Điều kiện kết hôn mới nhất theo quy định của Luật hôn nhân gia đình 2021

Đăng ký kết hôn là một thủ tục không thể thiếu khi nam, nữ muốn trở thành vợ chồng hợp pháp. Sau đây là điều kiện kết hôn mới nhất theo quy định của Luật hôn nhân gia đình 2021, mời các bạn tham khảo.

1. Điều kiện kết hôn theo Luật hôn nhân gia đình

Theo quy định tại Điều 8 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định về điều kiện kết hôn giữa nam và nữ như sau:

Quy định về năng lực hành vi dân sự: Một trong các yếu tố để một người có thể kết hôn là họ không bị mất năng lực hành vi dân sự. Một người bị coi là mất năng lực hành vi dân sự khi họ bị mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác mà không thể làm chủ được hành vi của mình, người có quyền lợi liên quan yêu cầu tòa án tuyên người đó mất năng lực hành vi dân sự dựa trên kết luận của tổ chức giám định có thẩm quyền. Đây là một yếu tố quan trọng để có một gia đình hạnh phúc và lâu dài.

Khi một người bị mất năng lực hành vi dân sự đồng nghĩa với việc họ không làm chủ được ý chí của mình, không có khả năng để hoàn thành tốt vai trò của người vợ, người chồng hay người cha, người mẹ. Luật quy định đây là một trong những điều kiện để kết hôn nhằm hạn chế cao nhất trường hợp đáng tiếc xảy ra trong hôn nhân, tránh ảnh hưởng xấu cho thế hệ sau.

Quy định về tuổi kết hôn: Tuổi kết hôn được hiểu là tuổi mà một người được phép lấy vợ/chồng, thực hiện quyền và nghĩa vụ làm cha làm mẹ của mình. Không dừng ở đó, tuổi kết hôn ở đây còn là căn cứ để một người khi làm cha làm mẹ có đầy đủ khả năng nuôi dưỡng con của mình một cách tốt nhất. Tuổi kết hôn ở Việt Nam được quy định đối với nam từ đủ 20 tuổi, đối với nữ từ đủ 18 tuổi.

Từ đủ ở đây được hiểu là sau sinh nhật lần thứ 20 đối với nam và sau sinh nhật lần thứ 18 đối với nữ. Luật hôn nhân gia đình 2014 đưa ra quy định này dựa trên căn cứ về khoa học và sự phát triển tâm sinh lý của hai bên và điều kiện kinh tế – xã hội ở nước ta. Quy định này thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với sức khỏe của thế hệ cha mẹ trong tương lai để đảm bảo họ có thể đảm nhận được trách nhiệm và thực hiện tốt nó.

Quy định sự tự nguyện của nam và nữ trong kết hôn: Sự tự nguyện của nam và nữ trong kết hôn được hiểu là sự mong muốn xuất phát từ ý chí của cả hai đều mong muốn đi tới hôn nhân. Quyết định này không bị tác động bởi ý chí của các bên hay bất kì ai dẫn đến việc họ kết hôn trái với nguyện vọng của họ.

Việc họ muốn trở thành vợ chồng xuất phát từ tình yêu thương, sự thấu hiểu và chia sẻ lẫn nhau trong cuộc sống, họ nhận ra được vai trò của người kia trong cuộc sống của họ. Sự tự nguyện này thường được thể hiện ở việc cùng nhau đi đăng kí kết hôn. Luật quy định việc kết hôn phải dựa trên sự tự nguyện để đảm bảo cho họ được tự do thể hiện ý chí, tình cảm khi kết hôn và khẳng định mục đích xây dựng gia đình và chung sống lâu dài của họ.

Quy định về các điều cấm của luật trong kết hôn: Để đảm bảo được việc kết hôn không bị trái pháp luật thì người kết hôn cần phải lưu ý các trường hợp sau:

Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo:

Ví dụ: Anh A và chị B kết hôn với nhau được 5 năm, cuộc sống vật chất của gia đình tương đối ổn định. Trước khi kết hôn chị B có vay của một cá nhân số tiền là 200 triệu đồng để kinh doanh. Việc kinh doanh không được thuận lợi, chị B không muốn trả số nợ trên nên đã ra kế hoạch: Chị B chuyển nhượng toàn bộ tài sản đứng tên mình cho chồng sau đó hai người ly hôn để trốn tránh trách nhiệm trả nợ cho cá nhân kia. Trong quãng thời gian sau này, hai người vẫn lén lút gặp và ở với nhau như vợ chồng trước đây.

Đây là việc ly hôn giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ cho bên kia, chiếm đoạt số tiền đã vay là 200 triệu đồng.

Để đảm bảo việc kết hôn dựa trên tinh thần tự nguyện, lấy tình cảm nam nữ làm cơ sở để duy trì hạnh phúc gia đình. Luật đã cấm việc kết hôn giả tạo, hoặc ly hôn giả tạo nhằm che đậy hành vi vi phạm pháp luật hoặc trốn tránh nghĩa vụ đối với bên thứ 3 để tiến tới một xã hội công bằng, trong sạch.

Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn:

Ví dụ: Anh A và chị B quen và yêu nhau được 3 năm, dự định sẽ kết hôn vào cuối năm. Người đồng nghiệp C của anh A có tình cảm với anh rất lâu rồi, cũng đã tiếp cận nhiều lần nhưng bị từ chối. Trong một lần say, anh A đã qua đêm với người này. Để đạt được mục đích làm vợ anh A, chị ta đã lên kế hoạch lừa anh A là mình có thai và buộc anh A phải cưới mình.

Việc giả vờ mình có thai để buộc anh A cưới mình, chị C đã vi phạm quy định của Luật hôn nhân gia đình về hành vi lừa dối kết hôn.

Trường hợp này thường xảy ra tại những nơi dân trí thấp, hủ tục vẫn còn tồn tại. Để đảm bảo quyền lợi ích tối đa của người kết hôn tránh việc lợi dụng kết hôn để vụ lợi cho bản thân. Hoặc trường hợp có người gây khó khăn, dùng mọi biện pháp để cản trở việc kết hôn của người khác cũng bị luật cấm, để đảm bảo tính chặt chẽ của pháp luật, đạo đức xã hội.

Người đang có vợ, chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ, chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chồng mà chung sống như vợ chồng với người đã có vợ, chồng:

Ví dụ: Cô X kết hôn với anh Y được 7 năm, có 2 cháu. Vì đặc thù của công việc nên Anh Y thường xuyên đi công tác. Tuy nhiên, gần đây cô phát hiện chồng mình đang có quan hệ chung sống với một người phụ nữ khác trong khi hai người trên mặt pháp luật vẫn là vợ chồng hợp pháp. Vốn là người có sức khỏe yếu ớt, lại bị sốc khi phát hiện chồng ngoại tình, cô X phát bệnh mà ốm nhưng anh Y không hề ăn năn, quay về chăm sóc vợ.

Hành vi chung sống với nhau như vợ chồng của anh Y và người phụ nữ kia đã vi phạm quy định về chế độ hôn nhân một vợ một chồng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạnh phúc gia đình, thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội.

Luật quy định lấy hôn nhân một vợ, một chồng để làm kim chỉ nam cho cuộc hôn nhân và tình yêu giữa nam và nữ là yếu tố để duy trì hôn nhân gia đình. Đồng thời, đây cũng là nguyên tắc cơ bản của hôn nhân gia đình được quy định cụ thể tại Khoản 2c Điều 5 Luật hôn nhân gia đình 2014 để đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ.

Kết hôn hoặc chung sống như vợ, chồng giữa những người cùng dòng máu trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi 3 đời, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi, giữa người đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng:

Ví dụ: Sau khi vợ mất, anh H lấy chị K làm vợ hợp pháp. Anh H có một người con trai là T với vợ trước hơn chị K 2 tuổi. Gia đình chung sống hạnh phúc gần 2 năm thì chị K và anh H thường xuyên xảy ra cãi vã nên chị K đã bỏ ra ngoài sống. Tuy nhiên, trong thời gian chung sống chị K và T nảy sinh tình cảm nên việc chị K bỏ ra ngoài đã tạo điều kiện cho hai người gần gũi nhau hơn. Một thời gian sau T cũng ra ngoài và ở với chị K. Anh H biết và đã nhiều lần khuyên răn con nhưng không có kết quả.

Việc làm của chị K và T hoàn toàn vi phạm quy định của Luật hôn nhân gia đình về việc sống chung giữa mẹ kế với con riêng của chồng.

Pháp luật cấm các trường hợp này để đảm bảo thế hệ con cái được sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh, đảm bảo lợi ích của gia đình và xã hội, phù hợp với đạo đức người Việt Nam. Đồng thời, việc cấm này cũng để ngăn chặn trường hợp lợi dụng quan hệ phụ thuộc ép người khác kết hôn với mình.

Pháp luật không công nhận kết hôn giữa người đồng tính: Kết hôn giữa những người đồng tính là việc xác lập quan hệ vợ chồng giữa hai người cùng là nam hoặc cùng là nữ. Kết hôn nhằm mục đích xây dựng gia đình và đảm bảo chức năng tái sản xuất con người để duy trì nòi giống. Tuy nhiên, khi những người cùng giới kết hôn với nhau thì không đảm bảo được mục đích trên. Đây là việc làm không phù hợp với quy luật tự nhiên, trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội.

2. Thủ tục, trình tự đăng kí kết hôn

Trường hợp nam, nữ đã đảm bảo đủ các điều kiện để kết hôn, không vi phạm điều cấm của luật và có mong muốn tiến tới hôn nhân thì cần phải đăng kí kết hôn theo quy định của pháp luật.

– Hồ sơ đăng kí kết hôn gồm:

+ Tờ khai đăng kí kết hôn theo mẫu

+ Chứng minh nhân dân

+ Sổ hộ khẩu/ hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có dán ảnh

+ Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do UBND xã nơi cư trú cấp

+ Trường hợp đã từng kết hôn thì nộp quyết định ly hôn có hiệu lực của Tòa án

– Trình tự: Sau khi hoàn thiện giấy tờ hồ sơ trên thì nộp tại UBND xã, phường, thị trấn nơi cứ trú của 1 trong 2 người để đăng kí kết hôn.

– Giấy đăng kí kết hôn sẽ được cấp sau khi cán bộ tư pháp nhận được hồ sơ và xét duyệt. Trong trường hợp cần xác minh các thông tin về điều kiện kết hôn thì thời gian cấp giấy đăng kí kết hôn không được quá 5 ngày.

3. Hồ sơ, trình tự, thủ tục ghi vào sổ hộ tịch việc kết hôn tại cơ quan có thẩm của nước ngoài

Trong thực tế sẽ có những trường hợp công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài nhưng thực hiện việc đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Khi đó, nếu muốn công nhận việc đăng ký kết hôn này tại Việt Nam thì công dân Việt Nam phải thực hiện thủ tục ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn.

Theo quy định tại các Điều 48, Điều 49, Điều 50 Luật hộ tịch 2014 thì hồ sơ, tình tự, thủ tục ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn cụ thể như sau:

* Thẩm quyền ghi vào Sổ hộ tịch:

Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam.

* Hồ sơ gồm:

+ Tờ khai theo mẫu quy định;

+ Bn sao Giấy tờ chứng nhận việc kết hôn do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp;

+ Bản sao CMND/CCCD/Hộ chiếu còn hạn và Hộ khẩu, Sổ tạm trú của công dân Việt Nam;

+ Bản sao Hộ chiếu còn hạn của người nước ngoài.

Hồ sơ ghi vào sổ việc kết hôn phải do một trong hai bên kết hôn nộp trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền.

* Thời hạn giải quyết

Thời hạn giải quyết việc ghi vào sổ việc kết hôn là 12 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Mời các bạn tham khảo các bài viết hữu ích khác trong mục Dân sự của Hỏi đáp pháp luật nhé.

Đánh giá bài viết
1 246
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm