(Mới) Tài liệu bồi dưỡng học sinh giỏi Ngữ văn 8 sách mới

Tải về

Tài liệu bồi dưỡng học sinh giỏi văn 8 chương trình mới

Tài liệu bồi dưỡng học sinh giỏi Ngữ văn 8 2024 được Hoatieu chia sẻ trong bài viết dưới đây là tài liệu bồi dưỡng học sinh giỏi văn 8 theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 với đầy đủ chi tiết cấu trúc đề thi, đề tham khảo kèm theo hướng dẫn chấm cùng với tổng hợp nội dung dạy và học phần lí thuyết sẽ là tài liệu bổ ích để các thầy cô củng cố và bồi dưỡng kiến thức cho các em học sinh.

Tài liệu bồi dưỡng học sinh giỏi văn 8 chương trình mới

Tài liệu bồi dưỡng HSG Văn 8 sách mới

PHẦN A: CẤU TRÚC ĐỀ THI

Câu

Nội dung

Điểm

1

Nghị luận xã hội

- Viết bài văn nghị luận về một vấn đề hiện tượng đời sống/một vấn đề đời sống được gợi ra từ một tác phẩm/văn bản/cuốn sách,...

- Viết bài văn nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí.

8,0

2

Nghị luận văn học

- Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học: thơ, truyện (Các văn bản ngoài chương trình).

- Chứng minh một ý kiến/nhận định văn học hoặc lý luận văn học (Các văn bản văn học trong và ngoài chương trình).

12,0

PHẦN B. ĐỀ THAM KHẢO

PHÒNG GD&ĐT….

TRƯỜNG…

KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI THCS CẤP …

MÔN THI: NGỮ VĂN - LỚP 8

Thời gian làm bài: 150 phút, không kể thời gian giao đề

Phần I: Đề bài

Câu 1: (8,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

Hãy hân hoan trước điều nhân nghĩa

Đừng lạnh lùng trước chuyện bất nhân

Và hãy tin vào điều có thật:

Con người - sống để yêu thương.

(Trích Gửi con, Bùi Nguyễn Trường Kiên)

Từ nội dung được gợi ra ở đoạn trích trên, hãy viết một bài văn nghị luận với chủ đề: Con người - sống để yêu thương.

Câu 2: (12,0 điểm)

Nhà thơ Xuân Diệu cho rằng: “Thơ hay là hay cả hồn lẫn xác, hay cả bài”. Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Qua trải nghiệm về thơ ca của bản thân, hãy chọn một tác phẩm mà em cho là hay nhất để làm sáng tỏ nhận định trên.

Phần II: Hướng dẫn chấm

HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THAM KHẢO

Hướng dẫn Chung

  1. Giám khảo cần nắm vững yêu cầu chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, tránh cách chấm đếm ý cho điểm, cần linh hoạt trong việc vận dụng Đáp án và thang điểm.
  2. Cần khuyến khích những bài làm có tính sáng tạo, lập luận thuyết phục, văn phong sáng rõ,...
  3. Có thể chi tiết hóa các ý nhỏ hơn điểm số so với biểu điểm nhưng phải đảm bảo không sai lệch với hướng dẫn chấm và được thống nhất trong Hội đồng chấm thi.
  4. Điểm toàn bài là tổng điểm thành phần của từng câu hỏi trong đề thi, điểm lẻ đến 0,25.

Đáp án và thang điểm

Câu

Nội dung

Điểm

1

Đọc đoạn trích sau:

Hãy hân hoan trước điều nhân nghĩa

Đừng lạnh lùng trước chuyện bất nhân

Và hãy tin vào điều có thật:

Con người - sống để yêu thương.

(Trích Gửi con, Bùi Nguyễn Trường Kiên)

Từ nội dung được gợi ra ở đoạn trích trên, hãy viết một bài văn nghị luận với chủ đề: Con người - sống để yêu thương.

8,00

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

Mở bài giới thiệu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

0,50

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Con người - sống để yêu thương.

0,50

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Học sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ chủ đề Con người - sống để yêu thương. Có thể triển khai theo hướng sau:

5,00

* Giải thích

- Hân hoanlạnh lùng trong đoạn thơ là chỉ thái độ vui mừng, xúc động; sự vô cảm, thờ ơ của con người.

- Điều nhân nghĩa: Những điều hợp đạo lí, mang lại niềm vui cho mọi người, cho xã hội.

- Chuyện bất nhân: Cái ác, cái xấu, những bất công diễn ra trong cuộc sống.

- Yêu thương là sự quan tâm, đồng cảm, sẻ chia, quý mến ... mọi người.

-> Thông điệp Con người - sống để yêu thương trong đoạn thơ khuyên con người cần có thái độ yêu - ghét rõ ràng, dứt khoát trước những việc thiện - ác ở đời; đừng trở thành người sống vô cảm,… trong cuộc sống. Đồng thời giữ vững niềm tin và thực hành lẽ sống cao đẹp: Sống là để trao và nhận yêu thương.

Hướng dẫn chấm:

- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: 1,5 điểm

- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: 1,0 - 1,25 điểm

- Lập luận chưa thật chặt chẽ, thuyết phục: 0,5 - 0,75 điểm

Học sinh trình bày bằng cách diễn đạt tương đương vẫn cho điểm tối đa.

1,50

* Bàn luận, mở rộng

- Cuộc sống đa dạng, luôn tồn tại hai mặt đối lập: tốt - xấu, thiện - ác, công bằng - bất công,...

- Con người sống không thể thiếu tình yêu thương. Sống biết yêu thương giúp con người sát lại gần nhau; xóa mờ những ngăn cách, bất công.

- Mỗi người biết yêu thương chính mình là cơ sở để thấu hiểu, trân trọng giá trị của người khác; biết đồng cảm, sẻ chia với mọi người.

- Khi cho đi yêu thương sẽ nhận lại bình yên và hạnh phúc. Nếu không có tình yêu thương, con người sẽ trở nên lạnh lùng, vô cảm.

- Tuy vậy, cần biết đặt tình yêu thương đúng chỗ, đúng lúc. Phê phán những người sống vô cảm, thiếu tình người.

Hướng dẫn chấm:

- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng; dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và dẫn chứng (2,0 điểm).

- Lập luận khá chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng; dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp; nhưng đôi lúc kết hợp chưa thật nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và dẫn chứng (1,25- 1,75 điểm).

- Lập luận chưa thật chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng nhưng không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không tiêu biểu (0,75 - 1,0 điểm).

- Lập luận không chặt chẽ, thiếu thuyết phục: Lí lẽ không xác đáng, không liên quan mật thiết đến vấn đề nghị luận, không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không phù hợp (0,50 điểm).

Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

2,00

* Đánh giá, rút ra bài học

- Để yêu thương còn mãi, mỗi người cần phân biệt tốt - xấu, thiện - ác, biết yêu thương từ những điều bình dị trong cuộc sống.

- Mỗi người cần có cách ứng xử nhân văn và tạo dựng các mối quan hệ tốt đẹp.

- ...

Hướng dẫn chấm:

- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: 1,50 điểm

- Lập luận khá chặt chẽ, thuyết phục: 0,75 - 1,25 điểm

- Lập luận chưa thật chặt chẽ, thuyết phục: 0,5 điểm

Học sinh trình bày bằng cách diễn đạt tương đương vẫn cho điểm tối đa.

1,5

d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm mắc quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

0,50

e. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

Hướng dẫn chấm:

Học sinh huy động được kiến thức và trải nghiệm của bản thân khi bàn luận; có cách nhìn riêng, mới mẻ về vấn đề nghị luận; có sáng tạo trong diễn đạt, lập luận, làm cho lời văn có giọng điệu, hình ảnh, giàu sức thuyết phục.

- Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên: 1,50 điểm.

- Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,5 điểm.

1,50

2

Nhà thơ Xuân Diệu cho rằng: “ Thơ hay là hay cả hồn lẫn xác, hay cả bài”. Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Qua trải nghiệm về thơ ca của bản thân, hãy chọn một tác phẩm mà em cho là hay nhất để làm sáng tỏ nhận định trên.

12,00

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

Mở bài giới thiệu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

0,50

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: “ Thơ hay là hay cả hồn lẫn xác, hay cả bài”.

1,00

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Có thể triển khai theo hướng sau:

8,00

* Giải thích:

- Hồn tức là nội dung, là ý nghĩa bài thơ, là cái chỉ có thể cảm nhận chứ không thể nhìn thấy. Xác là hình thức nghệ thuật của bài thơ thể hiện ở thể loại, cấu tứ, ngôn ngữ... là phần có thể nhìn thấy được.

- Như vậy, theo Xuân Diệu, một bài thơ hay là hài hòa giữa hồn và xác, có sự sáng tạo độc đáo cả về nội dung lẫn hình thức nghệ thuật, nó đủ sức khơi gợi ở người đọc những tình cảm cao đẹp và tạo ấn tượng sâu sắc, khó quên.

-> Ý kiến của Xuân Diệu hoàn toàn xác đáng bởi nó xuất phát từ đặc thù sáng tạo của văn chương nghệ thuật. Cái hay của một tác phẩm văn học được tạo nên từ sự kết hợp hài hoà giữa nội dung và hình thức. Một nội dung mới mẻ có ý nghĩa sâu sắc và phải được truyền tải bằng một hình thức phù hợp thì người đọc mới dễ cảm nhận, tác phẩm mới có sức hấp dẫn bền lâu.

Hướng dẫn chấm:

- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: 3,0 điểm

- Lập luận khá chặt chẽ, thuyết phục: 2,0- 2,75 điểm

- Lập luận chưa thật chặt chẽ, thuyết phục: 1,0 - 1,75 điểm

- Lập luận không chặt chẽ, thiếu thuyết phục: 0,5 điểm

Học sinh trình bày bằng cách diễn đạt tương đương vẫn cho điểm tối đa.

3,00

* Chứng minh ý kiến qua phân tích một bài thơ mà em cho là hay nhất(ngoài chương trình SGK đã học và đang học)

Học sinh chọn phân tích một bài thơ, làm rõ các ý:

- Bài thơ hay là hay ở phần xác: Học sinh phân tích được những đặc sắc trong nghệ thuật sử dụng ngôn từ, sáng tạo hình ảnh, nhịp điệu, xây dựng hình tượng,...gợi được ấn tượng với người đọc và làm nổi bật được nội dung, ý nghĩa của bài thơ.

- Bài thơ hay là hay ở phần hồn: Học sinh chỉ ra được nội dung của bài thơ; ý nghĩa của bài thơ đối với sức khơi gợi ở người đọc những tình cảm cao đẹp.

- Nhận xét chung về cái hay ở cả phần hồnxác của bài thơ: từ sự kết hợp hài hoà giữa nội dung và hình thức tạo nên giá trị, ý nghĩa của bài thơ.

Hướng dẫn chấm:

- Học sinh phân tích sâu sắc, triển khai ý rõ ràng, mạch lạc: 3,0 điểm.

- Học sinh phân tích khá sâu sắc, triển khai ý rõ ràng, mạch lạc: 2,0 - 2,75 điểm.

- Học sinh phân tích được những nét chính nhưng chưa sâu sắc, biết cách triển khai ý: 1,0 điểm - 1,75 điểm.

- Học sinh phân tích chung chung, chưa biết cách triển khai ý: 075 điểm.

- Học sinh tích sơ lược, không rõ ý: 0,25 điểm - 0,50 điểm.

3,00

* Đánh giá, mở rộng

- Đóng góp của bài thơ về nội dung và nghệ thuật.

- Bài học đối với người sáng tác và người đọc:

+ Người sáng tác: Không ngừng cống hiến, sáng tạo.

+ Người đọc: Không ngừng tích lũy kiến thức, sự đồng cảm với tác phẩm, tác giả trong quá trình cảm nhận văn học.

Hướng dẫn chấm:

- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: 2,0 điểm

- Lập luận khá chặt chẽ, thuyết phục: 1,0-1,75 điểm

- Lập luận chưa thật chặt chẽ, thuyết phục: 0,5 điểm

Học sinh trình bày bằng cách diễn đạt tương đương vẫn cho điểm tối đa.

2,00

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm mắc quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

0,50

e. Sáng tạo

Thể hiện sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.

Hướng dẫn chấm: Học sinh biết vận dụng lí luận văn học trong quá trình lập luận; biết lựa chọn dẫn chứng tiêu biểu, biết so sánh với các tác phẩm khác; biết liên hệ vấn đề nghị luận với thực tiễn đời sống; lời văn giàu hình ảnh, cảm xúc.

- Đáp ứng được 3 yêu cầu trở lên: 2,00 điểm.

- Đáp ứng được 2 yêu cầu: 1,5 điểm.

- Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,50 điểm.

2,00

TỔNG ĐIỂM: 20,0

CHUYÊN ĐỀ: NGHỊ LUẬN XÃ HỘI

Phần I:

BÀI VĂN TRÌNH BÀY Ý KIẾN VỀ MỘT VẤN ĐỀ, HIỆN TƯỢNG ĐỜI SỐNG

A. Nhận diện kiểu bài nghị luận về một vấn đề, hiện tượng đời sống.

I. Khái niệm

Nghị luận: Nghị là xem xét, trao đổi; luận là bàn bạc, đánh giá. Nghị luận là dùng lí lẽ, dẫn chứng và cách thức lập luận để phân tích, bàn luận, đánh giá về một hoặc một số vấn đề nào đó.

Nghị luận về một vấn đề trong đời sống là nêu lên và trình bày ý kiến của mình (tán thành hay phản đối) về một vấn đề nào đó của đời sống bằng cách đưa ra được lí lẽ rõ ràng, kết hợp với bằng chứng đa dạng để thuyết phục người đọc, người nghe.

II. Các kiểu bài nghị luận về một vấn đề đời sống.

Gồm các dạng đề cơ bản:

- Nghị luận về một vấn đề đời sống (thể hiện ý kiến tán thành hay phản đối).

- Nghị luận về một vấn đề đời sống được gợi ra từ một tác phẩm/ văn bản/cuốn sách.

B. Cách làm các dạng bài

I. Bài văn nghị luận về vấn đề đời sống: thể hiện ý kiến tán thành.

1. Yêu cầu chung:

Khi viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống theo hướng trình bày ý kiến tán thành cần phải được đặt trên cơ sở những nguyên tắc ứng xử và nền tảng đạo lí thích hợp, cũng như sức thuyết phục của ý kiến tùy thuộc vào những lí lẽ và bằng chứng được sử dụng.

Cụ thể:

- Nêu được vấn đề và ý kiến cần bàn luận.

- Trình bày được sự tán thành với ý kiến cần bàn luận.

- Đưa ra được những lí lẽ rõ ràng và bằng chứng đa dạng để chứng tỏ sự tán thành là có căn cứ.

2. Thực hành viết theo các bước

a. Trước khi viết

* Lựa chọn đề tài

Trong cuộc sống hằng ngày có biết bao nhiêu vấn đề gợi những cách nhìn nhận, đánh giá đa chiều và được thể hiện bằng những ý kiến khác nhau. Để lựa chọn đề tài cho bài viết, học sinh có thể tham khảo các vấn đề sau và hình dung từ các vấn đề đó, nảy sinh các ý kiến đúng đắn cần thể hiện sự tán thành.

Ví dụ:

- Sự tự lập trong cuộc sống.

- Không nên tự cao tự đại.

- Ghen tị là thói xấu.

- Có thất bại mới thành công.

- Ham mê trò chơi điện tử sẽ không tốt.

- Dùng đồ nhựa tiện ích và tác hại

- Em có đồng ý với quan niệm từ câu tục ngữ: “Uống nước nhớ nguồn”.

- Em đồng ý với lời dạy của Lê-nin: Học, học nữa, học mãi.

Tập hợp những hiểu biết từ sách báo và đời sống thực tế. Chọn đề tài mình thực sự am hiểu và có hứng thú thì việc viết bài mới thuận lợi.

* Tìm ý

Sau khi xác định được vấn đề, cần tiến hành tìm ý bằng cách tự trả lời một số câu hỏi:

- Vấn đề gì được nêu ra bàn luận?

Phần mở bài, vấn đề cần bàn luận cần đưa ra một cách rõ ràng.

- Vấn đề gợi ra cách hiểu nào?

Một vấn đề có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau. Đưa ra những cách hiểu như vậy để nhìn nhận nhiều chiều về vấn đề, có cơ sở hiểu được cách hiểu nào là có lí.

- Ý kiến nào đáng quan tâm nhất?

Trong các ý kiến đưa ra để đối sánh, có những ý kiến tác động tích cực đến nhiều người.

- Vì sao bày tỏ thái độ tán thành?

Đây là điều phải được nói rõ, dứt khoát trong bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống (trình bày ý kiến tán thành)

- Những lí lẽ và bằng chứng nào cần đưa ra để chứng tỏ sự tán thành là xác đáng?

Trong quá trình tìm ý, các câu hỏi này nhắc nhở học sinh cần phải nêu được những lí lẽ và bằng chứng cụ thể để ý kiến tán thành có sức thuyết phục.

* Lập dàn ý

Mở bài: Nêu vấn đề đời sống cần bàn luận trong bài nghị luận (bày tỏ thái độ tán thành).

Thân bài: Trình bày thực chất của ý kiến, quan niệm đã nêu để bàn luận.

- Thể hiện thái đội tán thành ý kiến vừa nêu bằng các ý:

+ Ý 1: Khía cạnh thứ nhất cần tán thành (lí lẽ, bằng chứng).

+ Ý 2: Khía cạnh thứ hai cần tán thành (lí lẽ, bằng chứng).

+ Ý 3: Khía cạnh thứ ba cần tán thành (lí lẽ, bằng chứng).

+ ...

- Bàn luận mở rộng.

- Bài học nhận thức và hành động.

Kết bài: Khẳng định tính xác đáng của ý kiến được người viết tán thành và sự cần thiết của việc tán thành đó.

(Lưu ý:

- Lí lẽ phong phú, xác đáng để giúp người đọc hiểu được vì sao em lại có ý kiến như vậy.

- Bằng chứng đa dạng, thuyết phục để có thể làm sáng tỏ lí lẽ.

- Các lí lẽ, bằng chứng được sắp xếp thep một trình tự hợp lí.)

* Viết bài

- Mở bài: Có thể mở bài trực tiếp hoặc mở bài gián tiếp. Dù mở bài theo cách nào cũng cần ngắn gọn, hấp dẫn, thu hút sự chú ý người đọc.

- Thân bài:

+ Làm rõ các khía cạnh cơ bản của vấn đề, giới thiệu ý kiến và sự cần thiết của việc bàn luận, đánh giá về ý kiến đó.

+ Khẳng định rõ ràng, rứt khoát thái độ tán thành ý kiến.

+ Tuần tự triển khai từng ý, sử dụng lí lẽ và huy động bằng chứng để sự tán thành ý kiến có sức thuyết phục. Mỗi ý cần được viết thành một đoạn văn hoàn chỉnh, giữa các đoạn có sự liên kết chặt chẽ. Các ý phải tập trung vào chủ đề là vấn đề trong đời sống mà em đang bàn luận.

+ Dẫn chứng: sử dụng các câu chuyện từ thực tế, các trích dẫn từ sách báo hoặc kinh nghiệm từ người lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm sống để tăng sức thuyết phục cho bài viết.

+ Sử dụng từ ngữ có chức năng chuyển ý để tạo sự liên kết trong bài.

- Kết bài: Khẳng định lại sự tán thành ý kiến, nêu tác dụng của ý kiến đó đối với cuộc sống.

.......................

Nội dung chi tiết 67 trang Tài liệu bồi dưỡng học sinh giỏi văn 8 chương trình mới, mời các bạn xem trong file tải về.

Đề thi HSG Văn 8 theo cấu trúc mới 2024

Để các thầy cô và các em có thêm tài liệu tham khảo ôn thi học sinh giỏi môn Ngữ văn 8. Hoatieu xin chia sẻ đến thầy cô và các em học sinh tổng hợp đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn 8 cấp trường, cấp huyện chính thức của các tỉnh thành trên toàn quốc. Đề thi HSG Văn 8 chương trình mới đều có gợi ý đáp án sẽ giúp các em củng cố thêm kiến thức môn Văn. Sau đây là nội dung chi tiết, mời các em cùng tham khảo.

Đề 1

PHÒNG GD&ĐT THẠCH THẤT

ĐỀ CHÍNH THỨC

KÌ THI CHỌN HSG CẤP HUYỆN

NĂM HỌC 2023-2024
ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN 8

Thời gian làm bài: 150 phút (không kể thời gian giao đề)

(Đề thi gồm: 02 trang)

PHẦN I: ĐỌC- HIỂU (4,0 ĐIỂM)

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

DÁNG MẸ

Vầng trăng rơi xuống vẫn tròn

Khi mình vốc nước trăng còn trên tay.

Mẹ như chiếc lá tre gầy

Thân cò lặn lội cuốc cày sớm trưa.

Tiết trời đổi nắng thành mưa

Mẹ chạy chỗ thóc chỉ vừa phơi xong.

Hạt khô mẹ bỏ vào nong

Hạt nào thấm nước quạt hong trước nhà.

Thế rồi ngày tháng cứ qua

Bố đi công tác xa nhà từ khi.

Nỗi buồn theo sóng cuốn đi

Thâm tâm luôn nghĩ làm gì nuôi con.

Trăng còn có lúc khuyết tròn

Nghĩ về dáng mẹ vẫn còn vẹn nguyên.

(Hà Ngọc Hoàng, https://vanhaiphong.com/dang-me-ha-ngoc-hoang)

Câu 1. (0,5 điểm): Xác định thể thơ của văn bản.

Câu 2. (0,5 điểm): Giải thích nghĩa của từ “thâm tâm” trong câu “thâm tâm luôn nghĩ làm gì nuôi con”.

Câu 3. (2,0 điểm): Xác định và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ có trong câu thơ sau:

Mẹ như chiếc lá tre gầy

Thân cò lặn lội cuốc cày sớm trưa.

Câu 4. (1,0 điểm). Bài thơ trên gợi cho em những suy nghĩ gì?

PHẦN II: TẬP LÀM VĂN (16,0 ĐIỂM)

Câu 5. (6,0 điểm)

Từ những nghiên cứu thực tế, tác giả người Anh, Nic Peeling đã cho ra đời cuốn sách: “Bạn không thể đổi hướng gió, nhưng có thể điều khiển cánh buồm”

Hãy trình bày suy nghĩ của em về nhan đề trên?

Câu 6. (10,0 điểm)

Bàn về thơ có ý kiến cho rằng: “Hành động sáng tạo trong thơ ca là một sự giải tỏa những cảm xúc tràn đầy trong tâm hồn nhà thơ”.

Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ ý kiến qua bài thơ: “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan

Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.

Lom khom dưới núi, tiều vài chú

Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.

Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc,

Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.

Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,

Một mảnh tình riêng, ta với ta.

(Chú thích: Bà Huyện Thanh Quan tên thật là Nguyễn Thị Hinh, sống ở thế kỉ XIX, chưa rõ năm sinh năm mất, quê ở làng Nghi Tàm, nay thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội. Chồng bà làm tri huyện Thanh Quan (thuộc Thái Ninh), tỉnh Thái Bình, do đó mà có tên gọi Bà Huyện Thanh Quan. Dưới thời vua Minh Mạng, bà được mời vào kinh và giữ chức Cung Trung Giáo Tập để dạy học cho các công chúa và cung phi. Bà là một trong số nữ sĩ tài danh hiếm có trong nền thơ ca trung đại Việt Nam. Thơ bà thể hiện lòng yêu mến cảnh quan thiên nhiên, đất nước và tâm sự u hoài trước thế sự đổi thay. Tác phẩm nào của bà cũng buồn thương da diết, trang nhã và rất điêu luyện. Bài thơ “Qua Đèo Ngang” được sáng tác khi nữ sĩ trên đường vào Phú Xuân (Huế) để nhậm chức)

…………………Hết…………………

(Giám thị coi thi không giải thích gì thêm)

HƯỚNG DẪN CHẤM

Câu

Nội dung

Điểm

1

Bài thơ được viết theo thể thơ lục bát.

0,5

2

Nghĩa của từ “ thâm tâm”: Nơi tâm tư sâu kín trong lòng (không bộc lộ ra ngoài).

0,5

3

Mẹ như chiếc lá tre gầy

Thân cò lặn lội cuốc cày sớm trưa.

- Tác giả sử dụng biện pháp tu từ so sánh “Mẹ như chiếc lá tre gầy” và biện pháp tu từ ẩn dụ “Thân có lặn lội cuốc cuốc cày sớm trưa” .

- Tác dụng:

+ Câu thơ gợi hình ảnh người mẹ gầy, mỏng manh như chiếc lá tre trước gió, trước giông bão cuộc đời nhưng vẫn tần tảo, cần cù, chịu thương chịu khó, vất vả mưu sinh để chăm lo cho cuộc sống gia đình.

+ Thể hiện sự thấu hiểu và niềm thương cảm xót xa của con đối với mẹ.

+ Làm cho câu thơ thêm sinh động, hấp dẫn, tác động mạnh đến trái tim người đọc, như một lời nhắc nhở mọi người phải luôn thấu hiểu những vất vả của cha mẹ để trân trọng yêu thương và hiếu thảo.

1,0

1,0

4

Hs nêu ra những suy nghĩ của bản thân. Cơ bản dựa trên các ý sau:

- Công lao vất vả của mẹ ….

- Thấu hiểu, biết ơn của con đối với mẹ…

- Những việc làm thể hiện lòng biết ơn đối với mẹ…

1,0

5

Từ những nghiên cứu thực tế, tác giả người Anh, Nic Peeling đã cho ra đời cuốn sách: “Bạn không thể đổi hướng gió, nhưng có thể điều khiển cánh buồm”

Hãy trình bày suy nghĩ của em về nhan đề trên?

a. Đảm bảo cấu trúc của một bài văn nghị luận xã hội.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận:

6,0

0,5

0,5

c.Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm: vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp lí lẽ dẫn chứng và rút ra các bài học nhận thức và hành động.

1. Giải thích:

- "Hướng gió": là những yếu tố, điều kiện khách quan bên ngoài, là những khó khăn, thử thách mà chúng ta phải đối mặt trong cuộc sống.

- “Điều khiển cánh buồm”: là thái độ, hành động của bản thân trước khó khăn và thách thức. Là sự chủ động giải quyết những bất lợi trong cuộc sống thành những thuận lợi.

=> Ý nghĩa: Con người không thay đổi được hoàn cảnh thì phải có tư duy, suy nghĩ, hành động và tìm ra giải pháp để khắc phục hoàn cảnh, để hoàn thành mục tiêu, để đạt được thành công. Ý kiến trên đề cao vai trò chủ động, tinh thần vượt khó, dám thay đổi, dám hành động, sáng tạo để giải quyết và vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

2. Phân tích, bàn luận vấn đề:

- Đây là ý kiến đúng đắn:

+ Sự thành công hay thất bại trong cuộc đời mỗi người là do chính bản thân người ấy quyết định.

+ Hoàn cảnh khách quan là yếu tố ngoài bản thân nên rất khó tác động, trừ các bậc vĩ nhân, không phải tất cả mọi người đều có thể thay đổi hoàn cảnh, cũng không phải tất cả hoàn cảnh luôn là điều kiện thuận lợi cho con người. Nếu trong hoàn cảnh khó khăn thử thách mà con người biết vượt lên, biết tự điều chỉnh tư duy, hành động để ứng phó với các yếu tố bất lợi thì sẽ đi đúng hướng và đến được cái đích cần đến.

+ Dù hoàn cảnh có thuận lợi nhưng nếu con người không biết nắm bắt cơ hội, không tận dụng được sự hỗ trợ của các yếu tố khách quan thì sẽ không vươn tới được ước mơ.

Mở rộng: Không thể phủ nhận vai trò của hoàn cảnh sống, của các điều kiện khách quan trong sự thành bại của con người. Gặp điều kiện thuận lợi sẽ được "thuận buồm xuôi gió", gặp "cuồng phong" dễ bị cuốn đến chỗ thảm bại. Song trong cuộc sống, chúng ta luôn gặp phải những hoàn cảnh bất lợi. Nếu ta chủ động, sáng tạo, kiên trì, lạc quan, dám hành động, dám thay đổi thì ta sẽ vượt lên, thay đổi cuộc đời, đạt được thành công. (dẫn chứng trong cuộc sống, văn học)

3. Phản đề:

- Phê phán những con người không chủ động, không dám vượt qua hoàn cảnh, sợ hãi, gục ngã trước hoàn cảnh, đổ lỗi thất bại cho hoàn cảnh. Những con người như thế chỉ gặp thất bại và không bao giờ đạt được mục tiêu và thành công trong cuộc sống (dẫn chứng minh họa trong cuộc sống, văn học)

4. Bài học nhận thức, hành động về thái độ sống:

- Để tự quyết định cuộc đời mình, cần phải tự nhận thức chính mình, tích lũy tri thức, rèn luyện bản lĩnh, giữ vững ý chí, kiên định lập trường.

- Phát huy năng lực bản thân, luôn chủ động trong cuộc sống tận dụng các yếu tố khách quan để đạt mục tiêu và thành công.

- Liên hệ bản thân.

1,0

2,0

0,5

0,5

d. Sáng tạo:

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện được những suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

0,5

e. Đảm bảo các yêu cầu về chính tả, dùng từ, đặt câu.

0,5

6

Bàn về thơ có ý kiến cho rằng: “Hành động sáng tạo trong thơ ca là một sự giải tỏa những cảm xúc tràn đầy trong tâm hồn nhà thơ”.

Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ ý kiến qua bài thơ: “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan

10,0

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

Có đủ ba phần: mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.

0,5

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: sự sáng tạo trong văn học

0,5

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm: vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp lí lẽ dẫn chứng, đánh giá khái quát vấn đề nghị luận

HS có thể trình bày theo các cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

6.1

* Giải thích ý kiến, nhận định:

- Thơ là một hình thức sáng tác văn học nghiêng về thể hiện cảm xúc thông qua ngôn từ đặc biệt, giàu nhạc tính, giàu hình ảnh và gợi cảm.

- Hành động sáng tạo thi ca: là quá trình làm thơ của người nghệ sĩ trước tác động của đời sống hiện thực.

- Sự giải phóng những cảm xúc tràn đầy được hiểu là mỗi khi có điều gì chất chứa trong lòng, không nói ra, không chịu được, đó là lúc thi sĩ tìm đến thơ để giãi bày.

=> Ý kiến trên đã chỉ ra đặc trưng của thơ trữ tình và đề cao vai trò của tình cảm, cảm xúc trong thơ

0,75

6.2

Lý giải:

- Ý kiến trên xuất phát từ đặc trưng của thể loại thơ trữ tình và từ quy luật chung của sáng tạo nghệ thuật. Thơ là tiếng nói của đời sống tình cảm con người trước cuộc sống. Thơ trữ tình lấy cảm xúc bên trong của đời sống tinh thần nhà thơ để biểu hiện. Khi rung động sâu sắc với cuộc sống, trong những trạng thái vui, buồn ở mức thăng hoa, con người có nhu cầu bộc lộ tình cảm, khi đó người ta cần đến thơ.

- Tình cảm trong thơ phải là thứ tình cảm chân thật của nhà thơ. Bởi thơ không chấp nhận thứ tình cảm giả tạo, mờ nhạt. Muốn vậy, nhà thơ cần có tấm lòng với cuộc đời, mở lòng với cuộc sống để đón nhận những tình cảm, những rung động từ hiện thực cuộc đời.

- Tình cảm, cảm xúc trong thơ phải được truyền tải bằng một hình thức nghệ thuật độc đáo, mang tính thẩm mỹ thể hiện trên các phương diện: thể loại, ngôn ngữ thơ, hình ảnh, tứ thơ, tính nhạc, chất họa…Điều đó đem lại cho thơ vẻ đẹp hoàn mĩ

0,75

6.3

Phân tích chứng minh:

* Giới thiệu tác giả Bà Huyện Thanh Quan và bài thơ “Qua Đèo Ngang”

+ Bà Huyện Thanh Quan là một trong số nữ sĩ tài danh hiếm có trong nền thơ ca trung đại Việt Nam. Thơ bà thể hiện lòng yêu mến cảnh quan thiên nhiên, đất nước và tâm sự u hoài trước thế sự đổi thay. Tác phẩm nào của bà cũng buồn thương da diết, trang nhã và rất điêu luyện

+ Bài thơ được sáng tác khi Bà Huyện Thanh Quan vào Huế để nhận chức “Cung trung Giáo Tập”. Bài thơ thể hiện nỗi nhớ nước thương nhà và nỗi buồn cô đơn thầm lặng của thi nhân.

* Chứng minh

Luận điểm 1: Bài thơ “Qua Đèo Ngang” thể hiện chân thực nỗi nhớ nước thương nhà và nỗi buồn thầm lặng, sự cô đơn của Bà Huyện Thanh Quan - đó chính là “sự giải tỏa những cảm xúc tràn đầy trong tâm hồn” nữ sĩ

- Hai câu đề: Khung cảnh Đèo Ngang trong buổi chiều hoàng hôn “bóng xế tà” gợi cho con người có cảm giác buồn man mác, có chút nuối tiếc về một ngày đang sắp qua.

+ Thời gian: “Bóng xế tà”: đây là thời điểm kết thúc của một ngày, khi con người thường trở về nhà sau một ngày lao động vất vả. Vậy mà nhà thơ lại ở một mình tại nơi Đèo Ngang càng khiến cho nỗi cô đơn trở nên tột cùng.

+ Khung cảnh thiên nhiên Đèo Ngang:

ü “Cỏ cây chen đá, lá chen hoa” là hình ảnh ước lệ mang tính biểu tượng

ü Điệp từ “chen” kết hợp với hình ảnh “đá, lá, hoa” gợi ra một thiên nhiên hoang sơ nhưng lại tràn đầy sức sống

=> Khung cảnh thiên nhiên Đèo Ngang được nhà thơ khắc họa chỉ bằng vài nét nhưng lại hiện ra đầy chân thực và sinh động.

- Hai câu thực: Hình ảnh cuộc sống con người nơi Đèo Ngang qua sự cảm nhận của nữ sĩ.

+ Giữa thiên nhiên hoang sơ và rộng lớn, con người xuất hiện.

+ Nghệ thuật đảo ngữ:

ü “Lom khom” - “tiều vài chú”: hình ảnh vài chú tiều với dáng đứng lom khom dưới chân núi.

ü “Lác đác” – “Chợ mấy nhà”: Hình ảnh vài căn nhà nhỏ bé thưa thớt, lác đác bên sông.

=> Tác giả sử dụng biện pháp đảo ngữ cùng với từ láy gợi tả sự nhỏ bé, lẻ loi, heo hút của con người so với cảnh thiên nhiên hùng vĩ của Đèo Ngang. Dường như không khí vắng vẻ, hiu quạnh bao trùm lên cảnh vật càng gợi lên nỗi buồn khôn xiết của người lữ khách.

- Hai câu luận: Tâm trạng nhớ nhà của nhà thơ khi đứng trước Đèo Ngang

+ Hình ảnh “con quốc quốc”“cái gia gia” không chỉ là hình ảnh thực tế về hai loại chim: chim đỗ quyên và chim đa đa, nhà thơ còn sử dụng nghệ thuật chơi chữ, lấy động tả tĩnh: tiếng kêu “quốc quốc” và “đa đa” để qua đó bộc lộ nỗi nhớ thương của mình với đất nước, quê hương

=> Hai câu thơ diễn tả nỗi nhớ nhung sâu đậm quê nhà của Bà Huyện Thanh Quan

- Hai câu kết: Nỗi cô đơn tột cùng của nhà thơ

+ Câu thơ: “Dừng chân đứng lại, trời, non, nước” đã khắc họa hình ảnh nhà thơ một mình đứng tại nơi Đèo Ngang, đưa mắt nhìn ra xa cũng chỉ thấy thiên nhiên rộng lớn phía trước. Cảnh vật Đèo Ngang thật hùng vĩ, gợi cho thi sĩ bao cảm xúc, rung động. Cái bao la của trời đất, núi non, sông nước như níu chân người nghệ sĩ.

+ Sự cô đơn của nhà thơ “Một mảnh tình riêng” - tình cảm riêng tư của nhà thơ không có ai để chia sẻ, “ta với ta” - đều chỉ nhà thơ, lúc này bà chỉ có một mình đối diện với chính mình, cô đơn và lẻ loi. Một mảnh tình riêng, một nỗi lòng sâu kín, tâm sự đau đáu trong lòng mà không biết chia sẻ, nhắn nhủ với ai. Hình tượng thơ đặt trong thế tương phản, âm hưởng nhịp điệu câu thơ như một tiếng thở dài nuối tiếc.

=> Hai câu kết khẳng định lại nỗi cô đơn, trống trải của tác giả trước thiên nhiên rộng lớn.

* Nhận xét khái quát: Bài thơ “Qua Đèo Ngang” không chỉ khắc họa một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ đượm nét buồn mà còn thể hiện chân thực, sinh động nỗi nhớ nước, thương nhà và niềm hoài cổ của nữ sĩ, đó chính là “sự giải tỏa những cảm xúc đã tàn đầy trong tâm hồn” của Bà Huyện Thanh Quan.

Luận điểm 2:Sự giải tỏa những cảm xúc đã tràn đầy trong tâm hồn” của Bà Huyện Thanh Quan trong bài thơ “Qua Đèo Ngang” được thể hiện qua những hình thức nghệ thuật đặc sắc

- “Qua Đèo Ngang” được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật rất đặc sắc, ngôn ngữ và hình ảnh hàm súc, cô đọng

- Vần thơ, niêm, luật, bố cục và phép đối chặt chẽ chứng tỏ một bút pháp nghệ thuật độc đáo, điêu luyện

- Nhà thơ sử dụng thành công phép đối đặc sắc ở các câu thực, luận làm nổi bật khung cảnh vắng vẻ, hoang sơ, thưa thớt của Đèo Ngang và bộc lộ tâm trạng buồn, cô đơn của mình

- Hình tượng thơ mang tính ước lệ tượng trưng nhưng rất biểu cảm, nhất là âm điệu, nhạc điệu trầm bổng, du dương như cuốn hút hồn người…

- Giọng thơ nhẹ nhàng, du dương diễn tả nỗi niềm hoài cổ, buồn thương man mác, bâng khuâng

- Phép đảo ngữ, nghệ thuật chơi chữ độc đáo, phép nhân hóa, từ láy… đã diễn tả được tâm trạng, nỗi niềm hoài cổ của thi nhân một cách kín đáo

(HS dẫn lại một số từ ngữ, hình ảnh tiêu biểu minh họa)

0,5

4,0

1,5

6.4

Đánh giá

- Thơ gắn kết những tâm hồn đồng điệu. Nhà thơ cần nắm bắt cái riêng biệt để biểu hiện được cái phổ quát, qua cảm xúc, nỗi lòng của nhà thơ, người đọc thấy được mình ở trong đó. Bởi vậy, ý kiến “Hành động sáng tạo trong thơ ca là một sự giải tỏa những cảm xúc tràn đầy trong tâm hồn nhà thơ” đưa ra ở đề bài là đúng đắn. Bài thơ “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan đã thể hiện đúng đắn về quan niệm sáng tạo trong thơ ca.

- Từ đó đem đến bài học cho người sáng tác và người tiếp nhận.

+ Đối với người sáng tác: Tác phẩm nghệ thuật là công trình sáng tạo nghiêm túc của mỗi người nghệ sĩ. Bởi vậy, nhà thơ phải biết đề cao yếu tố tình cảm, cảm xúc trong việc sáng tác thơ, đồng thời cần nghiêm túc, nhiệt huyết trong lao động nghệ thuật

+ Với người tiếp nhận: đến với bài thơ là để trải nghiệm một tâm trạng, một cảm xúc và kiếm tìm sự tri âm. Do vậy, người đọc cần sự tri âm, sự đồng cảm với tác phẩm, với nhà thơ để có thể chia sẻ những tình cảm đồng điệu. Khi ấy, thơ sẽ có sức sống lâu bền trong lòng người đọc nhiều thế hệ

1,0

d. Đúng chính tả, dùng từ, đặt câu

0,25

e. Sáng tạo

0,25

................................

Mời các bạn sử dụng file tải về để xem trọn bộ các mẫu đề thi HSG Ngữ văn 8 có đáp án khác.

Mời các bạn tham khảo các bài viết khác trong chuyên mục Dành cho giáo viên của Hoatieu.

Đánh giá bài viết
1 1.576
(Mới) Tài liệu bồi dưỡng học sinh giỏi Ngữ văn 8 sách mới
Chọn file tải về :
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm