Bảng mô tả công việc của Kế toán trưởng 2024

Đối với những công ty, tập đoàn lớn với khối lượng công việc lớn đòi hỏi trình độ chuyên môn cao thì cần phải có người đứng đầu bộ phận kế toán điều hành công việc. Hoatieu.vn xin giới thiệu tới các bạn mẫu mô tả công việc của kế toán trưởng trong một doanh nghiệp với quyền hạn và nghĩa vụ, trách nhiệm trong công việc thực tế phải làm những gì và làm như thế nào để phù hợp với chức danh công việc của mình, mời các bạn cùng xem và tải về tại đây.

1. Kế toán trưởng là gì?

Kế toán trưởng là người đứng đầu của bộ phận kế toán trong một đơn vị có nhiệm vụ là tổ chức việc thực hiện công tác kế toán trong đơn vị kế toán đó, kế toán trưởng của các cơ quan nhà nước, của tổ chức, đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước và doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thì ngoài nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác kế toán trong đơn vị còn có nhiệm vụ là giúp người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán thực hiện giám sát tài chính tại đơn vị kế toán.

Kế toán trưởng là người chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo sổ sách kế toán của đơn vị đầy đủ, chính xác cũng như đảm bảo các kế hoạch hoạt động kế toán, thuế phù hợp theo đúng quy định của pháp luật.

Kế toán trưởng là người chịu sự lãnh đạo của người đại diện theo pháp luật trong đơn vị kế toán; nếu có đơn vị kế toán cấp trên thì kế toán trưởng sẽ đồng thời phải chịu sự chỉ đạo, kiểm tra của kế toán trưởng của đơn vị kế toán cấp trên về chuyên môn và nghiệp vụ kế toán.

2. Tiêu chuẩn và điều kiện của kế toán trưởng

Căn cứ theo Điều 54 – Luật Kế toán 2015:

1. Kế toán trưởng phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:

a) Các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 51 của Luật này;

b) Có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trình độ trung cấp trở lên;

c) Có chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng;

d) Có thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 02 năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trình độ đại học trở lên và thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 03 năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán trình độ trung cấp, cao đẳng.

2. Chính phủ quy định cụ thể tiêu chuẩn và điều kiện của kế toán trưởng phù hợp với từng loại đơn vị kế toán.

3. Bảng mô tả công việc của Kế toán trưởng số 1

Quản lý chung mọi hoạt động có liên quan đến lĩnh vực tài chính, kế toán

Với mô hình tổ chức, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà phân bổ công việc bộ phận kế toán cho phù hợp.

  • Thực hiện việc lập các mẫu tài liệu, giấy tờ theo đúng quy định của pháp luật.
  • Lên các kế hoạch công việc chi tiết và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của bộ phận kế toán.
  • Thường xuyên tổ chức hoạt động kiểm kê các nguồn tài sản, dòng tiền liên quan đến hoạt động kinh doanh hoặc quyền lợi của doanh nghiệp.

Quản lý, đào tạo kế toán viên

  • Điều phối công việc cho các kế toán viên phù hợp;
  • Giám sát, kiểm tra, đánh giá hiệu quả công việc của nhân viên
  • Đào tạo, hướng dẫn, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho kế toán định kỳ.

Quản lý hệ thống kế toán, sổ sách kế toán, hóa đơn – chứng từ doanh nghiệp

Quản lý, giám sát chung các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cụ thể:

  • Tính toán giá thành sản phẩm; các bút toán tính thuế;
  • Đối chiếu công nợ với khách hàng – chủ đầu tư – ngân hàng;
  • Tính toán tương, bảo hiểm nhân viên…
  • Kiểm soát quy trình lập các loại tài liệu, sổ sách; quy trình kiểm kê tài sản;
  • Lập bảng cân đối kế toán; điều tra các báo cáo nguồn tài chính của doanh nghiệp.
  • Theo dõi hoạt động lưu trữ các loại sổ sách kế toán, hóa đơn – chứng từ gốc của doanh nghiệp theo đúng quy định.

Tham mưu cho lãnh đạo về công tác kiểm soát hoạt động tài chính

Kế toán trưởng là người trực tiếp giám sát hoạt động của doanh nghiệp:

  • Xác định các nguồn dự trữ tài chính nội bộ, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
  • Giải quyết các vấn đề tài chính; tham mưu cho lãnh đạo đảm bảo nguồn lợi tài chính cho doanh nghiệp.
  • Đưa ra kiến nghị phòng ngừa các rủi ro kinh doanh, đề xuất giải pháp thu hút nguồn tài chính cho ngân sách của doanh nghiệp.

Lập – trình bày báo cáo tài chính

  • Định kỳ phối hợp với các kế toán viên kế toán tổng hợp; lập báo cáo tài chính tổng hợp tình hình sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Phối hợp với kế toán tổng hợp trình bày báo cáo tài chính trước ban lãnh đạo doanh nghiệp, với cơ quan kiểm toán.

Các nhiệm vụ khác

  • Kế toán trưởng là người trực tiếp đứng ra thực hiện các giao dịch vay tín dụng với ngân hàng và trong lĩnh vực tài chính.
  • Cung cấp các sổ sách, số liệu cho công tác thanh kiểm toán của cơ quan chức năng.
  • Đưa ra đề xuất cải tiến những điểm bất hợp lý trong hoạt động xử lý công việc của bộ phận kế toán.
  • Đề xuất cải tiến những điểm bất hợp lý trong công việc
  • Điều hành, tổ chức các cuộc họp của bộ phận kế toán.
  • Tham gia đầy đủ các cuộc họp với các trưởng bộ phận, ban lãnh đạo công ty khi được yêu cầu.
  • Thực hiện các công việc khác khi có yêu cầu của cấp trên.

4. Bảng mô tả công việc của Kế toán trưởng số 2

Bảng mô tả công việc của kế toán trưởng
Bảng mô tả công việc của kế toán trưởng

Nội dung cơ bản của bảng mô tả công việc của Kế toán trưởng:

MÔ TẢ CÔNG VIỆC KẾ TOÁN TRƯỞNG

Bộ phận

Ban Giám đốc

Chức danh

Kế toán trưởng

Mã công việc

BOD

Cán bộ quản lý trực tiếp

Giám đốc tài chính

1. Trách nhiệm:

- Tổ chức hệ thống kế toán của doanh nghiệp để tiến hành ghi chép, hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong hoạt động vận doanh của Cty, trên cơ sở không ngừng cải tiến tổ chức bộ máy và tuân thủ Pháp lệnh kế toán thống kê.

- Thiết lập đầy đủ và gửi đúng hạn các báo cáo kế toán, thống kê và quyết toán theo qui định của Nhà nước và Điều lệ Công ty.

- Hoạch định, tổ chức, kiểm tra, duy trì và đổi mới theo hướng hiệu quả các nghiệp vụ kế toán quản trị.

- Tổ chức phổ biến và hướng dẫn thi hành kịp thời các chế độ, thể lệ tài chánh, kế toán do Nhà nước ban hành cho các cấp thừa hành thuộc hệ thống kế toán – thống kê .

- Kiểm tra việc bảo quản, lưu trữ các tài liệu kế toán.

- Thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, xây dựng đội ngũ kế toán viên của Công ty.

- Thực hiện quản lý hoạt động ngân sách của doanh nghiệp.

- Hoạch định và đưa ra những quyết định tài chánh ngắn hạn.

2. Quyền hạn:

- Chỉ đạo trực tiếp Kế toán phó kiêm Trưởng phòng kế toán trong việc phân công kế toán viên.

- Được đề nghị tuyển dụng, thuyên chuyển, nâng cấp bậc, khen thưởng, kỷ luật kế toán viên, thủ kho, thủ quỹ của Công ty theo qui chế lao động và lương của Công ty.

- Có quyền yêu cầu tất cả các bộ phận trong Công ty chuyển đầy đủ kịp thời những tài liệu cần thiết cho công việc kiểm tra, kiểm soát của Kế toán trưởng.

- Các báo cáo kế toán, báo cáo thống kê, các chứng từ tín dụng và các tài liệu liên quan đến việc thanh toán đều phải có chữ ký của Kế toán Trưởng mới có giá trị pháp lý.

- Khi phát hiện việc vi phạm pháp lệnh kế toán - thống kê được quyền báo cáo trực tiếp Ban giám đốc. Trường hợp không được Ban giám đốc xử lý thoả đáng có quyền báo cáo HĐQT.

3. Mối liên hệ công tác:

- Tham mưu cho Ban Giám đốc (trực tiếp là Giám đốc tài chánh) trong công tác hoạch định chiến lược về tài chánh, trong việc phân tích tình hình kinh tế - tài chánh của Công ty và kiểm tra kiểm soát Ngân sách doanh nghiệp.

- Nhận thông tin về nhân sự, hoạt động của Phòng kế toán thông qua Trưởng phòng kế toán.

- Nhận thông tin về tình hình Tài chánh doanh nghiệp thông qua Trưởng Phòng Tài vụ và tạo mối liên hệ mật thiết, hỗ trợ giữa hai chức năng: kế toán và tài vụ.

- Báo cáo tình hình thực hiện pháp lệnh kế toán thống kê cũng như công tác kế toán của đơn vị cho Ban Giám đốc theo yêu cầu thường xuyên hoặc đột xuất.

- Nhận thông tin cũng như cung cấp thông tin cho cấp Trưởng phòng ban, Phụ trách cơ sở hoặc các cơ quan liên hệ một cách kịp thời và cẩn trọng trên cơ sở được sự đồng ý của Ban Giám đốc.

- Bảo đảm yêu cầu về bảo mật thông tin kinh tế - tài chánh.

- Quan hệ với các ngành chức năng: Thuế, Kế hoạch & Đầu tư, Chi cục Quản lý tài chánh doanh nghiệp …

Mời bạn đọc cùng tham khảo thêm tại mục việc làm - nhân sự trong mục biểu mẫu nhé.

Bài viết trên đây của Hoatieu đã giải thích rõ kế toán trường là gì, tiêu chuẩn và điều kiện để có thể trở thành kế toán trưởng và bản mô tả công việc kế toán trưởng. Mời các bạn cùng tham khảo 3 Mẫu quyết định bổ nhiệm kế toán trưởng, trưởng phòng 2024 và các bài viết liên quan khác trong mục Biểu mẫu: Việc làm - nhân sự của Hoatieu nhé.

Đánh giá bài viết
16 76.008
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo