Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên Module GVPT 11
HoaTieu.vn xin gửi tới thầy cô bài viết Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên Module GVPT 11 theo quy định Thông tư 17/2019/TT-BGDĐT để thầy cô cùng tham khảo. Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVPT 11 là bài thu hoạch về tạo dựng mối quan hệ hợp tác với cha mẹ học sinh và các bên liên quan trong hoạt động dạy học và giáo dục học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Sau đây là nội dung chi tiết Bài thu hoạch module 11, mời các bạn cùng theo dõi.
- Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018
- Cách đăng nhập Chương trình tập huấn và bồi dưỡng Giáo viên
- Tổng hợp bài thu hoạch BDTX Giáo viên theo Thông tư 17
Module GVPT 11
1. Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên Module GVPT 11 số 1
Trong những năm qua, công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc quản lý, giáo dục học sinh tỉnh ........ đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị, xã hội, ngành giáo dục, phụ huynh học sinh quan tâm và đạt được những kết quả bước đầu. Đây là một trong những biện pháp quan trọng để quản lý, giáo dục toàn diện học sinh. Việc phối hợp ba môi trường giáo dục được thể hiện trên một số nội dung sau:
Thứ hai: Ngành Giáo dục đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội trong giáo dục học sinh tỉnh ........ (theo Quyết định số 420/QĐ-UBND ngày 16/9/2015 của UBND tỉnh), trong đó xác định rõ trách nhiệm và quyền hạn của nhà trường, gia đình, xã hội, ban đại diện cha mẹ học sinh trong công tác quản lý giáo dục học sinh; Kế hoạch số 238/KH-KH-UBND ngày 26/11/2018 của UBND tỉnh Thực hiện Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; tạo cơ chế thuận lợi để triển khai công tác phối hợp; xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong giáo dục học sinh. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thực hiện các nguyên tắc phối hợp, nội dung phối hợp và trách nhiệm, quyền hạn của các nhà trường theo đúng nội dung của Quy chế.
Thứ ba: Chỉ đạo các cơ sở giáo dục khi xây dựng kế hoạch năm học, cần chú trọng giải pháp thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình thông qua vai trò của giáo viên bộ môn, nhất là giáo viên chủ nhiệm lớp, hệ thống sổ liên lạc thông thường, sổ liên lạc điện tử, điện thoại và các phương tiện truyền thông qua mạng internet rất thông dụng hiện nay như thư điện tử, zalo, viber, messenger, facebook… để thường xuyên nắm bắt tình hình gia cảnh, hoàn cảnh, diễn biến tâm lý của học sinh; kịp thời thông tin đến cha mẹ học sinh tình hình tu dưỡng, rèn luyện và kết quả học tập của con em họ, qua đó động viên, chia sẻ và uốn nắn từng biểu hiện hành vi của học sinh, kể cả những sai phạm, biểu hiện lệch chuẩn. Duy trì nền nếp việc họp phụ huynh học sinh đầu năm học, kết thúc học kỳ I và cuối năm học, để thông tin đến gia đình học sinh tình hình học tập của con em và bàn giải pháp phối hợp giáo dục. Ở đây, vai trò của người giáo viên bộ môn, nhất là giáo viên chủ nhiệm lớp là vô cùng quan trọng. Người giáo viên không chỉ làm nhiệm vụ giảng dạy, tổ chức các hoạt động giáo dục, mà còn phải quản lý, theo dõi sát sao sự tiến bộ của học sinh, nhất là học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, học sinh cá biệt. Rất nhiều giáo viên tâm huyết, thường xuyên đến thăm gia đình học sinh, chia sẻ hoàn cảnh, giúp đỡ học sinh tiến bộ, vận động học sinh đến trường, nhất là những giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.
Mặt khác, mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình thể hiện rõ qua hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường và lớp. Việc thành lập và hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh được chỉ đạo thực hiện theo đúng Thông tư số 55/2011/TT-BGGĐT ngày 22/11/2011 của Bộ GD&ĐT ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Nhiều trường học đã duy trì rất tốt hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường, lớp; giúp nhà trường thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đóng góp chương trình giáo dục, phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo,.. và quản lý, giáo dục, chăm sóc học sinh.
Thứ tư: Chỉ đạo các cơ sở giáo dục thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, tổ chức đoàn thể xã hội ở địa phương để quản lý và giáo dục học sinh, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, xây dựng và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường, giáo dục quốc phòng, an ninh, giáo dục pháp luật, ý thức trách nhiệm công dân, chấp hành các quy định về giao thông, phòng, chống ma túy, phòng chống bạo lực học đường, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội,... góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, tạo điều kiện để học sinh phát triển nhân cách toàn diện.
Thứ năm: Các nhà trường phối hợp với gia đình và xã hội làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, xây dựng các quỹ học bổng khuyến học, khuyến tài, quỹ tài năng trẻ để hỗ trợ học sinh gặp khó khăn, khen thưởng động viên kịp thời học sinh có thành tích trong học tập và rèn luyện.
Có thể nói, công tác phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội trong những năm qua đã được ngành Giáo dục ........ quan tâm chỉ đạo, triển khai và thực hiện tốt, bảo đảm đúng Quy chế quy định của nhà nước. Việc phối hợp chặt chẽ giữa ba môi trường giáo dục đã có tác dụng tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Những năm gần đây, chất lượng giáo dục đạo đức học sinh các cấp học trên địa bàn tỉnh được duy trì mức độ tốt. Năm học 2017-2018 tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm như sau: Cấp THCS: Tốt 74,23% (tăng 3,17%), khá 22,75% (giảm 2,28%), Yếu 0,07%. Cấp THPT: Tốt 68,18% (tăng 2,62%); khá 26,03% (giảm 0,73%); Yếu 0,72% (giảm 0,6%).
Tuy nhiên, ở một số địa phương, đơn vị vẫn còn một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh chưa có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về ý nghĩa, vai trò của công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc quản lý, giáo dục học sinh hiện nay. Công tác phối hợp các môi trường giáo dục ở một số đơn vị còn mang tính hình thức, chưa có chiều sâu, thiếu bền vững, hiệu quả hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục toàn diện. Cụ thể là:
Một là, Một số cơ sở giáo dục chưa thực hiện tốt việc phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội. Công tác phối hợp quản lý, giáo dục lý tưởng, đạo đức, nhân cách, lối sống, kỹ năng sống, pháp luật, ý thức trách nhiệm công dân cho học sinh ở một số đơn vị hiệu quả chưa cao, chưa phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong nhà trường; một số giáo viên, trong đó có giáo viên chủ nhiệm lớp còn chưa làm hết trách nhiệm quản lý, giáo dục học sinh, vai trò còn mờ nhạt; một số giáo viên giảm nhiệt tình và tâm huyết nghề nghiệp; sự phối hợp với gia đình và xã hội trong quản lý và giáo dục HS còn chưa thường xuyên. Ở một số cơ sở giáo dục còn hiện tượng lạm dụng hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu những khoản thu trái quy định, thực hiện quy trình xã hội hóa chưa đúng, gây ít nhiều bức xúc trong dư luận, nhất là đầu năm học.
Hai là, Một số gia đình do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cha mẹ đi làm ăn xa, hoặc hoàn cảnh đặc biệt nên không có điều kiện và chưa quan tâm đến việc quản lý, chăm sóc, giáo dục con, chưa phối hợp với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm để giáo dục học sinh; còn có hiện tượng buông lỏng quản lý, phó mặc giáo dục cho nhà trường. Một số gia đình ông bà, cha mẹ chưa thực sự làm gương cho con cháu; học sinh mất điểm tựa, chỗ dựa từ gia đình; một bộ phận phụ huynh chưa nhận thức rõ về mục tiêu giáo dục học sinh, thiếu kiến thức, kỹ năng trong việc quản lý, giáo dục con em.
Ba là, mặt trái của môi trường xã hội hiện đại (Mạng xã hội, văn hóa độc hại, trò chơi điện tử, lối sống thực dụng…) ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển nhân cách học sinh, lối sống thực dụng tác động không nhỏ đến tâm lý, tính cách và hành xử của học sinh, dẫn tới có hành vi sai phạm, bỏ học, chơi điện tử, hành vi bạo lực học đường, vi phạm pháp luật giao thông…
2. Một số giải pháp và kiến nghị
Để công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc quản lý, giáo dục học sinh nhằm nâng cao chất lượng dạy học, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong thời gian tới Ngành Giáo dục tiếp tục chỉ đạo các tăng cường kỷ cương, nền nếp trường, lớp học nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục theo hướng bền vững với một số giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, phụ huynh, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị, xã hội về ý nghĩa, vai trò của công tác phối hợp ba môi trường nhà trường, gia đình và xã hội trong việc quản lý, giáo dục học sinh; xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các bên liên quan đến từng môi trường giáo dục; mọi người phải ý thức luôn sẵn sàng phối hợp, chủ động phối hợp mà không có thái độ trông chờ hay ỷ lại vào môi trường giáo dục khác; qua đó tạo sự đồng thuận cao và huy động được sự tham gia chủ động, tích cực của toàn xã hội đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện; chú trọng công tác quản lý và giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống, kỹ năng sống, văn hóa ứng xử, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, giáo dục pháp luật và ý thức, trách nhiệm công dân cho HSSV; kết hợp hài hòa “dạy chữ”, “dạy người” và “dạy nghề”, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; xây dựng và thực hiện văn hóa ứng xử trong trường học. Tổ chức đa dạng, sáng tạo, thiết thực và hiệu quả các hoạt động hoạt động trải nghiệm sáng tạo, giáo dục kỹ năng sống, văn hóa, văn nghệ, thể thao, giáo dục ngoài giờ lên lớp tạo sân chơi bổ ích, giáo dục toàn diện học sinh, sinh viên. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục; tăng cường kỷ cương, nền nếp trường, lớp học; tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục theo hướng thực chất và bền vững. Xây dựng và thực hiện nghiêm túc Bộ quy tắc ứng xử trong trường học.
Thứ ba, tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 71/2008/CT-BGDĐT ngày 23/12/2008 của Bộ GD&ĐT về việc tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục trẻ em, học sinh, sinh viên; Quyết định số 420/QĐ-UBND ngày 16/9/2015 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế phối hợp nhà trường- gia đình- xã hội trong giáo dục học sinh tỉnh ........; Kế hoạch số 911/KH-SGDĐT ngày 19/8/2016 của Sở GD&ĐT về việc thực hiện Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”. Phối hợp chặt chẽ với gia đình trong việc quản lý, giáo dục, đạo đức, lối sống của học sinh sinh viên. Phát huy vai trò trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể trong nhà trường (tổ chức Đoàn, Đội, Hội), của đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm lớp; thường xuyên giữ mối liên lạc với gia đình học sinh, nhất là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh cá biệt, để nắm bắt tâm tư tình cảm, theo dõi sát sao tình hình tư tưởng, diễn biến tâm lý và có biện pháp kịp thời giáo dục học sinh. Đặc biệt đinh hướng học sinh, sinh viên nâng cao nhận thức về văn hóa ứng xử trên môi trường mạng xã hội, yêu cầu các em tham gia các trang mạng xã hội bảo đảm quyền tự do cá nhân trong giới hạn cho phép, song không được vi phạm các quy định của pháp luật và quy tắc ứng xử học đường. Ngành Giáo dục đề nghị các gia đình cần thực sự quan tâm đến việc học hành, sự trưởng thành, nhất là diễn biến tâm lý của con em mình; phối hợp thường xuyên với nhà trường để cùng quản lý, giáo dục, chăm sóc học sinh. Mọi người trong gia đình phải có trách nhiệm xây dựng gia đình văn hóa, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ của con em; ông bà, cha mẹ phải có trách nhiệm giáo dục, làm gương cho con cháu. Ở đây, rất cần vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội ở địa phương (cấp ủy Đảng, Chính quyền, Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức, Chi đoàn thanh niên,...) trong việc tuyên truyền, vận động các gia đình quan tâm đến quản lý, giáo dục học sinh trên địa bàn.
Thứ tư, thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, các địa phương trong việc quản lý, giáo dục học sinh, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiện đại và có văn hoá. Bên cạnh giáo dục chính khóa, tăng cường phối hợp tổ chức đa dạng, phong phú, sáng tạo các hoạt động giáo dục ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp, trải nghiệm sáng tạo, để tạo sân chơi lành mạnh và trí tuệ để thu hút học sinh, sinh viên có cơ hội và môi trường phát triển những phẩm chất và năng lực bản thân. Rà soát và chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp theo đúng các quy định và tuyệt đối an toàn, bảo đảm mục tiêu giáo dục toàn diện và phát triển các kỹ năng cho học sinh, sinh viên. Mặt khác, các cấp chính quyền, ban, ngành địa phương, các đoàn thể theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục quan tâm, phối hợp giúp đỡ nhà trường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, cảnh quan sư phạm; tăng cường quản lý các dịch vụ xung quanh trường (quán game, trò chơi điện tử, hàng quán,…), tuyên truyền, giáo dục pháp luật an toàn giao thông, giáo dục phòng chống ma túy, các tệ nạn xã hội, ngăn chặn và hạn chế sự xâm nhập của văn hóa phẩm độc hại vào trong các nhà trường.
Thứ năm, coi trọng công tác kiểm tra, đánh giá công tác phối hợp ba môi trường giáo dục ở các nhà trường. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả.
Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, tỉnh ........ đã và đang tích cực triển khai việc xây dựng môi trường văn hóa, trọng tâm là văn hóa gia đình, tạo nền tảng xây dựng nhân cách con người ........ phát triển toàn diện. Trong bối cảnh hội nhập văn hóa ngày càng sâu rộng ngày nay, việc đề cao xây dựng và phát triển văn hóa, nhất là văn hóa ở cơ sở (bao gồm văn hóa gia đình, văn hóa học đường) là một việc làm thật có ý nghĩa trong việc định hướng xây dựng nhân cách con người Việt Nam nói chung, con người ........ nói riêng. Bởi lẽ, gia đình vẫn là cái nôi đầu tiên, môi trường giáo dục đầu tiên cho sự hình thành và phát triển nhân cách con người; song giáo dục nhà trường vẫn đóng vai trò quan trọng; còn xã hội chính là trường học lớn để con người rèn luyện và trưởng thành. Vậy nên, để xây dựng nhân cách con người ........ phát triển toàn diện, cần xây dựng môi trường văn hóa từ trong gia đình, trong nhà trường và toàn xã hội; đặc biệt phải thực hiện chặt chẽ việc phối hợp ba môi trường để cùng giáo dục học sinh: gia đình - nhà trường và toàn xã hội.
2. Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên Module GVPT 11 số 2
1. Lợi ích của việc xây dựng mối liên hệ giữa Phụ huynh, Nhà trường và Cộng đồng:
- Cha mẹ thường xuyên nắm bắt được tình hình học tập, rèn luyện ở trường, lớp của con; trên cơ sở đó hỗ trợ con em phát huy các điểm tốt hoặc kịp thời ngăn chặn, điều chỉnh, sửa chữa các điểm hạn chế trong học tập và rèn luyện.
- Thầy cô giáo có thêm hiểu biết về học sinh, nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn, từ đó có phương pháp giáo dục phù hợp, toàn diện và có định hướng đúng để quan tâm giúp đỡ được nhiều hơn đối với từng em trong từng hoàn cảnh khác nhau.
- Cộng đồng nhận thấy vai trò trách nhiệm của mình, tích cực hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi cho nhà trường, gia đình giúp đỡ các em học tập và rèn luyện.
2. Nội dung và phương pháp xây dựng, duy trì mối liên hệ giữa Phụ huynh, Nhà trường, Cộng đồng:
2.1. Mối liên hệ giữa Phụ huynh và Nhà trường
2.1.1. Đối với Phụ huynh:
- Thiết lập và duy trì mối liên hệ với Giáo viên chủ nhiệm, Giáo viên bộ môn qua gặp gỡ trực tiếp, gọi điện thoại, xem sổ liên lạc hay các kỳ họp Phụ huynh.
- Thường xuyên nắm bắt tình hình học tập, rèn luyện của con ở trường, lớp đồng thời cung cấp thông tin (diễn biến tâm tư, tình cảm) của con cho Giáo viên chủ nhiệm.
- Tham gia đầy đủ các cuộc họp Phụ huynh, các hoạt động khác theo yêu cầu của trường, lớp.
- Nắm bắt thông tin và luôn giữ liên lạc với ban Phụ huynh, cán sự lớp và bạn bè thân thiết của con.
2.1.2. Đối với Nhà trường:
- Thông tin cho Phụ huynh biết về các hoạt động giáo dục của Nhà trường.
- Giám sát Giáo viên, Học sinh trong việc dạy và học; cử Giáo viên hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
- Đinh hướng nội dung các kỳ họp Phụ huynh, cần có nhiều nội dung trao đổi khác như: phương pháp giáo dục con, cách thức giao tiếp với con...
- Huy đông cộng đồng hỗ trợ để học sinh có “3 đủ - 1 có” ( đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở và có góc học tập).
- Tô chức các buổi truyền thông đến cha mẹ học sinh về nội dung giáo dục (có sự hỗ trợ của cộng đồng).
2.2. Mối liên hệ giữa Phụ huynh và Cộng đồng
2.2.1. Đối với Phụ huynh:
- Tạo điều kiện tốt nhất cho con được tham gia các hoạt động cộng đồng.
- Các gia đình cùng trong địa bàn dân cư thường xuyên trao đổi, phản ánh các thông tin về giáo dục con em thông qua các cuộc họp, sinh hoạt CLB...
2.2.2. Đối với Cộng đồng:
- Thường xuyên cung cấp thông tin về giáo dục Học sinh cho gia đình thông qua họp tổ dân phố, sinh hoạt CLB, loa truyền thanh của phường xã.
- Tổ chức các hoạt động sinh hoạt Cộng đồng phù hợp với từng lứa tuổi.
- Nắm bắt tình hình Học sinh bỏ học, hỗ trợ gia đình giáo dục học sinh chưa ngoan, biểu dương khen thưởng Học sinh có thành tích trong học tâp, rèn luyện.
- Các tổ chức xã hội (Hội phụ nữ, Nông dân, Đoàn TN, Hội khuyến học…) phối hợp phân công giúp đỡ Học sinh khuyết tật, hoặc có hoàn cảnh khó khăn (tư vấn kiến thức nuôi dạy con, hỗ trợ vật chất, tinh thần...).
- Thành lập và đẩy mạnh Quỹ khuyến học, Chi hội khuyến học…
2.3 Mối liên hệ giữa Phụ huynh và Phụ huynh:
- Chia sẻ kinh nghiệm giáo dục con trực tiếp thông qua mối liên hệ làng xóm, sinh hoạt CLB, họp phụ huynh, gọi điện thoại...
- Nội dung trao đổi:
+ Cách mua và sử dụng sách giáo khoa và tài liệu tham khảo.
+ Chọn lớp, chọn trường, chọn nghề, chọn bạn...
+ Cách hướng dẫn con học tập hiệu quả.
+ Chăm sóc, nuôi dưỡng để con có sức khỏe.
+ Cách quản lý, giám sát, hỗ trợ giúp con học tập tốt.
* Kinh nghiệm cho chúng ta thấy: Để thiết lập, duy trì và tăng cường mối liên hệ của Gia đình, Nhà trường, Cộng đồng được tốt thì vai trò của Gia đình là vô cùng quan trọng. Các bậc cha mẹ cần chủ động xây dựng mối liên hệ và thường xuyên duy trì các mối liên lạc thì việc hỗ trợ con học tập và rèn luyện mới đạt hiệu quả.
3. SỰ CẦN THIẾT CỦA VIỆC KẾT HỢP GIỮA 3 MÔI TRƯỜNG TRONG VIỆC GIÁO DỤC HỌC SINH
3.1. Sự phối hợp giữa các nhân tố gia đình - nhà trường - xã hội trong việc giáo dục đạo đức học sinh:
Có 3 nhân tố chính trong việc giáo dục đạo đức học sinh đó là: gia đình, nhà trường và xã hội. Mỗi nhân tố đều mang 1 vai trò riêng nhất định:
+ Gia đình: là tế bào của xã hội, là nền tảng của mỗi quốc gia và là chỗ dựa vững chắc về mặt tinh thần, đồng thời cũng là kim chỉ nam để tránh những nhận thức lệch lạc từ phía học sinh.
+ Nhà trường: là môi trường giáo dục chuyên nghiệp, không chỉ phát triển về kiến thức mà còn phải truyền tải cho học sinh những giá trị chuẩn mực của xã hội để các em trở thành những con người trí thức thật sự cố đời sống tinh thần phong phú bên cạnh cuộc sống gia đình.
+ Xã hội: là môi trường thực tế, giúp học sinh hoàn thiện một số kĩ năng cuộc sống, chi phối một phần rất lớn trong suy nghĩ và hành động của học sinh.
Vì vậy, sự phối hợp của 3 nhân tố trên là việc làm hết sức cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục nhân cách ở học sinh. Giống như chiếc kiềng 3 chân, đơn giản, vững chắc và không thể thiếu bất kì chân nào.
* Ví dụ 1: (thiếu yếu tố gia đình) Việc chấp hành trật tự an toàn giao thông học đường.
Đã có sự kết hợp khá tốt giữa nhà trường và xã hội trong việc thực hiện an toàn giao thông học đường. Học sinh được học luật giao thông từ cấp 1 và được liên tục cập nhật, bổ sung thông tin. Xã hội bảo vệ học sinh bằng những luật như đội mũ bảo hiểm và không được đi xe phân khối lớn. Việc thi hành pháp luật cũng đã được tiến hành gắt gao với sự kết hợp của nhà trường và xã hội. Tuy nhiên, không ít phụ huynh vẫn cho con đến trường bằng xe phân khối lớn, bất chấp và lách luật bằng cách gửi xe ở những bãi xe xung quanh trường. Đây là ví dụ điển hình cho việc gia đình không phối hợp với nhà trường và xã hội.
* Ví dụ 2: (nhà trường) Việc rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh.
Đôi khi các bậc cha mẹ rất muốn cho con mình được bồi dưỡng thêm những khả năng giao tiếp cuộc sống để khi bước vào đời không phải ngỡ ngàng, thiệt thòi. Xã hội cũng đã tạo rất nhiều điều kiện cho các em học sinh có thể tham gia như tạo các nhà văn hoá, các tổ chức đoàn đội của phường. Tuy nhiên, với lịch học dày đặc, học ngày học đêm, học thêm chủ nhật như hiện nay thì việc bồi dưỡng kĩ năng sống dường như là bất khả thi.
* Ví dụ 3: (xã hội) Nhu cầu của học sinh.
Trong khi gia đình và nhà trường cố gắng hướng học sinh đến một tâm hồn trong sáng, cao đẹp, sống hết mình vì mọi người thì xã hội vô hình lại nhấn mạnh đến bằng cấp, địa vị, quyền lực, tiện nghi, sự giàu có. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến những quan niệm sống của học sinh mà đôi khi cả gia đình và nhà trường cũng không thể uốn nắn lại được.
Nói chung, bất kì sự không phối hợp hay phối hợp thiếu nhịp nhàng nào giữa 3 nhân tố sẽ gây cản trở rất lớn cho quá trình giáo dục đạo đức học sinh.
3.2. Những bất cập cần được giải quyết trong việc giáo dục đạo đức học sinh.
Trong tình hình hiện nay, sự phối hợp giữa 3 nhân tố đã ít nhiều vấp phải những cản trở nhất định do chính bất cập của nhân tố đó tạo ra.
* Đối với gia đình:
+ Một số gia đình không hề quan tâm hoặc quan tâm HS không đúng cách. Thả lỏng hoàn toàn hay cách giáo dục muốn con thành công hơn thành nhân đều dẫn đến kết quả không tốt.
+ Cách khắc phục: các bậc phụ huynh cần dành ra nhiều thời gian hơn cho việc dạy con nên người, không nên chỉ chạy theo các giá trị hiện thực như học vấn hay tiền bạc mà còn phải chỉ cho con thấy những giá trị của tâm hồn.
* Đối với nhà trường:
+ Hiện nay, khi một học sinh có biểu hiện sai trái về đạo đức thì xã hội phê phán rằng bộ môn GDCD đã không hoàn thành trách nhiệm của mình. Nhưng ít ai nghĩ được rằng, vấn đề chính cần giải quyết lại nằm trong nội dung chương trình. Cuốn sách được xem là chuẩn mực của VN hiện nay thì lại đặt nặng, nhồi nhét quá nhiều về những lý thuyết sáo rỗng xa rời thực tế.
Chương trình phổ thông chỉ chú trọng đến những bài học tư tưởng chính trị lớn lao mà lại vô tình bỏ quên những điều rất đời thường, biết sống và biết tôn trọng người khác những giá trị đạo đức của một con người. Trong nhà trường môn GDCD chỉ được coi là thứ yếu.
+ Cách khắc phục: Không có bất kì phương pháp nào hay hơn là phải thay đổi phương pháp giáo dục của môn GDCD. Chương trình phải thật sự có ích cho HS, là một hành trang đầy đủ để học sinh có thể tự tin bước vào cuộc đời. Đừng để xảy ra tình trạng 100% HS trả lời bài thi em sẽ nhặt rác lên khi thấy hay em sẽ dẫn cụ già qua đường nhưng rác thì đầy sân trường và đâu đó lại có chiếc áo trắng vô tâm băng nhanh sang đường bỏ lại cụ già choáng ngợp giữa dòng xe giờ tan tầm.
* Đối với xã hội:
+ Thế hệ sau không có một khuôn mẫu đạo đức để noi theo. Làm sao có thể áp dụng bài học an toàn giao thông vào thực tế khi một đứa trẻ thường xuyên thấy ba mẹ vượt đèn đỏ ? Và phải giáo dục đạo đức cho học sinh thế nào khi có những kẻ sai phạm rành rành nhưng vẫn thoát tội? Chính vì tiếp nhận quá nhiều thông tin tiêu cực nên học sinh sẽ bị hoang mang trong việc định hình nhân cách, hay tệ hơn là sẽ có những định hướng lệch lạc.
+ Cách khắc phục: Muốn giáo dục một ai đó, trước tiên phải giáo dục được chính mình. Thế hệ trước luôn phải có ý thức rằng mình là một tấm gương để thế hệ trẻ noi theo. Làm được như thế xem như đã thành công một phần không nhỏ trên con đường giáo dục nhân cách cho HS.
Tóm lại, thế hệ trẻ là tương lai của đất nước nên giáo dục đạo đức cho giới trẻ là cách chúng ta đào tạo ra những công dân tốt cho tổ quốc, là cách đầu tư tốt nhất cho tương lai của một đất nước. Giáo dục thế hệ trẻ ngay từ trong gia đình và trên ghế nhà trường luôn là điểm khởi đầu để một xã hội chuyển mình phát triển bền vững./.
4. Một số giải pháp nhằm làm tốt công tác giáo dục đạo đức cho Học sinh.
4.1. Nhà trường chủ động phối hợp với gia đình và xã hội.
Gia đình, nhà trường và xã hội luôn được coi là "tam giác" giáo dục quan trọng đối với mỗi đứa trẻ. Tầm quan trọng của mỗi lực lượng cũng như mối quan hệ giữa ba lực lượng này trong việc giáo dục học sinh thì ai cũng hiểu nhưng vẫn có khoảng cách lớn giữa nói và làm. Vấn đề mấu chốt ở đây là làm như thế nào?
Trên thực tế, lâu nay, sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường trong việc giáo dục học sinh không còn chặt chẽ như những năm trước. Sự lỏng lẻo của mối quan hệ này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, song do cả hai phía giáo viên và cha mẹ học sinh. Chuyện cha mẹ học sinh chỉ gặp gỡ giáo viên trong hai buổi họp phụ huynh, thậm chí không trò chuyện với cô giáo của con, không phải hiếm. Giáo viên đến thăm nhà học sinh lại càng hiếm hơn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới việc giáo dục đạo đức cho các em. Muốn “hướng thiện” cho trẻ thì trước hết cha mẹ phải xem con mình ra khỏi nhà có giống như ở nhà hay không. Có những học sinh ở nhà rất ngoan nhưng đó chỉ là sự giả tạo để che mắt bố mẹ, đến trường các em là con người hoàn toàn khác. Nhiều cha mẹ giật mình khi nhà trường thông báo tình trạng của con mình. Ngược lại, giáo viên muốn giáo dục học sinh thì phải tìm hiểu hoàn cảnh gia đình các em để chia sẻ và có biện pháp thích hợp với từng đối tượng. Có một học sinh trộm tiền của bạn, cô giáo điều tra ra, bắt học sinh đó phải tra lại số tiền và cô còn quyết tâm trừng trị đến cùng để học sinh này không tái phạm nhưng cô không biết rằng học sinh đó trộm tiền để cho em gái mình đóng tiền học vì cha mẹ hai em đã mất. Để đi đến giải pháp hiểu học sinh thì mới giáo dục được, trước hết, nhà trường cần chủ động gặp phụ huynh bằng việc tổ chức gặp mặt tại trường thông qua các buổi họp định kì hoặc đột xuất. Cũng có thể tổ chức các hoạt động khác để tăng cường sự có mặt của phụ huynh. Đối với giáo viên, cần khuyến khích, và có những quy định ràng buộc để giáo viên phải đến gặp phụ huynh như khen thưởng cho giáo viên giúp đỡ học sinh nghèo, giáo dục học sinh cá biệt phải có biên bản làm việc tại nhà với phụ huynh, tổ chức hoạt động “Một ngày xuống bản”…
Đối với những tác động tiêu cực của xã hội, ngoài những biện pháp phối hợp với chính quyền, đoàn thể ở địa phương, nhà trường cần tăng cường công tác giáo dục pháp luật, giáo dục kĩ năng sống, giá trị sống cho học sinh. Tăng cường các buổi nói chuyện chuyên đề về giới tính, về sức khỏe vị thành niên, về “cạm bẫy xã hội” để học sinh có đủ kiến thức phòng tránh các tệ nạn xã hội. Bên cạnh việc giáo dục bằng tuyên truyền, nhà trường cũng cần tổ chức các hoạt động để hướng các em biết quý trọng con người, có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa và các giá trị truyền thống dân tộc. Phải cho các em thấy được, bản sắc văn hóa và các giá trị truyền thống là gốc rễ của mỗi con người, đứt gốc rễ ấy, con người không thể tồn tại. Khi các em đã ý thức được mối hiểm họa từ những luồng văn hóa đen thì không cần dùng biện pháp, trẻ cũng sẽ tránh được.
4.2. Gia đình, nhà trường phải luôn tự kiểm điểm mình.
Là thầy cô giáo, ai cũng mong muốn giáo dục trẻ nên người, với các biện pháp đa dạng và phong phú; song các biện pháp cần bảo đảm tính sư phạm, không vi phạm nhân cách trẻ. Các thầy cô đều trải qua lớp nghiệp vụ sư phạm, khi đã công tác đều được trau dồi thêm kiến thức, tham gia các lớp bồi dưỡng về giải quyết tình huống sư phạm, các biện pháp giáo dục tích cực… Song trong quá trình giáo dục, cũng có những trường hợp cá biệt khi thầy cô có cách giáo dục bột phát “không giống ai, không ai dạy, không ai đồng tình”; họ thực hiện và thấy được hiệu quả tức thì nên áp dụng như một kinh nghiệm. Ví dụ: phạt học sinh chép lại 20 lần một bài sử dài 4 trang giấy; bắt học sinh đứng một chân trong vòng tròn trong suốt một giờ học, cho cả lớp lên tát một học sinh vì hỗn với cô… Những biện pháp như vậy chỉ làm cho học sinh thêm tủi, thêm hận, có thể có những học sinh vì ngoan ngoãn mà gắng chịu nhưng chắc chắn các em sẽ in hằn dấu ấn không tốt suốt cả cuộc đời. Một vài trường hợp học sinh phản ứng bằng cách sừng sộ khiến cô giáo phải cầu cứu bảo vệ.
Nhìn những khuyết điểm như thế, mỗi thầy cô nên kiểm điểm lại bản thân mình. Trẻ mắc lỗi nhưng luôn sửa dễ hơn so với người lớn vì vậy thầy cô cần bình tĩnh để giáo dục các em đi đúng hướng.
Về phía gia đình, cần xem xét kĩ trước khi kết luận về giáo dục, có nhiều phụ huynh cho rằng con mình ngoan, tại biện pháp của thầy cô nên mới thế. Thậm chí căn cứ vào một vài sự việc để kết luận toàn bộ hệ thống giáo dục. Có một người bà kể rằng đứa cháu hơn 3 tuổi kêu nội làm trò, bé làm cô giáo; cô giáo đút cháo cho trò ăn, trò giả đò không ăn, cô giáo tát vào má, lấy muỗng cạy miệng và đòi dắt trò vào nhà vệ sinh cho ma cắn. Câu chuyện được kể lại cho bố mẹ cháu bé và nhanh chóng được lan truyền ra khu dân cư rồi họ cùng nhau kết luận, “Giáo dục hỏng”. Đây chỉ là lỗi của một bộ phận chứ không phải là bản chất của ngành giáo dục.
Một câu chuyện khác, một bà mẹ sinh ra ba đứa con cách nhau vài tuổi, đứa nào cũng biếng ăn. Bà mẹ phải bồng bế đi khắp xóm để dỗ bé, nhưng khi đưa các bé vào trường học một thời gian, thì: “Con tôi đã tự giác ăn vì không cô nào có thể bồng đi khắp nơi…”, bà khoe. Vậy lỗi không chăm sóc các bé đúng cách là tại ai? Hai học sinh nam, nữ ở một trường THCS, yêu nhau và ôm nhau trong trường, bị thầy cô nhắc nhở; sáng hôm sau, phụ huynh lên trường làm khó thầy cô. Vậy tại ai?
Tuy nhiên, nhà trường không thể trông chờ phụ huynh tự kiểm điểm mình được, muốn vậy phải gặp gỡ phụ huynh để phân tích.
4.3. Thầy cô cần phải là tấm gương cho học sinh noi theo, phải kiên trì, nhẫn nại.
Trẻ con thường hay bắt chước và cũng luôn coi thầy cô là thần tượng cho nên thầy cô giáo đặc biệt là thầy cô chủ nhiệm phải là tấm gương sáng, mẫu mực từ lời ăn tiếng nói, tác phong làm việc cho đến trình độ chuyên môn; quan hệ với học trò phải như là một người bạn lớn, vừa gần gũi, vừa đáng tin cậy; kiên trì trong giáo dục học sinh theo kiểu mưa dầm thấm lâu; giáo dục đạo đức phải trở thành thói quen của mình. Sau cha mẹ, thầy cô là người gần gũi với học sinh hơn ai hết nên hiểu các em và nắm rõ hoàn cảnh để có định hướng đúng trong dạy dỗ mới là then chốt của thành công trong giáo dục.
“Trẻ em như búp trên cành”, “con người sinh ra vốn là thiện”. Tác động của gai đình, nhà trường, xã hội sẽ tạo nên những nhân cách khác nhau. Ngành giáo dục chúng ta đang gánh vác vai trò lớn mà xã hội gửi gắm đó là đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài vì vậy mỗi nhà trường cần xây dựng môi trường giáo dục tốt, cần kết hợp ba yếu tố - rộng lớn là xã hội và nhà trường, nhỏ là gia đình và lớp học - để học sinh được học tập và rèn luyện trở thành những công dân có đức, có tài.
3. Vai trò của việc tạo dựng mối quan hệ hợp tác với cha mẹ của học sinh và các bên liên quan
1. Nâng cao hiệu quả giáo dục:
- Sự phối hợp chặt chẽ: Giúp giáo viên và cha mẹ hiểu rõ hơn về học sinh, từ đó có phương pháp giáo dục phù hợp, thống nhất giữa gia đình và nhà trường.
- Hỗ trợ lẫn nhau: Cha mẹ có thể hỗ trợ con học tập tại nhà, giáo viên theo dõi và uốn nắn kịp thời tại trường.
- Giải quyết vấn đề hiệu quả: Khi có vấn đề xảy ra, cả hai bên cùng phối hợp giải quyết, đảm bảo lợi ích tốt nhất cho học sinh.
2. Tạo môi trường học tập tích cực:
- Thúc đẩy động lực học tập: Cha mẹ quan tâm, động viên tạo động lực cho con học tập tốt hơn.
- Môi trường học tập an toàn: Nhà trường và gia đình phối hợp tạo môi trường học tập an toàn, lành mạnh cho học sinh; phòng tránh bạo lực học đường, bỏ học...
3. Lợi ích cho học sinh:
- Phát triển toàn diện: Học sinh được quan tâm, hỗ trợ từ cả gia đình và nhà trường, phát triển tốt về trí tuệ, thể chất và đạo đức.
- Tự tin, hòa đồng: Khi nhận được sự quan tâm, học sinh sẽ tự tin hơn, hòa đồng tốt với bạn bè và môi trường xung quanh.
- Có định hướng tương lai: Cha mẹ và giáo viên cùng định hướng giúp học sinh lựa chọn con đường phù hợp với năng lực và sở thích.
4. Lợi ích cho nhà trường:
- Nâng cao uy tín: Nhà trường được đánh giá cao bởi sự quan tâm đến học sinh và có mối quan hệ tốt với cha mẹ.
- Thu hút học sinh: Cha mẹ tin tưởng vào môi trường giáo dục tốt sẽ cho con theo học.
- Giảm gánh nặng: Việc phối hợp với cha mẹ giúp nhà trường giảm bớt gánh nặng trong công tác giáo dục.
5. Góp phần xây dựng cộng đồng:
- Liên kết gia đình - nhà trường - xã hội: Tạo sự gắn kết giữa các thành phần trong cộng đồng, cùng chung tay giáo dục thế hệ trẻ.
- Nâng cao văn hóa giáo dục: Thúc đẩy văn hóa giáo dục tích cực, lành mạnh trong cộng đồng.
- Phát triển bền vững: Giáo dục tốt tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của cộng đồng và xã hội.
Kết luận:
Tóm lại, việc xây dựng mối quan hệ hợp tác với cha mẹ học sinh và các bên liên quan đóng vai trò vô cùng quan trọng trong giáo dục. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ, học sinh sẽ được phát triển toàn diện trong môi trường giáo dục an toàn, tích cực. Đồng thời, nhà trường cũng nâng cao được uy tín và góp phần xây dựng cộng đồng văn minh.
Mời bạn đọc cùng tham khảo thêm tại mục giáo dục đào tạo trong mục biểu mẫu nhé.
- Chia sẻ:Tran Thao
- Ngày:
- Tham vấn:Nguyễn Thị Hải Yến
Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên Module GVPT 11
99 KB 21/05/2021 3:50:00 CHTải Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên Module GVPT 11 PDF
278,3 KB 21/05/2021 3:48:37 CH
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Hướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Mẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Top 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Thực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2024 mới cập nhật
Bộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2024
Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2024
Suy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Tờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2024
Mẫu nhận xét các môn học theo Thông tư 22, Thông tư 27
Thủ tục hành chính
Hôn nhân - Gia đình
Giáo dục - Đào tạo
Tín dụng - Ngân hàng
Biểu mẫu Giao thông vận tải
Khiếu nại - Tố cáo
Hợp đồng - Nghiệm thu - Thanh lý
Thuế - Kế toán - Kiểm toán
Đầu tư - Kinh doanh
Việc làm - Nhân sự
Biểu mẫu Xuất - Nhập khẩu
Xây dựng - Nhà đất
Văn hóa - Du lịch - Thể thao
Bộ đội - Quốc phòng - Thương binh
Bảo hiểm
Dịch vụ công trực tuyến
Mẫu CV xin việc
Biển báo giao thông
Biểu mẫu trực tuyến