Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên Module GVPT 08

Tải về

hoatieu.vn xin gửi tới thầy cô bài viết Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên Module GVPT 08 theo quy định Thông tư 17/2019/TT-BGDĐT để thầy cô cùng tham khảo. Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVPT 08 là bài thu hoạch về xây dựng văn hóa nhà trường trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Mời thầy cô cùng tham khảo chi tiết bài thu hoạch tại đây.

Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên Module GVPT 08: Xây dựng văn hóa nhà trường trong các cơ sở giáo dục phổ thông

Giáo dục gắn liền với lịch sử loài người. Đối với nhân loại, giáo dục là phương thức bảo tồn và bảo vệ kho tàng tri thức văn hoá xã hội. Nhân dân Việt nam vốn có truyền thống hiếu học và một nền giáo dục lâu đời, trải qua các thời kỳ lịch sử, cộng đồng người Việt đã tiếp thu và chọn lọc, hình thành nên đạo đức, tư tưởng văn hóa Việt nam. Nền tảng văn hóa ấy đã tạo nên bản sắc về nhân cách con người Việt nam.

Cũng như sự tồn tại của giáo dục, văn hoá xuất hiện từ khi có loài người, có xã hội. Văn hoá tồn tại khách quan và tác động vào con người sống trong nó. Nếu môi trường tự nhiên là cái nôi đầu tiên nuôi sống con người, để loài người hình thành và sinh tồn thì văn hóa là cái nôi thứ hai giúp con người trở thành “người” theo đúng nghĩa, hoàn thiện con người, hướng con người khát vọng vươn tới chân - thiện - mỹ.

Trong một tổ chức nói chung cũng như một Nhà trường, văn hóa luôn tồn tại trong mọi hoạt động tổ chức đó. Vấn đề là con người có ý thức được sự tồn tại của nó để quản lý và sử dụng sức mạnh của nó hay không. Bản thân văn hóa rất đa dạng và phức tạp. Do đó, khi có những tiếp cận nghiên cứu khác nhau sẽ dẫn đến có nhiều quan niệm về văn hóa, nhưng tựu chung lại, các nhà nghiên cứu đều có một nghĩa chung căn bản: văn hóa là sự giáo hóa, vun trồng nhân cách con người, làm cho con người và cuộc sống con người trở nên tốt đẹp hơn. Với cách tiếp cận cơ bản như vậy, tác giả xin được đưa ra khái niệm văn hóa Nhà trường như sau: Văn hóa nhà trường là một tập hợp các giá trị, niềm tin, hiểu biết, chuẩn mực cơ bản được các thành viên trong Nhà trường cùng chia sẻ và tạo nên bản sắc của Nhà trường đó.Căn cứ theo hình thức biểu hiện thì văn hóa nhà trường gồm phần nổi có thể nhìn thấy như: không gian cảnh quan nhà trường, lôgô, khẩu hiệu, hành vi giao tiếp... và phần chìm không quan sát được như: niềm tin, cảm xúc, thái độ...

Việt nam, với sự phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vào những năm gần đây, văn hoá tổ chức đã được nhận diện như một tiêu chí khi xây dựng hoạt động của các tổ chức mang tính chuyên nghiệp. Điều đó chứng tỏ khái niệm văn hoá tổ chức tuy còn mới mẻ đối với Việt nam nhưng các tổ chức đã ý thức được tầm quan trọng của văn hoá tổ chức. Và hơn bất cứ tổ chức nào hết trong xã hội, Nhà trường phải là tổ chức có “hàm lượng” văn hoá cao nhất; là nơi hội tụ, kết tinh văn hoá để đào tạo ra những chuẩn mực văn hoá cho xã hội.

Về góc độ tổ chức, VHNT được coi như một mẫu thức cơ bản, tạo ra một môi trường quản lý ổn định, giúp cho Nhà trường thích nghi với môi trường bên ngoài, tạo ra sự hoà hợp môi trường bên trong. Một tổ chức có nền văn hóa mạnh sẽ hội tụ được cái tốt, cái đẹp cho xã hội. VHNT sẽ giúp cho Nhà trường thực sự trở thành một trung tâm văn hóa giáo dục, là nơi hội tụ sức mạnh của trí tuệ và lòng nhân ái trong xã hội, góp phần quan trọng tạo nên sản phẩm giáo dục toàn diện.

Đối với đội ngũ CBGV Nhà trường, VHNT thúc đẩy sự sáng tạo cá nhân, tạo nên tình thương yêu chân thành giữa các thành viên và đảm bảo cho sự hợp tác vì mục tiêu chung. Thày cô giáo là người trực tiếp tham gia hoạt động dạy học. Và hơn ai hết, chính Nhân cách Nhà giáo sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nhân cách học trò. Vì vậy, chúng ta rất cần những Nhà giáo ngoài kiến thức chuyên môn, phải hiểu biết rộng về cuộc sống, có kiến thức sâu sắc về văn hóa xã hội.

Đối với HSSV, văn hóa tạo nên giá trị đạo đức và có vai trò điều chỉnh hành vi. Khi được giáo dục trong một môi trường văn hóa và thấm nhuần hệ giá trị văn hóa, học trò không những hình thành được những hành vi chuẩn mực mà quan trọng hơn là ẩn chứa trong tiềm thức các em là niềm tin nội tâm sâu sắc vào những điều tốt đẹp, từ đó, khao khát cuộc sống hướng thiện và sống có lý tưởng. Đồng thời, Văn hóa Nhà trường còn giúp các em về khả năng thích nghi với xã hội. Một con người có văn hóa thì trong con người đó luôn hội tụ đầy đủ những giá trị đạo đức căn bản, đó là đức tính khiêm tốn, lễ độ, thương yêu con người, sống có trách nhiệm với bản thân và xã hội... Do vậy, khi gặp những tình huống xã hội phát sinh, dù là những tình huống mà các em chưa từng trải nhưng nhờ vận dụng năng lực văn hóa để điều tiết hành vi một cách hài hòa, các em có thể tự điều chỉnh mình phù hợp với hoàn cảnh, ứng xử hợp lẽ, hợp với lòng người và cuộc sống xung quanh.

Vậy thực trạng văn hóa Nhà trường ở Việt nam hiện nay ra sao?

Trong nền kinh tế toàn cầu như hiện nay và nhất là khi Việt nam đã gia nhập WTO với nhiều thời cơ và thách thức, mặt trái của nền kinh tế thị trường và hội nhập đã tác động lớn đến xã hội nói chung cũng như giáo dục nói riêng, nó làm cho bộ mặt văn hóa của xã hội dần bị biến dạng, và đã có nhiều biểu hiện xuống cấp, tha hóa.

Hiện nay, một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên đua đòi ăn chơi, sa vào các tệ nạn xã hội, thực trạng bạo lực học đường đến mức báo động; đạo đức nhà giáo thì xuống cấp nghiêm trọng, tình trạng thiếu công bằng, gian lận trong thi cử, chuyện mua bán các kết quả học tập không còn là xa lạ... Những minh chứng tiêu biểu gần đây như: vụ tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT trường Dân lập Đồi Ngô - Bắc Giang, Vụ “đổi tình lấy điểm” ở Trường CĐ Phát thanh - Truyền hình trung ương I, những clip video liên tục được tung lên mạng internet về bạo lực học đường với cảnh học sinh đánh nhau thô bạo, thậm chí là dã man trong sự chứng kiến vô cảm của bạn bè xung quanh... Tất cả điều đó đã gây ra những hệ lụy đáng tiếc cho xã hội và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giáo dục. Văn hóa nhà trường bị biến dạng cũng là điều hiển nhiên. Thực tế đó đã làm cho những người có lương tri đau xót và đối với những Nhà giáo chân chính thì chắc hẳn đó là sự xúc phạm nhân phẩm và đạo đức nghề nghiệp ghê gớm, xúc phạm đến truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc. Vậy mà những gì chúng ta chứng kiến được cũng chỉ là phần nổi của cả tảng băng khổng lồ chứa đầy tiêu cực trong ngành giáo dục.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, chúng ta đã chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quá trình xây dựng và phát triển kinh tế đất nước, chúng ta đã nỗ lực tìm kiếm nhiều cơ hội, đạt được những thành tựu to lớn về khoa học, kỹ thuật và công nghệ,... Nhưng chúng ta đã chưa lường hết được mức độ tấn công của mặt trái nền kinh tế thị trường để ngăn chặn nó. Điều đó đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới bộ mặt văn hóa xã hội, để lại những hậu quả khôn lường cho giáo dục nước nhà.

Mặt khác, lâu nay giáo dục chúng ta coi trọng dạy chữ mà lơ là việc dạy người; coi trọng số lượng hơn là chất lượng. Để tạo ra được một sản phẩm lao động cho xã hội, quả thực là cần đến kiến thức và kỹ năng của sinh viên đã được đào tạo. Tuy nhiên, vì chạy đua theo sản phẩm, theo số lượng mà chúng ta chưa quan tâm đến phương thức tạo ra sản phẩm đó một cách đầy đủ. Xã hội cần phải nhìn nhận lại, đánh giá giá trị sản phẩm đó gồm cả cách thức mà người đó lao động có chân chính không, có vì mục tiêu con người không... hay nói cách khác là cách thức lao động để tạo ra sản phẩm đó có văn hóa hay không. Một doanh nghiệp không thể kiếm lợi nhuận bằng mọi cách bất chấp đạo lý, một Nhà trường không được coi kinh tế làm mục tiêu hàng đầu, và một người lao động không thể tạo ta sản phẩm cho xã hội một cách phi văn hóa.

Đã đến lúc chúng ta cần phải chấn hưng giáo dục nước nhà. Thực tế, cũng đã có rất nhiều giải pháp của các nhà nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Dưới góc độ của cấp quản lý cơ sở thực tiễn, thiết nghĩ, việc xây dựng văn hóa Nhà trường là vô cùng quan trọng, bởi Nhà trường là cơ sở nền tảng, là tế bào của hệ thống giáo dục. Cũng như cơ thể người, chỉ khi có được những tế bào lành mạnh thì cơ thể mới phát triển bình thường.

Xin được đề xuất một vài ý kiến trong việc xây dựng văn hóa Nhà trường như sau:

Đối với cấp độ cá nhân:

- Cần xây dựng mô hình nhân cách văn hóa con người Việt nam theo hướng phát triển cân đối, hài hòa giữa tâm lực, trí lực và thể lực. Trong đó, lấy tâm lực làm nền tảng cho phát triển nhân cách. Khi thiếu kiến thức, kỹ năng do nhu cầu công việc người ra có thể học thêm và trau dồi để có được, nhưng khi thiếu đạo đức và lương tâm tối tăm thì sẽ rất khó để cải thiện được nhân cách. Do vậy, cần phải chú trọng đến giáo dục chữ “tâm” - lấy nó là cốt cách để làm người. Người có lương tâm trong sáng sẽ biết cảm nhận và có quan niệm đúng về cái đẹp, và người biết rung cảm trước cái đẹp thì rất khó làm điều xấu. Văn hóa người Việt nam chúng ta có lối sống trọng tình, coi trọng lễ nghĩa, tôn sư trọng đạo. Như vậy, phát huy được mô hình nhân cách này cũng là phát huy lợi thế về bản sắc văn hóa người Việt. Mô hình nhân cách ấy phải được giáo dục cho mọi thành viên trong nhà trường mà trước hết phải chính là các Thày cô giáo. Hơn ai hết, người Thày sẽ là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp nhân cách học trò. Tình yêu thương, sự tận tâm dạy bảo của người Thày sẽ là những bài học về đạo đức thiết thực nhất, là cách cảm hóa hữu hiệu nhất học trò của mình.

Đối với cấp độ tổ chức:

- Các Nhà trường cần xây dựng quy chế văn hóa dựa trên triết lý riêng của mình để khẳng định được phong cách, xác định hệ thống giá trị, chuẩn mực đạo đức của Nhà trường. Theo đó, thống nhất và hướng dẫn hành vi ứng xử của mọi thành viên trong Nhà trường theo các giá trị và chuẩn mực đã xác định.

- Đầu tư cơ sở vật chất phù hợp với mô hình văn hoá tổ chức Nhà trường. Chính yếu tố vật chất cũng góp phần tạo nên ý thức con người, như không gian, trang thiết bị làm việc, trang phục... sẽ giúp họ dễ cảm nhận vì tính hữu hình của nó, khiến họ tin tưởng và gắn bó hơn với nhà trường.

- Tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, giáo viên Nhà trường trong việc học tập, nghiên cứu và có cơ chế khuyến khích phù hợp trong việc thực hiện văn hóa nhà trường.

Đối với cấp độ quản lý nhà nước

- Tiếp tục chỉ đạo và phát động phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Có thể khẳng định đây là một chủ trương vô cùng đúng đắn và sáng suốt của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong bối cảnh giáo dục chúng ta như hiện nay. Tuy nhiên, rất tiếc hiệu quả thực hiện phong trào này lại còn nhiều hạn chế, vì nếu hiệu quả cao thì chúng ta đã không phải chứng kiến thực trạng giáo dục đầy tiêu cực như hiện nay. Lỗi chính ở khâu thực hiện của các trường còn quá hình thức. Vì đây là việc làm rất khó, đòi hỏi mỗi trường phải có sự quyết tâm cao, thực sự đổi mới và sáng tạo trong cách làm. Mỗi Nhà trường có những đặc thù riêng, triết lý riêng trong hoạt động của mình. Việc “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” phải được cụ thể hóa trên cơ sở đặc thù đó. Do vậy, việc tiếp tục chỉ đạo thực hiện phong trào của Bộ GD-ĐT phải trên cơ sở rà soát, đánh giá rút kinh nghiệm giai đoạn thực hiện trước đó. Trong đó, cần hướng dẫn cụ thể các khâu kỹ thuật cho các trường trong việc xây dựng phong trào này để các trường cụ thể hóa nội dung và phát huy sáng tạo. Nếu chúng ta xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực một cách hiệu quả và thực chất thì mỗi nhà trường Việt nam sẽ là một nhà trường văn hóa.

Như vậy, việc xây dựng văn hóa nhà trường là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Nó đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp quản lý và đặc biệt là sự chủ động, quyết tâm và cầu thị của các Trường. Và hơn bao giờ hết, chúng ta đang rất cần những nhà giáo chân chính, những con người có bản lĩnh và cái tâm trong sáng trong cuộc chiến chống nạn “xâm lăng văn hóa”. Dân tộc Việt nam là một đất nước ngàn năm văn hiến, nhân dân Việt nam vốn có truyền thống hiếu học và tôn trọng đạo lý. Chúng ta hãy chung tay góp sức phát huy truyền thống dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa của nhân cách con người Việt nam.

Mời bạn đọc cùng tham khảo thêm tại mục giáo dục đào tạo trong mục biểu mẫu nhé.

Đánh giá bài viết
5 18.914
Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên Module GVPT 08
Chọn file tải về :
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm