Tình cảm của học sinh tiểu học thường có những biểu hiện như thế nào?

Tình cảm của học sinh tiểu học thường có những biểu hiện như thế nào. Đặc biệt trong xã hội hiện nay có nhiều sự tác động từ môi trường sống bên ngoài, không chỉ giáo viên mà nhiều bậc cha mẹ cũng gặp khó khăn trong việc nắm bắt đặc điểm tâm lý của học sinh tiểu học. Việc tìm hiểu đặc điểm, biểu hiện tình cảm của học sinh tiểu học giúp giáo viên, phụ huynh thấu hiểu suy nghĩ của trẻ để đồng hành cùng con trong giai đoạn khởi đầu chinh phục chặng đường học tập dài phía trước. Dưới đây là giải đáp của Hoatieu.vn về vấn đề này.

Tiểu học là bậc học rất quan trọng trong quá trình phát triển tư duy, nhận thức, nhân cách, tâm sinh lý tình cảm của trẻ. Ở độ tuổi này, trẻ bắt đầu học trong môi trường mới, có thêm nhiều mối quan hệ bạn bè, trường lớp, xã hội mới. Do đó, trẻ sẽ có những thay đổi về mặt cảm xúc rất rõ rệt. Giáo viên và phụ huynh cần nắm bắt tốt tâm lý của con em mình để có thể cùng trẻ đồng hành, cùng vui chơi, học tập một cách hiệu quả nhất.

1. Tình cảm của học sinh tiểu học thường có những biểu hiện nào?

Học sinh tiểu học rất hồn nhiên và trong sáng, nhưng đôi lúc các em dễ làm việc theo cảm tính và thường bộc lộ cảm xúc trực tiếp với người lớn, bạn bè của mình. Trong quá trình học tập, rèn luyện, tâm lý của các em sẽ có sự phát triển ổn định trên cơ sở nhận thức đúng đắn, đầy đủ hơn nếu có sự dạy dỗ đúng chuẩn mực trong các mối quan hệ của cuộc sống hằng ngày. Tình cảm của học sinh tiểu học đơn giản là thái độ, cảm xúc của các em đối với hoạt động học tập, lao động, vui chơi, các hoạt động khác, với người khác và có những biểu hiện như sau:

- Tình cảm của học sinh mang tính cụ thể, trực tiếp: Đối tượng gây cảm xúc cho các em thường là những sự vật, hiện tượng, việc làm, con người cụ thể, sinh động mà học sinh đã nhìn thấy hoặc đã tiếp xúc. Nhìn chung, học sinh tiểu học dễ bị kích thích bởi hệ thống tín hiệu thứ nhất (sự vật, hiện tượng với các thuộc tính của nó) hơn là hệ thống tín hiệu thứ hai (tiếng nói, chữ viết).

- Học sinh tiểu học dễ xúc cảm, xúc động và khó kìm hãm xúc cảm của mình.

+ Tính dễ xúc cảm được thể hiện trước hết qua các quá trình nhận thức: quá trình tri giác, tưởng tượng, tư duy. Hoạt động trí tuệ của các em đượm màu sắc xúc cảm, tư duy của các em (đặc biệt là học sinh lớp một, lớp hai) cũng đượm màu sắc xúc cảm. Cụ thể: khi các em tập trung suy nghĩ làm bài thường thấy nét mặt của các em tươi vui khi giải quyết được vấn đề, nhưng lại cau có khó chịu nếu gặp khó khăn. Nhìn chung, các quá trình nhận thức, hoạt động của học sinh tiểu học đều chịu sự chi phối mạnh mẽ của cảm xúc và đều đượm màu sắc cảm xúc.

+ Học sinh tiểu học dễ xúc động: các em yêu mến một cách chân thực đối với cây cối, chim muông, cảnh vật, những con vật nuôi trong nhà. Vì thế mà trong các bài văn, trong vui chơi các em thường nhân cách hóa chúng. Đặc biệt, trước những lời khen, chê của giáo viên thì học sinh bộc lộ ngay sự xúc cảm, xúc động của mình như vui, buồn, các em có thể cười nhưng cũng có thể khóc ngay sau đó, dễ buồn và cũng dễ vui.

+ Học sinh tiểu học chưa biết kiềm chế tình cảm của mình, chưa biết kiểm tra sự biểu hiện tình cảm ra bên ngoài, các em bộc lộ tình cảm của mình một cách hồn nhiên, chân thật và nhiều khi vụng về, thiếu tinh tế.

Nguyên nhân của những hiện tượng trên là do ở lứa tuổi này, quá trình hưng phấn còn mạnh hơn ức chế, vỏ não chưa đủ sức thường xuyên điều chỉnh hoạt động của bộ phận dưới vỏ não. Về mặt tâm lí thì ý thức, các phẩm chất ý chí của các em còn chưa có khả năng điều khiển và điều chỉnh được những xúc cảm của mình.

- Tình cảm của học sinh tiểu học chưa bền vững, chưa sâu sắc: Đặc điểm này được biểu hiện như sau. Học sinh đang ưa thích đối tượng này, nhưng nếu có đối tượng khác hấp dẫn hơn, đặc biệt hơn thì dễ dàng bị lôi cuốn vào đó và lãng quên đối tượng cũ. Đặc điểm này tạo cho các em nhanh chóng thiết lập tình bạn: cho nhau cái kẹo, viên phấn, cho mượn quyển sách, cây bút, đi về cùng lối là thành tình bạn. Nhưng chỉ một vài trục trặc nho nhỏ trong quan hệ là dễ bất hòa; tuy nhiên tất cả những bất hòa này đều nhanh chóng quên đi và lại làm lành với nhau một cách hồn nhiên.

Ví dụ 1: Trẻ lớp ba đang chơi trò xây nhà một cách say mê, nhưng bỗng em nhìn thấy một con búp bê thật đẹp, em sẽ có xu hướng rời bỏ trò chơi cũ và chơi trò mới cùng với con búp bê.

Ví dụ 2: Trẻ rất yêu thích môn học A, còn thường xuyên tìm sách báo liên quan để đọc, đặt câu hỏi nhờ cha mẹ, thầy cô giải đáp. Nhưng đôi khi sự yêu thích này không kéo dài lâu, trẻ có thể bị hấp dẫn bởi môn học B, C, D khác, hoặc bị một trò chơi khác hấp dẫn, làm mất tập trung.

+ Đặc điểm này cũng biểu hiện ở chỗ các em dễ thay đổi bạn. Các em hay có hiện tượng nghĩ chơi với bạn này nếu bạn này nghịch ý hoặc chơi chán và chơi với bạn kia vì thấy bạn kia nhiệt tình và hăng hái hơn.

+ Sự dễ dàng chuyển hòa xúc cảm cũng là biểu hiện của đặc điểm này. Các em (nhất là lớp 1,2) có thể khóc đấy nhưng rồi lại vui cười ngay. Thường các em chưa có trạng thái xúc cảm kéo dài như người lớn.

Tuy nhiên, giáo viên và phụ huynh không nên cho rằng mọi ấn tượng cảm xúc của học sinh tiểu học sẽ phai mờ, trẻ sẽ quên đi xúc cảm nào đó, mà trái lại, nhiều sự việc còn để lại trong tâm trí các em ấn tượng sâu sắc (ấn tượng tốt và xấu), đôi lúc ấn tượng đó sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, nếp nghĩ của các em và ngày càng đậm nét.

2. Đặc điểm tâm lý của học sinh tiểu học

Học sinh tiểu học là trẻ đang ở độ tuổi từ 6 đến 11 tuổi. Đây là giai đoạn vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển, rèn luyện trí não, hình thành nhân cách, tình cảm ở mỗi con người. Ở độ tuổi này, đa phần trẻ đều có sự ngây thơ, hồn nhiên và cảm xúc chân thật, chưa có đủ kỹ năng để ứng phó với hầu hết tình huống xảy ra quanh các em, khả năng kiểm soát cảm xúc cũng chưa thể hoàn thiện. Với biểu hiện này, đòi hỏi phải có sự chỉ dạy và dìu dắt từ cha mẹ, thầy cô và những người thân bên cạnh, giúp các em trưởng thành với vốn sống, nếp nghĩ, tư duy tốt nhất. Nhưng để giáo dục hiệu quả học sinh tiểu học, cha mẹ và giáo viên cấn nắm được đặc điểm tâm lý nổi bật của trẻ ở độ tuổi này, như:

Dễ xúc động

Trẻ dễ cảm thấy xúc động trước những thứ mà trẻ tiếp xúc. Với sự vật, hiện tượng, con người cụ thể, trẻ thường biểu hiện thái độ, cảm xúc trực tiếp ra bên ngoài. Đây cũng là tâm lý học trẻ em lứa tuổi tiểu học nổi bật nhất mà các bậc phụ huynh, giáo viên chỉ cần quan sát là có thể nhận ra rõ rệt. Ngoài ra, trẻ thường khó kiểm soát được tư tưởng, tình cảm của bản thân trước sự vật, sự việc khác.

Ví dụ: Trẻ buồn thì trẻ sẽ khóc luôn, trẻ giận trẻ sẽ hét lên và trẻ vui thì chắc chắn trẻ sẽ có hành động thể hiện niềm vui đó.

Các chuyên gia khẳng định tâm lý của học sinh tiểu học giai đoạn này mới hình thành, chưa bền vững, có những tình cảm mới xuất hiện nhưng chưa kiểm soát được. Các bé thường thay đổi tâm trạng rất nhanh ngay lập tức, đang buồn có thể trở nên vui và ngược lại, thiên về tình cảm, cảm xúc xúc động là chính.

Hay ghen tỵ

Đặc điểm nổi bật thứ hai ở học sinh tiểu học chính là trẻ hay ghen tỵ với người khác. Thông thường trẻ thường biểu hiện rõ ràng ra sự ghen tỵ đó ra bằng lời nói và hành động.

Học sinh tiểu học thường ghen tị về những điều rất nhỏ từ nhà trường cho đến gia đình. Trẻ có thể ghen tỵ khi em được đi chơi còn mình thì phải học bài, em được ở nhà còn mình phải đi học, ghen tị ở trường khi bạn đạt điểm cao hơn, bạn có cặp đẹp hơn, có váy xinh hơn… Ba mẹ, thầy cô cần quan sát điều chỉnh và hướng dẫn sao cho trẻ điều khiển cảm xúc theo hướng tích cực, tránh để việc ghen tị thành cảm xúc, tính cách ích kỷ khi trẻ lớn lên và trưởng thành.

Thích khám phá điều mới mẻ

Phụ huynh, giáo viên cần chú ý thời điểm trẻ học tiểu học cũng là lúc con học được nhiều điều mới nhất. Chủ yếu trẻ nhận thức cảm tính muốn nhìn thấy cái mới từ bên ngoài nhưng chưa thực sự sâu sắc để nhìn nhận sự việc từ bản chất.

Ví dụ: Trẻ thích nhìn ngắm sự vật, sự việc diễn ra xung quanh và đặt ra các câu hỏi vì sao. Những lúc này, phụ huynh và giáo viên không nên trả lời trẻ qua loa, mà cần giải thích cặn kẽ cho trẻ hiểu. Đây cũng là cơ hội tốt để giáo dục trẻ.

Trẻ rất hiếu động nên thường sẽ khám phá thêm các kỹ năng mới trong quá trình lớn lên. Nắm được tâm lý tiểu học thì ba mẹ và thầy cô có thể hướng cho con học thêm những điều bổ ích rất hiệu quả, như học tiếng Anh, học các môn năng khiếu, học những kỹ năng mới trong cuộc sống như làm việc nhà, làm việc nhóm,...

Thích được khen ngợi

Đứa trẻ nào cũng thích được khen ngợi và công nhận thành tích của mình. Với học sinh tiểu học thì tâm lý này càng thể hiện rõ nét hơn. Trẻ có nhu cầu được khen ngợi nhiều ngợi nhiều hơn các bạn ở lứa tuổi lớn hơn. Chỉ cần được khen là trẻ sẽ cảm thấy mình đã làm được việc rất lớn và sẽ giúp trẻ yêu thích công việc đó hơn. Nắm được đặc điểm tâm lý này, giáo viên, phụ huynh nên dành những lời khen tặng chân thành, kịp thời giúp con hoàn thiện mình tốt hơn. Khi trẻ đạt điểm cao, khi trẻ làm việc nhà, khi trẻ nghe lời… thì hãy dành cho trẻ lời khen trực tiếp.

Hay sợ hãi

Ở độ tuổi này, nhiều trẻ hay sợ hãi những điều vu vơ, chỉ cần xảy ra một chuyện rất nhỏ cũng khiến tâm lý trẻ bị ảnh hưởng và biểu hiện việc sợ hãu rất rõ rệt.

Khi trẻ có biểu hiện sợ hãi, cần tìm hiểu nguyên nhân, động viên, an ủi và chia sẻ cùng trẻ. Sau đó, ba mẹ, thầy cô cần cùng trẻ giải quyết nỗi sợ đó để trẻ cảm thấy an toàn và tin tưởng hơn. Vì tâm lý trẻ thời điểm này vẫn chưa bền vững.

Ví dụ: Khi trẻ sợ bóng tối, cha mẹ, thầy cô có thể nói chuyện và lắng nghe trực tiếp từ trẻ về những nguyên nhân làm trẻ thấy sợ hãi. Ngoài ra, khi ở nhà, cha mẹ có thể làm gì đó khiến bóng tối trở nên thú vị hơn với trẻ. Chẳng hạn như chiếu đèn ngủ lên tường, tạo thành hình thú hay trang trí phòng ngủ của trẻ thành không gian lung linh vào ban đêm, phủ trần và tường bằng những ngôi sao phát sáng...; tránh tuyệt đối những tác nhân gây cho trẻ sự sợ hãi. Từ đó giúp trẻ biết rằng bóng tối không có gì đáng sợ.

Đôi lúc rụt rè

Đặc điểm tiếp theo ở tâm lý học sinh tiểu học chính là sự nhút nhát, rụt rè. Bởi vì trẻ vẫn còn hồn nhiên, ngây thơ nên việc rụt rè trước những việc mới lạ là điều dễ hiểu. Nhất là với những trẻ ít tiếp xúc với chỗ lạ, chỗ đông người thì càng nhút nhát hơn.

Để cải thiện điều này thì ba mẹ cần tạo điều kiện và cơ hội để con tiếp xúc với chỗ đông người, với những người lạ một cách an toàn. Hạn chế cho con tiếp xúc với điện thoại hay các thiết bị điện tử, để con làm quen với thế giới bên ngoài nhiều hơn. Điều này rất tốt cho sự phát triển của bé.

Thay đổi tâm trạng thường xuyên

Như đã nói, tâm lý trẻ tiểu học thay đổi liên tục và thường xuyên vì chưa có tính bền vững. Trẻ thường biểu hiện thái độ bất thường trong cuộc sống hàng ngày. Bởi vậy ba mẹ, giáo viên cần dành thời gian quan tâm đến trẻ để đoán biết sự thay đổi đó.

3. Giáo viên nên làm gì khi dạy học sinh tiểu học

- Thường xuyên trò chuyện, tâm sự với trẻ, để trẻ bộc lộ mong muốn, cảm xúc, suy nghĩ của mình.

- Trò chuyện khéo léo với trẻ về vấn đề giới tính: Thông qua trò chuyện, giáo viên lồng ghép vào câu chuyện, dạy trẻ cách tự bảo vệ bản thân, cách cư xử đúng mực với bạn khác giới, góp phần giúp trẻ có được nhận thức đúng đắn về giới tính, từ đó có những hành động, cảm xúc, suy nghĩ đúng đắn hơn khi giao tiếp với bạn bè, người thân.

- Chú trọng dạy cho trẻ các kỹ năng sống bổ ích.

- Xây dựng thói quen sinh hoạt lành mạnh cho trẻ:

+ Chế độ ăn uống.

+ Lịch tập thể dục, rèn luyện thể lực.

+ Nhắc nhở phụ huynh học sinh đảm bảo giấc ngủ 8 tiếng/ngày cho trẻ.

+ Dạy trẻ thói quen sống tự lập, hướng dẫn trẻ làm những việc đơn giản trong khả năng của trẻ...

Mời bạn đọc đón xem các bài viết hữu ích khác tại mục Tài liệu - Dành cho giáo viên của Hoatieu nhé.

Đánh giá bài viết
1 3.064
0 Bình luận
Sắp xếp theo