Top 4 bài phân tích 2 câu đề bài Tự tình siêu hay

Phân tích Tự tình của Hồ Xuân Hương lớp 11 - Tự tình là tên một chùm thơ nổi tiếng của bà Chúa thơ Nôm với 3 tác phẩm Tự tình 1, 2, 3. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ mẫu dàn ý phân tích hai câu đề và hai câu thực bài Tự Tình 2 cùng với bài văn mẫu phân tích hai câu đề và hai câu thực bài Tự Tình, đoạn văn phân tích hai câu đầu Tự tình hay và chi tiết giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về tâm trạng của nhân vật trữ tình trong tác phẩm.

1. Dàn ý phân tích hai câu đề và hai câu thực bài Tự Tình 2

1. Mở bài

- Giới thiệu Hồ Xuân Hương

- Giới thiệu tác phẩm “Tự tình II” và bốn câu thơ đầu trong bài thơ:

2. Thân bài

– Hai câu thơ đầu mở ra cảm thức về thời gian và tâm trạng của nữ sĩ

+ Cảm thức về thời gian: Thời gian: đêm khuya. Âm hưởng của tiếng trống canh được đặt trong sự dồn dập, gấp gáp “trống canh dồn” cho thấy nữ sĩ cảm nhận sâu sắc bước đi không ngừng và vội vã của thời gian.

+ Cảm thức về tâm trạng: cảm nhận rõ ràng sự bẽ bàng của phận mình. Tác giả đã sử dụng biện pháp đảo ngữ, từ “trơ” được đưa lên đầu câu có tác dụng nhấn mạnh. “trơ” có nghĩa là tủi hổ, là bẽ bàng, cho thấy “bà Chúa thơ Nôm” đã ý thức sâu sắc bi kịch tình duyên của bản thân. Hai chữ “hồng nhan” được đặt cạnh danh từ chỉ đơn vị “cái” gợi lên sự bạc bẽo, bất hạnh của kiếp phụ nữ.

– Bức tranh tâm trạng đã được phóng chiếu rõ ràng hơn thông qua hai câu thơ tiếp theo

+ Cụm từ “say lại tỉnh” gợi lên sự tuần hoàn, luẩn quẩn, bế tắc đầy éo le của kiếp người đầy chua chát.

+ Hình tượng “vầng trăng” xuất hiện chính là ý niệm ẩn dụ cho cuộc đời của nữ sĩ: trạng thái “bóng xế”, sắp tàn nhưng vẫn “khuyết chưa tròn” nhấn mạnh bi kịch của cảm thức về thân phận: tuổi xuân đã trôi qua nhưng nhân duyên mãi mãi là sự dang dở, lỡ dở không trọn vẹn.

→ Bức tranh ngoại cảnh đồng nhất với bức tranh tâm trạng.

3. Kết bài

- Khái quát lại vấn đề nội dung của hai câu đề và hai câu thực

2. Phân tích hai câu đề và hai câu thực bài Tự Tình (II) của Hồ Xuân Hương

Trong xã hội phong kiến xưa, số phận người phụ nữ luôn là tấm gương oan khổ của những éo le, bất công. Sống trong xã hội với quan điểm “trọng nam khinh nữ”, có những người trầm lặng cam chịu, nhưng cũng có những người ý thức sâu sắc được bi kịch bản thân, cất lên tiếng nói phản kháng mạnh mẽ. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương là một trong những người phụ nữ làm được điều đó. Bài thơ “Tự tình II” nằm trong chùm thơ bao gồm ba bài là tác phẩm thể hiện rõ điều này. Bốn câu thơ đầu trong bài thơ đã làm nổi bật hoàn cảnh cũng như tâm trạng vừa buồn tủi, vừa phẫn uất muốn vượt lên trên số phận của nữ sĩ:

“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn

Trơ cái hồng nhan với nước non

Chén rượu hương đưa say lại tỉnh

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”.

Tâm trạng của tác giả đã được gợi lên trong đêm khuya, và cảm thức về thời gian đã được tô đậm, nhấn mạnh để làm nền cho cảm thức tâm trạng:

Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,

Trơ cái hồng nhan với nước non.

Thời gian lúc nửa đêm nên không gian thật vắng lặng, tịch mịch, chỉ nghe tiếng trống cầm canh từ xa vẳng lại, vạn vật đã chìm sâu trong giấc ngủ, chỉ có nhà thơ còn trăn trở thao thức với tâm sự riêng tây.

Đã nghe văng vẳng thì không thể có tiếng trống thúc dồn dập được. Âm thanh tiếng trống trở thành âm vang của cõi lòng nôn nao, bồn chồn. (Mỏ thảm không khua mà cũng cốc/ Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om). Bao sức sống dồn nén trong chữ dồn ấy như chực trào ra.

Lẻ loi trước thời gian đêm khuya và bẽ bàng trước không gian non nước nên cái hồng nhan trơ ra. Cách dùng từ sáng tạo và đầy bất ngờ: hồng nhan là một vẻ đẹp thanh quý mà dùng từ cái tầm thường để gọi thì thật là rẻ rúng, đầy mỉa mai chua xót. Trơ là một nội động từ chỉ trạng thái bất động, hàm nghĩa đơn độc, chai sạn trước nắng gió cuộc đời. Biện pháp đảo ngữ trơ cái hồng nhan đã nhấn mạnh nỗi đơn độc, trơ trọi, bẽ bàng của thân phận. Câu thơ chứa đựng nỗi dau của kiếp hồng nhan. Đặt cái hồng nhan trong mối tương quan với nước non quả là táo bạo, thách thức, cho thấy tính cách mạnh mẽ của nữ thi sĩ, khao khát bứt phá khỏi cái lồng chật hẹp của cuộc đời người phụ nữ phong kiến.

Hai câu thực nói rõ hơn tàm trạng của nhà thơ:

Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.

Hai câu thơ có hai hình ảnh ẩn dụ. Hương rượu như hương tình, lúc lên men dậy sóng nhưng cũng chóng nhạt phai nên cuộc đời chao đảo, ngả nghiêng. Thật là trớ trêu cho con tạo. Cái ngọt ngào nồng nàn chỉ thoảng qua còn lại là dư vị chua chát, đắng cay. Say rồi lại tỉnh gợi cái vòng luẩn quẩn, dở dang. Còn vầng trăng khuya càng thêm chơ vơ, lạnh lẽo. Trăng đã xế như tuổi đã luống mà chưa bao giờ có được hạnh phúc trọn vẹn. Hai hình ảnh gợi hai lần đau xót. Vầng trăng của Thuý Kiều (Truyện Kiều - Nguyễn Du) là vầng trăng vỡ, còn của Xuân Hương mãi mãi là vầng trăng khuyết.

Như vậy, thông qua cách sử dụng ngôn ngữ giàu giá trị biểu đạt kết hợp với những biện pháp tu từ như đảo ngữ, cùng những sáng tạo trong việc xây dựng hình tượng, bốn câu thơ đầu của bài thơ “Tự tình II” đã làm nổi bật cảm thức về thời gian, cho thấy tâm trạng buồn tủi cũng như ý thức sâu sắc về bi kịch duyên phận đầy éo le, ngang trái của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.Chính những yếu tố trên đã giúp bà trở thành “Bà Chúa thơ Nôm”, đồng thời cũng là nhà thơ phụ nữ viết về phụ nữ với tiếng nói cảm thương và tiếng nói tự ý thức đầy bản lĩnh.

3. Phân tích 4 câu thơ đầu bài Tự tình

Hồ Xuân Hương là một trong những nữ thi sĩ xuất sắc của Việt Nam, số lượng tác phẩm bà để lại khá nhiều và phong cách sáng tác thơ chủ yếu của Hồ Xuân Hương chính là tả cảnh ngụ tình. Bà còn được biết đến với hình ảnh của một nữ nhà thơ viết nhiều về thân phận người phụ nữ, là người dũng cảm đề cao vẻ đẹp, sự hi sinh và đức hạnh của người phụ nữ, đồng thời lên tiếng bên vực cho họ và phê phán lên án gay gắt chế độ xã hội cũ. Tự tình là một trong những bài thơ hay, chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc của chính tác giả và cũng là của người phụ nữ nói chung.

Bài thơ tự tình mở đầu với 2 câu thơ vừa tả cảnh nhưng cũng tả hình ảnh của một người phụ nữ - hay có thể gọi là hồng nhan. Nhưng tiếc thay, hồng nhan đó lại rơi vào hoàn cảnh cô đơn trống vắng, giữa đêm khuya u tịch.

“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn

Trơ cái hồng nhan với nước non”

Những cơn sóng cảm xúc đang cuộn xoáy trong lòng khiến nữ sĩ suy tư trăn trở, thao thức thâu đêm. Tiếng trống cầm canh lâu lâu lại điểm, báo thời gian đang trôi qua. Bước chân của đêm tối mới nặng nề càng làm in sâu nỗi đau đời âm ỉ, dai dẳng thiêu đốt tâm can nữ sĩ bấy lâu nay bật thốt thành lời chua chát, đắng cay. Hồng nhan là gương mặt đẹp, thường được dùng để chỉ phụ nữ nói chung và những người con gái đẹp nói riêng. Là một người phụ nữ có nhan sắc, nhưng lại được miêu tả “trơ với nước non”. Trước cuộc đời rộng lớn, người phụ nữ đó nhận ra thân phận của mình lẻ loi đơn chiếc, và âm thanh của trống cầm canh lại càng điểm thêm một nỗi buồn, trống vắng khó tả. Người phụ nữ ấy đã tìm đến rượu để giải sầu:

Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.

Những tưởng như nỗi bất hạnh đã khiến tâm hồn hoá thành gỗ đá nhưng không phải. Trái tim còn đập nên ý thức vẫn còn, nữ sĩ đành say cho quên vậy. Mỗi khi có chuyện gì đó sầu muộn, người xưa thường tìm đến trăng đến rượu để ngỏ cùng bầu tâm sự. Chỉ muốn uống thật say, hương rượu thật nồng để quên đi tất cả, nhưng nghịch lí thay, chén rượu đưa lên mũi, hương nồng vào mũi nhưng người muốn say nhưng tâm và suy nghĩ vẫn đang rất tĩnh. Không có nỗi buồn nào biến mất ở đây,mà càng làm hiện hữu rõ nỗi lòng của người phụ nữ lúc này. Hình ảnh vầng trăng xuất hiện nhưng khuyết chưa tròn. Phải chăng, ngụ ý cho thân phận cho hạnh phúc của chính tác giả. Là người tài giỏi nhưng duyên phận hẩm hiu.chưa một lần trọn ven. Tuổi xuân dần đi qua mà hạnh phúc vẫn chưa tới bến đỗ.

Tỉnh thì đau khổ nhưng mình vẫn còn được là mình không đến nỗi tuyệt vọng. Lời dạy của trời đất sâu kín mà rành rành trước mắt, ngụ ở ngay trong rêu đá. Hình ảnh rêu được đưa ra đây nhưng mang những dụ ý sâu xa của tác giả Hồ Xuân Hương, rêu là loài mỏng manh nhỏ bé nhưng lại có sức sống vô cùng mạnh mẽ, không dừng lại đó, ở bất cứ một điều kiện nào thì nó vẫn có thể tươi tốt, dù là điều kiện sống như thế nào đi chăng nữa. Hình ảnh rêu từng đám đâm xuyên ngang mặt đất gợi ra cho chúng ta những liên tưởng mạnh mẽ về sự phản kháng mạnh mẽ cũng như sự chống đối của nó với thứ có thể mạnh hơn nó. Hình ảnh đá cũng vậy, đối lập với sự nhỏ bé của những viên đá với sự rộng lớn của trời đất, nó lại càng làm nổi bật sức mạnh của những viên đá, quả thực nó không tầm thường một tí nào. Sự đồng điệu của người và thiên nhiên, luôn đối mặt với khó khăn thách thức nhưng chưa bao giờ đi đến thành công. Kiếp làm vợ lẽ, dù cố thoát ra nhưng vẫn không được.

Tự tình là một bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ và phong cách cũng như tư tưởng của Hồ Xuân Hương đặc biệt là những vấn đề xoay quanh người phụ nữ. Bài thơ trĩu nặng một nỗi buồn nhưng không hề bi lụy bởi nổi bật lên trên hết là cốt cách cứng cỏi, tâm hồn nhạy cảm và mạnh mẽ đã giúp nữ sĩ vượt qua bao bất hạnh của cuộc đời. Bài thơ vừa là tiếng lòng riêng của nữ sĩ, vừa là tiếng lòng chung của người phụ nữ trong xã hội phong kiến thuở ấy. Qua đây chúng ta cũng thấy được một Hồ Xuân Hương vừa yếu mềm nhưng cũng thật ngang tàng mạnh mẽ khi dám bộc lộ những suy nghĩ của chính mình.

4. Cảm nhận hai câu đề và hai câu thực bài Tự Tình 2

“Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”

(Ca dao)

Trong xã hội phong kiến xưa, số phận người phụ nữ luôn là tấm gương oan khổ của những éo le, bất công. Sống trong xã hội với quan điểm “trọng nam khinh nữ”, có những người trầm lặng cam chịu, nhưng cũng có những người ý thức sâu sắc được bi kịch bản thân, cất lên tiếng nói phản kháng mạnh mẽ. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương là một trong những người phụ nữ làm được điều đó. Bài thơ “Tự tình II” nằm trong chùm thơ bao gồm ba bài là tác phẩm thể hiện rõ điều này. Bốn câu thơ đầu trong bài thơ đã làm nổi bật hoàn cảnh cũng như tâm trạng vừa buồn tủi, vừa phẫn uất muốn vượt lên trên số phận của nữ sĩ:

“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn

Trơ cái hồng nhan với nước non

Chén rượu hương đưa say lại tỉnh

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”.

Tâm trạng của tác giả đã được gợi lên trong đêm khuya, và cảm thức về thời gian đã được tô đậm, nhấn mạnh để làm nền cho cảm thức tâm trạng:

“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn

Trơ cái hồng nhan với nước non”

Âm hưởng của tiếng trống canh được đặt trong sự dồn dập, gấp gáp “trống canh dồn” cho thấy nữ sĩ cảm nhận sâu sắc bước đi không ngừng và vội vã của thời gian. Ở bài thơ “Tự tình I”, chúng ta cũng đã bắt gặp cảm thức về thời gian: “Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom”. Từ “văng vẳng” được sử dụng để diễn tả rõ sự não nề, lo lắng trong tâm trạng. Đối với Hồ Xuân Hương, cảm nhận về bước đi của thời gian chính là sự rối bời trong tâm trạng.

Trong thời gian nghệ thuật đó, nữ sĩ cảm nhận rõ ràng sự bẽ bàng của phận mình: “Trơ cái hồng nhan với nước non”. Trong câu thơ, tác giả đã sử dụng biện pháp đảo ngữ, từ “trơ” được đưa lên đầu câu có tác dụng nhấn mạnh. Xét về sắc thái ngữ nghĩa, “trơ” có nghĩa là tủi hổ, là bẽ bàng, cho thấy “bà Chúa thơ Nôm” đã ý thức sâu sắc bi kịch tình duyên của bản thân. Chúng ta cũng đã từng bắt gặp từ “trơ” với sắc thái tương tự khi Nguyễn Du viết về nàng Kiều: “Đuốc hoa để đó, mặc nàng nằm trơ” (“Truyện Kiều” - Nguyễn Du). Nhưng với Hồ Xuân Hương, bà không chỉ ý thức về duyên phận mà còn trực diện mỉa mai một cách thâm thúy và cay đắng. Hai chữ “hồng nhan” được đặt cạnh danh từ chỉ đơn vị “cái” gợi lên sự bạc bẽo, bất hạnh của kiếp phụ nữ.

Bức tranh tâm trạng đã được phóng chiếu rõ ràng hơn thông qua hai câu thơ tiếp theo:

“Chén rượu hương đưa say lại tỉnh

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”.

Cụm từ “say lại tỉnh” gợi lên sự tuần hoàn, luẩn quẩn, bế tắc đầy éo le của kiếp người đầy chua chát: càng cuốn mình trong men say càng tỉnh táo nhận ra bi kịch của bản thân. Hình tượng “vầng trăng” xuất hiện chính là ý niệm ẩn dụ cho cuộc đời của nữ sĩ. Người xưa từng nói về mối quan hệ biện chứng giữa bức tranh ngoại cảnh và bức tranh tâm trạng: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Còn với nữ sĩ, lúc này đây, ngoại cảnh và tâm cảnh đã hòa làm một. Hình ảnh “vầng trăng” ở trạng thái “bóng xế”, sắp tàn nhưng vẫn “khuyết chưa tròn” nhấn mạnh bi kịch của cảm thức về thân phận: tuổi xuân đã trôi qua nhưng nhân duyên mãi mãi là sự dang dở, lỡ dở không trọn vẹn. Điều này xuất phát từ bi kịch tình duyên của nữ sĩ: tình yêu tuổi thanh xuân không có kết quả, phải chấp nhận hai lần làm lẽ và cả hai lần đều góa bụa.

Như vậy, thông qua cách sử dụng ngôn ngữ giàu giá trị biểu đạt kết hợp với những biện pháp tu từ như đảo ngữ, cùng những sáng tạo trong việc xây dựng hình tượng, bốn câu thơ đầu của bài thơ “Tự tình II” đã làm nổi bật cảm thức về thời gian, cho thấy tâm trạng buồn tủi cũng như ý thức sâu sắc về bi kịch duyên phận đầy éo le, ngang trái của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.Chính những yếu tố trên đã giúp bà trở thành “Bà Chúa thơ Nôm”, đồng thời cũng là nhà thơ phụ nữ viết về phụ nữ với tiếng nói cảm thương và tiếng nói tự ý thức đầy bản lĩnh.

6. Đoạn văn phân tích hai câu đầu Tự tình

“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn”.

“Đêm khuya” là khoảng thời gian mà vạn vật đã chìm vào giấc ngủ. Đó cũng là khoảng thời gian con người gạt bỏ hết những trăn trở, âu lo để trở về với hạnh púc gia đình, hạnh phúc lứa đôi. Nhưng với những người phụ nữ cô đơn, thì “đêm khuya” chính là lúc con người ta chất chứa nhiều tâm sự, là khoảng thời gian tâm tư sâu lắng nhất, thấm thía nhất nỗi bất hạnh, cô đơn đến tột cùng. Hồ Xuân Hương cũng vậy, khi màn đêm bao trùm lấy cảnh vật, cũng là lúc bản thân phải tự đối diện với lòng mình. Trong cái không gian tĩnh mịch ấy, bỗng “văng vẳng” tiếng “trống canh”. “Trống canh” là báo hiệu của thời gian, nay kết hợp với từ láy tượng thanh “văng vẳng” khiến âm thanh như từ xa vọng về, đầy ma mị, rối bời. Từ “dồn” như muốn nói lên sự dồn đuổi của thời gian lên cảnh vật, như thúc giục mọi người. Tuy nhiên, cấu trúc đảo ngữ đã khẳng định đây không chỉ là sự dồn đuổi của thời gian lên cảnh vật mà còn là sự dồn đuổi của tuổi trẻ giữa cái vòng tuần hoàn ngày-đêm của tạo hóa. Nếu như thời gian của cuộc đời là vô thủy, vô trung thì thời gian của đời người là hữu hạn. Giữa không gian yên ắng ấy là hình ảnh người phụ nữ lọt thỏm giữa bốn bề vắng lặng:

“Trơ cái hồng nhan với nước non”.

“Trơ” có nghĩa là trơ trọi, được đặt ở đầu câu gây ấn tượng mạnh. Người phụ nữ trơ trọi giữa không gian lạnh lẽo, yên ắng. Từ “trơ” cũng có nghĩa là tủi hổ, bẽ bàng trước số phận lẻ loi, tình duyên không trọn. Từ xưa đến nay, người ta dùng từ “hồng nhan” để chỉ người con gái đẹp với hàm ý nâng niu, trân trọng. Nhưng Xuân Hương lại nói “cái hồng nhan” thì nghe thật rẻ rúng, mỉa mai. “Cái hồng nhan” “trơ” với nước non không chỉ là dầu dãi mà còn là cay đắng, gợi nên sự bạc phận, xót xa. Tuy nhiên, “cái hồng nhan” khi đặt trong thế đối sánh với “nước non” như một thoáng kiên cường, mạnh mẽ, như một sự thách thức, kiêu hãnh của một tâm hồn đầy cá tính. Biện pháp đảo ngữ cho thấy bên cạnh nỗi đau Xuân Hương còn là một bản lĩnh Xuân Hương.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 11 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
4 16.982
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo