Thủ tục trở lại quốc tịch Việt Nam

Thủ tục trở lại quốc tịch Việt Nam

Các trường hợp được trở lại quốc tịch Việt Nam: Người đó mất quốc tịch Việt Nam trong các trường hợp: Được thôi quốc tịch Việt Nam; Bị tước quốc tịch Việt Nam; Theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia. hoatieu.vn xin gửi đến các bạn bài hướng dẫn Thủ tục trở lại quốc tịch Việt Nam, mời các bạn cùng tham khảo.

Đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam

Trình tự thực hiện

Bước 1: Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam điền thông tin vào đơn xin trở lại quốc tịch, chuẩn bị hồ sơ và nộp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (bộ phận một cửa) - Sở Tư pháp Hà Nội

Bước 2: Cán bộ một cửa tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ.

  • Nếu hồ sơ đầy đủ và hoàn toàn hợp lệ, tiếp nhận và ghi phiếu tiếp nhận hồ sơ.
  • Nếu hồ sơ không đầy đủ, không hợp lệ thì cán bộ một cửa phải hướng dẫn công dân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định pháp luật.
  • Nếu hồ sơ không thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết của đơn vị mình thì hướng dẫn công dân tới cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Bước 3: Cán bộ một cửa vào sổ tiếp nhận hồ sơ và chuyển Phòng Hộ tịch có yếu tố nước ngoài giải quyết theo quy định.

Bước 4: Phòng Hộ tịch có yếu tố nước ngoài tiếp nhận hồ sơ,thẩm tra, lập danh mục hồ sơ, hoàn thiện các bước theo quy trình và chuyển các cơ quan liên quan trong quá trình giải quyết hồ sơ theo quy định.

Chú ý: Kết quả việc giải quyết hồ sơ xin trở lại quốc tịch do Bộ Tư pháp thông báo tới người có yêu cầu.

Cách thức thực hiện

Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (bộ phận một cửa) - Sở Tư pháp Hà Nội. Không được ủy quyền cho người khác nộp thay. Nơi tiếp nhận: Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính - Sở Tư pháp Hà Nội. Địa chỉ: Số 1B - Trần Phú - Hà Đông - Hà Nội. ĐT: 0433546151 hoặc 0433546163.

Thành phần, số lượng hồ sơ

1.1. Đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam.

1.2. Bản khai lý lịch.

1.3. Bản sao Giấy khai sinh, Hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế.

1.4. Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian người xin trở lại quốc tịch Việt Nam cư trú ở Việt Nam; Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với thời gian người xin trở lại quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài.
Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ.

1.5. Giấy tờ chứng minh người xin trở lại quốc tịch Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam là một trong các giấy tờ: Bản sao Giấy khai sinh; bản sao quyết định cho thôi quốc tịch Việt Nam hoặc giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam; giấy tờ khác có ghi quốc tịch Việt Nam hoặc có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam trước đây của người đó.

1.6. Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam là một trong các giấy tờ sau:

  • Bản sao giấy chứng nhận kết hôn đối với người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam;
  • Bản sao Giấy khai sinh hoặc giấy tờ hợp lệ khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con đối với người có cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ là công dân Việt Nam;
  • Bản sao Huân chương, Huy chương, giấy chứng nhận danh hiệu cao quý khác hoặc giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam đối với người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;
  • Giấy chứng nhận của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, được cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác nhận về việc trở lại quốc tịch Việt Nam của người đó sẽ đóng góp cho sự phát triển cho một trong các lĩnh vực khoa học, kinh tế, văn hóa, xã hội, nghệ thuật, thể thao.

1.7. Trong trường hợp có con chưa thành niên xin trở lại quốc tịch Việt Nam cùng cha, mẹ thì phải nộp bản sao Giấy khai sinh của người con chưa thành niên cùng trở lại quốc tịch Việt Nam theo cha mẹ hoặc giấy tờ khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con.

Nếu chỉ có cha hoặc mẹ trở lại quốc tịch Việt Nam mà con chưa thành niên trở lại quốc tịch Việt Nam theo cha hoặc mẹ thì còn phải nộp văn bản thỏa thuận của cha mẹ về việc trở lại quốc tịch Việt Nam cho con.

Chú ý: Các giấy tờ trong hồ sơ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác. Những giấy tờ này phải được dịch sang tiếng Việt và được chứng thực theo quy định của pháp luật.

- Số lượng: 03 bộ (lưu tại Văn phòng Chủ tịch nước; Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp).

Thời hạn giải quyết

  • 95 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ và đủ điều kiện theo quy định pháp luật (thời gian làm việc thực tế tại các cơ quan).
  • Trường hợp người xin trở lại quốc tịch Việt Nam xin giữ quốc tịch nước ngoài thì thời hạn giải quyết là: 80 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và đủ điều kiện theo quy định pháp luật (do không phải làm thủ tục xin thôi quốc tịch nước ngoài).
Đánh giá bài viết
1 61
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo