Hướng dẫn đánh giá và xếp loại cán bộ, công chức 2024

HoaTieu.vn xin giới thiệu tới các bạn những quy định và tiêu chí đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức mới nhất năm 2020. Qua đó các cơ quan tổ chức sẽ nắm được cách thức đánh giá phân loại công chức viên chức cuối năm.

I. Mục đích và yêu cầu đánh giá và xếp loại cán bộ, công chức

1. Mục đích

a) Kết quả đánh giá, phân loại đánh giá hằng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng là căn cứ để xếp loại thi đua, bình xét khen thưởng hằng năm; là cơ sở để bố trí, sử dụng, quy hoạch, đề bạt, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng theo quy định và theo yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

b) Đánh giá, phân loại hằng năm đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chuẩn hóa và xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp; nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tự giác trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng, tạo môi trường sáng tạo, đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

2. Yêu cầu

a) Việc đánh giá, phân loại hằng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng phải thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ, chính xác, khách quan, công bằng, đúng thực chất và đúng trình tự quy định. Phải thực hiện đánh giá đa chiều, liên tục và lượng hóa được kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng gắn với kết quả công tác của từng bộ phận, cơ quan, đơn vị (trên cơ sở phân tích về tổng khối lượng và tính chất, mức độ của công việc).

b) Lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ và kết quả thực hiện các tiêu chuẩn khung năng lực vị trí việc làm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng làm thước đo chủ yếu trong đánh giá, phân loại.

II. Đối tượng đánh giá, phân loại cán bộ, công chức

1. Cán bộ (cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã).

2. Công chức (công chức cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; công chức là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định).

3. Viên chức.

4. Lao động hợp đồng (đối tượng nêu tại Khoản 2 Mục II Hướng dẫn này).

-Việc đánh giá, phân loại cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý thực hiện theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Thành ủy.

Hướng dẫn đánh giá và phân loại CVCC

III. Nguyên tắc đánh giá và xếp loại cán bộ, công chức

Căn cứ Điều 3 Quy định 132, Điều 3 Nghị định 56 và Điều 6 Quyết định 3814, nguyên tắc đánh giá, phân loại như sau:

1. Bảo đảm đúng thẩm quyền, trách nhiệm: cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng do cấp có thẩm quyền quản lý đánh giá; cấp nào, người nào trực tiếp lãnh đạo, giao việc thì đồng thời thực hiện nhận xét, đánh giá; cấp nào, người nào thực hiện việc đánh giá thì đồng thời thực hiện việc phân loại và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

2. Bảo đảm dân chủ, khách quan, toàn diện, công khai, minh bạch, công bằng, chính xác, thực chất và không nể nang, trù dập, thiên vị, hình thức.

3. Lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống làm gốc; kết quả, hiệu quả công việc làm thước do chủ yếu trong đánh giá, phân loại. Việc đánh giá phải căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ được giao và kết quả thực hiện nhiệm vụ. Việc đánh giá cần làm rõ ưu điểm, khuyết điểm, tồn tại, hạn chế về phẩm chất, năng lực, trình độ của cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng.

4. Việc đánh giá, phân loại cán bộ lãnh đạo, quản lý phải dựa vào kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý.

Mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu không được cao hơn mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

5. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng không hoàn thành nhiệm vụ do yếu tố khách quan, bất khả kháng thì được xem xét trong quá trình đánh giá, phân loại.

IV. Căn cứ đánh giá và xếp loại cán bộ, công chức

Đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng phải căn cứ vào các quy định sau:

1. Điều 4 Nghị định 56

a) Đối với cán bộ, căn cứ đánh giá gồm:

- Nghĩa vụ, đạo đức, văn hóa giao tiếp và những việc cán bộ không được làm quy định tại Luật Cán bộ, công chức;

- Tiêu chuẩn chức vụ, chức danh của cán bộ;

- Chương trình, kế hoạch công tác năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của mình hoặc được cấp có thẩm quyền giao, phê duyệt hoặc phân công.

b) Đối với công chức, căn cứ đánh giá gồm:

- Nghĩa vụ, đạo đức, văn hóa giao tiếp và những việc công chức không được làm quy định tại Luật Cán bộ, công chức;

- Tiêu chuẩn ngạch công chức, chức vụ lãnh đạo, quản lý;

- Nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch công tác năm được phân công hoặc được giao chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

c) Đối với viên chức, căn cứ đánh giá gồm:

- Các cam kết trong hợp đồng làm việc đã ký kết;

- Quy định về đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xứ của viên chức.

2. Điều 4 Quyết định 3814

a) Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức; Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội;

b) Chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị;

c) Cơ chế hoạt động, quy chế làm việc của tập thể; các quy định về việc chấp hành điều lệ, nghị quyết, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, việc tu dưỡng, rèn luyện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, văn hóa giao tiếp, tác phong, lề lối làm việc cá nhân;

d) Bản mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

đ) Kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp dồng theo kế hoạch, chương trình cong tác trong tháng và nhiệm vụ đột xuất được giao;

e) Kết quả theo dõi, đánh giá của lãnh đạo và kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng, phản ánh của các tổ chức, cá nhân đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong thực thi nhiệm vụ.

3. Điều 3 Quyết định 2898

Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, căn cứ đánh giá gồm:

a) Căn cứ Điều lệ Đảng và hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng; nhiệm vụ của Đảng viên và các quy định cụ thể của Đảng về những điều Đảng viên không được làm;

b) Nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; các quy định về những điều cán bộ, công chức, viên chức không được làm;

c) Kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao gắn với vị trí việc làm của cán bộ lãnh đạo, quản lý;

d) Các quy định của Trung ương, Thành ủy về tiêu chuẩn chức danh đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý;

đ) Tiêu chí đánh giá và phân loại cán bộ;

e) Kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII).

V. Nội dung, tiêu chí đánh giá và xếp loại cán bộ, công chức

Các quy định về nội dung đánh giá gồm:

1. Đối với cán bộ được quy định tại Khoản 1 Điều 28 Luật Cán bộ, công chức (Mục I của Mẫu số 01 Nghị định 56 – kèm theo Hướng dẫn này).

2. Đối với công chức được quy định tại Khoản 1 và 2 Điều 56 Luật Cán bộ, công chức (Mục I của Mẫu số 02 Nghị định 56 – kèm theo Hướng dẫn này).

3. Đối với viên chức được quy định tại Khoản 1 và 2 Điều 41 Luật Viên chức (Mục I của Mẫu số 03 Nghị định 56 – kèm theo Hướng dẫn này).

4. Lao động hợp đồng vận dụng nội dung đánh giá của viên chức, sử dụng Phiếu đánh giá và phân loại theo Mẫu số 04 kèm theo Hướng dẫn này.

VI. Phân loại đánh giá và xếp loại cán bộ, công chức

Các nội dung, tiêu chí đánh giá (nêu tại Mục VI) được định hướng, cụ thể hóa kèm theo mức độ phải đạt được của từng mức phân loại, thành các tiêu chí phân loại đánh giá (mức độ, cấp độ cần đạt được theo các tiêu chí đánh giá).

Nghị định 56 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 88) quy định tiêu chí phân loại đánh giá cụ thể cho từng đối tượng đánh giá như sau: đối với cán bộ là các Điều: 11, 12, 13, 14; đối với công chức là các Điều: 18, 19, 20, 21; đối với viên chức là các Điều: 25, 26, 27, 28.

Điều 4 Quyết định 2898 và Điều 8 Quyết định 3814 vừa tiếp tục định hướng, định lượng, cụ thể hóa kèm theo cấp độ ảnh hưởng, tầm quan trọng theo từng tiêu chí đánh giá, vừa khái quát điểm chung phải đạt được của từng mức phân loại đánh giá đối với đối tượng đánh giá, gọi là khung tiêu chuẩn các mức phân loại đánh giá.

Do đó, khi đánh giá, phân loại đánh giá, các chủ thể tham gia đánh giá, cấp có thẩm quyền quyết định đánh giá, phân loại phải căn cứ vào các tiêu chí phân loại đánh giá quy định cho từng đối tượng đánh giá tại Nghị định 56 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 88) và khung tiêu chuẩn các mức phân loại đánh giá mà đề xuất hoặc quyết định cho phù hợp.

Căn cứ Nghị định 56 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 88), Quyết định 2898, Quyết định 3814, Kế hoạch 165, các tiêu chí phân loại đánh giá và khung tiêu chuẩn các mức phân loại đánh giá như sau:

1. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Các tiêu chí phân loại đánh giá ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Nghị định 56 quy định đối với cán bộ là Điều 11, đối với công chức là Điều 18 và đối với viên chức là Điều 25 (lao động hợp đồng vận dụng như viên chức). Đồng thời, việc phân loại đánh giá năm phải gắn với kết quả đánh giá, phân loại hằng tháng và đảm bảo khung tiêu chuẩn sau:

- Là cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng thực sự tiêu biểu về năng lực, phẩm chất đạo đức, lối sống, luôn đi đầu về đổi mới sáng tạo, có sản phẩm cụ thể lượng hóa được, có nhiều thành tích nổi bật trong công tác được các cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng khác học tập, noi theo.

- Các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao đều đánh giá đạt cấp độ "Xuất sắc"; các tiêu chí còn lại được đánh giá đạt cấp độ "Tốt" trở lên.

- Không có tháng nào trong năm xếp loại “Hoàn thành nhiệm vụ" theo Quyết định 3814.

Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định số lượng cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng được phân loại đánh giá "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" không vượt quá 20% số cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng tương ứng được phân loại "Hoàn thành tốt nhiệm vụ" theo từng nhóm đối tượng có vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ tương đồng trong cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý (số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý được phân loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" không vượt quá 20% số được phân loại "Hoàn thành tốt nhiệm vụ" theo chức danh tương đương ở từng cấp, từng ngành, từng lĩnh vực).

2. Hoàn thành tốt nhiệm vụ

Các tiêu chí phân loại đánh giá ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ được Nghị định 56 quy định đối với cán bộ là Điều 12, đối với công chức là Điều 19, đối với viên chức là Điều 26 (lao động hợp đồng vận dụng như viên chức). Đồng thời, việc phân loại đánh giá năm phải gắn với kết quả đánh giá, phân loại hằng tháng và đảm bảo khung tiêu chuẩn sau:

- Các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao đều đánh giá đạt cấp độ "Tốt" trở lên; những tiêu chí còn lại được đánh giá đạt cấp độ "Trung bình" trở lên.

- Không có tháng nào trong năm xếp loại “Không hoàn thành nhiệm vụ" theo Quyết định 3814.

3. Hoàn thành nhiệm vụ (đối với viên chức, lao động hợp đồng) hoặc Hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực (đối với cán bộ, công chức)

Các tiêu chí phân loại đánh giá ở mức hoàn thành nhiệm vụ đối với viên chức (lao động hợp đồng vận dụng như viên chức) được Nghị định 56 quy định tại Điều 27. Nghị định 56 quy định các tiêu chí phân loại đánh giá ở mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực đối với cán bộ là Điều 13, đối với công chức là Điều 20. Đồng thời, việc phân loại đánh giá năm phải gắn với kết quả đánh giá, phân loại hằng tháng và khung tiêu chuẩn có các tiêu chí cơ bản được đánh giá đạt cấp độ "Trung bình" trở lên cụ thể như sau:

- Hoàn thành từ 70% đến dưới 100% công việc hoặc nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch công tác năm.

- Tham mưu đề xuất giải quyết công việc chưa bảo đảm chất lượng, chưa đúng với quy định của pháp luật hoặc đến mức phải để cấp trên xử lý lại.

- Thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao còn chậm về tiến độ, hạn chế về chất lượng, hiệu quả.

4. Không hoàn thành nhiệm vụ

Các tiêu chí phân loại đánh giá ở mức không hoàn thành nhiệm vụ được Nghị định 56 quy định đối với cán bộ là Điều 14, đối với công chức là Điều 21 và đối với viên chức là Điều 28 (lao động hợp đồng vận dụng như viên chức). Đồng thời, việc phân loại đánh giá năm phải gắn với kết quả đánh giá, phân loại hằng tháng và khung tiêu chuẩn cụ thể như sau:

Là cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng không đạt mức "Hoàn thành nhiệm vụ" hoặc thuộc một trong các trường hợp sau:

- Cấp có thẩm quyền kết luận đánh giá có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

- Chỉ hoàn thành dưới 50% chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm.

- Bị thi hành kỷ luật (kỷ luật về Đảng hoặc kỷ luật về hành chính) trong năm (một vi phạm bị xử lý kỷ luật chỉ tính một lần khi xếp loại).

VII. Trách nhiệm, thẩm quyền đánh giá và xếp loại cán bộ, công chức

1. Trách nhiệm đánh giá, phân loại

- Cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng hằng năm ở đơn vị mình.

- Từng tập thể, cá nhân có trách nhiệm thực hiện tự đánh giá, phân loại.

- Khi có yêu cầu, các chủ thể tham gia đánh giá có trách nhiệm phối hợp đánh giá và đề xuất phân loại đánh giá đối với đối tượng có liên quan.

- Cấp có thẩm quyền quyết định đánh giá và phân loại đánh giá hằng năm phải chịu trách nhiệm về nội dung đánh giá, phân loại.

2. Thẩm quyền đánh giá, phân loại

2.1. Đối với cá nhân thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý

a) Thực hiện theo quy định tại Điều 6 Quyết định 2898;

b) Đối với cấp phó các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND Thành phố

Ban Thường vụ Thành ủy phân công, ủy quyền đồng chí Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố chủ trì cùng Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố đánh giá, phân loại nên căn cứ kết quả họp đánh giá và phân loại, các cơ quan, đơn vị gửi văn bản kèm hồ sơ (qua Sở Nội vụ thẩm định) trình đồng chí Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố cùng Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố xem xét đánh giá, phân loại.

2.2. Đối với cá nhân không thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý

Thực hiện theo quy định tại Nghị định 56 và Quy định 03, cụ thể như sau:

a) Đối với cán bộ

- Ban Thường vụ quận, huyện, thị ủy đánh giá, phân loại đối với các chức danh: trưởng ban, phó trưởng ban HĐND quận, huyện, thị xã; bí thư, phó bí thư đảng ủy, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND xã, phường, thị trấn.

- Đối với các cán bộ cấp xã còn lại (cấp trưởng các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã): thực hiện theo phân cấp quản lý cán bộ của quận, huyện, thị ủy.

b) Đối với công chức

- Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố đánh giá, phân loại đối với các chức danh: cấp trưởng cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trực thuộc các sở, ban, ngành.

- Tập thể lãnh đạo các sở, ban, ngành đánh giá, phân loại đối với các chức danh: cấp phó cơ quan hành chính trực thuộc các sở, ban, ngành; cấp trưởng, cấp phó phòng, ban và tương đương của sở, ban, ngành.

- Người đứng đầu các sở, ban, ngành và tương đương trực thuộc Thành phố đánh giá, phân loại đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý của sở, ban, ngành.

- Tập thể lãnh đạo các chi cục và tương đương đánh giá, phân loại đối với các chức danh: cấp trưởng, cấp phó phòng, ban và tương đương của chi cục, cấp trưởng đơn vị sự nghiệp trực thuộc chi cục.

- Người đứng đầu các chi cục và tương đương đánh giá, phân loại đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý của chi cục.

- Ban Thường vụ quận, huyện, thị ủy đánh giá, phân loại các chức danh: trưởng phòng, phó trưởng phòng, ban và tương đương, cấp trưởng đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã.

- Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã đánh giá, phân loại đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc UBND quận, huyện, thị xã.

- Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn đánh giá, phân loại đối với công chức cấp xã.

b) Đối với viên chức

- Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố đánh giá, phân loại đối với các chức danh: cấp trưởng đơn vị sự nghiệp trực thuộc đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND Thành phố.

- Tập thể lãnh đạo các sở, ban, ngành đánh giá, phân loại đối với cấp phó đơn vị sự nghiệp trực thuộc các sở, ban, ngành.

- Tập thể lãnh đạo đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND Thành phố đánh giá, phân loại đối với các chức danh: cấp phó đơn vị sự nghiệp trực thuộc đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND Thành phố; cấp trưởng, cấp phó phòng, ban và tương đương của đơn vị.

- Ban Thường vụ quận, huyện, thị ủy đánh giá, phân loại các chức danh: cấp phó đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã.

- Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND Thành phố đánh giá, phân loại đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý của đơn vị.

- Tập thể lãnh đạo đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND Thành phố, UBND quận, huyện, thị xã đánh giá, phân loại đối với các chức danh: cấp trưởng, cấp phó phòng, ban và tương đương của đơn vị (nếu có).

- Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND Thành phố, UBND quận, huyện, thị xã đánh giá, phân loại đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý của đơn vị.

- Tập thể lãnh đạo các chi cục và tương đương đánh giá, phân loại đối với cấp phó đơn vị sự nghiệp trực thuộc chi cục.

- Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp trực thuộc chi cục đánh giá, phân loại đối với viên chức của đơn vị.

d) Đối với lao động hợp đồng

Lao động hợp đồng thuộc chỉ tiêu của cơ quan, đơn vị nào thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó đánh giá, phân loại.

* Cấp có thẩm quyền tại Điểm 2.2 này có thể phân công, ủy quyền thẩm quyền đánh giá, phân loại đảm bảo nguyên tắc cấp nào, người nào trực tiếp lãnh đạo, giao việc thì đồng thời thực hiện nhận xét, đánh giá, phân loại và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình .

VIII. Phương pháp, quy trình đánh giá và xếp loại cán bộ, công chức

1. Phương pháp, quy trình đánh giá, phân loại

Việc đánh giá, phân loại hằng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng được thực hiện theo 3 bước như sau:

- Bước 1: Tự đánh giá, phân loại

Căn cứ tiêu chí đánh giá, phân loại, cá nhân tự phân tích chất lượng, mức độ thực hiện và tự phân loại đánh giá vào 1 trong 4 mức theo quy định.

- Bước 2 : Tham gia đánh giá và đề xuất phân loại đánh giá

Các chủ thể tham gia đánh giá thực hiện phân tích chất lượng, đề xuất đánh giá, phân loại đối với cá nhân có liên quan khi được yêu cầu theo trách nhiệm, thẩm quyền.

- Bước 3 : Quyết định đánh giá và phân loại đánh giá

+ Cơ quan làm công tác tổ chức, cán bộ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, giúp cấp có thẩm quyền thẩm định kết quả tự đánh giá, kết quả tham gia đánh giá, các kết quả đánh giá hợp pháp khác và tổng hợp, đề xuất mức phân loại đánh giá.

+ Trên cơ sở đề xuất của cơ quan làm công tác tổ chức, cán bộ, cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc đánh giá và phân loại đánh giá hằng năm đối với từng cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý.

2. Trình tự, thủ tục đánh giá, phân loại

a) Đối với cán bộ

Thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định 56 như sau:

a1. Cán bộ làm báo cáo tự đánh giá kết quả công tác theo chức trách nhiệm vụ được giao theo Mục I Mẫu số 01;

a2. Cán bộ trình bày báo cáo tự đánh giá kết quả công tác tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị để mọi người tham dự cuộc họp đóng góp ý kiến. Các ý kiến được ghi vào biên bản và thông qua tại cuộc họp.

Đối với cán bộ phụ trách nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị thì thành phần tham dự là đại diện cấp ủy đảng, công đoàn, đoàn thanh niên và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Đối với cán bộ trực tiếp là người đứng đầu một cơ quan, tổ chức, đơn vị có các đơn vị cấu thành thì thành phần tham dự là đại diện cấp ủy đảng công đoàn, đoàn thanh niên và người đứng đầu các đơn vị cấu thành;

a3. Cấp ủy đảng cùng cấp nơi cán bộ công tác có ý kiến bằng văn bản về cán bộ được đánh giá, phân loại;

a4. Cấp có thẩm quyền tham khảo các ý kiến tham gia tại Tiết a2 và Tiết a3 Điểm a này, quyết định đánh giá, phân loại cán bộ; thông báo kết quả đánh giá phân loại cho cán bộ theo quy định.

b) Đối với công chức là người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và công chức là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập (cấp trưởng, cấp phó cơ quan, đơn vị, trưởng phòng, phó trưởng phòng…)

Thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 Nghị định 56 như sau:

b1. Công chức làm báo cáo tự đánh giá kết quả công tác theo nhiệm vụ được giao theo Mục I Mẫu số 02.

b2. Công chức trình bày báo cáo tự đánh giá kết quả công tác tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị để mọi người tham dự cuộc họp đóng góp ý kiến. Các ý kiến được ghi vào biên bản và thông qua tại cuộc họp.

Đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị có các đơn vị cấu thành, thành phần tham dự là đại diện cấp ủy đảng, công đoàn, đoàn thanh niên và người đứng đầu các đơn vị cấu thành.

Đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị không có các đơn vị cấu thành, thành phần tham dự là toàn thể công chức và người lao động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

b3. Cấp ủy đảng cùng cấp nơi công chức công tác có ý kiến bằng văn bản về công chức được đánh giá, phân loại.

b4. Cấp có thẩm quyền tham khảo các ý kiến tham gia tại Tiết b2 và Tiết b3 Điểm b này, quyết định đánh giá, phân loại đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

b5. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị tại Tiết b4 Điểm b này thông báo kết quả đánh giá, phân loại cho công chức theo quy định.

c) Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý

Thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định 56:

c1. Công chức làm báo cáo tự đánh giá kết quả công tác theo nhiệm vụ được giao theo Mục I Mẫu số 02;

c2. Công chức trình bày báo cáo tự đánh giá kết quả công tác tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị (thành phần tham dự là toàn thể công chức và người lao động của phòng, ban, đội, trạm, hạt và tương đương, nơi công chức đang công tác) để mọi người tham dự cuộc họp đóng góp ý kiến. Các ý kiến được ghi vào biên bản và thông qua tại cuộc họp;

c3. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị tham khảo ý kiến tham gia tại Tiết c2 Điểm c này, quyết định đánh giá, phân loại công chức; thông báo kết quả đánh giá, phân loại cho công chức theo quy định.

d) Đối với công chức cấp xã

Thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định 56 và Điều 28 Nghị định 112 như sau:

- Đối với các công chức Văn phòng - thống kê, Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc Địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã), Tài chính - kế toán, Tư pháp - hộ tịch, Văn hóa - xã hội:

d1. Công chức làm báo cáo tự đánh giá kết quả công tác theo nhiệm vụ được giao theo Mục I Mẫu số 02 và trình bày báo cáo tự đánh giá kết quả công tác theo nhiệm vụ được giao tại cuộc họp đánh giá công chức hằng năm để mọi người tham dự đóng góp ý kiến;

d2. Chủ tịch UBND cấp xã nhận xét về kết quả tự đánh giá của công chức, đánh giá ưu, nhược điểm của công chức trong công tác;

d3. Tập thể công chức của UBND cấp xã họp tham gia góp ý kiến. Ý kiến góp ý được lập thành biên bản và thông qua tại cuộc họp;

d4. Chủ tịch UBND cấp xã kết luận và quyết định phân loại công chức.

- Đối với công chức Chỉ huy trưởng Quân sự cấp xã và Trưởng Công an xã:

d5. Công chức làm báo cáo tự đánh giá kết quả công tác theo nhiệm vụ được giao theo Mục I Mẫu số 02, tự nhận xét ưu, nhược điểm trong công tác và trình bày báo cáo tự đánh giá kết quả công tác theo nhiệm vụ được giao tại cuộc họp đánh giá công chức hằng năm để mọi người tham dự đóng góp ý kiến;

d6. Tập thể Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã, Công an xã và công chức của UBND cấp xã họp tham gia góp ý. Ý kiến góp ý được lập thành biên bản và thông qua tại cuộc họp;

d7. Chủ tịch UBND cấp xã đánh giá, quyết định phân loại công chức và thông báo đến công chức sau khi tham khảo ý kiến góp ý bằng văn bản của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện (đối với Chỉ huy trưởng Quân sự cấp xã), Trưởng Công an huyện (đối với Trưởng Công an xã).

đ) Đối với viên chức là người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị

Thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 24 Nghị định 56 như sau:

đ1. Viên chức làm báo cáo tự đánh giá kết quả công tác theo nhiệm vụ được giao theo Mục I Mẫu số 03.

đ2. Viên chức trình bày báo cáo tự đánh giá kết quả công tác tại cuộc họp của cơ quan, đơn vị để mọi người tham dự cuộc họp đóng góp ý kiến. Các ý kiến được ghi vào biên bản và thông qua tại cuộc họp.

Đối với cơ quan, đơn vị có các đơn vị cấu thành, thành phần tham dự là đại diện cấp ủy đảng, công đoàn, đoàn thanh niên và người đứng đầu các đơn vị cấu thành.

Đối với cơ quan, đơn vị không có các đơn vị cấu thành, thành phần tham dự là toàn thể viên chức và người lao động của cơ quan, đơn vị.

đ3. Cấp ủy đảng cùng cấp có ý kiến bằng văn bản về viên chức được đánh giá, phân loại.

đ4. Cấp có thẩm quyền tham khảo các ý kiến tham gia tại Tiết đ2 và Tiết đ3 Điểm đ này, quyết định đánh giá, phân loại đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

đ5. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị tại Tiết đ4 Điểm đ này thông báo kết quả đánh giá, phân loại cho viên chức theo quy định.

e) Đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý và lao động hợp đồng

Thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 24 Nghị định 56 như sau:

e1. Viên chức làm báo cáo tự đánh giá kết quả công tác theo nhiệm vụ được giao theo Mục I Mẫu số 03.

Lao động hợp đồng làm báo cáo tự đánh giá kết quả công tác theo nhiệm vụ được giao theo Mục I Mẫu số 04.

e2. Viên chức, lao động hợp đồng trình bày báo cáo tự đánh giá tại cuộc họp của cơ quan, đơn vị (thành phần tham dự là toàn thể viên chức và người lao động của khoa, phòng và tương đương, nơi viên chức, lao động hợp đồng đang công tác) để mọi người đóng góp ý kiến. Các ý kiến được ghi vào biên bản và thông qua tại cuộc họp.

e3. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị hoặc người được giao thẩm quyền đánh giá viên chức, lao động hợp đồng tham khảo ý kiến tham gia tại Tiết e2 Điểm e này, quyết định đánh giá, phân loại viên chức, lao động hợp đồng.

Người được giao thẩm quyền đánh giá viên chức, lao động hợp đồng.chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá, phân loại viên chức, lao động hợp đồng trước người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

X. Hồ sơ trình cấp có thẩm quyền đánh giá, phân loại

1. Hồ sơ trình cấp có thẩm quyền đánh giá, phân loại

- Phiếu đánh giá, phân loại cán bộ (mẫu số 01), công chức (mẫu số 02), viên chức (mẫu số 03), lao động hợp đồng (mẫu số 04 kèm theo Hướng dẫn này);

- Biên bản cuộc họp đánh giá, phân loại

- Bản nhận xét của cấp ủy nơi cư trú và cấp ủy nơi công tác;

- Văn bản tham gia, góp ý của các tổ chức, tập thể, cá nhân có liên quan (nếu có).

2. Thông báo kết quả đánh giá, phân loại

- Kết quả đánh giá, phân loại được thông báo bằng văn bản tới đối tượng đánh giá và tập thể, cá nhân trực tiếp quản lý sau 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày có kết luận của cấp có thẩm quyền;

- Khi nhận được thông báo kết quả đánh giá, phân loại của cấp có thẩm quyền, trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng không nhất trí với quyết định đánh giá, phân loại thì có thể khiếu nại bằng văn bản theo quy định của pháp luật về khiếu nại.

3. Lưu giữ tài liệu đánh giá, phân loại

Kết quả đánh giá, phân loại được thể hiện bằng văn bản, lưu vào hồ sơ đối tượng đánh giá bao gồm:

- Phiếu đánh giá, phân loại;

- Kết luận và thông báo bằng văn bản về kết quả đánh giá, phân loại của cấp có thẩm quyền;

- Hồ sơ giải quyết khiếu nại về kết quả đánh giá, phân loại (nếu có).

X. Một số điểm lưu ý khi đánh giá, phân loại công chức, viên chức

1. Việc đánh giá, phân loại cán bộ lãnh đạo, quản lý giữ chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý thực hiện theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Thành ủy.

2. Hằng năm, các tổ chức, cơ quan, đơn vị giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể (hoặc xác định chỉ tiêu, nhiệm vụ theo nghị quyết, chương trình, kế hoạch) đối với từng tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý để làm căn cứ đánh giá, phân loại.

3. Khi xem xét đánh giá, phân loại hằng năm, ngoài việc phải căn cứ vào các quy định, hướng dẫn của Trung ương và Thành phố về công tác đánh giá hằng năm (đã nêu trong Hướng dẫn này), thì phải gắn với kết quả tổng hợp đánh giá, phân loại hằng tháng (12 tháng trong năm).

4. Việc đánh giá, phân loại viên chức ngành giáo dục và đào tạo thực hiện sau khi kết thúc năm học (năm công tác) thời điểm ngày 01/7 hằng năm; Đối với viên chức các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, thời điểm đánh giá, phân loại do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp quyết định phù hợp với đặc điểm hoạt động của đơn vị.

5. Việc tổ chức họp đánh giá, phân loại phải có ít nhất 2/3 thành phần được triệu tập có mặt dự họp. Không thực hiện việc lấy phiếu của tập thể công chức, viên chức, lao động hợp đồng khi họp đánh giá, phân loại. Cá nhân vắng mặt hoặc chưa được đánh giá, phân loại thì phải tổ chức đánh giá, phân loại trong thời gian sớm nhất.

6. Trường hợp cá nhân được cấp có thẩm quyền cử đi đào tạo, bồi dưỡng thì căn cứ kết quả học tập có xác nhận của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng và thời gian làm việc thực tế tại cơ quan, tổ chức, đơn vị để đánh giá, phân loại.

7. Đối với cá nhân được biệt phái thì cơ quan, đơn vị nơi cá nhân đến biệt phái trực tiếp đánh giá, phân loại và gửi tài liệu đánh giá, phân loại về cơ quan, đơn vị cử biệt phái để lưu hồ sơ, tổng hợp báo cáo và đề xuất thi đua – khen thưởng.

8. Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý đảm nhiệm nhiều chức danh công tác thì đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chủ yếu ở chức danh đảm nhận chính, đồng thời, có kết hợp với kết quả thực hiện chức danh kiêm nhiệm.

9. Không phân loại đánh giá đối với cá nhân đang tập sự hoặc mới tham gia công tác (trường hợp miễn tập sự) dưới 06 tháng, nghỉ việc riêng (ốm đau, chữa bệnh…) từ 06 tháng trở lên.

10. Cá nhân nghỉ việc riêng (ốm đau, chữa bệnh…) tổng thời gian trong năm từ 03 tháng trở lên (nếu vẫn được phân loại đánh giá) thì không phân loại "Hoàn thành tốt nhiệm vụ" trở lên; cá nhân nghỉ thai sản thì kết quả phân loại trong năm là kết quả phân loại của thời gian làm việc thực tế của năm đó.

11. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức khi chuyển công tác thì cơ quan, tổ chức, đơn vị mới có trách nhiệm đánh giá, phân loại kết hợp với ý kiến nhận xét của cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ nếu thời gian công tác ở cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ từ 06 tháng trở lên.

12. Trường hợp cá nhân chuyển đến là người đứng đầu mà không liên quan đến mức xếp loại của tổ chức, cơ quan, đơn vị mới thì không áp dụng quy định “Mức phân loại của người đứng đầu không được cao hơn mức xếp loại của tổ chức, cơ quan, đơn vị do mình đứng đầu”.

13. Đối với cá nhân vi phạm kỷ luật ở tổ chức nơi công tác trước đó nhưng bị xử lý kỷ luật và thi hành kỷ luật ở tổ chức mới chuyển đến thì tính vào kết quả đánh giá, xếp loại của tổ chức nơi xảy ra vi phạm.

14. Những nơi có dưới 05 cán bộ lãnh đạo, quản lý; dưới 05 công chức hoặc viên chức hoặc lao động hợp đồng được phân loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” thì chọn 01 cán bộ lãnh đạo, quản lý; 01 công chức hoặc viên chức hoặc lao động hợp đồng để phân loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” nếu đủ điều kiện.

15. Trường hợp cấp có thẩm quyền là tập thể lãnh đạo, khi họp xem xét, quyết định đánh giá, phân loại thì có thể bỏ phiếu kín. Căn cứ kết quả đánh giá, phân loại, cấp có thẩm quyền thông báo kết quả đánh giá, phân loại tới đối tượng đánh giá và tập thể, cá nhân trực tiếp quản lý, sử dụng đối tượng đánh giá.

16. Cá nhân đã được phân loại, nhưng sau đó phát hiện có khuyết điểm hoặc không đảm bảo điều kiện của mức chất lượng đã phân loại thì hủy bỏ kết quả và phân loại lại.

17. Đối với các hội đặc thù được giao biên chế thì hội hoặc tổ chức trực thuộc hội nếu có điều kiện thì có thể vận dụng các quy định nêu tại Hướng dẫn này về đánh giá, phân loại đối với viên chức hoặc lao động hợp đồng để đánh giá, phân loại nếu phù hợp.

XI. Tổ chức thực hiện đánh giá, phân loại công chức, viên chức

1. Tiến độ thực hiện

- Cấp chi cục và tương đương; cấp xã: Thực hiện đánh giá, phân loại đối với cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý hoàn thành trước ngày 15/12 hằng năm.

- Cấp sở, ban, ngành và tương đương ; cấp huyện: Thực hiện đánh giá, phân loại đối với cá nhân, cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền quản lý hoàn thành trước ngày 31/12 hằng năm và báo cáo kết quả về UBND Thành phố (qua Sở Nội vụ).

2. Nội dung thực hiện

Căn cứ Hướng dẫn này, Giám đốc các Sở, ban, ngành, Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND Thành phố, Chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện một số nội dung sau:

- Chủ động xây dựng kế hoạch đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng ở cấp mình; hướng dẫn việc nhận diện các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và cụ thể hóa nội dung đánh giá cho phù hợp với từng đối tượng là cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức, lao động hợp đồng công tác tại cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Cụ thể hóa tiêu chí đánh giá; định lượng hóa mức độ đạt được (theo 04 cấp độ: xuất sắc, tốt, trung bình, kém) của từng tiêu chí cụ thể và tiêu chuẩn từng mức chất lượng (hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ, không hoàn thành nhiệm vụ); xác định cụ thể đối tượng, nội dung lấy ý kiến của các chủ thể liên quan; xây dựng, hoàn thiện các biểu mẫu, trình tự, thủ tục cho phù hợp với từng loại hình tổ chức; đối tượng đánh giá và đặc điểm, tình hình địa phương, lĩnh vực, ngành.

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện đánh giá, phân loại hằng năm đảm bảo chất lượng, thực chất.

3. Hồ sơ đánh giá, phân loại

a) Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý:

- Hồ sơ đánh giá, phân loại gửi Ban Tổ chức Thành ủy theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Thành ủy.

- Đối với cấp phó các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND Thành phố:

Ngoài hồ sơ gửi Ban Tổ chức Thành ủy, hồ sơ đánh giá, phân loại đối với cấp phó các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND Thành phố gửi về Sở Nội vụ để trình đồng chí Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố cùng Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố xem xét đánh giá, phân loại (theo phân công, ủy quyền của Ban Thường vụ Thành ủy tại Quyết định 2898).

b) Đối với cấp trưởng các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trực thuộc các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND Thành phố:

Hồ sơ đánh giá, phân loại gửi Sở Nội vụ thẩm định, tổng hợp để trình đồng chí Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố cùng Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố xem xét đánh giá, phân loại.

c) Đối với các đối tượng thuộc thẩm quyền của Ban Thường vụ Quận ủy, Huyện ủy, Thị ủy đánh giá, phân loại:

Các cơ quan, đơn vị gửi hồ sơ đề nghị đánh giá, phân loại về Ban Tổ chức Quận ủy, Huyện ủy, Thị ủy để thẩm định, tổng hợp trình Ban Thường vụ Quận ủy, Huyện ủy, Thị ủy.

d) Đối với các đối tượng thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện đánh giá, phân loại:

Các cơ quan, đơn vị gửi hồ sơ đề nghị đánh giá, phân loại về Phòng Nội vụ để thẩm định, tổng hợp trình Chủ tịch UBND cấp huyện.

4. Báo cáo kết quả đánh giá, phân loại

Các Sở, ban ngành, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND Thành phố, UBND quận, huyện, thị xã gửi Báo cáo kết quả đánh giá, phân loại hằng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng (biểu tổng hợp số liệu đánh giá, phân loại theo Mẫu số 05, biểu tổng hợp xử lý kỉ luật theo Mẫu số 06 kèm theo Hướng dẫn này) về Sở Nội vụ trước ngày 05/02 năm liền kề (và email báo cáo bản chữ ký điện tử và file excel biểu tổng hợp số liệu (Mẫu số 05, Mẫu số 06) tới địa chỉ qlsn_sonv@hanoi.gov.vn đối với khối các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND Thành phố; tới địa chỉ xdcq_sonv@hanoi.gov.vn đối với khối quận, huyện, thị xã) để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố và Bộ Nội vụ về kết quả đánh giá, phân loại hằng năm theo quy định.

(Kèm theo Hướng dẫn này là 06 mẫu gồm: 04 mẫu phiếu đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng tương ứng từ số 01 đến số 04; mẫu số 05 là Biểu tổng hợp kết quả đánh giá, phân loại hằng năm tại cơ quan, đơn vị và mẫu số 06 là Biểu tổng hợp kết quả xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức hằng năm)

5. Về việc đánh giá định kỳ đối với cấp trưởng các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã theo Chỉ thị 01/CT-UBND ngày 03/02/2017 của Chủ tịch UBND Thành phố

Các sở và cơ quan tương đương sở, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện theo hướng dẫn tại Văn bản số 3077/SNV-CCHC ngày 30/11/2017 của Sở Nội vụ về việc hướng dẫn đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc của Trưởng phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã. UBND các quận, huyện, thị xã gửi báo cáo về kết quả thực hiện về Sở Nội vụ (Phòng Xây dựng chính quyền) và qua email xdcq_sonv@hanoi.gov.vn theo mẫu và tiến độ tại Văn bản số 3077/SNV-CCHC ngày 30/11/2017 của Sở Nội vụ.

Hướng dẫn này thay thế Hướng dẫn số 2688/HD-SNV ngày 20/11/2018 của Sở Nội vụ về đánh giá và phân loại hằng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời về Sở Nội vụ để phối hợp giải quyết theo thẩm quyền hoặc tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố xem xét, giải quyết./.

Xem thêm tại mục Hành chính trong phần văn bản pháp luật.

Đánh giá bài viết
5 35.999
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo