Nghị định 22/2015/NĐ-CP quy định thi hành một số điều của luật phá sản

Nghị định số 22/2015/NĐ-CP thi hành một số điều của luật phá sản, áp dụng đối với Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, cơ quan quản lý nhà nước về Quản tài viên, được chính phủ ban hành quy định chi tiết theo đề nghị của Bộ trưởng bộ Tư pháp.

Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phá sản

CHÍNH PHỦ
-------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 22/2015/NĐ-CP Hà Nội, ngày 16 tháng 02 năm 2015

NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT PHÁ SẢN VỀ QUẢN TÀI VIÊN VÀ HÀNH NGHỀ QUẢN LÝ, THANH LÝ TÀI SẢN

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Phá sản ngày 19 tháng 6 năm 2014;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, hành nghề quản lý, thanh lý tài sản, chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và quản lý nhà nước đối với Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

2. Nghị định này áp dụng đối với Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, cơ quan quản lý nhà nước về Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động hành nghề quản lý, thanh lý tài sản.

Điều 2. Nguyên tắc hành nghề quản lý, thanh lý tài sản

1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

2. Tuân theo Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Quản tài viên.

3. Bảo đảm tính độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ, tính trung thực, minh bạch, khách quan.

4. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động hành nghề.

Điều 3. Những hành vi bị nghiêm cấm đối với Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản

1. Những hành vi bị nghiêm cấm đối với Quản tài viên:

a) Cho thuê, cho mượn hoặc cho cá nhân, tổ chức khác sử dụng chứng chỉ hành nghề Quản tài viên của mình để hành nghề quản lý, thanh lý tài sản;

b) Gợi ý hoặc nhận bất kỳ một khoản tiền hoặc lợi ích vật chất từ người tham gia thủ tục phá sản hoặc lợi dụng danh nghĩa Quản tài viên để thu lợi từ cá nhân, tổ chức ngoài chi phí Quản tài viên được nhận theo quy định của pháp luật;

c) Lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn để thông đồng với cá nhân, tổ chức nhằm mục đích vụ lợi;

d) Tiết lộ thông tin về tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán mà Quản tài viên biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được doanh nghiệp, hợp tác xã đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác;

đ) Các hành vi khác trái với quy định của pháp luật, Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Quản tài viên.

2. Những hành vi bị nghiêm cấm đối với doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản:

a) Thông đồng, móc nối với doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán để làm sai lệch các nội dung liên quan đến hoạt động hành nghề quản lý, thanh lý tài sản;

b) Gợi ý hoặc nhận bất kỳ một khoản tiền hoặc lợi ích vật chất từ người tham gia thủ tục phá sản hoặc lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn của doanh nghiệp để thu lợi từ cá nhân, tổ chức ngoài chi phí doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được nhận theo quy định của pháp luật;

c) Cho cá nhân, tổ chức khác sử dụng tên, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của mình để hành nghề quản lý, thanh lý tài sản;

d) Tiết lộ thông tin về tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán mà doanh nghiệp biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được doanh nghiệp, hợp tác xã đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác;

đ) Các hành vi khác trái với quy định của pháp luật.

Chương II: QUẢN TÀI VIÊN

Điều 4. Cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên

1. Người thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 12 của Luật Phá sản muốn hành nghề quản lý, thanh lý tài sản thì lập hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên. Hồ sơ gồm:

a) Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên theo mẫu TP-QTV-01 ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản chụp Thẻ luật sư đối với luật sư; bản chụp Chứng chỉ kiểm toán viên đối với kiểm toán viên; bản chụp bằng cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng đối với người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng;

c) Giấy tờ chứng minh có ít nhất 05 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực được đào tạo có xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng làm việc;

d) 2 ảnh màu cỡ 3cm x 4cm.

Trong trường hợp cần thiết, Bộ Tư pháp yêu cầu người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên nộp Phiếu lý lịch tư pháp.

2. Luật sư nước ngoài đã được cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về luật sư, kiểm toán viên là người nước ngoài theo quy định của pháp luật về kiểm toán muốn hành nghề quản lý, thanh lý tài sản thì lập hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên. Hồ sơ gồm:

a) Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên theo mẫu TP-QTV-02 ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản chụp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam đối với luật sư nước ngoài do Bộ Tư pháp cấp; bản chụp Chứng chỉ kiểm toán viên đối với kiểm toán viên là người nước ngoài do Bộ Tài chính cấp;

c) Bản tóm tắt lý lịch (tự khai);

d) 2 ảnh màu cỡ 3cm x 4cm.

3. Người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên gửi 01 bộ hồ sơ theo đường bưu điện hoặc trực tiếp đến Bộ Tư pháp và nộp lệ phí theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ Tư pháp thì xuất trình bản chính giấy tờ quy định tại Điểm b Khoản 1 và Điểm b Khoản 2 Điều này để đối chiếu.

Trường hợp người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên gửi hồ sơ qua đường bưu điện đến Bộ Tư pháp khi có yêu cầu thì xuất trình bản chính giấy tờ quy định tại Điểm b Khoản 1 và Điểm b Khoản 2 Điều này.

Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tư pháp có trách nhiệm cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên cho người đề nghị theo mẫu TP-QTV-08 ban hành kèm theo Nghị định này; trong trường hợp từ chối phải thông báo lý do bằng văn bản.

Người bị từ chối cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.

4. Người thuộc một trong những trường hợp sau đây thì không được cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên:

a) Không đủ điều kiện hành nghề Quản tài viên theo quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 2 Điều 12 của Luật Phá sản;

b) Các trường hợp quy định tại Điều 14 của Luật Phá sản.

Điều 5. Cấp lại chứng chỉ hành nghề Quản tài viên

1. Người đã được cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên nếu bị mất chứng chỉ hoặc chứng chỉ bị hư hỏng không thể sử dụng được thì được xem xét, cấp lại chứng chỉ hành nghề Quản tài viên.

2. Hồ sơ đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề Quản tài viên gồm:

a) Đơn đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề Quản tài viên theo mẫu TP-QTV-03 ban hành kèm theo Nghị định này;

b) 2 ảnh màu cỡ 3cm x 4cm.

3. Người đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề Quản tài viên gửi 01 bộ hồ sơ theo đường bưu điện hoặc trực tiếp đến Bộ Tư pháp và nộp lệ phí cấp lại theo quy định của pháp luật. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tư pháp có trách nhiệm cấp lại chứng chỉ hành nghề Quản tài viên cho người đề nghị.

Điều 6. Thu hồi chứng chỉ hành nghề Quản tài viên

1. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề Quản tài viên nếu người đã được cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 15 của Luật Phá sản.

2. Khi phát hiện hoặc có căn cứ cho rằng người đã được cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 15 của Luật Phá sản thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp thu hồi chứng chỉ hành nghề Quản tài viên của người đó.

3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề Quản tài viên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề Quản tài viên. Người bị thu hồi chứng chỉ hành nghề Quản tài viên có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.

Quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề Quản tài viên được gửi cho người bị thu hồi chứng chỉ, Tòa án nhân dân, Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Quản tài viên hành nghề với tư cách cá nhân có địa chỉ giao dịch hoặc nơi doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản mà người bị thu hồi chứng chỉ hành nghề có trụ sở và được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.

4. Quản tài viên bị thu hồi chứng chỉ hành nghề Quản tài viên thì bị xóa tên khỏi danh sách Quản tài viên, doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản.

Điều 7. Nghĩa vụ của Quản tài viên trong hoạt động hành nghề

1. Tuân thủ nguyên tắc hành nghề quản lý, thanh lý tài sản quy định tại Điều 2 của Nghị định này.

2. Chịu trách nhiệm về hoạt động nghề nghiệp của mình theo quy định của pháp luật về phá sản.

3. Ký báo cáo, văn bản về kết quả thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật về phá sản.

4. Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp theo quy định của pháp luật đối với trường hợp Quản tài viên hành nghề với tư cách cá nhân.

5. Báo cáo Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đăng ký hành nghề về hoạt động hành nghề quản lý, thanh lý tài sản theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

6. Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Phá sản và pháp luật có liên quan.

Đánh giá bài viết
1 1.973
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi