Quyết định 999/QĐ-BCT

Quyết định 999/QĐ-BCT do Bộ Công thương ban hành ngày 19 tháng 02 năm 2013 về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Công nghiệp địa phương.

BỘ CÔNG THƯƠNG

Số: 999/QĐ-BCT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------------------------

Hà Nội, ngày 19 tháng 02 năm 2013

QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỤC CÔNG NGHIỆP ĐỊA PHƯƠNG

--------------------

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 04 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

Cục Công nghiệp địa phương là tổ chức của Bộ Công Thương, giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về: Công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, khuyến công, cụm công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa tại các địa phương trong cả nước; thực hiện hoạt động dịch vụ công thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý của Cục.

Cục Công nghiệp địa phương có tư cách pháp nhân, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, có con dấu để hoạt động và giao dịch theo quy định của pháp luật.

Tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh: AGENCY FOR REGIONAL INDUSTRY DEVELOPMENT.

Viết tắt là: ARID.

Trụ sở chính đặt tại: Thành phố Hà Nội.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Xây dựng và trình Bộ trưởng phê duyệt, ban hành hoặc đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành chiến lược, cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, các chương trình, dự án, đề án, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật và các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục.

2. Ban hành các văn bản cá biệt, văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về chuyên ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục.

3. Tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, các chương trình, dự án, đề án, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật thuộc phạm vi quản lý của Cục.

4. Về công nghiệp địa phương:

a) Chủ trì xây dựng và trình Bộ trưởng ban hành hoặc để Bộ trưởng trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp ở địa phương và vùng lãnh thổ; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện;

b) Chủ trì tổng hợp, trình Bộ trưởng phê duyệt hoặc đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, chương trình, đề án, dự án đầu tư phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp ở địa phương và vùng lãnh thổ (trừ các dự án do các doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương đầu tư);

c) Tổng hợp kế hoạch, theo dõi tình hình thực hiện kế hoạch phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên các địa bàn; giám sát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án và báo cáo đánh giá tiềm năng, tình hình phát triển công nghiệp; đề xuất định hướng, giải pháp phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của các địa phương và vùng lãnh thổ;

d) Tổ chức xây dựng, thực hiện hoặc phối hợp thực hiện các chương trình, kế hoạch xúc tiến hỗ trợ phát triển công nghiệp và thương mại ở trong nước và ngoài nước; các chương trình, đề án khoa học công nghệ, môi trường, sản xuất sạch hơn, vệ sinh an toàn thực phẩm; các dự án phát triển điện nông thôn và năng lượng mới, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng đối với các địa phương theo quy định của pháp luật;

đ) Tổ chức phổ biến kinh nghiệm về sản xuất, quản lý, khoa học công nghệ, đầu tư, đào tạo, cung cấp thông tin và tổ chức hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước để quảng bá, giới thiệu và phát triển sản phẩm công nghiệp địa phương theo quy định của pháp luật;

e) Đầu mối giúp Bộ trưởng trong các Ban Chỉ đạo phát triển các vùng kinh tế trọng điểm; Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ.

5. Về khuyến công:

a) Giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về hoạt động khuyến công theo quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 05 năm 2012 của Chính phủ về khuyến công và các quy định khác có liên quan của pháp luật;

b) Chủ trì xây dựng Chương trình Khuyến công quốc gia từng giai đoạn trình Bộ trưởng đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

c) Chủ trì xây dựng đề án, kế hoạch và dự toán kinh phí khuyến công quốc gia hàng năm trình Bộ trưởng phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện;

d) Chủ trì xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu và tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác khuyến công;

đ) Giúp Bộ trưởng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác bình chọn, tôn vinh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; hỗ trợ phát triển sản xuất và quảng bá các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

6. Về cụm công nghiệp:

a) Giúp Bộ trưởng thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về cụm công nghiệp theo quy định tại Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19 tháng 08 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế quản lý cụm công nghiệp và các quy định khác có liên quan của pháp luật;

b) Xây dựng danh mục các dự án để kêu gọi đầu tư và tổ chức thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư vào các cụm công nghiệp địa phương;

c) Thẩm định, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ vốn đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cân đối, bố trí vốn từ nguồn ngân sách Nhà nước;

d) Đầu mối phối hợp, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng và hoạt động của các cụm công nghiệp trên cả nước.

7. Về phát triển doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa:

a) Chủ trì xây dựng trình Bộ trưởng ban hành hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch, cơ chế, chính sách, dự án, đề án, văn bản quy phạm pháp luật về phát triển doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp; hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt;

b) Xây dựng kế hoạch xúc tiến, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa;

c) Phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan để cung cấp thông tin về xúc tiến, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa và hợp tác xã công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp.

8. Xây dựng, tổ chức triển khai đề án, dự án cho các cơ sở công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn.

9. Phối hợp với các cơ quan có liên quan, tổ chức các hoạt động kêu gọi, xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương và vùng lãnh thổ.

10. Giúp Bộ trưởng theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, chỉ đạo, tổng hợp báo cáo về hoạt động quản lý Nhà nước về: Công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, khuyến công, cụm công nghiệp, phát triển doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa của các Sở Công Thương.

11. Giúp Bộ trưởng phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, hiệp hội ngành nghề công nghiệp và các cơ quan, tổ chức liên quan trong các hoạt động phát triển: Công nghiệp; cụm công nghiệp; các doanh nghiệp, hợp tác xã công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của các địa phương theo quy định.

12. Tổ chức triển khai các dự án, đề án, đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong phạm vi quản lý của Cục.

13. Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực được phân công quản lý theo quy định của pháp luật và của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

14. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức khối công thương địa phương thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý của Cục.

15. Phối hợp với các cơ quan liên quan giúp Bộ trưởng xét thi đua, khen thưởng đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương (bao gồm cả phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú)

16. Kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thuộc phạm vi quản lý của Cục.

17. Xây dựng và thực hiện chương trình cải cách hành chính của Cục theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính của Bộ Công Thương.

18. Quản lý tổ chức, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện các chế độ, chính sách của Nhà nước cho cán bộ, công chức, viên chức theo phân cấp của Bộ Công Thương và quy định của pháp luật.

19. Quản lý tài chính, tài sản được giao và tổ chức thực hiện ngân sách được giao và các khoản thu khác quy định của pháp luật.

20. Chủ trì, phối hợp với cơ quan thông tấn, báo chí, đơn vị truyền thông xây dựng, triển khai thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến về phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, cụm công nghiệp và hoạt động khuyến công ở các địa phương trên phạm vi cả nước.

21. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng Bộ Công Thương giao.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức

1. Bộ máy giúp việc:

a) Văn phòng;

b) Phòng Kế hoạch – Tổng hợp;

c) Phòng Tài chính – Kế toán;

d) Phòng Thông tin và Truyền thông;

đ) Phòng Quản lý khuyến công

e) Phòng Quản lý cụm công nghiệp;

g) Phòng Công nghiệp hỗ trợ và Hội nhập;

h) Văn phòng Đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Đơn vị sự nghiệp:

Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1.

Việc thành lập mới, sắp xếp, tổ chức lại, sáp nhập hoặc giải thể các đơn vị trực thuộc Cục Công nghiệp địa phương do Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định theo đề nghị của Cục trưởng.

Điều 4. Lãnh đạo Cục

1. Cục Công nghiệp địa phương có Cục trưởng và các Phó Cục trưởng.

2. Cục trưởng và Phó Cục trưởng do Bộ trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật theo quy định của pháp luật.

3. Cục trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức; bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật các chức danh lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Cục theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của Bộ trưởng.

4. Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Cục. Phó Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công.

Điều 5. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

2. Quyết định này thay thế Quyết định số 0799/QĐ-BCT ngày 30 tháng 01 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Công nghiệp địa phương và Quyết định số 0314/QĐ-BCT ngày 18 tháng 01 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc thành lập Văn phòng Đại diện Cục Công nghiệp địa phương tại Thành phố Hồ Chí Minh.

3. Bãi bỏ các quy định khác trước đây trái với Quyết định này.

4. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Tổng cục trưởng, Cục trưởng và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Các Đ/c Thứ trưởng;
- Đảng ủy Bộ Công Thương;
- Công đoàn Cơ quan Bộ Công Thương;
- Công đoàn Công Thương Việt Nam;
- ĐU Khối Công nghiệp TP. Hà Nội;
- ĐU Khối DN Công nghiệp TW tại Tp. HCM;
- ĐU Khối DN Thương mại TW tại Tp. HCM;
- Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Lưu: VT, TCCB.

BỘ TRƯỞNG

(đã ký)

Vũ Huy Hoàng

Đánh giá bài viết
1 80
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi