Phương pháp dạy trẻ nhanh biết đọc - biết viết trước khi vào lớp 1

Hoatieu.vn xin gửi tới bạn đọc bài viết Phương pháp dạy trẻ nhanh biết đọc - biết viết trước khi vào lớp 1 để bạn đọc cùng tham khảo. Bài viết chỉ ra các cách cùng bé tập đánh vần ở nhà hiệu quả nhất. Mời bạn đọc cùng tham khảo chi tiết bài viết để có thể biết thêm những phương pháp dạy bé tập đánh vần hiệu quả nhất.

1. Dạy bé làm quen mặt chữ

Tập cho bé làm quen với mặt chữ
Ngay từ khi còn học mẫu giáo, trẻ đã được làm quen với các mặt chữ nhờ sự hướng dẫn của thầy cô. Tuy nhiên, trẻ nhỏ ở lứa tuổi này vẫn còn hiếu động, tự do, chưa ý thức được việc học tập nên rất hay quên. Vì thế, bố mẹ cần liên tục tạo ra các tình huống để bé được quan sát “thế giới chữ”, chẳng hạn như: cho bé nhìn thấy các bảng chữ có màu sắc sặc sỡ, nhìn người lớn đọc sách báo, cho trẻ chơi các đồ chơi có hình chữ,…

Ngoài ra, để bé cảm thấy tò mò, muốn làm quen với chữ sớm thì bố mẹ cần tạo ra sự khơi gợi, hứng thú cho con bằng việc chỉ ra các lợi ích của việc học tập, biết đọc chữ sớm như: “Con mà biết chữ thì thật là thú vị. Ba/mẹ có thể viết cho con lời nhắn, con có thể đọc truyện…”, “Con làm được một đồ chơi đẹp, vẽ được một bức tranh đẹp, làm thế nào để ba mẹ biết là của con? Con hãy học để biết cách viết tên mình nhé!”, “Và đây là căn nhà đầy đồ chơi. Chìa khoá để mở có ghi một chữ, ai biết đọc sẽ mở được ngay.”, “Còn đây là một vương quốc thật diệu kì dành cho những người biết đọc, biết viết…”.

Phương pháp dạy bé tập đánh vần hiệu quả nhất

2. Dạy bé từ những chữ đơn giản

Trước khi bé thành thạo việc đánh vần, mẹ nên dạy bé từ những chữ cái đơn giản, từ ngữ, gần gũi nhất với bé. Đó là những chữ mà bé thường hay nói, gọi hàng ngày như “ba”, “mẹ”, cái “bàn”, cái “ghế”, cái “chén”, con “mèo”…

Những từ ngữ gần gũi sẽ giúp bé dễ tưởng tượng và nhanh chóng tiếp thu hơn so với những từ ngữ xa lạ, khoa học, không thông dụng khác.

Với những từ khó đánh vần như “ưu”, “a+i”, “uyên”… hoặc từ quá dài mẹ không nên nôn nóng dạy bé. Ở giai đoạn này, khả năng phát âm của bé vẫn chưa hoàn thiện nên nếu mẹ dạy bé những từ đánh vần khó, bé sẽ cảm thấy không hứng thú với việc học. Tốt nhất, mẹ hãy cho bé làm quen với những từ ngắn, dễ nhớ, kích thích việc ham học ở bé, sau đó thì mới nâng độ khó lên.

3. Kiên trì luyện tập đánh vần cùng con

Cha mẹ hãy thường xuyên luyện tập cùng con mỗi khi có thời gian và tuyệt đối không được nổi nóng mỗi khi con quên, đọc sai mặt chữ. Bởi như vậy sẽ chỉ khiến con thêm sợ hãi, rối trí và nhanh sai hơn. Cha mẹ hãy động viên, tin tưởng “Con cố nhớ sẽ được, con nhớ rồi đấy, viết thêm nhé”,… đặc biệt giúp các em có điểm tựa để nhớ âm (“nh – nhà” ; “th – thỏ”, “gh – ghế”),… nghĩa là cứ đánh vần “nh” là các em nhớ đến chữ “nh” trong tiếng “nhà”. Cứ kiên trì như thế, các em sẽ ghi nhớ tốt hơn.

Đối với những trẻ hay quên, chậm nhớ mặt chữ bố mẹ chỉ nên cho con đọc 3 đến 5 từ một lượt, đọc đi đọc lại, thay đổi vị trí để con ghi nhớ kĩ. Để con nhớ tốt hơn, có thể cho đọc xong thì nhớ viết ngay các từ ấy rồi lại tiếp tục luyện với những từ khác (chú ý giải nghĩa từ, phân biệt chính tả nếu cần thiết).

4. Đóng vai là một người không biết gì

Việc tạo niềm vui, hứng thú trong việc học là rất quan trọng. Khi học vui thì các con sẽ không cảm thấy áp lực và thích tham gia vào hoạt động học tập. Có một số mẹo nhỏ để bố mẹ có thể tham khảo giúp con hứng thú hơn trong quá trình học như:

Với những dạng bài đã quen thuộc, dạng bài dễ, bố mẹ đừng chăm chăm vào dạy ngay và bắt trẻ phải nhớ, mà hãy:

– “ Bạn Thỏ không biết đọc tiếng này, từ này, các con giúp bạn ấy được không?” Thế là các con sẽ tập trung ngay vào việc đánh vần, đọc từ, đọc câu, đọc bài,… một cách hứng thú, cứ như là mình vừa làm được một việc tốt vậy!

– “Các con cứu trợ ba/mẹ với, từ này khó quá, không đọc được.” Thế là các bạn ấy lại được vui vẻ đóng vai một người hùng.

5. Thời gian học ngắn và rèn luyện mỗi ngày

Thời gian học tốt nhất là từ 5 - 10 phút/ ngày hoặc học ngẫu nhiên khi bé đang ở gần bảng chữ cái và ngày nào mẹ cũng dạy bé. Từ đó, bé sẽ quen dần và vui vẻ với việc học. Thời gian dạy quá lâu sẽ làm bé dễ bị chán nản, xao nhãng và không hứng thú.

6. Học chữ gắn liền với cuộc sống

Cách để bé học nhanh nhất và ghi nhớ lâu nhất là học nói trong cuộc sống, qua những tình huống cụ thể.

Ví dụ khi con học về các từ xưng hô thông dụng khi giao tiếp ở nhà và ở trường, hay khi con học về một số nghi thức giao tiếp thông dụng ở nhà và ở trường như chào hỏi, giới thiệu, cảm ơn, xin lỗi, xin phép,… thì ba mẹ giúp con thực hành luôn tại nhà. Chẳng hạn như đố con về mối quan hệ giữa họ hàng trong gia đình, tạo ra các tình huống gặp người lớn thì cần chào hỏi như nào, con được ba mẹ giúp cho việc gì thì nên cảm ơn ra sao, con làm sai thì cần xin lỗi như nào,…

Phương pháp dạy bé tập đánh vần hiệu quả nhất

6.  Học đánh vần qua các trò chơi bé yêu thích.

Xác định hãy cho con vừa học, vừa chơi thôi. Khi tư tưởng mẹ thoải mái, con hào hứng, bé sẽ tiếp thu tốt hơn.

Có thể mua cái bảng treo lên tường rồi viết chữ lên đấy, dạy con từng chữ một, hoặc mua 1 bộ chữ tượng hình có kèm tranh ảnh…

Dạy những chữ liên quan mật thiết đến bé: như tên bé, ba mẹ, anh chị thì bé dễ nhập tâm. Hàng ngày, cho bé ký tên vào các bức tranh tự vẽ, viết tên riêng của bé lên ba lô, hộp bút…

Chơi đồ hàng: Hai mẹ con chơi bán chữ, nếu từng chữ cái thì mua rẻ, dạy bé xếp dần những chữ có nghĩa đơn giản (2 chữ cái) như “ba”, “mẹ”, “em bé”, “cá”… để bán hàng “đắt” hơn.

Để ôn những chữ đã dạy, không ép bé phải thuộc cả chữ, nên cho bé tìm chữ cái bị mất, ví dụ như từ “bàn” chỉ còn “…àn” rồi cho bé từ “b” và “d” hỏi xem phải ghép chữ nào con nhỉ. Bạn nên cho bé vài cơ hội lựa chọn, thì bé đỡ ngại, đỡ sợ khi trả lời.

Phải khen ngợi và khuyến khích nếu con đánh vần, ghép đúng được 1 từ…

Ví dụ: Con của mẹ giỏi quá! Con làm tốt lắm hãy cũng làm tiếp nhé.

Trẻ nhỏ thường hiếu động nên rất khó ngồi “ôm sách”, do đó bạn nên dán bảng chữ cái lên tường và cùng chơi trò học chữ cùng với trẻ. Khi chơi, xem xét độ hào hứng của trẻ, nếu trẻ thích có thể dạy nhiều chữ, còn trẻ không hứng thì chỉ nên dạy khoảng 2-3 chữ. Sau đó, khi bé xem phim thì cha mẹ nhắc lại những chữ đã dạy để trẻ nhớ.

Tìm bảng phụ âm phóng to dán lên tường để nhắc nhở bản thân phương pháp dạy trẻ hợp lý nhất.

Tìm những câu đơn giản để bé có thể đánh vần. Giúp đỡ bé đánh vần và lưu tâm những từ khó đánh vần như “a+i” để bé tập ghép hiệu quả một vài câu đơn giản.

Đánh giá bài viết
2 9.405
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm