Tờ khai đăng ký kết hôn 2024

Tờ khai đăng ký kết hôn là Mẫu tờ khai đăng ký kết hôn được ban hành theo Thông tư 04/2020/TT-BTP. Mẫu tờ khai đăng ký kết hôn mới nhất có hiệu lực hiện nay, mẫu giấy tờ cần hoàn thành thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật. Mời bạn đọc cùng tham khảo chi tiết và tải về tờ khai đăng ký kết hôn tại bài viết dưới đây của Hoatieu.vn

Kết hôn là một việc rất quan trọng trong cuộc đời của mỗi người. Tờ khai đăng ký kết hôn là thủ tục không thể thiếu đối với các cặp vợ chồng. Hiện nay mẫu tờ khai đăng ký kết hôn được quy định ở Thông tư số 04/2020. Mẫu gồm các thông tin: Thông tin của bên nam và bên nữ, Thông tin về giấy tờ tùy thân như hộ chiếu, chứng minh nhân dân, Cam đoan về những lời khai...

Nhu cầu kết hôn là nhu cầu phổ biến trong cuộc sống hàng ngày. Mẫu tờ khai đăng ký lại kết hôn mới nhất được ban hành kèm Thông tư 04/2020 của Bộ Tư pháp, áp dụng cho trường hợp đánh mất đăng ký kết hôn, có nhu cầu đăng ký lại cơ quan có thẩm quyền. Dưới đây là Tờ khai đăng ký kết hôn 2024 cùng hướng dẫn cách viết, thủ tục, hồ sơ đăng ký kết hôn cập nhậpmới nhất. Mời các bạn tham khảo và tải về để sử dụng cho mục đích kết hôn của mình.

1. Những ai đủ điều kiện để đăng ký kết hôn

Theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, nam nữ đủ tuổi kết hôn phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

- Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

- Không bị mất năng lực hành vi dân sự

- Không thuộc các trường hợp bị cấm như sau:

+ Kết hôn giả tạo;

+ Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

+ Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có vợ hoặc chồng

+ Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

+ Yêu sách của cải trong kết hôn;

+ Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.

2. Tờ khai đăng ký kết hôn dùng để làm gì?

Tờ khai đăng ký kết hôn hiện nay được áp dụng theo quy định tại Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định thi hành một số điều của Luật Hộ tịch, có hiệu lực từ ngày 16/7/2020.

Theo đó, nếu đi làm thủ tục đăng ký kết hôn, hai người nam nữ phải khai vào tờ khai đăng ký kết hôn để cơ quan có thẩm quyền xác định thông tin nhân thân, nơi cư trú, đã kết hôn mấy lần rồi... Qua đó, làm căn cứ để tiến hành làm thủ tục đăng ký kết hôn cho hai người.

3. Tờ khai đăng ký kết hôn theo Thông tư 04/2020/TT-BTP

Tờ khai đăng ký kết hôn

(1)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

(2)

TỜ KHAI ĐĂNG KÝ KẾT HÔN

Kính gửi: (3).........................................................................

Thông tin

Bên nữ

Bên nam

Họ, chữ đệm, tên

Ngày, tháng, năm sinh

Dân tộc

Quốc tịch

Nơi cư trú (4)

Giấy tờ tùy thân (5)

Kết hôn lần thứ mấy

Chúng tôi cam đoan những lời khai trên đây là đúng sự thật, việc kết hôn của chúng tôi là tự nguyện, không vi phạm quy định của Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam.

Chúng tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về nội dung cam đoan của mình.

Đề nghị Quý cơ quan đăng ký.

...........................………., ngày ..........…tháng ............ năm............…

Bên nữ

(Ký, ghi rõ họ, chữ đệm, tên)

....................................

Bên nam

(Ký, ghi rõ họ, chữ đệm, tên)

....................................

Đề nghị cấp bản sao(6): Có , Không

Số lượng:…….bản

Chú thích:

(1) (2) Trường hợp làm thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, thì phải dán ảnh của hai bên nam, nữ.

(3) Ghi rõ tên cơ quan đăng ký kết hôn.

(4) Ghi theo nơi đăng ký thường trú, nếu không có nơi đăng ký thường trú thì ghi theo nơi đăng ký tạm trú; trường hợp không có nơi đăng ký thường trú và nơi đăng ký tạm trú thì ghi theo nơi đang sinh sống.

(5) Ghi thông tin về giấy tờ tùy thân như: hộ chiếu, chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế (ví dụ: Chứng minh nhân dân số 001089123 do Công an thành phố Hà Nội cấp ngày 20/10/1982).

(6) Đề nghị đánh dấu X vào ô nếu có yêu cầu cấp bản sao và ghi rõ số lượng.

4. Cách ghi Tờ khai đăng ký kết hôn

Mục “Ảnh”: Trường hợp làm thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, thì phải dán ảnh của hai bên nam, nữ.

Mục “Kính gửi” ghi rõ tên cơ quan đăng ký kết hôn. Nếu là cá nhân Việt Nam ở Việt Nam thì là Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Nếu đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài sẽ là Ủy ban nhân dân cấp huyện, quận, thị xã.

Ví dụ: Ủy ban nhân dân phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội

Mục “Họ và tên” thì ghi đầy đủ họ, tên, chữ đệm tên của hai người nam nữ, ghi chữ in hoa, có dấu

Ví dụ: NGUYỄN NGỌC LAN, NGUYỄN VIẾT SƠN...

Mục “Nơi cư trú”: Ghi theo nơi đăng ký thường trú, nếu không có nơi đăng ký thường trú thì ghi theo nơi đăng ký tạm trú; trường hợp không có nơi đăng ký thường trú và nơi đăng ký tạm trú thì ghi theo nơi đang sinh sống.

Ví dụ: Số nhà 12, đường Bà Triệu, phường Ngọc Trạo, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương

Mục “Giấy tờ tùy thân”: Ghi thông tin về giấy tờ tùy thân như: hộ chiếu, chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế

Ví dụ: Chứng minh nhân dân số 001089123 do Công an thành phố Hà Nội cấp ngày 20/10/2011

Mục “Kết hôn lần thứ mấy” ghi rõ bằng số về số lần kết hôn. Nếu kết hôn lần đầu thì ghi “1”, nếu ly hôn sau đó kết hôn với người khác thì ghi lần “2”...

5. Thủ tục thực hiện việc đăng ký kết hôn

Kết hôn trong nước

Theo Điều 10 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, khi đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ cần chuẩn bị các giấy tờ sau:

- Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu;

- Chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ Căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh. Lưu ý, những loại giấy tờ này đều phải đang còn thời hạn sử dụng;

- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do UBND cấp xã nơi cư trú cấp.

- Quyết định hoặc bản án ly hôn của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nếu trước đó đã từng kết hôn và ly hôn.

* Kết hôn có yếu tố nước ngoài

Nếu việc kết hôn có yếu tố nước ngoài thì căn cứ theo Điều 30 Nghị định 123/2015, hồ sơ cần chuẩn bị gồm:

- Tờ khai đăng ký kết hôn (theo mẫu);

- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân còn giá trị sử dụng, do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp thể hiện nội dung: Hiện tại người nước ngoài này không có vợ/có chồng. Nếu nước đó không cấp thì thay bằng giấy tờ khác xác định người này đủ điều kiện đăng ký kết hôn.

- Giấy xác nhận không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác, có đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của mình (do cơ quan y tế của thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài xác nhận).

- Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu (bản sao).

6. Lệ phí đăng ký kết hôn là bao nhiêu?

Nếu đăng ký kết hôn của công dân Việt Nam cư trú trong nước thì được miễn lệ phí đăng ký kết hôn theo quy định tại Điều 11 Luật Hộ tịch. (trước đây mức lệ phí này được quy định tối đa 30.000 đồng).

Những trường hợp còn lại theo Điều 3 Thông tư 85/2019 sẽ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

7. Có được đăng ký kết hôn tại nơi tạm trú không?

Câu hỏi: Tôi đăng ký hộ khẩu thường trú tại Bắc Ninh, vợ sắp cưới của tôi có hộ khẩu tại Bắc Giang. Hiện tại chúng tôi đang công tác tại TPHCM và đã có sổ tạm trú KT3. Vậy chúng tôi có thể đăng ký kết hôn tại TPHCM không hay phải về quê đăng ký?

Về cơ bản, tại khoản 1 Điều 17 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định thẩm quyền đăng ký kết hôn thuộc UBND cấp xã nơi cư trú của một trong hai người, có thể là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Cụ thể:

“Điều 17. Thẩm quyền đăng ký kết hôn và nội dung Giấy chứng nhận kết hôn

1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn.”

Ngoài nơi cư trú theo Điều 1 Luật Cư trú 2006 sửa đổi, bổ sung 2013 quy định như sau:

“...Cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn dưới hình thức thường trú hoặc tạm trú..”

=> Do vậy, bạn có thể đăng ký kết hôn tại nơi tạm trú.

Tuy nhiên theo khoản 1 Điều 10 Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch, nếu hai bạn đăng ký kết hôn tại nơi tạm trú, phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do UBND dân cấp xã có thẩm quyền cấp.

Do đó, nếu hai bạn đăng ký kết hôn tại TP.HCM, hai bạn vẫn cần xin Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân tại nơi đăng ký thường trú ở Bắc Ninh và Bắc Giang.

8. Khi nào thì nhận được Giấy đăng ký kết hôn?

Căn cứ tại tiểu mục 2 Mục B Phần II Thủ tục hành chính ban hành kèm theo Quyết định 528/QĐ-BTP năm 2023 có đã nêu rõ thời gian giải quyết thủ tục đăng ký, cấp giấy đăng ký kết hôn như sau:

Ngay trong ngày tiếp nhận hồ sơ; trường hợp nhận hồ sơ sau 15 giờ mà không giải quyết được ngay thì trả kết quả trong ngày làm việc tiếp theo. Trường hợp cần xác minh điều kiện kết hôn của hai bên nam, nữ thì thời hạn giải quyết không quá 05 ngày làm việc.

=> Như vậy, trong trường hợp hồ sơ của bạn đúng, đủ theo quy định pháp luật, không mất thời gian xác minh thì thông thường, bạn sẽ nhận được Giấy đăng ký kết hôn ngay trong ngày UBND cấp xã tiếp nhận hồ sơ. Thực tế, tính từ khoảng thời gian bạn đến UBND cấp xã làm đăng ký đến khi nhận được Giấy đăng ký kết hôn, thời gian không quá 1 giờ đồng hồ.

9. Thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân khi đã chuyển khẩu hoặc thay đổi thường trú?

Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là giấy tờ quan trọng dùng để xác nhận một cá nhân đã kết hôn hay đã ly hôn, hoặc vợ/chồng đã chết. Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có tính pháp lý, là giấy tờ không thể thiếu trong nhiều hoạt động mang tính pháp lý khác như: đăng ký kết hôn, vay tiền ngân hàng, mua bán đất đai, xuất khẩu lao động...

Trong trường hợp một người đã chuyển khẩu hoặc thay đổi địa chỉ thường trú nhiều lần thì khi kết hôn, họ phải xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân như thế nào?

Trường hợp người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau, người đó có trách nhiệm chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình. Trường hợp người đó không chứng minh được thì công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đã từng đăng ký thường trú tiến hành kiểm tra, xác minh về tình trạng hôn nhân của người đó.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Ủy ban nhân dân cấp xã được yêu cầu tiến hành kiểm tra, xác minh và trả lời bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã yêu cầu về tình trạng hôn nhân của người đó trong thời gian thường trú tại địa phương.

Ví dụ: Anh A và chị B muốn đăng ký kết hôn tại phường X - nơi anh A và chị B có hộ khẩu thường trú. Nhưng trước đó, do điều kiện làm việc làm ăn xa, anh A từng chuyển hộ khẩu đến phường Y ở thành phố khác 3 năm. Trong trường hợp này, anh A phải làm thủ tục tại phường X, yêu cầu công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường X có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân phường Y - nơi anh A ở 3 năm tiến hành kiểm tra, xác minh về tình trạng hôn nhân của anh A. Tối đa 3 ngày làm việc, UBND phường Y sẽ tiến hành xác minh và trả lời bằng văn bản cho UBND phường X.

Sau khi nhận được văn bản xác minh của UBND phường Y, UBND phường X sẽ cấp cho anh A giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, chứng minh anh độc thân, đủ điều kiện để kết hôn.

Trên đây Hoatieu.vn đã gửi tới các bạn Tờ khai đăng ký kết hôn mới nhất cùng hướng dẫn cách viết và các thủ tục đăng ký kết hôn giúp bạn dễ dàng hơn trong việc kết hôn của mình.

Ngoài ra bạn có thể tham khảo thêm các thủ tục về hôn nhân gia đình trong mục biểu mẫu

Đánh giá bài viết
31 125.216
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo