỹ với những bờ biển đẹp vào bậc nhất Việt Nam. Bãi Trường nằm phía tây đảo kéo dài từ Dương Đông tới An Thới khoảng 20km là bãi tắm sầm uất và là bãi biển duy nhất ở Việt Nam nơi bạn có thể ngắm mặt trời lặn xuống biển. Những bãi tắm khác ở Phú Quốc như bãi Kem, bãi Đầm, bãi Cửu Cần, bãi Đại, bãi Sao… nước trong vắt, cát trắng mịn như kem, cũng đầy hấp dẫn, có thể mang lại cho du khách những giây phút vui đùa, thư giãn thoả mái nhất giữa cảnh đẹp hoang sơ, khí hậu trong lành, sự bình yên hiếm có.

Phú Quốc nổi tiếng với đặc sản nước mắm, có vị ngon thơm đặc biệt, chế biến từ cá cơm, có độ đạm cao, khác hẳn với nước mắm những vùng biển khác. Mỗi năm, hàng trăm cơ sở sản xuất nước mắm của Phú Quốc cho ra thị trường 8 triệu lít nước mắm với sự hỗ trợ cuả 2.200 tàu đánh cá, sản lượng đánh bắt trung bình 40.000 tấn/năm. Nghề làm mắm ở Phú Quốc có lịch sử phát triển trên 200 năm, người dân ở đây tuân thủ nghiêm ngặt các phương pháp thủ công truyền thông để đảm bảo chất lượng, vệ sinh của đặc sản địa phương mình. Cá cơm còn tươi nguyên được ướp muối (muối vùng Bà Rịa – Vũng Tàu hoặc Cà Ná – Phan Thiết) ngay trên thuyền. Nước mắm được lên men trong thùng gỗ, từ 12 đến 15 tháng. Mắm Phú Quốc khi đó có màu cánh gián, nhẹ mùi, không tanh, không gắt, có vị ngọt đặc biệt. Vì thế mắm Phú Quốc không chỉ được ưa chuộng ở thị trường trong nước mà đã chinh phục cả những người nội trợ ở Pháp, Bỉ, Mỹ, Thái Lan…

Người ta ví, Phú Quốc như một cô gái trẻ, căng đầy sức sống, có vẻ đẹp bí ẩn, càng khám phá càng thấy lý thú, hấp dẫn của những vạt rừng nguyên sinh, lại vừa có vẻ đẹp quyến rũ, nồng nàn của đại dương hoang sơ. Cánh rừng nguyên sinh của Phú Quốc nằm ở trung tâm hòn đào, rộng tới 37.000 ha, là nơi sinh sống của nhiều loài gỗ, chim muông quý.

Tuyến du lịch đang được ưa chuộng nhất trên đảo là Dương Đông – Hàm Ninh. Con đường chính của tuyến du lịch này được làm từ thời Pháp, uốn lượn quanh những ngọn đồi bạt gió. Du khách sẽ được thăm chùa Sư Môn, lội suối Tranh, thăm làng chài cổ Hàm Ninh, leo núi hoặc đến cơ sở nuôi cấy ngọc trai ở Nam đảo. Tuyến dụ lịch Đông Phương – An Thới cũng rất hấp dẫn khi dẫn tới một quần đảo gồm 15 hòn lớn nhỏ, năm rải rác ở phía Nam, dài khoảng 40km. Quần đảo An Thới là một địa điểm lý tưởng để tổ chức các loại hình du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái. Các thắng cảnh: Dương Đông — Dinh Cậu, bãi Bàn, bãi Kem, lăng Ông Hải, nhà tù Phú Quốc, cảng An Thới đều là những điểm tham quan đầy ấn tượng. Hoặc bạn sẽ đi câu mực thẻ đêm, câu cá rồi nướng ngay trên biển hay tham gia tour lặn biển, thăm vương quốc san hô hùng vĩ, nhiều màu sắc lung linh nhưng thật tinh khôi trong lòng đại dương Phú Quốc. Câu lạc bộ bơi lặn của công ty du lịch Sài Gòn – Phú Quốc sẽ giúp bạn khám phá thế giới ngầm của hòn đảo đáng yêu này. Bạn sẵn sàng chưa?

3. Thuyết minh về danh lam thắng cảnh Phú Quốc ngắn gọn

Trên dải đất Việt Nam cong cong hình chữ S này có biết bao dòng sông, bãi biển hội tụ để cất cao câu hát yêu thương, để suy tưởng nguồn cội, để gợi nhớ tuổi thơ êm đềm. Bãi Dài- Phú Quốc là một trong những bãi biển cất cao câu hát yêu thương như thế.

