Nghị định 27/2019/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ

Tải về

Nghị định số 27/2019/NĐ-CP

Nghị định 27/2019/NĐ-CP của Chính phủ về việc về nội dung thuộc lĩnh vực Pháp luật, cụ thể là chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ.

Tóm tắt nội dung Nghị định 27/2019/NĐ-CP

Chính phủ đã ban hành Nghị định 27/2019/NĐ-CP về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ ngày 13/03/2019.

Theo đó, chu kỳ cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia là khoảng thời gian tối đa giữa hai lần cập nhật dữ liệu theo quy định như sau:

- Trong thời gian không quá 05 năm, cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia phải được cập nhật định kỳ. Đối với cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ trung bình và tỷ lệ nhỏ vùng biển Việt Nam được cập nhật không quá 07 năm;

- Dữ liệu giao thông, dữ liệu dân cư được cập nhật định kỳ hàng năm;

- Cập nhật ngay đối với dữ liệu biên giới quốc gia, địa giới hành chính được thực hiện khi có sự thay đổi;

- Cập nhật ngay đối với khu vực có sự thay đổi bất thường phục vụ phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu;…

Nghị định 27/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/05/2019, là văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực Xây dựng - Đô thị - Đất đai - Nhà ở.

Nội dung Nghị định 27/2019/NĐ-CP

CHÍNH PHỦ
-------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 27/2019/NĐ-CPHà Nội, ngày 13 tháng 03 năm 2019

NGHỊ ĐỊNH 
QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐO ĐẠC VÀ BẢN ĐỒ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đo đạc và bản đồ ngày 14 tháng 6 năm 2018;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ.

Chương I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ về hệ thống số liệu các mạng lưới đo đạc quốc gia; cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình quốc gia; xây dựng, vận hành, bảo trì và bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc; lưu trữ, bảo mật, cung cấp, trao đổi, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ; chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ.

2. Trạm thu dữ liệu viễn thám, dữ liệu ảnh viễn thám tuân thủ quy định của Nghị định này và quy định của Nghị định về hoạt động viễn thám; trường hợp có sự khác nhau giữa Nghị định này và Nghị định về hoạt động viễn thám thì thực hiện theo quy định tại Nghị định về hoạt động viễn thám.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động đo đạc và bản đồ; khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; hoặc hoạt động khác có liên quan đến đo đạc và bản đồ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Trạm tham chiếu cơ sở hoạt động liên tục là trạm định vị vệ tinh phục vụ xây dựng hệ tọa độ quốc gia, hệ tọa độ quốc gia động, liên kết hệ tọa độ quốc gia với hệ tọa độ quốc tế phục vụ nghiên cứu khoa học, cung cấp số cải chính giá trị tọa độ, độ cao cho hoạt động đo đạc và bản đồ, dẫn đường.

2. Trạm tham chiếu hoạt động liên tục là trạm định vị vệ tinh cung cấp số cải chính giá trị tọa độ, độ cao cho hoạt động đo đạc và bản đồ, dẫn đường.

3. Điểm đo đạc quốc gia là điểm gắn với mốc đo đạc quốc gia, có ít nhất một trong các giá trị tọa độ, độ cao, trọng lực, được thiết lập theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

4. Mô hình geoid là mô hình mặt trọng trường Trái Đất, trên đó thế trọng trường ở mọi điểm có giá trị bằng nhau. Mô hình geoid trùng với bề mặt nước biển trung bình trên các đại dương, giả định kéo dài qua các lục địa; được sử dụng trong xác định độ cao và nghiên cứu khoa học về Trái Đất.

5. Phương pháp đo đạc và bản đồ là cách thức thu nhận, xử lý thông tin, dữ liệu về vị trí, hình dạng, kích thước và thông tin thuộc tính của đối tượng địa lý để xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu địa lý và thành lập bản đồ.

Điều 4. Báo cáo về hoạt động đo đạc và bản đồ

1. Đối tượng lập báo cáo hàng năm về hoạt động đo đạc và bản đồ gồm bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức có hoạt động đo đạc và bản đồ.

2. Kỳ báo cáo tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 hàng năm.

3. Báo cáo được gửi bằng văn bản điện tử có chữ ký số của người có thẩm quyền hoặc văn bản giấy do người có thẩm quyền ký và đóng dấu.

4. Trách nhiệm lập và gửi báo cáo về hoạt động đo đạc và bản đồ

a) Tổ chức hoạt động đo đạc và bản đồ thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ lập báo cáo về hoạt động đo đạc và bản đồ gửi cơ quan chủ quản trong thời hạn 10 ngày sau khi kết thúc kỳ báo cáo. Nội dung báo cáo lập theo Mẫu số 01 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Tổ chức hoạt động đo đạc và bản đồ thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập báo cáo về hoạt động đo đạc và bản đồ gửi cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thời hạn 10 ngày sau khi kết thúc kỳ báo cáo để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Nội dung báo cáo lập theo Mẫu số 01 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

c) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập báo cáo về hoạt động đo đạc và bản đồ thuộc phạm vi quản lý gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường thông qua cơ quan quản lý chuyên ngành về đo đạc và bản đồ thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời hạn 30 ngày sau khi kết thúc kỳ báo cáo. Nội dung báo cáo lập theo Mẫu số 02 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

d) Cơ quan quản lý chuyên ngành về đo đạc và bản đồ thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường lập báo cáo về hoạt động đo đạc và bản đồ trên phạm vi cả nước trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ký, gửi Chính phủ trong thời hạn 45 ngày sau khi kết thúc kỳ báo cáo.

5. Ngoài việc thực hiện báo cáo định kỳ, khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ thì cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm báo cáo đột xuất về tình hình hoạt động đo đạc và bản đồ theo yêu cầu.

6. Cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, số liệu trong báo cáo về hoạt động đo đạc và bản đồ của mình.

Chương II. HỆ THỐNG SỐ LIỆU CÁC MẠNG LƯỚI ĐO ĐẠC QUỐC GIA

Điều 5. Số liệu của mạng lưới tọa độ quốc gia

1. Mạng lưới tọa độ quốc gia là hệ thống điểm đo đạc quốc gia có giá trị tọa độ không gian được liên kết tạo thành mạng lưới thống nhất, phủ trùm trên toàn quốc, được thiết lập theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy định kỹ thuật theo mốc thời gian để xác định và truyền hệ tọa độ quốc gia. Căn cứ vào mật độ và độ chính xác xác định giá trị tọa độ, mạng lưới tọa độ quốc gia được chia thành lưới tọa độ cấp 0, lưới tọa độ hạng I, lưới tọa độ hạng II, lưới tọa độ hạng III.

2. Số liệu của mạng lưới tọa độ quốc gia là tập hợp giá trị tọa độ không gian của các điểm đo đạc quốc gia được thiết lập trong quá trình xây dựng mạng lưới tọa độ quốc gia, được sử dụng thống nhất trong phạm vi toàn quốc phục vụ hoạt động đo đạc và bản đồ và nghiên cứu khoa học.

3. Tọa độ của điểm trong lưới tọa độ cấp 0 được tính trong hệ tọa độ quốc gia và hệ tọa độ quốc tế.

4. Khi thay đổi hệ tọa độ quốc gia, số liệu của mạng lưới tọa độ quốc gia phải được thiết lập lại.

Điều 6. Số liệu của mạng lưới độ cao quốc gia

1. Mạng lưới độ cao quốc gia là hệ thống điểm đo đạc quốc gia có giá trị độ cao được liên kết tạo thành mạng lưới thống nhất, phủ trùm trên toàn quốc, được thiết lập theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy định kỹ thuật theo mốc thời gian để xác định và truyền hệ độ cao quốc gia. Căn cứ vào mật độ và độ chính xác xác định giá trị độ cao, mạng lưới độ cao quốc gia được chia thành lưới độ cao hạng I, lưới độ cao hạng II, lưới độ cao hạng III.

2. Lưới độ cao hạng I và lưới độ cao hạng II được đo lặp theo chu kỳ 19 năm. Đối với các điểm trong mạng lưới độ cao quốc gia ở những khu vực có nền đất yếu, chịu nhiều ảnh hưởng của phát triển kinh tế - xã hội, chu kỳ đo lặp được rút ngắn tùy theo mức độ ảnh hưởng và do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

3. Mô hình geoid sử dụng cho lãnh thổ Việt Nam được xây dựng trên cơ sở chỉnh lý mô hình geoid toàn cầu theo số liệu trọng lực trên lãnh thổ Việt Nam để phục vụ việc xác định độ cao và nghiên cứu khoa học về Trái Đất.

4. Số liệu của mạng lưới độ cao quốc gia gồm tập hợp giá trị độ cao của các điểm độ cao quốc gia được thiết lập trong quá trình xây dựng mạng lưới độ cao quốc gia được sử dụng thống nhất trong phạm vi cả nước phục vụ hoạt động đo đạc và bản đồ và nghiên cứu khoa học.

Điều 7. Số liệu của mạng lưới trọng lực quốc gia

1. Mạng lưới trọng lực quốc gia là hệ thống điểm đo đạc quốc gia có giá trị gia tốc lực trọng trường được liên kết tạo thành mạng lưới thống nhất, phủ trùm trên toàn quốc, được thiết lập theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy định kỹ thuật theo mốc thời gian để xác định và truyền hệ trọng lực quốc gia. Căn cứ vào mật độ và độ chính xác xác định giá trị gia tốc lực trọng trường, mạng lưới trọng lực quốc gia bao gồm mạng lưới điểm trọng lực cơ sở, mạng lưới trọng lực hạng I và hạng II.

2. Số liệu của mạng lưới trọng lực quốc gia là tập hợp giá trị gia tốc lực trọng trường của các điểm trọng lực quốc gia được thiết lập trong quá trình xây dựng mạng lưới trọng lực quốc gia, được sử dụng thống nhất trong phạm vi toàn quốc phục vụ hoạt động đo đạc và bản đồ và nghiên cứu khoa học.

3. Lưới trọng lực quốc gia được đo lặp theo chu kỳ 10 năm.

4. Khi có sự biến động trong hệ thống trọng lực quốc gia thì số liệu của mạng lưới hệ thống trọng lực quốc gia phải được thiết lập lại.

Điều 8. Số liệu của mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia

1. Mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia là hệ thống các trạm định vị vệ tinh quốc gia được liên kết thành mạng lưới thống nhất, phủ trùm trên toàn quốc trong hệ tọa độ quốc gia; được xây dựng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy định kỹ thuật. Mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia bao gồm hệ thống trạm tham chiếu cơ sở hoạt động liên tục và hệ thống trạm tham chiếu hoạt động liên tục.

2. Số liệu của mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia bao gồm giá trị tọa độ, độ cao, trọng lực của các trạm định vị vệ tinh quốc gia được thiết lập trong quá trình xây dựng mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia, được sử dụng để xây dựng hệ tọa độ quốc gia, hệ tọa độ quốc gia động, liên kết hệ tọa độ quốc gia với hệ tọa độ quốc tế, phục vụ nghiên cứu khoa học, phục vụ hoạt động đo đạc và bản đồ, dẫn đường và các hoạt động khác.

Điều 9. Công bố số liệu các mạng lưới đo đạc quốc gia

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hoàn thiện hệ thống số liệu các mạng lưới đo đạc quốc gia trong thời hạn 03 năm kể từ ngày Luật Đo đạc và bản đồ có hiệu lực để công bố sử dụng thống nhất trong toàn quốc.

2. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm công bố hệ thống số liệu các mạng lưới đo đạc quốc gia theo quy định trong thời hạn 30 ngày sau khi phê duyệt hoàn thành.

3. Nội dung công bố số liệu các mạng lưới đo đạc quốc gia bao gồm:

a) Số lượng điểm, sơ đồ và độ chính xác của các mạng lưới đo đạc quốc gia, mô hình geoid áp dụng cho lãnh thổ Việt Nam;

b) Hướng dẫn sử dụng số liệu các mạng lưới đo đạc quốc gia.

Chương III. CẬP NHẬT CƠ SỞ DỮ LIỆU NỀN ĐỊA LÝ QUỐC GIA VÀ HỆ THỐNG BẢN ĐỒ ĐỊA HÌNH QUỐC GIA

Điều 10. Nội dung cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình quốc gia

1. Cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia là tập hợp dữ liệu nền địa lý được xây dựng trong hệ tọa độ quốc gia, hệ độ cao quốc gia theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy định kỹ thuật để sử dụng thống nhất trong cả nước, gồm các dữ liệu thành phần sau đây:

a) Dữ liệu cơ sở đo đạc là dữ liệu về các điểm tọa độ, độ cao sử dụng trong quá trình đo đạc, thu nhận, xử lý dữ liệu địa lý;

b) Dữ liệu địa hình là dữ liệu độ cao, độ sâu mô tả hình dạng, đặc trưng của bề mặt Trái Đất bao gồm điểm độ cao, điểm độ sâu, đường đồng mức nối các điểm có cùng giá trị độ cao, đường mô tả đặc trưng địa hình và các dạng địa hình đặc biệt;

c) Dữ liệu thủy văn là dữ liệu về hệ thống sông, suối, kênh, mương, biển, hồ, ao, đầm, phá, nguồn nước, đường bờ nước, các đối tượng thủy văn khác;

d) Dữ liệu dân cư là dữ liệu về các khu dân cư và các công trình liên quan đến dân cư, gồm khu dân cư đô thị, khu dân cư nông thôn, khu công nghiệp, khu chức năng đặc thù, khu dân cư khác, các công trình dân sinh, cơ sở kinh tế, văn hóa, xã hội khác;

đ) Dữ liệu giao thông là dữ liệu về mạng lưới giao thông và các công trình có liên quan đến giao thông, gồm hệ thống đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy, cầu, hầm giao thông, bến cảng, nhà ga, các công trình giao thông khác;

e) Dữ liệu biên giới quốc gia, địa giới hành chính bao gồm dữ liệu biên giới quốc gia và dữ liệu địa giới hành chính.

Dữ liệu biên giới quốc gia là dữ liệu về đường biên giới quốc gia, hệ thống mốc quốc giới; điểm cơ sở, đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam, điểm đặc trưng biên giới quốc gia, các đối tượng địa lý liên quan đến việc thể hiện đường biên giới quốc gia trên đất liền, trên biển.

Dữ liệu địa giới hành chính là dữ liệu về đường địa giới hành chính các cấp, hệ thống mốc địa giới hành chính; dữ liệu về các đối tượng địa lý liên quan đến việc thể hiện đường địa giới hành chính các cấp;

g) Dữ liệu phủ bề mặt là dữ liệu về hiện trạng che phủ của bề mặt Trái Đất, bao gồm lớp phủ thực vật, lớp sử dụng đất, lớp mặt nước, các lớp phủ khác.

2. Cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ lớn được thành lập từ các kết quả đo đạc, điều tra thu nhận thông tin của đối tượng địa lý; cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ trung bình và tỷ lệ nhỏ được thành lập từ cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ lớn hơn.

3. Bản đồ địa hình quốc gia được thành lập từ cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy định kỹ thuật về bản đồ địa hình. Nội dung bản đồ địa hình quốc gia được chia thành các nhóm lớp dữ liệu sau:

a) Nhóm lớp cơ sở toán học bao gồm các nội dung về lưới chiếu bản đồ, phiên hiệu mảnh, tỷ lệ bản đồ, lưới tọa độ, điểm tọa độ và điểm độ cao trong phạm vi mảnh bản đồ, các nội dung trình bày ngoài khung mảnh bản đồ;

b) Nhóm lớp dữ liệu địa hình;

c) Nhóm lớp dữ liệu thủy văn;

d) Nhóm lớp dữ liệu dân cư;

đ) Nhóm lớp dữ liệu giao thông;

e) Nhóm lớp dữ liệu biên giới quốc gia, địa giới hành chính;

g) Nhóm lớp dữ liệu phủ thực vật.

4. Các nhóm lớp dữ liệu được quy định tại các điểm b, c, d, đ, e và g khoản 3 Điều này được thành lập từ dữ liệu nên địa lý tương ứng tại các điểm b, c, d, đ, e và điểm g khoản 1 Điều này.

Điều 11. Cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình quốc gia

1. Yêu cầu cập nhật

Cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình quốc gia phải được cập nhật đầy đủ, chính xác theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy định kỹ thuật đảm bảo kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương; phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai.

2. Phương thức cập nhật như sau:

a) Việc cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 được thực hiện thông qua việc chỉnh lý, bổ sung các đối tượng địa lý có biến động bằng các phương pháp đo đạc và bản đồ;

b) Việc cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:10.000 và tỷ lệ nhỏ hơn được thực hiện bằng phương pháp biên tập từ các đối tượng biến động được cập nhật từ cơ sở dữ liệu nền địa lý ở tỷ lệ lớn hơn, phiên bản mới; thông qua việc chỉnh lý, bổ sung các đối tượng địa lý có biến động bằng các phương pháp đo đạc và bản đồ;

c) Tùy thuộc vào mức độ biến động, việc cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia được thực hiện theo từng dữ liệu thành phần, nhóm dữ liệu thành phần hoặc theo khu vực. Trường hợp trên 40% đối tượng địa lý trên phạm vi khu vực bị biến động thì thành lập mới cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia cho toàn bộ khu vực;

d) Khi cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia được cập nhật, bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ tương ứng được cập nhật đồng thời.

3. Nội dung cập nhật bao gồm:

a) Đối với cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, nội dung cập nhật gồm việc bổ sung, chỉnh lý các biến động về vị trí không gian và thuộc tính của các đối tượng địa lý thuộc các dữ liệu thành phần quy định tại các điểm b, c, d, đ, e và g khoản 1 Điều 10 của Nghị định này;

b) Đối với bản đồ địa hình quốc gia, nội dung cập nhật bao gồm việc bổ sung, chỉnh lý các đối tượng địa lý biến động thuộc các nhóm lớp nội dung bản đồ quy định tại khoản 3 Điều 10 của Nghị định này.

4. Chu kỳ cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia là khoảng thời gian tối đa giữa hai lần cập nhật dữ liệu theo quy định như sau:

a) Trong thời gian không quá 05 năm, cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia phải được cập nhật định kỳ. Đối với cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ trung bình và tỷ lệ nhỏ vùng biển Việt Nam được cập nhật định kỳ không quá 07 năm;

b) Dữ liệu giao thông, dữ liệu dân cư được cập nhật định kỳ hàng năm;

c) Trong chu kỳ cập nhật, trường hợp dữ liệu thành phần có mức độ biến động lớn hơn 20% thì thực hiện cập nhật cho dữ liệu thành phần đó;

d) Cập nhật ngay đối với dữ liệu biên giới quốc gia, địa giới hành chính được thực hiện khi có sự thay đổi;

đ) Cập nhật ngay đối với khu vực có sự thay đổi bất thường phục vụ phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu;

e) Cập nhật ngay đối với khu vực theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Chương IV. XÂY DỰNG, VẬN HÀNH, BẢO TRÌ VÀ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG ĐO ĐẠC

Điều 12. Xây dựng công trình hạ tầng đo đạc

1. Công trình hạ tầng đo đạc xây dựng bằng ngân sách nhà nước phải thực hiện theo đề án, dự án, nhiệm vụ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo tuân thủ các quy định của Luật Đo đạc và bản đồ, pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan.

2. Khi xây dựng công trình hạ tầng đo đạc, chủ đầu tư phải thực hiện thủ tục để được giao đất, cho thuê đất hoặc sử dụng công trình kiến trúc đã có để xây dựng công trình hạ tầng đo đạc, xác định hành lang bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Sau khi hoàn thành xây dựng mốc đo đạc, chủ đầu tư làm biên bản bàn giao hiện trạng mốc đo đạc, hành lang bảo vệ mốc đo đạc tại thực địa cho Ủy ban nhân dân cấp xã với sự có mặt của chủ sử dụng đất có liên quan theo Mẫu số 03 Phụ lục I, kèm theo sơ đồ vị trí mốc đo đạc, hành lang bảo vệ mốc đo đạc theo Mẫu số 04 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; bàn giao danh sách kèm theo sơ đồ vị trí mốc đo đạc cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông qua cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo Mẫu số 05 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này. Đồng thời, chủ đầu tư bàn giao hồ sơ, kết quả xây dựng mốc đo đạc theo quy định của đề án, dự án, nhiệm vụ đã được phê duyệt.

Điều 13. Vận hành, bảo trì công trình hạ tầng đo đạc

1. Công trình hạ tầng đo đạc phải xây dựng quy trình vận hành bao gồm:

a) Trạm định vị vệ tinh quốc gia;

b) Trạm thu dữ liệu viễn thám quốc gia;

c) Trạm định vị vệ tinh chuyên ngành;

d) Trạm thu dữ liệu viễn thám chuyên ngành.

2. Việc vận hành công trình hạ tầng đo đạc được quy định như sau:

a) Chủ đầu tư xây dựng công trình hạ tầng đo đạc phải lập quy trình vận hành trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều này phê duyệt trước khi đưa vào khai thác, sử dụng;

b) Đối với công trình hạ tầng đo đạc đang khai thác, sử dụng mà chưa có quy trình vận hành thì tổ chức được giao vận hành công trình hạ tầng đo đạc có trách nhiệm lập quy trình vận hành trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều này phê duyệt.

3. Bảo trì công trình hạ tầng đo đạc là tập hợp các công việc nhằm bảo đảm và duy trì sự hoạt động bình thường, an toàn của công trình theo quy định của thiết kế trong quá trình khai thác, sử dụng. Nội dung bảo trì công trình hạ tầng đo đạc bao gồm một hoặc một số hoặc toàn bộ các công việc gồm kiểm tra, quan trắc, kiểm định chất lượng, bảo dưỡng và sửa chữa công trình. Mỗi loại công trình hạ tầng đo đạc phải có quy trình bảo trì quy định về trình tự, nội dung và chỉ dẫn thực hiện các công việc bảo trì; quy trình bảo trì đảm bảo phù hợp và được tích hợp với quy trình vận hành công trình hạ tầng đo đạc do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều này phê duyệt.

4. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức vận hành, bảo trì công trình hạ tầng đo đạc thuộc phạm vi quản lý.

5. Tổ chức, cá nhân được giao vận hành, bảo trì các công trình hạ tầng đo đạc phải thực hiện đúng quy trình về vận hành, bảo trì đảm bảo công trình hạ tầng đo đạc luôn hoạt động bình thường theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy định kỹ thuật thiết kế khi xây dựng.

6. Việc vận hành, bảo trì trạm thu dữ liệu viễn thám quốc gia, trạm thu dữ liệu viễn thám chuyên ngành theo quy định của Nghị định về hoạt động viễn thám.

Điều 14. Tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành, bảo trì, khai thác công trình hạ tầng đo đạc

1. Tổ chức, cá nhân được tham gia đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành, bảo trì, khai thác trạm định vị vệ tinh quốc gia, trạm định vị vệ tinh chuyên ngành;

Việc tham gia đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành, bảo trì, khai thác trạm thu dữ liệu viễn thám theo quy định của Nghị định về hoạt động viễn thám.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố danh mục dự án đầu tư khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng trạm định vị vệ tinh quốc gia, trạm định vị vệ tinh chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý theo hình thức trực tiếp đầu tư hoặc đầu tư theo hình thức đối tác công tư; tổ chức triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt theo quy định của pháp luật về đầu tư; lựa chọn nội dung về quản lý vận hành, bảo trì, khai thác công trình hạ tầng đo đạc khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đấu thầu thực hiện.

3. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lựa chọn dự án đầu tư khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư dự án xây dựng trạm định vị vệ tinh chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý; tổ chức triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt theo quy định của pháp luật về đầu tư; lựa chọn nội dung về quản lý vận hành, bảo trì, khai thác công trình hạ tầng đo đạc khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đấu thầu thực hiện.

4. Dự án đầu tư khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, xây dựng phải đảm bảo theo quy định của pháp luật về đầu tư; đảm bảo quyền lợi của nhà nước và tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư; đảm bảo quốc phòng, an ninh.

5. Việc đấu thầu về quản lý vận hành, bảo trì, khai thác công trình hạ tầng đo đạc thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu; đảm bảo hiệu quả đầu tư và khai thác, sử dụng công trình hạ tầng đo đạc; đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Điều 15. Hành lang bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc

1. Hành lang bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc là hành lang an toàn được xác lập để đảm bảo công trình hạ tầng đo đạc luôn ổn định, hoạt động theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy định kỹ thuật, thông số kỹ thuật khi xây dựng công trình hạ tầng đo đạc.

2. Hành lang bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc phải được xác lập trong quá trình xây dựng công trình hạ tầng đo đạc. Việc cắm mốc giới để xác định và công bố công khai ranh giới hành lang bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, ranh giới hành lang bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc được xác định trên bản đồ địa chính có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã.

3. Căn cứ vào từng loại công trình hạ tầng đo đạc, hành lang bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc được xác lập như sau:

a) Đối với mốc đo đạc trong mạng lưới tọa độ quốc gia, mạng lưới tọa độ cơ sở chuyên ngành, hành lang bảo vệ có bán kính là 50 mét tính từ tâm mốc;

b) Đối với mốc đo đạc trong mạng lưới độ cao quốc gia, mạng lưới độ cao cơ sở chuyên ngành, hành lang bảo vệ có bán kính là 20 mét tính từ tâm mốc;

c) Đối với mốc đo đạc trong mạng lưới trọng lực quốc gia, mạng lưới trọng lực cơ sở chuyên ngành, hành lang bảo vệ có bán kính là 10 mét tính từ tâm mốc;

d) Đối với trạm định vị vệ tinh, hành lang bảo vệ có bán kính là 50 mét tính từ tâm ăng ten thu tín hiệu vệ tinh;

đ) Đối với trạm thu dữ liệu viễn thám, hành lang bảo vệ theo quy định tại Nghị định về hoạt động viễn thám.

4. Bảo vệ hành lang bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc

a) Trong phạm vi hành lang bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc khi xây dựng, sửa chữa, cải tạo công trình kiến trúc thì chủ sở hữu công trình kiến trúc, chủ sử dụng đất phải tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai đối với hành lang bảo vệ an toàn công trình và pháp luật khác có liên quan;

b) Cơ quan, tổ chức, cá nhân căn cứ quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này và quy định khác của pháp luật có liên quan xác định ranh giới và bảo vệ hành lang bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc thuộc phạm vi quản lý.

Điều 16. Trách nhiệm bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc

1. Cơ quan, tổ chức được giao trực tiếp bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã công bố công khai mốc giới, ranh giới hành lang bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc, chịu trách nhiệm về việc bảo vệ an toàn công trình hạ tầng đo đạc; trường hợp hành lang bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc bị lấn, chiếm, sử dụng trái phép thì phải kịp thời báo cáo và yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có hành lang bảo vệ bị lấn, chiếm, sử dụng trái phép để xử lý; định kỳ hàng năm báo cáo tình trạng công trình hạ tầng đo đạc theo quy định tại Điều 4 của Nghị định này.

2. Ủy ban nhân dân các cấp nơi có công trình hạ tầng đo đạc có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức trực tiếp bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật có liên quan đến bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc; công bố công khai mốc giới, ranh giới hành lang bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc; kịp thời xử lý những trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép hành lang bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc.

Điều 17. Di dời, phá dỡ công trình hạ tầng đo đạc

1. Điểm gốc đo đạc quốc gia không được di dời, phá dỡ.

2. Việc di dời, phá dỡ trạm thu dữ liệu viễn thám thực hiện theo quy định của Nghị định về hoạt động viễn thám.

3. Việc di dời, phá dỡ mốc đo đạc, trạm định vị vệ tinh được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Do yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh mà công trình hạ tầng đo đạc không thể tiếp tục duy trì sự tồn tại hoặc không hoạt động bình thường theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy định kỹ thuật;

b) Do ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, thiên tai làm mất, hư hỏng và tác động ngoại cảnh khác làm mất, hư hỏng, thay đổi vị trí mốc đo đạc;

c) Hết hạn sử dụng, không còn giá trị sử dụng hoặc đã có công trình hạ tầng đo đạc khác thay thế.

4. Việc di dời mốc đo đạc trên diện tích đất đã giao cho cơ quan, tổ chức thực hiện theo quy định sau đây:

a) Cơ quan, tổ chức gửi văn bản về việc yêu cầu di dời mốc đo đạc tới Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong đó nêu rõ lý do cần phải di dời. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định về việc di dời đối với mốc đo đạc thuộc phạm vi quản lý của mình. Đối với mốc đo đạc không thuộc phạm vi quản lý, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi văn bản tới bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan giải quyết;

b) Khi được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận di dời mốc đo đạc, cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập thiết kế kỹ thuật - dự toán về việc di dời mốc đo đạc trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

Đối với mốc đo đạc không thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi thiết kế kỹ thuật - dự toán tới bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan để thẩm định trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt;

c) Cơ quan, tổ chức yêu cầu di dời mốc đo đạc có trách nhiệm chuyển kinh phí đã được phê duyệt theo thiết kế kỹ thuật - dự toán cho cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được kinh phí, cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải tổ chức thực hiện việc di dời mốc đo đạc;

d) Sau khi hoàn thành việc di dời mốc đo đạc, cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bàn giao kết quả di dời mốc đo đạc theo quy định tại khoản 7 Điều 36 của Luật Đo đạc và bản đồ và quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định này. Đối với mốc đo đạc không thuộc phạm vi quản lý, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi kết quả di dời mốc đo đạc tới bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan.

5. Việc di dời mốc đo đạc khi giao đất cho cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện theo quy định sau đây:

a) Cơ quan có thẩm quyền giao đất theo quy định của pháp luật về đất đai có trách nhiệm tổ chức rà soát, kiểm đếm các mốc đo đạc có trên diện tích đất dự kiến giao cho cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để làm căn cứ lập thiết kế kