Thông tư số 16/2010/TT-BTNMT

Thông tư số 16/2010/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Quy định trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
-----------
Số: 16/2010/TT-BTNMT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

-------------------------

Hà Nội, ngày 26 tháng 08 năm 2010

THÔNG TƯ
Quy định trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt
vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai
-----------------------

Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Nhà ở ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002; Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 08 tháng 3 năm 2007; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 37/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính;

Căn cứ Nghị định số 105/2009/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;

Căn cứ Nghị định số 25/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Nghị định số 19/2010/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung các điểm c, d, g, h và i khoản 5 Điều 2; Nghị định số 25/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai như sau:

Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

Thông tư này quy định trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế để thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai gây ra trong trường hợp không áp dụng xử phạt (gọi chung là cưỡng chế hành chính trong lĩnh vực đất đai).

2. Đối tượng áp dụng:

a) Đối tượng bị cưỡng chế hành chính trong lĩnh vực đất đai bao gồm: cá nhân trong nước, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; cơ quan, tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài; hộ gia đình; cơ sở tôn giáo bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (sau đây gọi chung là đối tượng bị xử phạt) đã quá thời hạn tự nguyện chấp hành hoặc quá thời hạn hoãn chấp hành các quyết định nêu tại khoản 1 Điều này mà không tự nguyện chấp hành.

b) Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc cưỡng chế hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Điều 2. Nguyên tắc áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính trong lĩnh vực đất đai

1. Việc cưỡng chế hành chính trong lĩnh vực đất đai chỉ được thực hiện khi có quyết định cưỡng chế của người có thẩm quyền quy định tại Điều 4 của Thông tư này.

2. Chỉ được áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với trường hợp quy định tại Điều 5 của Thông tư này.

3. Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, điều kiện thi hành quyết định cưỡng chế của đối tượng bị cưỡng chế và tình hình thực tế ở địa phương để quyết định áp dụng một trong các biện pháp cưỡng chế quy định tại Điều 3 của Thông tư này.

Điều 3. Các biện pháp cưỡng chế hành chính trong lĩnh vực đất đai

1. Khấu trừ một phần tiền lương hoặc một phần thu nhập; khấu trừ tiền từ tài khoản tại các ngân hàng, các tổ chức tín dụng;

2. Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá.

3. Các biện pháp cưỡng chế khác để:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

b) Tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề định giá đất; cấm hành nghề tư vấn về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;

c) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất như trước khi vi phạm; buộc khắc phục tình trạng làm suy giảm chất lượng đất, khắc phục việc thải chất độc hại vào đất;

d) Khắc phục hậu quả đối với trường hợp nhận chuyển quyền sử dụng đất nhưng không đủ điều kiện nhận chuyển quyền sử dụng đất;

đ) Tịch thu lợi ích có được do vi phạm;

e) Buộc phải cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu và chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra.

Điều 4. Thẩm quyền quyết định cưỡng chế hành chính trong lĩnh vực đất đai

1. Người có thẩm quyền ra quyết định áp dụng một trong các biện pháp cưỡng chế hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định tại Điều 3 của Thông tư này có nhiệm vụ tổ chức việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt của mình và của cấp dưới, bao gồm:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã); Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện); Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh);

b) Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Người có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính để tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề về định giá đất, cấm hành nghề tư vấn về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bao gồm:

a) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh;

b) Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường.

3. Đối với trường hợp tháo dỡ nhà ở, công trình xây dựng trái phép trên đất thì người có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính để buộc khôi phục lại tình trạng của đất như trước khi vi phạm, bao gồm:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Điều 5. Quyết định cưỡng chế hành chính trong lĩnh vực đất đai

1. Đối tượng bị xử phạt bị áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trong các trường hợp sau:

a) Quá thời hạn mười (10) ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra trong trường hợp không áp dụng xử phạt mà đối tượng bị xử phạt không chấp hành;

Trường hợp người có thẩm quyền xử phạt quyết định cho phép nộp tiền phạt nhiều lần nhưng quá thời hạn nộp tiền của lần cuối cùng mà đối tượng bị xử phạt không chấp hành.

b) Quá thời hạn hoãn chấp hành quyết định phạt tiền theo quy định tại Điều 65 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

2. Nội dung của Quyết định cưỡng chế thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Nghị định số 37/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (sau đây gọi là Nghị định số 37/2005/NĐ-CP).

Quyết định cưỡng chế của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới phải gửi cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp. Trường hợp cưỡng chế bằng biện pháp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 3 của Thông tư này thì quyết định cưỡng chế phải gửi cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức cưỡng chế để phối hợp thực hiện.

Đánh giá bài viết
1 3.568
0 Bình luận
Sắp xếp theo