Quy định 179-QĐ/TW 2019

Tải về

Quy định kiểm tra giám sát công tác cán bộ 2019

Quy định 179-QĐ/TW năm 2019 về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ do Ban chấp hành trung ương ban hành.

Ngày 25/2/2019 Ban chấp hành Trung ương vừa ký Quy định 179-QĐ/TW về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ. Theo đó, khi kiểm tra, giám sát đối với cấp ủy, tổ chức đảng bắt buộc phải kiểm tra 09 nội dung sau:Kiểm tra công tác tiếp nhận, tuyển dụng cán bộ; Kiểm tra công tác đánh giá cán bộ; Kiểm tra về công tác quy hoạch cán bộ; Kiểm tra công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; Kiểm tra công tác bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử; Kiểm tra công tác điều động, luân chuyển cán bộ; Kiểm tra việc phân công, phân cấp quản lý cán bộ; Kiểm tra việc thực hiện chính sách cán bộ; Kiểm tra công tác bảo vệ chính trị nội bộ.

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 179-QĐ/TW

Hà Nội, ngày 25 tháng 02 năm 2019

QUY ĐỊNH

VỀ CHẾ ĐỘ KIỂM TRA, GIÁM SÁT CÔNG TÁC CÁN BỘ

- Căn cứ Điều lệ Đảng;

- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khoá XII;

- Căn cứ Quy định số 29-QĐ/TW, ngày 25/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII thi hành Điều lệ Đảng;

- Căn cứ Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng;

- Căn cứ Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ;

- Căn cứ Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ,

Bộ Chính trị quy định về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Quy định này quy định về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên.

Điều 2. Mục đích

1. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, sự đoàn kết thống nhất; giữ gìn kỷ luật, kỷ cương của Đảng trong công tác cán bộ.

2. Đánh giá đúng công tác cán bộ, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, bảo đảm công tác cán bộ được thực hiện đúng quy định.

3. Góp phần chủ động phòng ngừa, ngăn chặn chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ; sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong cán bộ, đảng viên; kịp thời phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt đối với các tập thể và cá nhân.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện

1. Kiểm tra, giám sát công tác cán bộ phải tuân thủ Điều lệ Đảng và các quy định của Đảng, bảo đảm sự thống nhất quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác cán bộ và kiểm tra, giám sát công tác cán bộ.

2. Khi phát hiện tổ chức, cá nhân có vi phạm trong công tác cán bộ phải tiến hành kiểm tra, kết luận và xử lý nghiêm minh, chính xác, kịp thời.

3. Các cấp ủy, tổ chức đảng phải thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, tự kiểm tra và tổ chức kiểm tra, giám sát công tác cán bộ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Điều 4. Chủ thể kiểm tra, giám sát

Chi bộ, đảng ủy bộ phận, ban thường vụ đảng ủy cơ sở, đảng ủy cơ sở; cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy từ cấp trên cơ sở trở lên; Ủy ban kiểm tra; các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy.

Ban cán sự đảng, đảng đoàn (lãnh đạo kiểm tra).

Điều 5. Đối tượng kiểm tra, giám sát

1. Đối với tổ chức đảng

Tổ chức đảng cấp dưới (cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, thường trực cấp ủy, Ủy ban kiểm tra, các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, chi ủy và chi bộ) có thẩm quyền quản lý, sử dụng cán bộ.

2. Đối với cán bộ, đảng viên

Cấp ủy viên các cấp, thành viên ban cán sự đảng, đảng đoàn, cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý theo phân cấp quản lý cán bộ; trước hết là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quyết định, quản lý, sử dụng cán bộ và cán bộ, đảng viên tham mưu về công tác cán bộ.

Chương II

CHẾ ĐỘ KIỂM TRA CÔNG TÁC CÁN BỘ

Điều 6. Chế độ kiểm tra

1. Đối với cán bộ, đảng viên

1.1. Thường xuyên tự kiểm tra, đánh giá ưu điểm, khuyết điểm trong công tác và việc tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, lối sống.

1.2. Định kỳ hằng năm, tự phê bình và phê bình ở chi bộ và cấp ủy, tổ chức chính quyền, đoàn thể mà mình là thành viên.

1.3. Hằng năm, chi ủy nơi cán bộ, đảng viên công tác lấy ý kiến nhận xét của chi bộ nơi cư trú về bản thân cán bộ, đảng viên và gia đình trong việc chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương.

1.4. Chịu sự kiểm tra của chi bộ nơi sinh hoạt và tổ chức đảng cấp trên.

2. Đối với cấp ủy, tổ chức đảng

2.1. Hằng năm, xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra về công tác cán bộ thuộc cấp mình quản lý và chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới thực hiện.

2.2. Thực hiện tự phê bình và phê bình về công tác cán bộ theo quy định.

2.3. Định kỳ hằng năm, tổ chức lấy ý kiến góp ý của cán bộ, đảng viên và quần chúng trong cơ quan, đơn vị về công tác cán bộ.

2.4. Chịu sự kiểm tra và chấp hành kế hoạch kiểm tra của tổ chức đảng cấp trên.

2.5. Tiến hành kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới về công tác cán bộ, về thực hiện chế độ kiểm tra công tác cán bộ theo định kỳ hoặc đột xuất.

Điều 7. Trách nhiệm của chủ thể kiểm tra

1. Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đảng (cấp ủy, các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy, ủy ban kiểm tra) phối hợp tiến hành kiểm tra và trực tiếp tiến hành kiểm tra theo thẩm quyền.

2. Ủy ban kiểm tra kiểm tra cán bộ, đảng viên (kể cả cấp ủy viên cùng cấp) và tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm; kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát về công tác cán bộ; xem xét, kết luận và xử lý kỷ luật theo thẩm quyền.

3. Ban tổ chức cấp ủy chủ trì kiểm tra về việc chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác cán bộ; kiểm tra theo thẩm quyền về chế độ báo cáo, nhận xét, đánh giá cán bộ, đánh giá chất lượng đảng viên, tổ chức đảng theo định kỳ; về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay của cán bộ.

4. Các cơ quan tham mưu, giúp việc khác của cấp ủy kiểm tra công tác cán bộ thuộc phạm vi được phân công phụ trách; phối hợp thực hiện công tác kiểm tra theo yêu cầu của cấp ủy, tổ chức đảng và đề nghị của ủy ban kiểm tra.

5. Ban cán sự đảng, đảng đoàn lãnh đạo công tác kiểm tra những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban cán sự đảng, đảng đoàn về công tác cán bộ.

6. Chi bộ kiểm tra đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ của chi bộ giao về các nội dung trong công tác cán bộ.

Điều 8. Nội dung kiểm tra

1. Đối với cán bộ, đảng viên

1.1. Về điều kiện, tiêu chuẩn cán bộ theo quy định.

1.2. Việc chấp hành và tổ chức thực hiện các quyết định của tập thể về công tác cán bộ trong lĩnh vực được phân công phụ trách (đối với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị).

1.3. Việc tham mưu, đề xuất và thẩm định, quyết định các nội dung về công tác cán bộ.

1.4. Việc chấp hành các nghị quyết, quyết định của cấp ủy, tổ chức đảng về công tác cán bộ.

2. Đối với cấp ủy, tổ chức đảng

2.1. Kiểm tra công tác tiếp nhận, tuyển dụng cán bộ

- Việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp nhận, tuyển dụng cán bộ và tổ chức thi tuyển, xét tuyển để tuyển dụng cán bộ.

- Việc thực hiện nguyên tắc, quy trình, trách nhiệm và thẩm quyền trong công tác tiếp nhận, tuyển dụng cán bộ.

- Việc bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện tiếp nhận, tuyển dụng cán bộ.

2.2. Kiểm tra công tác đánh giá cán bộ

- Việc thực hiện nguyên tắc, quy trình và phương pháp đánh giá, xếp loại cán bộ.

- Việc cụ thể hoá tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ của cấp ủy, tổ chức đảng.

- Việc đánh giá cán bộ trước khi quy hoạch, luân chuyển, giới thiệu cán bộ ứng cử, bổ nhiệm cán bộ và phong, thăng quân hàm, khen thưởng huân chương bậc cao.

2.3. Kiểm tra về công tác quy hoạch cán bộ

- Việc rà soát, thẩm định cán bộ trước khi đưa vào quy hoạch.

- Việc bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn, trình độ, năng lực, uy tín cán bộ trước khi quy hoạch.

- Việc quy hoạch gắn với luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng cán bộ.

2.4. Kiểm tra công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

- Việc thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng gắn với quy hoạch và theo chức danh.

- Việc bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện để thực hiện đào tạo, bồi dưỡng.

- Việc chuẩn hoá trình độ, kiến thức cho cán bộ đương chức và cán bộ dự nguồn trong quy hoạch.

- Việc thực hiện chế độ học tập, bồi dưỡng hằng năm đối với cán bộ.

2.5. Kiểm tra công tác bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử

- Việc thực hiện nguyên tắc, trách nhiệm, thẩm quyền bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và phong, thăng quân hàm.

- Việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thi tuyển để bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý.

- Việc bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử.

- Việc thực hiện quy trình giới thiệu cán bộ ứng cử, bầu cử và bổ nhiệm.

- Việc thực hiện các quy định về kê khai, thẩm tra việc kê khai tài sản của cán bộ được giới thiệu ứng cử, bầu cử, bổ nhiệm và phong, thăng quân hàm, khen thưởng huân chương bậc cao.

2.6. Kiểm tra công tác điều động, luân chuyển cán bộ

- Việc bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện điều động, luân chuyển cán bộ.

- Việc theo dõi, nhận xét, đánh giá cán bộ khi điều động, luân chuyển và bố trí, sử dụng cán bộ sau điều động, luân chuyển.

- Việc luân chuyển cán bộ kết hợp với bố trí một số chức danh lãnh đạo không là người địa phương theo quy định.

2.7. Kiểm tra việc phân công, phân cấp quản lý cán bộ

- Về trách nhiệm của tập thể cấp ủy, tổ chức đảng và cá nhân người đứng đầu trong phân công, phân cấp quản lý cán bộ.

- Về trách nhiệm quản lý cán bộ của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp khi xảy ra vi phạm.

- Việc xây dựng và tổ chức thực hiện các quy định về phân công, phân cấp quản lý cán bộ.

2.8. Kiểm tra việc thực hiện chính sách cán bộ

- Việc thực hiện chính sách về lương, thưởng, khen thưởng và kỷ luật đối với cán bộ.

- Việc bổ nhiệm ngạch, nâng ngạch công chức, viên chức.

2.9. Kiểm tra công tác bảo vệ chính trị nội bộ

- Việc rà soát, thẩm tra, xác minh, thẩm định tiêu chuẩn chính trị của cán bộ.

- Việc thực hiện công tác cán bộ đối với người có vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay.

Điều 9. Về tự kiểm tra của cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng

1. Đối với cán bộ, đảng viên

1.1. Hằng năm, cán bộ, đảng viên tự phê bình trước chi bộ và kiểm điểm theo quy chế làm việc của cấp ủy, nếu là cấp ủy viên; có nhận xét của chi bộ nơi sinh hoạt và nơi cư trú.

1.2. Cán bộ, đảng viên tiếp thu ý kiến của tập thể về ưu điểm, khuyết kiểm; đề ra biện pháp phát huy ưu điểm và sửa chữa, khắc phục khuyết điểm; gửi kết quả kiểm điểm về ban thường vụ, ban tổ chức của cấp ủy cấp mình.

2. Đối với cấp ủy, tổ chức đảng

2.1. Hằng năm, tổ chức đảng chuẩn bị báo cáo tự phê bình, lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và quần chúng ở cơ quan, đơn vị.

2.2. Tập thể chi bộ hoặc cấp ủy thảo luận, tự phê bình và phê bình.

2.3. Kết luận ưu điểm, khuyết điểm, vi phạm (nếu có), đề ra phương hướng, biện pháp khắc phục khuyết điểm.

2.4. Báo cáo kết quả lên cấp ủy cấp trên và ban tổ chức, ủy ban kiểm tra của cấp ủy cấp trên và chịu trách nhiệm nếu tự kiểm tra không phát hiện ra vi phạm, nhưng sau đó các cơ quan, tổ chức khác phát hiện ra vi phạm.

Điều 10. Phương pháp kiểm tra

1. Xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra định kỳ, trong đó có nội dung kiểm tra về cán bộ và công tác cán bộ để lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra (đối với cấp ủy các cấp) và thực hiện kiểm tra.

2. Các tổ chức đảng tiến hành kiểm tra theo quy trình kiểm tra của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp.

3. Kết hợp công tác kiểm tra với công tác tư tưởng, tổ chức, bảo vệ chính trị nội bộ, tự phê bình và phê bình; kết hợp kiểm tra định kỳ hằng năm với kiểm điểm theo quy chế đánh giá cán bộ. Nếu phát hiện có vi phạm thì cấp ủy chỉ đạo xem xét, kết luận và xử lý kỷ luật theo thẩm quyền.

Điều 11. Thẩm quyền của chủ thể kiểm tra

1. Quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị, yêu cầu hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ.

2. Đề nghị cấp ủy quản lý cán bộ xem xét, cân nhắc, bố trí công việc khác cho phù hợp đối với cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái, cơ hội chính trị, tham nhũng, tiêu cực, uy tín giảm sút dù cơ quan chức năng chưa kết luận được.

3. Được yêu cầu tạm dừng việc thực hiện các nội dung trong công tác cán bộ đối với cán bộ, đảng viên có dấu hiệu vi phạm.

4. Thực hiện thẩm quyền kiểm tra, xem xét, xử lý theo quy định của Đảng.

Chương III

CHẾ ĐỘ GIÁM SÁT CÔNG TÁC CÁN BỘ

Điều 12. Chế độ và trách nhiệm của chủ thể giám sát

1. Tổ chức đảng cấp trên có chương trình, kế hoạch giám sát công tác cán bộ thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý, lĩnh vực được phân công phụ trách, hoặc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; hướng dẫn các tổ chức đảng cấp dưới thực hiện chế độ giám sát công tác cán bộ theo thẩm quyền.

2. Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy giám sát các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy; tổ chức đảng thuộc cấp ủy quản lý; cấp ủy cấp dưới trực tiếp; cấp ủy viên cùng cấp và cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý.

3. Ban tổ chức và ủy ban kiểm tra giám sát tổ chức đảng thuộc cấp ủy quản lý; cấp ủy cấp dưới và các ban của cấp ủy cấp dưới trực tiếp; cấp ủy viên cùng cấp, cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý; người đứng đầu các ban của cấp ủy cùng cấp và cán bộ các đơn vị làm công tác tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ.

4. Các cơ quan tham mưu, giúp việc khác của cấp ủy giám sát công tác cán bộ trong phạm vi được phân công phụ trách; phối hợp thực hiện công tác giám sát theo yêu cầu của cấp ủy, tổ chức đảng và đề nghị của ủy ban kiểm tra.

5. Chi bộ giám sát đảng viên trong việc thực hiện nhiệm vụ chi bộ giao về các nội dung trong công tác cán bộ.

Điều 13. Nội dung giám sát

Nội dung giám sát như nội dung kiểm tra về công tác cán bộ được quy định tại Điều 8 của Quy định này và giám sát việc thực hiện các kết luận sau kiểm tra.

Điều 14. Phương pháp, hình thức giám sát

Phương pháp và hình thức giám sát thực hiện theo Quy định số 86-QĐ/TW, ngày 01/6/2017 của Bộ Chính trị về giám sát trong Đảng.

Điều 15. Thẩm quyền của chủ thể giám sát

1. Quá trình giám sát, chủ thể giám sát được quyền yêu cầu tổ chức đảng, đảng viên có liên quan cung cấp văn bản, tài liệu phục vụ cho việc giám sát và có trách nhiệm giữ bí mật về nội dung văn bản, tài liệu đó.

2. Qua giám sát về công tác cán bộ, nếu phát hiện cán bộ và tổ chức đảng có dấu hiệu vi phạm thì chuyển ủy ban kiểm tra hoặc báo cáo tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

3. Tổ chức đảng tiến hành giám sát được nhận xét, đánh giá về ưu điểm, khuyết điểm, vi phạm (nếu có) và nguyên nhân; bổ sung, sửa đổi hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi các quy định về công tác cán bộ.

4. Thực hiện thẩm quyền giám sát theo quy định của Đảng.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 16. Trách nhiệm thi hành

Các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên có trách nhiệm thực hiện Quy định này. Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các ban đảng Trung ương theo dõi việc thực hiện Quy định này.

Điều 17. Hiệu lực văn bản

1. Quy định này thay thế Quy chế về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ ban hành kèm theo Quyết định số 58-QĐ/TW, ngày 07/5/2007 của Bộ Chính trị.

2. Quy định này có hiệu lực từ ngày ký và được phổ biến đến chi bộ.

Nơi nhận:
- Các tỉnh ủy, thành ủy,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương,
- Các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương,
- Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương,
- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng.

T/M BỘ CHÍNH TRỊ




Trần Quốc Vượng

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Cơ cấu tổ chức được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Đánh giá bài viết
1 167
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm