Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn

Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn

Chiều 19/1/2018 Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố dự thảo các môn học mới từ cấp tiểu học, THCS, THPT. Dưới đây là dự thảo chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn, mời các bạn cùng tham khảo.

CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MÔN NGỮ VĂN

(Dự thảo ngày 19 tháng 01 năm 2018)

I. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC

Ngữ văn là môn học thuộc lĩnh vực Giáo dục ngôn ngữ và văn học, được học từ lớp 1 đến lớp 12. Ở tiểu học, môn học này có tên là Tiếng Việt; ở trung học cơ sở và trung học phổ thông có tên là Ngữ văn.

Thông qua các văn bản ngôn từ và những hình tượng nghệ thuật sinh động trong các tác phẩm văn học, bằng hoạt động đọc, viết, nói và nghe, môn Ngữ văn có vai trò to lớn trong việc giúp học sinh phát triển những phẩm chất cao đẹp; có những cảm xúc lành mạnh, biết tôn trọng cái đẹp; có đời sống tinh thần phong phú; có tâm hồn nhân hậu và lối sống nhân ái, vị tha.

Là một môn học vừa có tính công cụ, vừa có tính thẩm mĩ – nhân văn, môn Ngữ văn giúp học sinh hình thành, phát triển các năng lực chung và năng lực môn học như năng lực ngôn ngữ, năng lực thẩm mĩ để học tập tốt các môn học khác, để sống và làm việc hiệu quả, để học suốt đời.

Nội dung chương trình môn Ngữ văn liên quan tới nhiều môn học và hoạt động giáo dục khác như Lịch sử, Địa lí, Nghệ thuật, Đạo đức, Giáo dục công dân, Ngoại ngữ, Tự nhiên và Xã hội, Hoạt động trải nghiệm.

Nội dung cốt lõi của môn học bao gồm các mạch kiến thức và kĩ năng cơ bản, thiết yếu về văn học và tiếng Việt, đáp ứng các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh ở từng cấp học; được phân chia theo hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản và Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

– Giai đoạn giáo dục cơ bản:

Chương trình được thiết kế theo các mạch chính tương ứng với các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe. Kiến thức văn học và tiếng Việt được tích hợp trong quá trình dạy học đọc, viết, nói và nghe. Các ngữ liệu được lựa chọn và sắp xếp phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh ở mỗi cấp học.

Kết thúc giai đoạn giáo dục cơ bản, học sinh có thể đọc, viết, nói và nghe hiểu các kiểu loại văn bản phổ biến và thiết yếu, gồm văn bản văn học, văn bản nghị luận và văn bản thông tin; sử dụng tiếng Việt thành thạo để giao tiếp hiệu quả trong cuộc sống hàng ngày và học tập tốt các môn học khác; đồng thời qua môn học, học sinh được bồi dưỡng và phát triển về tâm hồn và nhân cách.

– Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp:

Ở giai đoạn này, chương trình môn học củng cố và phát triển các kết quả của giai đoạn giáo dục cơ bản, giúp học sinh nâng cao năng lực giao tiếp, yêu cầu cao hơn về năng lực tiếp nhận, nhất là với văn bản văn học; tăng cường năng lực tạo lập văn bản nghị luận, văn bản thông tin có độ phức tạp hơn về chủ đề và kĩ thuật viết, qua đó phát triển tư duy độc lập, sáng tạo và khả năng lập luận; đồng thời giúp học sinh học sâu hơn về tác phẩm văn học, trang bị một số kiến thức lịch sử văn học, lí luận văn học có tác dụng thiết thực đối với việc đọc và viết về văn học.

Ngoài ra, trong mỗi năm, những học sinh có thiên hướng khoa học xã hội và nhân văn được chọn học một số chuyên đề. Các chuyên đề này nhằm tăng cường kiến thức về văn học và ngôn ngữ, kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đáp ứng sở thích, nhu cầu và định hướng nghề nghiệp của học sinh.

Mời các bạn tải file đầy đủ về tham khảo.

Đánh giá bài viết
1 2.117
0 Bình luận
Sắp xếp theo