(2 đề) Đọc hiểu Một người Hà Nội

Nguyễn Khải là cây bút đa tài, văn phong thâm trầm, tinh tế, giàu chất triết lí, nhưng cũng hóm hỉnh, giễu cợt sâu cay. Một người Hà Nội là một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông, qua nhân vật bà Hiền, cảm nhận được lối sống và bản lĩnh văn hóa của người Hà Nội- đó là vẻ đẹp của những con người bình thường mà cuộc đời họ song hành cùng những chặng đường gian lao của đất nước và chính họ đã góp phần làm nên lịch sử dân tộc. Sau đây là bộ đề đọc hiểu  văn bản Một người Hà Nội có đáp án sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về tác phẩm.

Một người Hà Nội đọc hiểu

Văn bản Một người Hà Nội

….Cô Hiền bên ngoại, chị Đại bên nội là những người đàn bà có đầu óc rất thực tế. Mọi sự mọi việc đều được các bà tính toán trước cả. Và luôn luôn tính đúng vì không có lòng tự ái, sự ganh đua, thói thời thượng chen vô. Không có cả sự lãng mạn hay mộng mơ vớ vẩn. Đã tính là làm, đã làm là không thèm để ý đến những đàm tiếu của thiên hạ. Cô tuyên bố thẳng thừng với tôi: “Một đời tao chưa từng bị ai cám dỗ, kể cả chế độ”.

Gần ba chục tuổi cô mới đi lấy chồng, không lấy một ông quan nào hết, cũng chẳng hứa hẹn gì với đám nghệ sĩ văn nhân, đùa vui một thời còn son trẻ thế là đủ, bây giờ phải làm vợ làm mẹ, cô chọn bạn trăm năm là một ông giáo cấp tiểu học hiền lành, chăm chỉ khiến cả Hà Nội phải kinh ngạc. Có gì mà kinh ngạc, cô đã tính trước cả. Sau khi sinh đứa con gái út, người con thứ năm, cô nói với chồng: “Từ nay là chấm dứt chuyện sinh đẻ, bốn mươi tuổi rồi, nếu ông và tôi sống đến sáu chục thì con út đã hai mươi, có thể tự lập, khỏi sống bám vào các anh chị”. Là thôi hẳn.

Cô bảo tôi: “Mày bắt nạt vợ mày quá, không để nó tự quyết định bất cứ việc gì, vậy là hỏng. Người đàn bà không là nội tướng thì cái gia đình ấy cũng chẳng ra sao”. Khi các con còn nhỏ, ngồi vào bàn ăn cô thường chú ý sửa chữa cách ngồi, cách cầm bát cầm đũa, cách múc canh, cả cách nói chuyện trong bữa ăn. Cô vẫn răn lũ con tôi: “Chúng mày là người Hà Nội thì cách đi đứng nói năng phải có chuẩn, không được sống tùy tiện, buông tuồng”. Có lần tôi cãi: “Chúng tôi là người của thời loạn, các cụ lại bắt dạy con cái theo thời bình là khó lắm”. Cô ngồi ngẩn ra một lúc, rồi bảo: “Tao chỉ dạy chúng nó biết tự trọng, biết xấu hổ còn sau này muốn sống ra sao là tùy”.

Đầu năm 1965, Hà Nội có đợt tuyển quân vào chiến đấu trong Nam, là đợt đầu tiên nên tuyển chọn rất kỹ càng, lứa tuổi từ 18 đến 25, diễn viên cải lương và kịch nói có, nhạc sĩ có, họa sĩ có, giáo viên trung học rất đông, là những chàng trai ưu tú của Hà Nội. Nghe nói khoảng 660 người. Người con trai đầu của cô Hiền vừa tốt nghiệp trung học, tình nguyện đăng ký xin đi đánh Mỹ. Tháng 4 năm 1965, lên Thái Nguyên huấn luyện. Tháng 7 rời Thái Nguyên vào Nam. Họ dừng lại ở Hà Nội vài giờ vào lúc tối, nhưng không một ai biết. Tôi hỏi cô: “Cô bằng lòng cho em đi chiến đấu chứ ?" Cô trả lời: "Tao đau đớn mà bằng lòng, vì tao không muốn nó sống bám vào sự hy sinh của bạn bè. Nó dám đi cũng là biết tự trọng". Ba năm cô không nhận được tin tức gì về đứa con đã ra đi, lại đến thằng con kế làm đơn xin tòng quân, cũng đòi vào chiến trường phía trong để gặp anh, nếu anh đã hy sinh thì nối tiếp chí hướng của anh. Tôi hỏi lại cô: “Cô cũng đồng ý cho nó đi à ?” Cô trả lời buồn bã: "Tao không khuyến khích, cũng không ngăn cản, ngăn cản tức là bảo nó tìm đường sống để các bạn nó phải chết, cũng là một cách giết chết nó”. Rồi cô chép miệng: "Tao cũng muốn được sống bình đẳng với các bà mẹ khác, hoặc sống cả hoặc chết cả, vui lẻ thì có hay hớm gì”.

(….) Cô Hiền không bình luận một lời nào về những nhận xét không mấy vui vẻ của tôi về Hà Nội. Cô than thở với tôi rằng dạo này cô thường nghĩ ngợi mọi chuyện một cách duy tâm, y hệt một bà già nhà quê. Mùa hè năm nọ, bão vào Hà Nội gào rú một đêm, sáng ra mở cửa nhìn sang đền Ngọc Sơn mà hãi. Cây si cổ thụ đổ nghiêng tàn cây đè lên hậu cung, một phần bộ rễ bật gốc chổng ngược lên trời. Lập tức cô nghĩ ngay tới sự khác thường, sự dời đổi, điềm xấu, là sự ra đi của một thời.

Với người già, bất kể ai, cái thời đã qua luôn là thời vàng son. Mỗi thế hệ đều có thời vàng son của họ. Hà Nội thì không thế. Thời nào nó cũng đẹp, một vẻ đẹp riêng cho một lứa tuổi. Cô nói với tôi thế, đã biết nói thế đâu phải đã già. Mấy ngày sau, cô kể tiếp, thành phố cho máy cẩu tới đặt bên kia bờ, quàng dây tời vào thân cây si rồi kéo dần lên, mỗi ngày một tí. Sau một tháng, cây si lại sống, lại trổ ra lá non, vẫn là cây si của nhiều thế hệ Hà Nội, nghĩ cứ lạ, tưởng là chết đứt bổ ra làm củi, mà lại sống. Cô nói thêm: "Thiên địa tuần hoàn, cái vào ra của tạo vật không thể lường trước được".

Cô muốn mở rộng sự tính toán vốn dĩ đã rất khôn ngoan của mình lên thêm một tầng nữa chăng, cái tầng vô hình, không thể biết, nhưng phải biết là trên đời này còn có nhiều lý sự không thể biết để khỏi bị bó vào những cái có thể biết. Bà già vẫn giỏi quá, bà khiêm tốn và rộng lượng quá. Một người như cô phải chết đi thật tiếc, lại một hạt bụi vàng của Hà Nội rơi xuống chìm sâu vào lớp đất cổ. Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kỳ chói sáng những ánh vàng.

(Trích Một người Hà Nội - Nguyễn Khải)

Một người Hà Nội trắc nghiệm

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản trên là?

A. Tự sự.

B. Miêu tả.

C. Nghị luận.

D. Biểu cảm.

Câu 2. Truyện được kể theo ngôi thứ mấy, có điểm nhìn nghệ thuật như thế nào?

A. Ngôi thứ ba, có điểm nhìn hạn tri

B. Ngôi thứ ba, có điểm nhìn toàn tri

C. Ngôi thứ nhất, có điểm nhìn hạn tri

D. Ngôi thứ nhất, có điểm nhìn toàn tri

Câu 3: Nhan đề Một người Hà Nội có ý nghĩa gì?

A. Thể hiện cách cảm nhận của nhà văn về chất kinh kì của một con người cụ thể.

B. Khắc sâu vẻ đẹp bản lĩnh cốt cách người Hà Nội.

C. Định hướng cho người đọc nắm bắt ngay ý đồ nghệ thuật của tác giả.

D. Cả 3 đáp án trên đều đúng

Câu 4: Trong tác phẩm khi được nhân vật “tôi” hỏi về việc con trai viết đơn xin đi bộ đội, bà Hiền đã trả lời: “Tao không khuyến khích, cũng không ngăn cản, ngăn cản tức là bảo nó tìm đường sống để các bạn nó phải chết, cũng là một cách giết chết nó”. Câu nói trên của bà Hiền thể hiện điều gì?

A. Cô Hiền là người phụ nữ giàu tự trọng và sống có trách nhiệm. Bà cũng dạy con cái của mình như vậy.

B. Cô Hiền là người phụ nữ giàu tình yêu thương con

C. Cô Hiền là người phụ nữ biết chu toàn mọi việc như một người nội tướng trong gia đình.

D. Cả ba các đáp án trên đều đúng.

Câu 5. Cách sống của bà Hiền có điểm gì đáng lưu ý?

A. Sống theo nguyên tắc một cách cứng nhắc, chẳng hạn cách dạy con khá bảo thủ.

B. Luôn có ý thức về tư cách “người Hà Nội”; đề cao lòng tự trọng và trách nhiệm công dân; thiết tha với việc bảo tồn, phát huy những nét văn hoá Hà Nội trong cuộc sống hôm nay.

C. Bị người chồng ngược đãi. Nhưng cam chịu nhẫn nhục.

D. Cách giao tiếp và ứng xử thiếu một chiều sâu văn hoá cùng sự lịnh lãm

Câu 6. Nhân vật bà Hiền trong truyện “Một người Hà Nội”:

A. Khát khao được chiến đấu giết giặc

B. Không tin một cách viển vông về thuyết “trời sinh voi sinh cỏ” mà bà tin con cái phải được nuôi dạy chu đáo để chúng “có thể sống tự lập”

C. Căm thù giặc sâu sắc, nên thường xuyên ghi chép tội ác của giặc vào cuốn sổ tay gia đình

D. Có cuộc đời lam lũ, chồng chất đau thương

Câu 7. Trong truyện “Một người Hà Nội”, nhân vật bà Hiền quan niệm người Hà Nội, có “chuẩn” chứ không sống tuỳ tiện, buông tuồng. “Chuẩn” trong suy nghĩ của bà Hiền biểu hiện rõ nhất ở:

A. Lòng tự trọng

B. Lễ phép

C. Cử chỉ, hành động

D. Lời nói và việc làm

Trả lời câu hỏi:

Câu 8 (0.5điểm): Từ "họ" được sử dụng trong đoạn trích để chỉ đối tượng nào? Điểm chung của các đối tượng đó là gì?

Từ "họ" được sử dụng trong đoạn trích để chỉ: diễn viên cải lương và kịch nói, nhạc sĩ, họa sĩ, giáo viên trung học, những chàng trai ưu tú của Hà Nội.

- Điểm chung : đều còn rất trẻ, lứa tuổi từ 18 đến 25 tuổi.

Câu 9 (1.0 điểm): Biểu hiện của lòng tự trọng ở hai người con trai cô Hiền được thể hiện qua sự việc nào?

Biểu hiện của lòng tự trọng ở hai người con trai cô Hiền được thể hiện qua sự việc:

- Người con trai đầu của cô Hiền vừa tốt nghiệp trung học, tình nguyện đăng kí xin đi đánh Mĩ

- Con kế làm đơn xin tòng quân, cũng đòi vào chiến trường phía trong để gặp anh, nếu anh đã hy sinh thì nối tiếp chí hướng của anh.

Câu 10 (1.0 điểm): Suy nghĩ của anh/chị về lòng tự trọng của con người trong thời đại ngày nay.

- Tự trọng là coi trọng, giữ gìn phẩm cách, danh dự, giá trị bản thân. Người đi có lòng tự trọng sẽ là người có nhận thức và hành động đúng đắn, sống theo chiều hướng tích cực, góp phần giúp ích cho cuộc sống, cho xã hội và cho người khác.

- Lòng tự trọng là một nhân tố quan trọng góp phần tạo nên giá trị bản thân của một người, đồng thời nó là nền tảng điều chỉnh suy nghĩ, hành động giúp bạn để trở thành người có lối sống đẹp, được nhiều người quý trọng.

- Xã hội có nhiều người có lòng tự trọng càng tốt đẹp, phát triển ổn định và bền vững; danh dự đất nước, giống nòi càng được bè bạn quốc tế yêu mến, khâm phục,...

Một người Hà Nội tự luận

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích?

Câu 2: Đoạn trích trên được kể theo ngôi thứ mấy? Ai là người kể?

Câu 3: Nhân vật chính trong đoạn trích ?

Câu 4: Nêu nội dung chính của đoạn trích?

Câu 5: Việc trích dân những câu nói của cô Hiền trong đoạn trích có tác dụng gì?

Câu 6: Qua đoạn trích trên anh (chị) hãy viết một đoạn văn ngắn trình bày cảm xúc của bản thân về Hà Nội?

Gợi ý

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: Tự sự

Câu 2:

- Đoạn trích trên được kể theo ngôi thứ nhất

- Người kể chuyện là nhân vật Tôi

Câu 3: Nhân vật chính: Cô Hiền- người Hà Nội

Câu 4: Nêu nội dung chính của đoạn trích: kể về cô Hiền- người Hà Nội. Cô Hiền là người phụ nữ giàu tự trọng và sống có trách nhiệm. Bà cũng dạy con cái của mình như vậy.

- Cô Hiền luôn có ý thức về tư cách “người Hà Nội”; đề cao lòng tự trọng và trách nhiệm công dân; thiết tha với việc bảo tồn, phát huy những nét văn hoá Hà Nội trong cuộc sống hôm nay.

Câu 5: Việc trích dân những câu nói của cô Hiền trong đoạn trích cho ta thấy vẻ đẹp phẩm chất đáng quý của nhân vật.

- Với tư cách là người mẹ, cô Hiền không khỏi đau xót, thương tâm nhưng càng thương con thì cô càng muốn chúng sống đúng với bổn phận, với trách nhiệm của mình

- Với tư cách một công dân, cô Hiền là người có trách nhiệm với đất nước, có ý thức cộng đồng sâu sắc. Cô ý thức được đất nước đang cần những hi sinh và bao thế hệ của con trai cô cũng đã đi lính, đã dâng hiến cho đất nước.

Câu 6:

- Học sinh thể hiện được cảm xúc của bản thân về Hà Nội

VD: Cảm xúc về lịch sử văn hoá Hà Nội

Cảm xúc về con người Hà Nội.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Lớp 11 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
2 41
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm