Đăng ký kết hôn cần những giấy tờ gì năm 2024?

Đăng ký kết hôn cần những giấy tờ gì năm 2024? Bạn chuẩn bị kết hôn, bạn chưa biết thủ tục đăng ký kết hôn gồm những giấy tờ gì? Điều kiện để đăng ký kết hôn như thế nào? Hoatieu.vn xin gửi tới bạn đọc bài viết những điều cần biết khi làm thủ tục đăng ký kết hôn để bạn đọc cùng tham khảo và có thể hiểu rõ hơn về những giấy tờ, thủ tục khi tham gia đăng ký kết hôn.

Khi quyết định tiến tới hôn nhân, bên cạnh đám cưới, việc tiến hành những thủ tục đăng ký kết hôn là điều cần thực hiện để vừa bảo đảm chấp hành theo đúng pháp luật vừa có cơ sở quan trọng cho việc bạn và người bạn đời kết thành một gia đình.

1. Điều kiện để đăng ký kết hôn

Điều kiện để đăng ký kết hôn:

  • Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên được xem là đủ tuổi kết hôn;
  • Kết hôn tự nguyện và không thuộc các trường hợp cấm kết hôn theo luật định gồm: không được kết hôn với người đang có vợ, có chồng; người mất năng lực hành vi dân sự (tâm thần); giữa người có cùng dòng máu trực hệ, có họ hàng trong phạm vi ba đời; giữa cha mẹ nuôi với con nuôi...).

Đối với hôn nhân đồng giới, Luật hôn nhân và gia đình 2014 bỏ quy định "cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính" nhưng vẫn "không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

2. Giấy tờ được yêu cầu trong thủ tục đăng ký kết hôn?

Đăng ký kết hôn cần những giấy tờ gì?
Đăng ký kết hôn cần những giấy tờ gì?

Những giấy tờ cần có khi đi đăng ký kết hôn bao gồm:

  • Tờ khai đăng ký kết hôn
  • Giấy tờ tuỳ thân để chứng minh nhân thân như căn cước công dân, hộ chiếu.
  • Giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân của phường xã, thị trấn thường trú.
  • Nếu đã kết hôn một lần rồi thì phải có giấy chứng nhận của tòa án là đã ly hôn kèm theo giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân của địa phương.
  • Giấy xác nhận về tình trạng sức khoẻ của Việt Nam hoặc nước ngoài về người đi đăng ký kết hôn có đầy đủ năng lực hành vi dân sự của mình. (Đối với đăng ký kết hôn tại huyện)

3. Thủ tục đăng ký kết hôn gồm những chi tiết gì?

Khi đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ phải có mặt. Đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã yêu cầu hai bên cho biết ý muốn tự nguyện kết hôn, nếu hai bên đồng ý kết hôn, thì cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào sổ đăng ký kết hôn và Giấy chứng nhận kết hôn. Hai bên nam, nữ ký vào Giấy chứng nhận kết hôn và sổ đăng ký kết hôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho mỗi bên vợ, chồng một bản chính Giấy chứng nhận kết hôn, giải thích cho hai bên về quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Bản sao Giấy chứng nhận kết hôn được cấp theo yêu cầu của vợ, chồng.

4. Thời gian có giấy chứng nhận kết hôn?

Trong thời hạn 5 – 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy hai bên nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, Ủy ban nhân dân cấp xã đăng ký kết hôn cho hai bên nam, nữ. Trong trường hợp cần phải xác minh, thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 5 ngày. Khi hoàn thành thủ tục, Ủy ban phường (xã) sẽ cấp 2 bản đăng ký kết hôn, mỗi cô dâu và chú rể giữ một bản.

5. Thủ tục kết hôn với người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư tại nước ngoài

Đăng ký kết hôn với người nước ngoài
Đăng ký kết hôn với người nước ngoài

Khi đăng ký kết hôn mà vợ hoặc chồng là người nước ngoài, là người Việt đang định cư ở nước ngoài hay giữa người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam, bạn phải hoàn tất 01 bộ hồ sơ bao gồm:

  • Tờ khai đăng ký kết hôn, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, hộ chiếu hoặc giấy CMND, CCCD (đối với công dân Việt Nam),
  • Bản sao hộ khẩu/sổ tạm trú (đối với công dân Việt Nam).

Đối với người nước ngoài đang cư trú cần chuẩn bị: Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế như: giấy thông hành, thẻ cư trú, thẻ thường trú hoặc tạm trú hoặc chứng nhận tạm trú. Đối với các bản sao, nếu đương sự không có điều kiện để kịp chứng nhận sao y hợp lệ thì có thể xuất trình bản chính khi nộp bản photo để đối chiếu.

Thủ tục đăng ký kết hôn sẽ diễn ra như sau:

  • Khi đã chuẩn bị đủ bộ hồ sơ, một trong hai bên vợ hoặc chồng sẽ đến nộp trực tiếp tại ủy ban nhân dân phường xã (theo quy định mới), nơi công dân đó đang thường trú. Thời hạn giải quyết đăng ký kết hôn là 25 ngày, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí.
  • Việc phỏng vấn trực tiếp tại trụ sở Sở Tư pháp để làm rõ nhân thân và sự tự nguyện kết hôn, mức độ hiểu nhau của hai bên sẽ được tiến hành trong vòng 15 ngày kể từ khi tiếp nhận đầy đủ hồ sơ. Nếu có yêu cầu xác minh thông tin từ Sở Tư pháp đến các cơ quan công an, thời hạn giải quyết kéo dài không quá 10 ngày làm việc.
  • Sau khi phỏng vấn, nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ, ý kiến của cơ quan công an, Sở Tư pháp báo cáo kết quả và đề xuất giải quyết việc đăng ký kết hôn cho UBND tỉnh. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được văn bản từ Sở Tư pháp, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận kết hôn và trả lại cho Sở Tư pháp để tổ chức lễ đăng ký kết hôn.
  • Trong vòng 05 ngày tiếp theo khi nhận được giấy chứng nhận, buổi lễ đăng ký kết hôn sẽ được tổ chức long trọng tại Sở Tư pháp. Hai bên cần có mặt để ký vào giấy chứng nhận kết hôn và sổ đăng ký kết hôn. Mỗi bên vợ hoặc chồng sẽ được trao 01 bản chính của giấy chứng nhận kết hôn.

6. Cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn?

Căn cứ theo điều 17 Luật hộ tịch 2014 quy định:

Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn.

Vậy nên việc kết hôn của công dân Việt Nam sẽ được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân cấp xã. Riêng đối với kết hôn với người nước ngoài sẽ được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân cấp huyện theo quy định tại điều 37 Luật hộ tịch 2014:

1. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài.

2. Trường hợp người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có yêu cầu đăng ký kết hôn tại Việt Nam thì Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của một trong hai bên thực hiện đăng ký kết hôn.

7. Đăng ký kết hôn có mất phí không?

Theo điều 11 Luật hộ tịch 2014 quy định về trường hợp miễn phí đăng ký hộ tịch với những trường hợp:

a) Đăng ký hộ tịch cho người thuộc gia đình có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; người khuyết tật;

b) Đăng ký khai sinh, khai tử đúng hạn, giám hộ, kết hôn của công dân Việt Nam cư trú ở trong nước.

Như vậy thì khi bạn là công dân Việt Nam hiện đang cư trú ở trong nước thì chi phí đăng ký kết hôn sẽ được miễn phí. Còn nếu bạn đăng ký kết hôn với người nước ngoài không cư trú ở Việt Nam thì sẽ phải nộp chi phí đăng ký kết hôn theo quy định của Bộ tài chính quy định tại Thông tư 85/2019/TT-BTC quy định.

8. Mất giấy đăng ký kết hôn có được cấp lại?

Trong trường hợp bạn làm đánh mất giấy đăng ký kết hôn thì có thể lên cơ quan đã đăng ký kết hôn hoặc cơ quan liên quan như Bộ tư pháp, Bộ ngoại giao,... để xin cấp lại giấy đăng ký kết hôn. Khi xin cấp lại giấy đăng ký kết hôn thì người xin cấp lại cần xuất trình giấy tờ liên quan đến nội dung đăng ký kết hôn và tờ khai xin cấp lại để cán bộ kiểm tra sổ hộ tịch về quan hệ hôn nhân và cấp lại cho người yêu cầu.

Trên đây là những phân tích của Hoa Tiêu về vấn đề Đăng ký kết hôn cần những giấy tờ gì năm 2024? Mời các bạn tham khảo thêm những thông tin hữu ích trong mục Hỏi đáp pháp luật sau đây:

Đánh giá bài viết
2 1.212
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm