Nghị định số 91/2012/NĐ-CP

Nghị định số 91/2012/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

CHÍNH PHỦ
-----------

Số: 91/2012/NĐ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độ lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------------------

Hà Nội, ngày 08 tháng 11 năm 2012

NGHỊ ĐỊNH
Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm
----------------------

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật an toàn thực phẩm ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế,

Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định về hành vi vi phạm, hình thức và mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

2. Hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là những hành vi của tổ chức, cá nhân vi phạm một cách cố ý hoặc vô ý các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm mà không phải là tội phạm và theo quy định của Nghị định này phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

3. Các hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm quy định tại Nghị định này bao gồm:

a) Vi phạm quy định về bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm;

b) Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm;

c) Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm nhập khẩu, thực phẩm xuất khẩu;

d) Vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm; thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; ghi nhãn thực phẩm;

đ) Vi phạm quy định về kiểm nghiệm thực phẩm, phân tích nguy cơ, phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không an toàn; cản trở hoạt động quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm.

4. Các hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm được quy định tại Nghị định này đồng thời được quy định tại Nghị định khác đã ban hành thì áp dụng theo Nghị định này để xử phạt.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Nghị định này áp dụng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì thực hiện theo điều ước quốc tế đó.

2. Cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi quy định tại Nghị định này trong khi thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao thì không bị xử phạt vi phạm hành chính mà bị xử lý trách nhiệm kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.

Điều 3. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả

1. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

Mức tiền phạt tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100.000.000 đồng.

2. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Tước quyền sử dụng: Giấy Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Giấy Tiếp nhận bản công bố hợp quy; Giấy Xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; Giấy Xác nhận nội dung quảng cáo;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, trong đó bao gồm cả giấy tờ, tài liệu bị sửa chữa, tẩy xóa hoặc giả mạo hoặc do cấp sai quy định.

3. Ngoài các hình thức xử phạt quy định tại Khoản 1, Khoản 2 của Điều này, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;

b) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra;

c) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hóa thực phẩm, phương tiện;

d) Buộc thu hồi, tiêu hủy hoặc tái chế đối với thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm vi phạm; buộc thu hồi, tiêu hủy các tài liệu, phương tiện vi phạm, trừ trường hợp phải thu giữ để làm tang chứng, vật chứng cho việc xử lý tiếp theo;

đ) Các biện pháp khắc phục hậu quả khác quy định cụ thể tại Chương II Nghị định này;

e) Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải chịu mọi chi phí theo quy định của pháp luật cho việc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.

Điều 4. Áp dụng quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính

1. Nguyên tắc xử phạt; xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính; tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng; thời hiệu và thời hạn xử phạt; thời hạn được coi là chưa bị xử phạt; cách tính thời hạn, thời hiệu; áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả; việc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; lập biên bản vi phạm hành chính; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; thủ tục phạt tiền, thu nộp tiền phạt; thủ tục tịch thu và xử lý tang vật, phương tiện để vi phạm hành chính; việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, hoãn chấp hành quyết định phạt tiền, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và chuyển quyết định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm để thi hành; việc chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

2. Mẫu biên bản và quyết định sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm thực hiện theo quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Trường hợp lực lượng chức năng có liên quan đã có hệ thống mẫu biên bản, quyết định xử phạt vi phạm hành chính áp dụng thống nhất trong toàn lực lượng theo quy định của Chính phủ thì được áp dụng hệ thống mẫu biên bản, quyết định đó nhưng phải đảm bảo thể hiện đầy đủ các yêu cầu về chuyên môn cho việc xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

Chương II
HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC VÀ MỨC PHẠT

Mục 1
VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM AN TOÀN
ĐỐI VỚI SẢN PHẨM THỰC PHẨM

Điều 5. Vi phạm quy định về sử dụng nguyên liệu thực phẩm

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thịt hoặc sản phẩm được chế biến từ thịt chưa qua kiểm tra vệ sinh thú y hoặc đã qua kiểm tra nhưng không đạt yêu cầu để chế biến thực phẩm.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Sử dụng nguyên liệu thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng để sản xuất, chế biến thực phẩm;

b) Sử dụng sản phẩm có nguồn gốc động vật đang trong thời gian theo dõi cách ly kiểm dịch để sản xuất, chế biến thực phẩm.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng nguyên liệu không bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, chế biến thực phẩm.

4. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng làm thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm;

b) Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, buộc phải tiêu hủy theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để sản xuất, chế biến thực phẩm;

c) Sử dụng nguyên liệu thực phẩm có chứa tạp chất được đưa vào và không bảo đảm an toàn thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm.

5. Phạt tiền bằng 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 4 Điều này nếu mức tiền phạt cao nhất của khung tiền phạt quy định tại Khoản 4 Điều này thấp hơn 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm nhưng số tiền phạt không quá 100.000.000 đồng.

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ 06 tháng đến 09 tháng trong trường hợp tái phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ 09 tháng đến 12 tháng trong trường hợp tái phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 4 Điều này.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc dừng sử dụng thịt hoặc sản phẩm được chế biến từ thịt chưa qua kiểm tra vệ sinh thú y để thực hiện kiểm tra vệ sinh thú y đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này;

b) Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 2, Khoản 3, Điểm a, b Khoản 4 Điều này;

c) Buộc xử lý loại bỏ tạp chất theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với nguyên liệu có chứa tạp chất nhưng không thuộc diện phải tiêu hủy đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều này;

d) Buộc tiêu hủy nguyên liệu có chứa tạp chất gây nguy hại đến sức khỏe con người, tạp chất không rõ thành phần, thuộc diện phải tiêu hủy đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều này.

Đánh giá bài viết
1 688
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi