Kịch bản sinh hoạt Câu lạc bộ Phòng, chống bạo lực gia đình 2024
Kịch bản chương trình sinh hoạt Câu lạc bộ Phòng, chống bạo lực gia đình
Kịch bản sinh hoạt Câu lạc bộ Phòng, chống bạo lực gia đình với chủ điểm "Giáo dục kỹ năng giữ gìn hạnh phúc gia đình". Đây sẽ là tài liệu hay, giúp chương trình sinh hoạt trong câu lạc bộ được sôi nổi và bài bản hơn. Mời quý vị bạn đọc cùng tham khảo.
Có thể thấy rằng, gia đình đóng một vai trò rất quan trọng trong xã hội dân sự của chúng ta. Gia đình là tế bào của xã hội, là chỗ dựa về tinh thần và vật chất cho mỗi thành viên, là nơi để mọi người được thể hiện, bày tỏ tình yêu thương, sự chia sẻ dành cho nhau; gia đình còn là nơi tiếp thu, giữ gìn và lưu truyền các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, đất nước.
1. Kịch bản sinh hoạt chủ đề giáo dục kỹ năng giữ gìn hạnh phúc gia đình Câu lạc bộ Phòng, chống bạo lực gia đình
Tại sao nói gia đình là cái nôi nuôi dưỡng những tâm hồn và những giá trị của con người? Vì những chuẩn mực giá trị tốt đẹp như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương, chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thứ thách… được hình thành, phát triển và gìn giữ vun đắp trong mỗi gia đình. Muốn có một xã hội phát triển lành mạnh, trước hết từng gia đình phải phát triển bền vững. Tuy nhiên hiện nay, một thực trạng rất đáng báo động đó là bạo lực gia đình vẫn còn tồn tại và tiềm ẩn trong các gia đình ở Việt Nam.
CHỦ ĐỀ SINH HOẠT: GIÁO DỤC KỸ NĂNG GIỮ GÌN HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH
*) Giới thiệu chủ đề sinh hoạt:
Cách thức thực hiện:
- Người hướng dẫn sinh hoạt nêu đề dẫn của buổi sinh hoạt với chủ đề
Kính thưa các anh, các chị trong Câu lạc bộ!
Hạnh phúc là một trong những nền tảng cơ bản, quan trọng của một gia đình bền vững và thịnh vượng, là một trong những mục tiêu hàng đầu mà các cặp vợ chồng hướng tới. Tuy nhiên, càng ngày, cùng với sự phát triển của xã hội, tỷ lệ đổ vỡ của các gia đình ngày càng nhiều với rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Vậy làm thế nào để duy trì, gìn giữ, bảo vệ và xây dựng hạnh phúc gia đình?
Hôm nay chúng ta cùng nhau tìm hiểu chuyên đề GIÁO DỤC KỸ NĂNG GIỮ GÌN HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH
Người hướng dẫn: Thưa các bác, các anh, các chị trước hết chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về khái niệm “Giáo dục kỹ năng giữ gìn hạnh phúc gia đình"
Trước hết chúng ta hãy cùng tìm hiểu về khái niệm giáo dục và kỹ năng:
Người hướng dẫn mời các thành viên cho ý kiến phát biểu. Người hướng dẫn tổng hợp các ý kiến của các thành viên và nêu ra:
Giáo dục (theo nghĩa rộng) là quá trình toàn vẹn hình thành nhân cách, được tổ chức một cách có mục đích và có kế hoạch, thông qua các hoạt động và quan hệ giữa người giáo dục và người được giáo dục, nhằm truyền đạt và chiếm lĩnh những kinh nghiệm xã hội của loài người.
Giáo dục (theo nghĩa hẹp): Là một bộ phận của quá trình giáo dục tổng thể - là quá trình hình thành niềm tin, lý tưởng, động cơ, tình cảm, thái độ, những nét tính cách, những hành vi, thói quen cư xử đúng đắn trong xã hội, thuộc các lĩnh vực đạo đức, lao động, tư tưởng chính trị, thẩm mỹ, vệ sinh… Chức năng trội của giáo dục (theo nghĩa hẹp) là hình thành phẩm chất đạo đức của con người.
Kỹ năng là năng lực (khả năng) của chủ thể thực hiện thuần thục một hay một chuỗi hành động trên cơ sở hiểu biết (kiến thức hoặc kinh nghiệm) nhằm tạo ra kết quả mong đợi. Kỹ năng là phản ứng có ý thức và hoàn toàn mang tính chủ động
* Người hướng dẫn:
Bây giờ Tôi sẽ chia CLB chúng ta thành 2 đội. Đội 1 ngồi ở phía tay phải của tôi, đội 2 ngồi ở phái tay trái của tôi.
Đội 1 gồm các ông, bà:…………..
Đội 2 gồm các ông, bà:…………..
Và bây giờ tôi sẽ nêu câu hỏi và yêu cầu các thành viên trong 2 đội hãy cũng nhau suy nghĩ, bàn bạc trong 3 phút và cử 1 thành viên đại diện đội bày tỏ ý kiến của mình. Câu hỏi chính là “Anh chị hiểu thế nào là giáo dục kỹ năng giữ gìn hạnh phúc gia đình?
- Người hướng dẫn: Bây giờ đã hết 3 phút, đề nghị đội 1 cử thành viên đại diện trả lời:
- Đại diện cho đội 1 trả lời
- Người hướng dẫn: Đề nghị đại diện cho đội 2 trả lời
- Đại diện cho đội 2 trả lời
Người hướng dẫn: tổng hợp các ý kiến của các thành viên và nêu ra:
Giáo dục kỹ năng giữ gìn hạnh phúc gia đình là việc cung cấp, tiếp nhận các kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và vận dụng chúng một cách linh hoạt trong xử lý các tình huống của người chồng và người vợ nhằm không ngừng vun đắp cho tình yêu và hạnh phúc vợ chồng.
* Tìm hiểu kiến thức về hôn nhân và gia đình
Người hướng dẫn sinh hoạt thuyết trình những kiến thức về hôn nhân gia đình như sau:
Thưa các Bác, các anh, các chị!
- Hôn nhân là sự kiện xã hội quan trọng trong đời sống của con người. Hôn nhân là nhằm có được người bạn chung sống, giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau đi hết chặng đường đời. Một cuộc hôn nhân hạnh phúc là sự cộng hưởng tình cảm yêu thương, tôn trọng, thấu hiểu và chia sẻ lẫn nhau giữa vợ và chồng. Hôn nhân phải xuất phát từ tình yêu chân chính và không ép buộc. Điều này được xã hội thừa nhận thông qua tập quán dân tộc, nghi lễ tôn giáo và luật pháp của nhà nước. Hôn nhân đồng nghĩa với mang lại niềm vui cho nhau. Có nhiều cặp vợ chồng đã sống chung với nhau rồi mà vẫn khao khát tìm hiểu nhau, vẫn yêu nhau như ngày đầu vì họ luôn biết mang lại niềm vui cho nhau. Hôn nhân đồng nghĩa với sự hy sinh. Chỉ có sự hy sinh mới xoá đi được khoảng cách giữa hai người. Phải biết hy sinh những thói quen của mình vi lợi ích chung. Hôn nhân không có nghĩa là phải đồng quan điểm trong bất cứ vấn đề gì. Hôn nhân là sự bổ sung khuyết điểm cho nhau. Vì thế nếu hai vợ chồng có bất đồng thì đừng vội lấy đó làm điều đau khổ, đừng lấy đó là lý do để ly hôn.
* Một số kỹ năng ứng xử giữa vợ và chồng để giữ gìn hạnh phúc gia đình
Người hướng dẫn: Bây giờ tôi sẽ nêu tình huống và mọi người cùng thảo luận:
Tình huống 1: Anh Nam đi làm về (muộn hơn thường ngày) thấy vợ không vui liền hỏi xem có chuyện gì xảy ra, chị vợ đang sẵn tức việc ở cơ quan, về nhà lại thấy chồng về muộn, tức quá chị sẵng giọng: làm ăn gì mà giờ này mới về? chắc lại nhậu nhẹt, đủ đởn ở đâu bây giờ mới về. Chưa hả giận, chị quát mắng tiếp các con và tiếp tục chì chiết chồng; lời qua tiếng lại, anh chồng thấy vợ lắm điều tức quá liền tát vợ một cái. Thế là vợ chồng giận nhau.
Theo anh/chị, vợ chồng anh Nam đã xử sự không đúng ở những điểm nào? Nếu là anh/chị sẽ xử lý tình huống đó ra sao để giữ được gia đinh yên ấm hạnh phúc?
Người hướng dẫn sinh hoạt tổng hợp kết quả thảo luận của các thành viên như sau:
* Người vợ xử sự không đúng:
- Đem chuyện buồn bực ở cơ quan về để ảnh hưởng đến cả nhà
- Không chịu tìm hiểu lý do chồng về muộn đã vội qui chụp là chồng đi nhậu nhẹt
- Bực tức nên đã dùng lời nói không hay
- Nói nhiều, chỉ chiết chồng
- Giận cá chém thớt, tức chồng mắng luôn cả con
* Người chồng xử sự không đúng
- Về muộn không báo cho vợ biết lý do
- Đánh vợ
* Xử lý tình huống hợp lý:
Chị vợ nên kìm nén bực tức hỏi rõ lí do tại sao chồng đi làm về muộn.
Hoặc dùng lời nói dí dỏm để đoán lí do về muộn của chồng nhằm tạo không khí đầm ấm trong gia đình và giúp cho người chồng thấy việc mình về muộn là không nên như: Hôm nay chắc anh bận nhiều việc ở cơ quan nên về muộn? Anh về muộn thế này chắc mệt lắm?.,.
- Chị vợ không được sẵng giọng với chồng, nhất là trước mặt con cái
- Chị vợ không nên nói nhiều, nói dai, chì chiết chồng
- Người chồng không được đánh vợ, nhất là trước mặt con cái
- Người chồng không nên về nhà muộn, nếu muộn nên báo trước cho vợ biết.
Tình huống 2: Vợ chồng chị T lấy nhau được hai năm, anh chị sống với nhau rất hạnh phúc. Nhưng câu chuyện rắc rối xảy ra từ khi anh chồng có cô thư kí mới. Chồng T làm giám đốc; một cơ sở kinh doanh, vì vậy thường xuyên phải tiếp khách hàng cùng với cô thư kí và hay về nhà muộn. Còn T, từ ngày lấy chồng, sinh con, T không phải đi làm chỉ ở nhà trông con và nội trợ. Vì vậy chị luôn cảm thấy buồn chán và sinh ra nghi ngờ chồng. Thế rồi mối nghi ngờ chồng không còn yêu mình như trước ngày càng lớn dần theo thời gian. Những cuộc trò chuyện giữa hai vợ chồng ngày càng thưa dần, người chồng một phần mải lảm ăn nên cũng không để ý đến những thay đổi của người vợ và thấy vợ không mặn mà trò chuyện với mình, thỉnh thoảng còn hay cáu gắt, nổi nóng nên cũng ít trò chuyện với vợ,...Và cứ thế tình yêu giữa họ ngày càng rạn nứt.
Người hướng dẫn gợi mở để trao đổi về cách xử lý và giải quyết tình huống từ vị trí của người vợ và người chồng
- Người vợ không nên nghi ngờ chồng mình vô cớ, nên chủ động trò chuyện với chồng về công việc làm ăn của chồng, về việc chăm sóc dạy dỗ con,...
- Người vợ cũng không nên chỉ quanh quẩn với việc con cái bếp núc, nội trợ.
- Người vợ nên tạo nhiều cơ hội để cùng chồng giao lưu với bạn bè, nhất là bạn hè của chồng, kể cả khách hàng của chồng nếu có thể.
- Người chồng nên dành nhiều thời gian cho gia đình hơn nữa và nên trò chuyện với vợ nhiều hơn.
- Người chồng nên quan tâm đến sự thay đổi của vợ và phải tìm hiểu được lí do để khắc phục
- Người chồng nên giúp vợ xóa tan sự nghi ngờ, đưa vợ tham gia vào những cuộc giao lưu với bạn bè, nhất là bạn bè của mình, kể cả khách hàng của mình nếu có thể,...
Người hưởng dẫn tổng hợp và rút ra một số kỹ năng ứng xử để giữ gìn hạnh phúc gia đình như sau:
- Vợ chồng cần tạo thói quen thường xuyên trao đổi thông tin về nhau.
- Hãy chân thành nhân khuyết điểm và cố gắng không bao giờ sai phạm.
- Hãy tạo ra sự tin tưởng ở nhau. Trung thực trong tình yêu tạo ra sự tin tưởng ở nhau và cấu tạo nên nền móng vững chắc của hôn nhân.
- Hãy luôn tươi cười vui vẻ với nhau sẽ làm cho cuộc hôn nhân của bạn hạnh phúc.
- Hãy tôn trọng lẫn nhau. Tôn trọng người khác chính là tôn trọng mình.
- Hãy yêu một cách vô điều kiện.
- Hãy biết cách dàn xếp hy sinh để có được hạnh phúc.
- Hãy biết cách tha thứ. Không bao giờ cố chấp trong tình yêu.
Những rủi ro có thể xảy ra cần chú ý đề phòng:
Người hướng dẫn thuyết trình những rủi ro gì có thể xảy ra cần chú ý đề phòng trong hôn nhân và cuộc sống gia đình
- Quá vội vàng đi đến hôn nhân. Việc quyết định kết hôn quá sớm, quá vội, quá hấp tấp chưa kịp tìm hiểu và cân nhắc kỹ có thể dẫn đến những hiểu lầm, sai lầm làm tan rã hôn nhân.
- Những khiếm khuyết không được sửa chữa. Một trong hai người hoặc cả hai vợ chồng đều có những khuyết điểm nhưng không được sửa chữa.
- Sự khác biệt quá xa về thành phần xã hội- nguồn gốc xuất thân, nghề nghiệp của hai vợ chồng, trong khi đó họ lại không có biện pháp tốt để từng bước khắc phục.
- Cặp vợ chồng hiếm muộn hoặc không sinh được con.
- Cuộc sống tình dục không còn hấp dẫn giữa vợ và chồng.
- Tổ chức cuộc sống gia đình không tốt khi người vợ sinh con.
- Không tìm được lối thoát khi công việc của người chồng gặp khó khăn.
- Tình trạng thất nghiệp thiếu việc làm thu nhập thấp của vợ chồng
Một số kỹ năng giải quyết mâu thuẫn giữa vợ và chồng
Người hướng dẫn nêu câu hỏi và khuyến khích các thành viên thảo luận đưa ra các ý kiến (Hoạt động nhóm lớn: 20 phút ).
Khi có mâu thuẫn giữa vợ và chồng xảy ra anh/chị thường làm cách nào để giải quyết? Có thể cho những ví dụ cụ thể?
Người hướng dẫn tổng hợp các ý kiến thảo luận:
- Hãy đặt ra mục đích của buổi nói chuyện. Trước khi nói chuyện bạn hãy đặt ra trước kế hoạch cần nói những gì định nói.
- Lựa chọn thời điểm thích hợp. Thời điểm và không khí là nhân tố quan trọng tạo nên buổi nói chuyện thành công.
- Biết đặt vấn đề một cách nhẹ nhàng, “Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Cách nói của bạn sẽ quyết định sự thành công của buổi nói chuyện. Hãy làm cho người nghe không cảm thấy bị xúc phạm.
- Biết lắng nghe ý kiến của người bạn đời. Hãy khích lệ người bạn đời cởi mở nói lên những điều họ mong đợi ở bạn hoặc những điều họ không hài lòng; đồng thời sẵn lòng nghe sự góp ý của bạn.
- Không phải lúc nào mình cũng đúng. Nên nhớ rằng không phải bạn là người cần nói chuyện đồng nghĩa với việc bạn luôn đúng. Đừng bao giờ quá tự phụ, kiêu căng về bản thân.
- Biết khắc phục những yếu điểm về tâm sinh lý. Khi có mâu thuẫn người chồng thường dễ bị kích động, rất nóng nảy nên người vợ thường muốn xa lánh chồng. Cách tốt nhất là tuyên bố tạm nghỉ mỗi khi tranh luận trở nên quá căng thẳng cả hai hãy suy nghĩ hoặc để cho đầu óc thư giãn 15-20 phút rồi mới trở lại vấn đề.
Kính thưa các bác, các anh, các chị. Trong thời gian ngắn, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu: Khái niệm thế nào là giáo dục kỹ năng giữ gìn hạnh phúc gia đình? Tìm hiểu 1 số kiến thức về hôn nhân và gia đình; Một số kỹ năng ứng xử giữa vợ và chồng để giữ gìn hạnh phúc gia đình; cũng như những rủi ro có thể xảy ra cần chú ý đề phòng và một số kỹ năng giải quyết mâu thuẫn giữa vợ và chồng.
Do thời gian của buổi tối sinh hoạt hôm nay có hạn nên chúng ta sẽ dừng buổi sinh hoạt tại đây. Trong buổi sinh hoạt tới, dự kiến tổ chức vào đầu tháng … chúng ta sẽ cũng nhau tìm hiểu chủ đề về mối quan hệ , cách ứng xử trong gia đình. Xin trân thành cảm ơn các vị đại biểu, khách quý. Cảm ơn các Bác, các anh, các chị đã tới dự và tham gia buổi sinh hoạt. Xin chúc các vị đại biểu, khách quý, các Bác, các anh, các chị mạnh khỏe, hạnh phúc!
2. Kịch bản sinh hoạt chủ đề Bữa cơm gia đình Câu lạc bộ Phòng, chống bạo lực gia đình
Bạo lực gia đình gây ra nhiều hệ lụy và tác động đến nhiều đối tượng trong xã hội, đặc biệt là các nạn nhân bị bạo lực gia đình trực tiếp, họ sẽ bị tổn thương về thể xác hoặc bị tổn thương tâm lý trầm trọng gây ra những rối loạn tâm lý như trầm uất, hoang tưởng.
Bạo lực gia đình còn ảnh hưởng tới quá trình phát triển của các trẻ em sống trong gia đình có bạo lực. Theo khảo sát nghiên cứu của Trung tâm Thanh Thiếu niên Miền Nam, khi trẻ vị thành niên chứng kiến bố mẹ có hành vi bạo lực, 85,4% trong số đó có biểu hiện chán nản, lo lắng; 20% trẻ cảm thấy sợ hãi; 12,7% mất đi sự tôn trọng đối với bố mẹ, thậm chí 5,5% còn lại muốn bỏ nhà ra đi. Vì vậy, việc nhận diện đúng, đủ về tệ nạn bạo lực gia đình để mọi người ý thức chấp hành tốt luật bình đẳng giới luôn là việc cần thiết cho từng mái ấm gia đình, cộng đồng và xã hội.
Các tổ chức xã hội đặc biệt là Câu lạc bộ phòng, chống bạo lực và gia đình là tổ chức gần gũi nhất với các bậc cha mẹ, có nhiệm tuyên truyền nâng cao ý thức xây dựng gia đình hạnh phúc qua từng chủ đề gắn liền mật thiết với đời sống gia đình.
I. Mục đích, yêu cầu của buổi sinh hoạt:
1. Mục đích:
- Góp phần nâng cao ý thức xây dựng gia đình hạnh phúc, gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình.
- Truyền thông những ý nghĩa tốt đẹp, những nội dung và kỹ năng bổ ích về việc sắp xếp và duy trì những bữa cơm ấm áp yêu thương bên người thân và gia đình.
2. Yêu cầu:
- Ngắn gọn, hình thức phong phú, không khí chan hòa, thoải mái.
- Thu hút được sự quan tâm của các thành viên CLB cũng như người dân.
- Đảm bảo trật tự, an toàn, vui vẻ và đoàn kết các dân tộc.
II. Thời gian tổ chức buổi sinh hoạt:
1. Thời gian: 20h ngày …. tháng .... năm 20....
2. Thời lượng: Từ 20h00’ đến 21h30’
III. Địa điểm tổ chức buổi sinh hoạt:
1. Địa điểm: Nhà văn hóa
2. Thành phần tham dự:
Thành viên CLB PCBLGĐ và nhóm Phòng chống BLGĐ. Bà con nhân dân.
IV. Nội dung và trình tự buổi sinh hoạt:
- 20h00’: Các đại biểu tập trung tại nhà văn hóa, ổn định chỗ ngồi (mở đĩa ca nhạc về Sơn La).
- 20h10’/20h30’: Chương trình văn nghệ do thành viên CLB trình diễn (03 tiết mục).
- 20h30’- 21h30’: Thực hiện nội dung sinh hoạt chính (Do các thành viên CLB thực hiện).
1. Người hướng dẫn sinh hoạt Giới thiệu chủ đề sinh hoạt “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”
LỜI ĐỀ DẪN
Kính thưa…………………………………………………….
“Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” là chủ đề được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn làm chủ đề truyền thông nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2015.
Như chúng ta đã biết, con người chúng ta phải ăn để duy trì sự sống, trong mỗi gia đình không thể thiếu những bữa cơm. Bữa cơm gia đình là sinh hoạt vào một thời điểm nhất định trong ngày mà mọi thành viên cùng ngồi ăn với nhau ở một khoảng không gian nào đó theo lệ thường. Đó là khoảng thời gian mà mọi thành viên trong gia đình cùng sum vầy, quây quần bên nhau.
Quả thực, bữa cơm gia đình mang một ý nghĩa rất lớn trong đời sống gia đình. Bữa cơm gia đình không chỉ đơn giản là một bữa ăn để cung cấp năng lượng cho cơ thể con người nữa, mà nó trở thành nơi gắn kết các thành viên trong mỗi gia đình, nó là nơi hiện diện những nét văn hóa truyền thống của một gia đình, của một đất nước. Là nơi kết nối giữa thế hệ này với thế hệ khác trong một gia đình. Là nơi thể hiện tình yêu thương giữa ông bà, cha mẹ với con, cháu.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, không phải gia đình nào cũng duy trì được những bữa cơm gia đình như vậy, có rất nhiều lý do vì con người, vì công việc cũng như là hoàn cảnh xã hội… Bởi vậy, việc hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và biện pháp duy trì những bữa cơm gia đình trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Hôm nay chúng ta cùng đi tìm hiểu chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” để cùng nhau giữ gìn và phát huy nét văn hóa truyền thống tốt đẹp này.
2. Nội dung sinh hoạt:
Người hướng dẫn sinh hoạt nêu câu hỏi và yêu cầu các thành viên suy nghĩ để bày tỏ ý kiến của mình.
* Anh/ chị nghĩ như thế nào là một bữa cơm gia đình?
Người hướng dẫn ghi ý kiến của các thành viên, tổng hợp và phân tích các ý kiến để thống nhất cách hiểu:
Gợi ý:
- Có mâm cơm
- Có người nấu cơm, người ăn cơm
- Có đầy đủ mọi người trong gia đình
- Thời gian diễn ra: Bữa sáng, trưa, tối
- Không gian diễn ra: Phòng khách hoặc gian bếp
Bữa cơm gia đình là sinh hoạt vào một thời điểm nhất định trong ngày mà mọi thành viên cùng ngồi ăn với nhau ở một khoảng không gian nào đó theo lệ thường. Đó là khoảng thời gian mà mọi thành viên trong gia đình cùng sum vầy, quây quần bên nhau.
* Bữa cơm gia đình có giá trị như thế nào?
Hoạt động dưới dạng trò chơi (20 phút)
Người hướng dẫn sinh hoạt nêu câu hỏi và chia các thành viên của CLB thành 2 nhóm và yêu cầu hai nhóm thi viết lên bảng những giá trị của bữa cơm gia đình. Kết quả nhóm nào đưa ra được những đặc trưng tâm sinh lý của người cao tuổi nhiều hơn thì nhóm đó thắng và có thể được thưởng quà hoặc được thưởng bằng cách được phép phạt các thành viên nhóm bị thua (ví dụ nhóm bị thua phải cử thành viên hát một bài).
Gợi ý:
- Là nơi thể hiện sự quan tâm, tình yêu, chia sẻ
- Là nơi dạy dỗ con cái
- Là nơi gắn kết giữa thế hệ này với thế hệ khác
- Là nơi gìn giữ hạnh phúc gia đình…
Người hướng dẫn tổng hợp ý kiến và nêu các giá trị cơ bản của mâm cơm gia đình:
a) Bữa cơm gia đình là nơi thể hiện sự quan tâm, tình yêu thương và chia sẻ:
Sau một ngày làm việc vất vả, căng thẳng, mệt mỏi; trở về với gia đình, bên mâm cơm, đó chính là những phút giây để các thành viên trong gia đình thể hiện sự quan tâm, yêu thương lẫn nhau. Có những bữa ăn tuy đơn sơ, đạm bạc nhưng rất đầm ấm và đầy nghĩa tình. Trong gia đình, mỗi người đều có thể hiểu được sở thích, khẩu vị của từng người trong gia đình, do vậy, khi nấu ăn, người nấu luôn nghĩ đến giá trị dinh dưỡng của bữa ăn giúp cho mọi thành viên luôn khỏe mạnh. Trong quá trình nấu nướng, các thành viên có thể cùng giúp đỡ, chia sẻ công việc cho nhau... Trong bữa ăn, các thành viên quan tâm đến nhau như xới bát cơm cho nhau, gắp thức ăn cho nhau… khuyến khích động viên nhau ăn uống để bảo đảm sức khỏe.
Bữa cơm gia đình giúp mọi thành viên hiểu nhau hơn: Bữa cơm là thời gian quý báu nhất trong ngày mà các thành viên trong gia đình có thể gần gũi trò chuyện. Trong bữa cơm, những tâm sự sẽ được bộc bạch, những câu chuyện sẽ được đưa ra bình luận, thậm chí mỗi thành viên có thể thể hiện quan điểm, những suy nghĩ của mình về nhiều vấn đề trong ngày. Hơn nữa, đây cũng là lúc thích hợp nhất để ba mẹ tìm hiểu về việc học hành của con cái, về các mối quan hệ bạn bè cũng như mong ước của con trẻ, có thể thấy con lớn lên từng ngày qua cách con ăn và ứng xử trong bữa ăn.
Bữa cơm gia đình giúp mọi thành viên được thư giãn, gạt hết những phiền muộn, những áp lực, về bên nhau là mọi người tìm thấy được tình yêu thương, sự chia sẻ. Bữa ăn giúp mọi người nạp thêm năng lượng cả về thể chất lẫn tinh thần. Vì lẽ đó, bữa cơm là thời gian con người có tất cả: Tình cảm, sự thư thái, đầm ấm, sự bao bọc, chở che và tiếp thêm năng lượng. Bởi vậy dễ hiểu vì sao mỗi bữa cơm gia đình đều tràn ngập tiếng cười, những câu chuyện vui, những chia sẻ không bao giờ muốn kết thúc…
Bữa cơm không chỉ đơn thuần là sum vầy gia đình mà còn thể hiện tấm lòng hiếu khách. Mỗi khi có dịp tổ chức ăn uống, gia đình nào cũng làm những món thật ngon để mời mọi người. Sự chăm chút bữa ăn làm cho các thành viên trong gia đình có cái nhìn đầy yêu thương đối với người biết tạo nên bữa ăn ngon; thiện cảm và yêu thương, đó là nền tảng của hạnh phúc gia đình.
b) Bữa cơm giáo dục con người:
Qua bữa cơm. Tính giáo dục có thể phát triển bền vững và có hiệu quả rất cao cho mỗi thành viên trong gia đình, đặc biệt là đối với trẻ em bằng những đức tính: Biết nhường nhịn, biết dành miếng ngon cho người khác, biết vì người khác, biết tập những thói quen tốt trong khi ăn. Ngay từ khi còn nhỏ, những người con trong gia đình đã được cha mẹ rèn thói quen để biết “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, biết lễ giáo quanh mâm cơm. Bố mẹ có thể dạy cho con cái biết giá trị dinh dưỡng của mỗi món ăn, cách nấu mỗi món ăn.
Đối với người lớn, nó là lúc mọi người chia sẻ với nhau những khó khăn, vướng mắc sau 1 ngày làm việc; đóng góp cho nhau để cùng nhau ngày một hoàn thiện hơn; chia sẻ cho nhau những thông tin mới, thành tựu mới của cộng đồng, của đất nước; giới thiệu cho nhau để khắc phục những gì không nên làm và khuyến khích gợi mở cho những suy nghĩ và hành động cho ngày mai, cho tương lai của từng thành viên trong gia đình, tạo điều kiện cho nhau thực hiện những điều cống hiến cho gia đình, cho cộng đồng và cho quê hương đất nước. Đây là cách giáo dục cụ thể, thiết thực giữa các thành viên trong gia đình.
c) Bữa cơm giữ gìn hạnh phúc gia đình:
Hơn hết nữa nó chính là chìa khóa, là ngọn lửa giữ gìn hạnh phúc gia đình. Chúng ta cũng thấy rõ rằng bữa cơm gia đình ăn tại gia đình khác hẳn ăn tại quán ăn, nhà hàng. Ở nhà, nơi đó có các thành viên trong gia đình thân quen, hương vị của các món ăn luôn gần gũi và đậm ân tình của người thân. Bữa cơm ở nhà sẽ tạo nên sự ấm cúng rất đặc biệt không nơi nào sánh được.
Những giá trị vật chất và tinh thần hình thành sau những bữa cơm gia đình không khác gì những viên gạch cùng những chất keo vô hình tạo nên lâu đài hạnh phúc vĩnh cửu cho mỗi gia đình mà mỗi người chúng ta ai ai cũng cần, ai ai cũng muốn vươn tới và ai ai cũng cần có nó. Tạm gác mọi chuyện xã hội lại để vui cùng gia đình bên mâm cơm thường nhật, ta sẽ thấy được gia đình là chốn bình yên nhất đón ta trở về sau mỗi ngày vất vả của cuộc sống mưu sinh. Một bữa cơm gia đình đôi khi không cần quá cầu kỳ, cao lương mỹ vị, mà cảm giác bữa cơm ngon miệng chỉ cần những món ăn đơn giản, hợp khẩu vị, dinh dưỡng và quan trọng nhất là cả gia đình quây quần đông đủ.
* Bữa cơm gia đình xưa và nay có gì khác nhau?
Người hướng dẫn sinh hoạt nêu câu hỏi và tổng hợp ý kiến của các thành viên:
Gợi ý:
- Gia đình xưa nhiều thế hệ, gia đình nay ít thế hệ
- Gia đình xưa quan trọng gia phong, nề nếp; gia đình nay suy nghĩ phóng khoáng, rộng mở hơn.
- Gia đình xưa không bận quá nhiều việc như gia đình ngày nay, gia đình ngày nay sống trong môi trường đô thị, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên công việc có phần bận bịu hơn…
Người hướng dẫn tổng hợp ý kiến và nêu các giá trị cơ bản của bữa cơm gia đình:
a) Bữa cơm gia đình xưa:
Ngày trước bữa cơm gia đình luôn được chú trọng. Nó như là một sinh hoạt chung của tất cả các thành viên trong gia đình. Những gia đình sống chung với ông bà thường rất chú trọng nề nếp ăn uống, sinh hoạt, bữa cơm gia đình là điều hết sức quan trọng. Ngày xưa điều kiện kinh tế khó khăn, việc “thoát ly” ra khỏi tổ ấm là rất ít, con cái lớn lên, cưới vợ gả chồng rồi sinh con vẫn cố gắng ở bên, phụng dưỡng cha mẹ. Ngược lại, việc sống chung với người già giúp các cặp vợ chồng trẻ giữ được nề nếp, thói quen, gia phong của gia đình, đồng thời biết kính trên nhường dưới. Chính vì điều đó nên bữa ăn gia đình trở thành một thới quen sinh hoạt chung cho các thành viên trong gia đình không bao giờ có thể bỏ qua được. Đúng giờ thì mọi người lại có mặt đông đủ.
b) Bữa cơm gia đình ngày nay:
Ngày nay do tính chất công việc, nhịp sống công nghiệp phát triển nhanh, điều kiện sống trong gia đình có nhiều thay đổi, nhất là gia đình ở thành thị, đô thị lớn. Có được bữa cơm sum họp, đầy đủ mọi thành viên không phải là chuyện dễ. Do vậy, những bữa cơm gia đình đầy đủ, đông vui thường là những bữa cơm cuối tuần. Với nhiều lý do như: Con cái phải đi học thêm, tham gia hoạt động ngoại khóa, họp nhóm, bố mẹ thì bận tiếp khách hay xã giao bạn bè hay làm thêm giờ nên không sum họp được đầy đủ trong bữa cơm gia đình, hay việc không thống nhất quan điểm giữa thế hệ trẻ và thế hệ trước trong gia đình... Những lý do đó khiến nhiều người quyết định sống riêng, gây dựng một gia đình nhỏ chỉ có hai thế hệ. Chính vì thế bữa cơm gia đình chung, đầm ấm, thân mật trong gia đình Việt một thời còn những thiếu thốn giờ đang dần biến mất vì thừa kinh tế nhưng thiếu thời gian. Trong những ngôi nhà rộng rãi, xây dựng theo kiểu hiện đại, không ít gia đình mỗi người một tô, ngồi một góc, kẻ ăn trước, người ăn sau.
Tuy nhiên, nhìn chung, đó vẫn còn là số ít, đa số các gia đình vẫn còn duy trì được truyền thống ăn cơm chung tốt đẹp.
* Giải pháp giữ gìn bữa cơm gia đình là gì?
Người ta thường nói bữa cơm gia đình chính là ngọn lửa duy trì hạnh phúc gia đình, mất dần bữa cơm gia đình cũng đồng nghĩa với việc mất dần hạnh phúc gia đình. Do đó việc duy trì, giữ gìn bữa cơm gia đình vô cùng quan trọng. Vậy chúng ta phải làm gì?
Khi ta thấy không còn thời gian dùng cơm với gia đình, ít nhất là bữa tối, có nghĩa là chúng ta quá bận. Sự “quá bận” đó dù muốn dù không cũng có thể làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Chính vì vậy, ngoài việc dành thời gian cho công việc, học hành, tạo lập các mối quan hệ thì gia đình và bữa cơm gia đình cũng nên được ta dành sự quan tâm một cách hợp lý:
- Chúng ta nên đa dạng hóa bữa cơm, tránh lặp đi lặp lại nhàm chán vài món ăn và đặc biệt chỉ trò chuyện với nhau về những chủ đề “trung lập” nhẹ nhàng, không nên khơi gợi hay bàn luận những gì có thể đưa đến mâu thuẫn, tranh cãi trong các thành viên. Trên cơ sở đó, bữa cơm gia đình sẽ mang một không khí ấm cúng, hạnh phúc.
- Tất cả các thành viên đều phải có trách nhiệm và quyền lợi tham gia vào việc chọn lựa thực đơn, chuẩn bị và nấu nướng. Đối với trẻ em, chúng ta có thể dạy chúng những bước sơ đẳng trong nấu nướng, chế biến món ăn và cách ăn uống, từ đó nâng lên thành văn hóa ứng xử trong bữa ăn như cách mời và gắp thức ăn cho người lớn tuổi... Những bài học nhẹ nhàng mang tính thực hành như thế khiến ta dễ dàng uốn nắn trẻ hơn, tạo thành thói quen tốt.
- Bên cạnh đó cũng nên tạo không gian ấm cúng, lãng mạn cho bữa ăn gia đình để những thành viên trong gia đình cảm thấy bữa ăn thật sự là một khoảng thời gian hạnh phúc không thể bỏ qua. Và như thế, khi nghĩ về bữa cơm gia đình sau một ngày mệt mỏi, mọi người sẽ mong được về nhà, đơn giản chỉ là tìm một vài phút bình yên.
- Cũng nên tạo ra những sân chơi hữu ích như các cuộc thi nấu ăn, kiến thức dinh dưỡng với sự tham gia của tất cả các thành viên trong gia đình, để từ đó định hướng suy nghĩ của giới trẻ về tầm quan trọng của bữa ăn gia đình. Định hướng cho lớp trẻ nhìn nhận về bữa cơm gia đình trong thời buổi công nghiệp hiện nay một cách thấu đáo hơn. Sự đô thị hóa đang ngày một nhanh chóng, lối sống đô thị đang cuốn giới trẻ vào công việc, vào học hành mà quên đi nhiều giá trị truyền thống đáng quý, hãy hướng giới trẻ đến một suy nghĩ mang tính dân tộc, để giá trị văn hóa dân tộc không một sớm một chiều mà mai một. Hãy tạo những bữa cơm gia đình ý nghĩa.
* Kết luận:
Với chủ đề “Bữa cơm gia đình Việt Nam ấm áp yêu thương”, từng gia đình nên duy trì những bữa cơm gia đình như là đã làm và đặc biệt quan tâm đến giá trị tinh thần của nó; những gia đình vì lý do nào đó chưa duy trì được hãy gắng phục hồi những bữa cơm gia đình hữu ích. Người người, nhà nhà chú tâm và thực hiện những bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương. Nhất định sẽ góp phần mang lại hiệu quả trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, sẽ góp phần xây dựng xã hội chúng ta đang sống là một xã hội hạnh phúc. Hạnh phúc gia đình qua bữa cơm tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng rất cần và rất quý. Nếu còn có những gia đình với lý do gì đó lại lãng quên, không quan tâm đến, không hiểu được giá trị cả vật chất lẫn tinh thần của bữa cơm gia đình là điều đáng tiếc vô cùng. Việc thực hiện bữa cơm gia đình đạt ý nghĩa như đã nêu trên trong điều kiện hiện nay là khó nhưng không phải là nan giải. Từng thành viên trong gia đình cần nhận thức rõ lợi ích của bữa cơm gia đình mà tranh thủ thời gian, hoàn thành công việc và trở về với gia đình của mình. Hãy giữ gìn bữa cơm gia đình, nó là chìa khóa bảo vệ hạnh phúc gia đình.
Tóm tắt toàn bộ nội dung của buổi sinh hoạt, nhắc nhở mọi người thời gian và nội dung sinh hoạt của kỳ sinh hoạt câu lạc bộ sau (chủ đề sau: BẠO LỰC TRONG GIA ĐÌNH) và cảm ơn sự tham gia của mọi người.
Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết liên quan tại mục Hôn nhân - Gia đình thuộc mục Biểu mẫu.
Tham khảo thêm
- Chia sẻ:Phạm Phương Anh
- Ngày:
Kịch bản sinh hoạt Câu lạc bộ Phòng, chống bạo lực gia đình 2024
221 KB 28/12/2017 7:28:00 CHKịch bản sinh hoạt Câu lạc bộ Phòng, chống bạo lực gia đình (tệp PDF)
10/01/2018 10:57:51 CH
Gợi ý cho bạn
-
Bảng tự đánh giá Gia đình văn hóa 2024
-
Mẫu đơn ly hôn đơn phương 2024, đơn khởi kiện ly hôn 2024
-
Mẫu kế hoạch hỗ trợ đồng nghiệp mô đun 4 năm 2024 mới cập nhật
-
Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (Dành công dân cư trú ở nước ngoài)
-
Đơn xin ly hôn 2024 mới nhất
-
Mẫu bản cam kết kiểm tra học kì 1 năm học 2023-2024
-
Biên bản ghi nhận tự nguyện ly hôn và hòa giải thành 2024
-
Mẫu phiếu đăng kí danh hiệu Gia đình học tập năm 2024
-
Đơn xin nhận con nuôi trong nước 2023
-
Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn 2024
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Hướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Mẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Top 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Thực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2024 mới cập nhật
Bộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2024
Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2024
Suy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Tờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2024
Mẫu nhận xét các môn học theo Thông tư 22, Thông tư 27
Thủ tục hành chính
Hôn nhân - Gia đình
Giáo dục - Đào tạo
Tín dụng - Ngân hàng
Biểu mẫu Giao thông vận tải
Khiếu nại - Tố cáo
Hợp đồng - Nghiệm thu - Thanh lý
Thuế - Kế toán - Kiểm toán
Đầu tư - Kinh doanh
Việc làm - Nhân sự
Biểu mẫu Xuất - Nhập khẩu
Xây dựng - Nhà đất
Văn hóa - Du lịch - Thể thao
Bộ đội - Quốc phòng - Thương binh
Bảo hiểm
Dịch vụ công trực tuyến
Mẫu CV xin việc
Biển báo giao thông
Biểu mẫu trực tuyến