Có thể nói, Phú Quốc là một trong những thắng cảnh đẹp của đất nước ta, là viên ngọc biếc bên bờ biển đẹp. Tuy cách thành phố Rạch Giá nhưng nhưng đảo lại có cái nắng rực rỡ của miền nhiệt đới nóng ẩm. Hình ảnh đầu tiên khiến em chú ý là những tòa nhà đồ sộ trong những vườn cây xanh nằm bên những đại lộ lớn. Đây là một thành phố trẻ trung, tươi mát. Nhưng cuốn hút khách dụ lịch đến đây chính là những bãi biển ven thành phố, những khu nghỉ mát hiện đại.

Bãi cát trải ra mênh mông, óng ả dưới ánh nắng mặt trời, những rặng thông, phi lao rì rào với gió biển suốt ngày đêm. Từ sáng sớm, bầu trời đã quang mây, xanh ngắt. Trên bãi cát khách du lịch đông đúc, đi lại nhộn nhịp. Những chiếc dù đủ màu sắc rực rỡ dưới ánh nắng mặt trời. Trên mặt biển, nước trong xanh, bập bềnh những chiếc phao bơi. Tiếng reo hò náo nức hòa với tiếng sóng biển rì rào đập vào bãi cát tung bọt trắng xóa. Những khi mặt trời mọc, tia nắng chiếu xuống vỡ ra thành muôn vàn đồng tiền óng ánh. Buổi trưa những ngày đẹp trời, nước biển trong veo như màu mảnh chai. Mặt trời sau một ngày lao động vất vả từ từ lặn xuống tỏa ánh sáng tím hồng xuống mặt biển.

Bãi Dài bằng phẳng không nhiều đá ngầm như Đồ Sơn ở Hải Phòng. Từ trên bãi cát em phóng tầm mắt ra xa, có thể nhìn thấy những hòn đảo nhỏ như những chấm xanh, nhô lên trên mặt biển

Phú Quốc thật xứng đáng với niềm yêu mến của khách nước ngoài và trong nước. Em nhớ mãi những ngày đẹp được sống ở Phú Quốc.

4. Thuyết minh về danh lam thắng cảnh Phú Quốc lớp 8

Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất nước ta, nằm ở phía Tây Nam, thuộc tỉnh Kiên Giang, có diện tích gần 600 km2. Thật không thể tin nổi, ở nơi được mệnh danh là đảo ngọc này, có một thời đã tồn tại một nhà tù do thực dân, đế quốc lập ra để giam giữ, tra tấn hàng ngàn người yên nước, những chiến sĩ cách mạng với mọi thủ đoạn thâm độc, vô cùng tàn bạo…

Theo tư liệu được ghi chép lại, năm 1950, thực dân Pháp đã chọn Phú Quốc để lập trại giam tù binh, gọi là “Trại giam Cây Dừa”. Tại đây, chúng giam giữ khoảng 14.000 chiến sĩ yêu nước và những người bị tình nghi tham gia lực lượng quân sự chống lại thực dân Pháp. Từ tháng 7/1954, trại giam ngừng hoạt động sau khi tù binh hai bên được trao trả.

Năm 1955, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm cho sửa lại khu nhà đã đổ nát của Trại giam Cây Dừa để lập ra Trại chỉnh huấn Cây Dừa, giam giữ gần 1.000 tù chính trị. Đến năm 1957, số tù nhân này bị đưa ra Côn Đảo, một số về đất liền. Từ đây, Trại chỉnh huấn Cây Dừa chấm dứt hoạt động. Cuối năm 1966 đầu năm 1967, Mỹ – ngụy cho xây dựng “Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc”, gọi tắt là “Trại giam tù binh Phú Quốc” tại thung lũng An Thới. Toàn bộ trại giam là những dãy nhà tôn và dây kẽm gai được đan cột dày đặc.

Khi Trại giam tù binh Phú Quốc hoạt động, những chiến sĩ thuộc các lực lượng vũ trang trước kia bị giam ở Côn Đảo và các nhà tù khác lần lượt được đưa về giam tại đây. Đây là trại giam lớn nhất của Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn ở Việt Nam. Diện tích trại giam khoảng 400 ha, có 12 khu, mỗi khu có 4 phân khu, với gần 500 nhà giam. Giai đoạn 1967 – 1973, lúc cao điểm tại trại giam này, địch bắt, giam giữ hơn 40.000 chiến sĩ cách mạng.

Cũng giống như Côn Đảo, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ chọn Phú Quốc để lập trại giam vì chúng cho rằng Phú Quốc nằm giữa biển, cách biệt với đất liền, xa nhân dân, xa cách mạng nên có thể hạn chế những cuộc đấu tranh của tù binh, dễ canh giữ, dễ đàn áp hơn ở đất liền, dễ bưng bít dư luận, tránh được những cuộc tấn công để giải thoát tù binh và hạn chế được những cuộc vượt ngục.

Với dã tâm như vậy, “bài học” đầu tiên hay thủ tục nhập trại của tù binh là bị chúng đánh phủ đầu tới tấp bằng báng súng, dùi cui. Trong quá trình giam giữ tù binh, bọn chúng đã sử dụng mọi thủ đoạn thâm độc và tàn bạo, với các kiểu tra tấn dã man chẳng khác gì thời trung cổ như đóng đinh vào người, dùng que sắt nướng đỏ đâm xuyên qua người, đục răng và bẻ răng, lấy móng tay móng chân…

Mất nhân tính hơn, bọn chúng còn cho lật ngửa tấm vỉ sắt loại có lỗ tròn và đầy mấu để mắc vào nhau làm đường băng sân bay rồi bắt tù binh cởi hết áo quần, cắm đầu xuống vỉ sắt lộn ra sau, lộn đến khi lưng tóe máu, tróc da, tróc tóc… Một hình phạt khá phổ biến là chúng bắt tù binh (chỉ được mặc chiếc quần cộc) nhốt vào chuồng cọp làm bằng kẽm gai, phơi nắng, phơi sương, đêm lạnh, chúng dội lên người một xô nước lạnh gọi là giải khát cho cọp; những ngày nóng nực, chúng dội nước muối gọi là ướp cho mau lên cân…

Không tận mắt chứng kiến kẻ thù tra tấn, hành hạ tù binh, nhưng bất cứ ai khi đến thăm di tích lịch sử nhà tù Phú Quốc, đều không khỏi rùng mình, căm phẫn khi nhìn vào các hình ảnh được phục dựng lại: cảnh tù binh da bọc xương bị nhốt trong các chuồng cọp phơi giữa trời, tù binh bị chôn sống hoặc ném vào chảo nước đang sôi… Với các hình thức tra tấn hết sức dã man, nhà tù tồn tại trong 6 năm, từ tháng 7/1967 – 1/1973, đã có hơn 4.000 người bị chết trong các trại giam và hàng nghìn người bị tàn tật suốt đời…

Tuy nhiên, kẻ địch càng tra tấn tàn bạo thì càng làm bừng lên khí phách kiên trung, bất khuất của người cộng sản. Giữa nanh vuốt của kẻ thù, những chiến sỹ cộng sản vẫn luôn giữ trọn chí khí, một lòng theo Đảng, theo cách mạng. Trong lao tù, dù địch kìm kẹp, khủng bố, anh em tù binh, mà nòng cốt là những người cộng sản đã tập hợp lại đội ngũ, kiên quyết đấu tranh chống lại kẻ thù. Họ vẫn bí mật thành lập tổ chức Đảng, xác minh lý lịch để kết nạp đảng viên, chuyển đảng chính thức, duy trì nghiêm túc chế độ sinh hoạt Đảng; tổ chức học tập văn hóa, chính trị, chuyên môn nghiệp vụ; sinh hoạt văn hóa, văn nghệ…


Đặc biệt, với tinh thần kiên quyết bảo vệ sinh mạng chính trị của mình để sau này trở về tiếp tục chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng, anh em tù binh đã vận dụng nhiều hình thức từ thấp đến cao, từ hợp pháp đến bất hợp pháp để đấu tranh với địch. Mặt khác, họ luôn tìm cách để vượt ngục, mặc dù họ biết vượt ngục trở về với cách mạng là một việc làm hết sức khó khăn, nguy hiểm, đòi hỏi phải chịu nhiều gian khổ, hy sinh.

Đã có 41 cuộc vượt ngục, trong đó có 16 vụ vượt ngục đơn lẻ, 14 lần vượt rào, 4 lần ra bằng đường hầm, 7 lần cướp súng của địch. Bằng ý chí kiên cường, hơn hai trăm người đã vượt ngục thành công, về với cách mạng, tiếp tục tham gia chiến đấu ở địa phương. Đầu năm 1973, Hiệp định Pa-ri được ký kết, tù binh được trao trả và Trại giam tù binh Phú Quốc cũng chấm dứt tồn tại.

Ngày 12-10-1993, Bộ Văn hóa và Thông tin ra quyết định công nhận “địa điểm nhà tù Phú Quốc” là Khu di tích lịch sử. Năm 1995, Khu di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc được công nhận là Di tích cấp quốc gia. Năm 2015, được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Tháng 7 tri ân, đến thăm Di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc, xin được kính cẩn thắp nén tâm nhang để tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống mảnh đất này, vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Hiện Di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc – nơi ghi dấu tội ác của bọn thực dân, đế quốc xâm lược, nơi thể thể hiện tinh thần đấu tranh bất khuất của các chiến sĩ cách mạng đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục lòng yêu nước, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ; là điểm đến không thể thiếu của du khách trong và ngoài nước mỗi dịp đặt chân lên đảo ngọc.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Học tập - Lớp 9 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
2 3.538
0 Bình luận
Sắp xếp theo