Vật chứng là gì? Vật chứng trong tố tụng hình sự
Vật chứng là gì? Quy định pháp luật về vật chứng
Vật chứng là một trong các loại nguồn chứng cứ mà Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (Điều 87 của BLTTHS 2015) ghi nhận, bên cạnh các loại nguồn chứng cứ khác. Vậy Vật chứng là gì? Vật chứng trong tố tụng hình sự là gì? mời các bạn theo dõi thông tin dưới đây.
1. Vật chứng là gì? Khái niệm vật chứng
Theo Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
2. Đặc điểm của vật chứng?
Vật chứng mang 4 đặc điểm sau:
Thứ nhất, vật chứng tồn tại dưới dạng vật thể
Nói cách khác vật chứng là tất cả những gì tồn tại bên ngoài thế giới khách quan có hình dạng, kích cỡ.. có thể xác định được bằng các giác quan của con người. Vật chứng tồn tại khách quan nó chứa đựng những thông tin, hình ảnh, sự kiện thực tế xảy ra trong hiện thực.
Thứ hai, vật chứng chứa đựng và phản ánh những thông tin, sự kiện thực tế liên quan đến vụ án, sự liên quan này có thể ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp nhưng quan trọng phải nằm trong mối liên hệ tổng thể giữa các nội dung, vấn đề của vụ án hình sự.
Vật chứng là vật dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội. Công cụ phạm tội là đối tượng của vật chứng mà người phạm tội sử dụng để tác động lên dối tượng tác động gây thiệt hại cho khách thể, phương tiện phạm tội là dạng vụ thể của công cụ phạm tội.
Vật chứng là những vật mang dấu vết của tội phạm: Dấu vết của tội phạm là những phản ánh vật chất do tội phạm gây ra được lưu giữ trên các đồ vật khác nhau. Dấu vết của tội phạm có thể tồn tại ở các dạng rắn, lỏng, khí …
Thứ ba, Vật chứng được các chủ thể có thẩm quyền thu thập theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định
Vật chứng là một trong những nguồn chứng cứ theo quy định của pháp luật do vật nó chỉ có thể được các chủ thể có thẩm quyền thu thập theo trình tự. thủ tục do pháp luật quy định.
Thứ tư: Vật chứng có giá trị chứng minh tội phạm, người phạm tội và các tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án
Vật chứng là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng, nó chứa đựng những thông tin có tác dụng làm rõ việc có tội phạm xảy ra hay không, chỉ ra mối liên hệ giữa thủ phạm và nạn nhân hay hiện trường vụ án..
3. Phân loại vật chứng như thế nào?
Nhìn chung, vật chứng có các cách phân loại sau:
Căn cứ vào mối quan hệ giữa vật gây vết và vật bị tác động, vật chứng được phân thành các loại:
- Vật chứng là những vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội;
- Vật chứng là vật mang dấu vết tội phạm;
- Vật chứng là những vật được coi là đối tượng của tội phạm;
- Vật chứng là tiền bạc và vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội.
Căn cứ vào giá trị chứng minh, vật chứng được chia thành các loại:
- Vật chứng có giá trị chứng minh tội phạm;
- Vật chứng có giá trị chứng minh người phạm tội là những vật chứng có chứa đựng chứng cứ có thể xác định được ai là người thực hiện hành vi phạm tội;
- Vật chứng có giá trị chứng minh những tình tiết khác liên quan đến tội phạm là vật chứng chứa đựng chứng cứ có giá trị chứng minh chủ sở hữu, người bị hại, yêu cầu bồi thường,…
Căn cứ vào giá trị sử dụng, vật chứng được phân thành:
- Vật chứng có giá trị sử dụng;
- Vật chứng không có giá trị sử dụng.
Căn cứ vào thời gian tồn tại giá trị sử dụng, vật chứng được chia thành:
- Vật chứng thuộc loại mau hỏng;
- Vật chứng là loại dễ bị phân hủy;
- Vật chứng thuộc loại tài sản có thời hạn sử dụng ngắn.
Căn cứ vào tính chất đặc biệt của vật chứng, người ta chia vật chứng thành:
- Vật chứng là loại tiền, vàng, kim khí quý, đá quý;
- Vật chứng là vật cấm lưu hành: vũ khí, đạn dược, chất cháy, chất phóng xạ, chất ma túy;
- Vật chứng là tài sản thông thường…
Từ việc phân loại trên, ta thấy rằng, tùy theo tiêu chí khác nhau thì vật chứng được phân ra thành các loại khác nhau, nhưng mỗi cách phân loại phải bao hàm tất cả các vật chứng. Mỗi cách phân loại có những ưu điểm và hạn chế của nó, cho nên phân loại vật chứng theo tiêu chí nào phụ thuộc vào mục đích đặt ra nhằm tận dụng ưu điểm của mỗi căn cứ.
4. Xử lý vật chứng trong vụ án hình sự như thế nào?
Trong qua trình giải quyết các vụ án hình sự để đảm bảo tài liệu, đồ vật trong vụ án được xem xét một cách toàn diện, không bỏ sót và xử lý phù hợp với quy định tại Điều 46, Điều 47, Điều 48 của Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 và các quy định tại Điều 89, Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015, khi kiểm sát lưu ý một số vấn đề sau:
4.1. Kiểm sát xác định vật chứng
Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự Cơ quan điều tra thường thu thập rất nhiều tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án, nhưng không phải tài liệu, đồ vật nào cũng là vật chứng. Như vậy, trong một vụ án, có thể chia tài liệu, đồ vật thành 02 nhóm là vật chứng và vật không phải vật chứng. Ngoài ra, nếu căn cứ vào chủ thể sở hữu, chiếm hữu, thì có thể chia thành 02 nhóm là vật thuộc sở hữu của bị cáo và vật thuộc sở hữu, quản lý hợp pháp của người khác. Để giải quyết triệt để tài liệu, đồ vật trong một VAHS, cần phải kết hợp 02 cách phân chia trên để tạo thành 04 trường hợp xử lý như sau:
– Vật chứng thuộc quyền sở hữu của bị cáo: Xử lý bằng cách bị tịch thu tiêu hủy hoặc tịch thu nộp NSNN;
– Vật chứng thuộc quyền sở hữu, quản lý hợp pháp của người khác: Về nguyên tắc là phải trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp; nếu chủ sở hữu có lỗi trong việc quản lý tài sản, thì có thể bị tịch thu nộp NSNN;
– Vật không phải vật chứng thuộc quyền sở hữu của bị cáo: Trả lại cho bị cáo;
– Vật không phải vật chứng thuộc quyền sở hữu, quản lý hợp pháp của người khác: Trả lại cho chủ sở hữu.
Lưu ý: Trong 04 trường hợp trên, nếu là vật thuộc trường hợp Nhà nước cấm lưu hành, thì trong quá trình kiểm sát không phân biệt là vật chứng hay không phải vật chứng, của bị cáo hay không phải của bị cáo, đều phải bị xem xét tịch thu nộp ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy; Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lại thì giao cho tổ chức chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Trên thực tế để xác định vật chứng nào là công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án. Kiểm sát viên nên nghiên cứu kỹ hồ sơ, phân tích đánh giá nội dung vụ án, đề ra yêu cầu điều tra lấy lời khai của các bị cáo, bị hại, người làm chứng, để xác định vật trực tiếp dùng vào việc phạm tội ví dụ bị cáo dùng gạch, đá ném vào bị hại gây thương tích thì xác định là vật chứng, còn lại những vật dụng khác mặc dù xuất hiện tại hiện trường, nhưng không phải là vật chứng.
Trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám xét, thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật, Kiểm sát viên phải kiểm sát chặt chẽ việc thu giữ, niêm phong, bảo quản, xử lý vật chứng theo quy định tại các điều 90, 106 và 199 Bộ luật Tố tụng hình sự, bảo đảm phục vụ cho việc giám định và sử dụng làm chứng cứ giải quyết vụ án.
4.2. Kiểm sát nguồn gốc, chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp của vật chứng
Song song với việc xác định đồ vật, tài liệu, thì phải làm rõ nguồn gốc của đồ vật, tài liệu để xác định thuộc quyền sở hữu của ai, ai đang quản lý để trường hợp giao trả thì phải đúng chủ thể.
Trên thực tế để làm rõ được điều trên trong quá trình điều tra KSV nên chủ động yêu cầu điều tra viên làm rõ thông qua các yêu cầu điều tra, thể hiện trong các biên bản hỏi cung, biên bản ghi lời khai của bị hại, cần xác định mô tả đặc điểm của tài sản, để có cơ sở trả lại tài sản cho đúng chủ sở hữu.
4.3. Kiểm sát việc xử lý vật chứng
Về nguyên tắc, vụ án kết thúc ở giai đoạn nào, thì cơ quan đó có trách nhiệm ra quyết định xử lý vật chứng. Ví dụ: Vụ án đình chỉ ở giai đoạn điều tra, thì CQĐT sẽ xử lý, vụ án đình chỉ ở giai đoạn truy tố, thì Viện kiểm sát xử lý, vụ án đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử, thì Chánh án ra quyết định xử lý, nếu tại phiên tòa, thì Hội đồng xét xử xử lý.
Theo quy định pháp luật vật cấm lưu hành, công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội, tiền hoặc tài sản do phạm tội mà có trong vụ án không có bị hại, thì mới xem xét tịch thu, tiêu hủy. Còn các trường hợp còn lại, nếu không có căn cứ rõ ràng, thì nên xem xét trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp tài sản đó.
Tuy nhiên, cần lưu ý ngoại lệ đối với vật chứng là loại mau hỏng hoặc khó bảo quản, thì được bán ngay theo quy định của pháp luật, trường hợp không bán được thì tiêu hủy; Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai, thì có thể xử lý ngay mà không phải chờ đến khi kết thúc vụ án.
5. Một số lưu ý khi xử lý vật chứng
5.1. Vật chứng thuộc quyền sở hữu của bị cáo
Ví dụ: A dùng xe máy đi đến chợ (xe thuộc sở hữu của A) để mua đồ, sau khi tới điểm giữ xe A phát hiện B là người cùng đi chợ có mang chiếc điện thoại bên mình, lợi dụng sơ hở A lấy chiếc điện thoại của B đồng thời dắt xe ra về.
Trong ví dụ đã nêu ở trên, cần phải xác định chiếc xe trên có phải là công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội hay không? Nếu là công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội thì có thể tịch thu nộp ngân sách nhà nước, ngược lại thì xem xét trả lại cho bị cáo. Mấu chốt của vấn đề là “xe máy, xe ô tô phải được dùng vào việc phạm tội” thì mới gọi là công cụ, phương tiện phạm tội. Tức là, việc sử dụng xe máy, xe ô tô có liên hệ mật thiết với tội phạm, nếu không có xe thì không thể hoàn thành tội phạm trong tình huống cụ thể đó. Ngược lại, nếu xe máy chỉ là phương tiện di chuyển để đưa đến địa điểm phạm tội, thì xác định là phương tiện nhưng không dùng vào việc phạm tội, nên phải trả lại cho bị cáo.
5.2. Vật chứng là tài sản chung
Nếu vật chứng là tài sản chung, thì Kiểm sát viên cần phải làm rõ là tài sản chung hợp nhất hay tài sản chung theo phần. Nếu tài sản chung theo phần mà xác định tài sản đó dùng vào việc phạm tội, thì tịch thu nộp ngân sách nhà nước phần tài sản của bị cáo. Nếu là tài sản chung hợp nhất, thì cần làm rõ tài sản chung hợp nhất có phân chia được hay không? Nếu tài sản chung hợp nhất không phân chia được và là tài sản duy nhất của gia đình, nếu bị tịch thu, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các thành viên trong gia đình, thì xem xét không tịch thu. Thay vào đó, có thể áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền (nếu điều luật có quy định hình phạt bổ sung).
5.3. Vật chứng là tài sản đã được bảo đảm
Ví dụ: A mua xe ô tô trả góp hằng tháng cho ngân hàng và dùng xe này để vận chuyển hàng cấm, vận chuyển ma túy…
Trong trường hợp này KSV cần chú ý trong quá trình giải quyết vụ án không nên tịch thu toàn bộ tài sản (xe ô tô trên) vì sẽ không đúng quy định theo Bộ luật dân sự năm 2015, không đảm bảo quyền lợi của bên cầm cố, thế chấp nhưng cũng không thể giao toàn bộ tài sản cho bên cầm cố, thế chấp (vì giá trị tài sản cầm cố, thế chấp cao hơn nghĩa vụ phải thực hiện). Do vậy, cần giao tài sản cho cơ quan thi hành án kê biên xử lý theo quy định, phần dư còn lại (nếu có) sau khi đã thanh toán xong nghĩa vụ bảo đảm thì cơ quan thi hành án có trách nhiệm kê biên nộp ngân sách nhà nước. Xử lý như vậy, một mặt vừa đảm bảo quyền lợi của bên nhận tài sản đảm bảo, một mặt vừa xử lý được trách nhiệm của bị cáo khi sử dụng tài sản làm công cụ, phương tiện phạm tội.
5.4. Vật chứng mà chủ sở hữu không nhận lại
Qua tham khảo ý kiến tại một số địa phương thực tế, vật chứng là công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội thuộc sở hữu của bị cáo, của người bị hại, người liên quan… tuy nhiên, vì nhiều lý do mà họ không nhận lại tài sản. Do vậy, trong quá trình kiểm sát điều tra cũng như tại phiên tòa, KSV cần làm rõ ý kiến của họ có muốn nhận lại tài sản hay không? Trường hợp chủ sở hữu không nhận lại tài sản, thì tùy giai đoạn mà xử lý hoặc yêu cầu Hội đồng xét xử xem xét, nếu có giá trị sử dụng, thì tịch thu nộp ngân sách nhà nước, nếu không có giá trị sử dụng thì tịch thu tiêu hủy.
5.5. Tài sản do phạm tội mà có
Vật chứng là tiền, tài sản do phạm tội mà có. Trong trường hợp này, khi giải quyết vụ án KSV cần xác định tài sản gốc trước khi chuyển đổi thành vật chứng có thuộc quyền sở hữu, quản lý hợp pháp của bị hại, người liên quan hay không? Sau đó tùy từng trường hợp mà KSV xử lý như sau: Nếu tài sản gốc trước khi chuyển đổi thành vật chứng thuộc quyền sở hữu, quản lý hợp pháp của bị hại, người liên quan thì phải ưu tiên kê biên bán đấu giá để trả lại giá trị cho bị hại, người liên quan ( nếu bị cáo không nộp khắc phục đủ thiệt hại trước khi Tòa án tuyên án). Nếu bị hại, người liên quan từ chối nhận, thì tịch thu, nộp ngân sách nhà nước. Nếu bị hại, người liên quan tuyên bố cho bị cáo, thì ghi nhận ý kiến của bị hại, người liên quan trả cho bị cáo.
Trong trường hợp tài sản trong các vụ án không có bị hại, thì xem xét tịch thu nộp ngân sách nhà nước (ví dụ: tiền do đánh bạc, bán ma túy…)
5.6. Vật chứng là một số loại tài liệu, đồ vật khác có liên quan trong vụ án
Về nguyên tắc, vật chứng phải bị xử lý bằng cách tịch thu hoặc trả lại. Tuy nhiên, có một số vật chứng như, băng ghi âm, đĩa ghi hình, hình ảnh là công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội. Ví dụ: dùng clip để cưỡng đoạt đoạt tài sản thì trường hộp này, phải tịch thu, lưu vào hồ sơ vụ án. Vì các chứng cứ này bị tiêu hủy sẽ gây khó khăn cho công tác giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án (nếu có).
Trên đây là một số thông tin về Vật chứng là gì? Vật chứng trong tố tụng hình sự. Nếu có vấn đề gì thắc mắc, mời các bạn để lại bình luận để mọi người cùng giải đáp nhé.
Mời các bạn tham khảo một số bài viết chất lượng trong mục Hỏi đáp pháp luật của Hoatieu.vn như là:
- Chia sẻ:Sky87
- Ngày:
Tham khảo thêm
Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
Đốt pháo có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
Hành vi đe dọa giết người có bị xử lý hình sự không 2021?
Người bao nhiêu tuổi vi phạm quyền tự do ngôn luận phải chịu trách nhiệm hình sự?
Trốn thuế bao nhiêu thì bị xử lý hình sự?
Các trường hợp miễn trách nhiệm hình sự 2021
Những trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự
Gợi ý cho bạn
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Hướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Mẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Top 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Thực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2024 mới cập nhật
Bộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2024
Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2024
Suy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Tờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2024
Mẫu nhận xét các môn học theo Thông tư 22, Thông tư 27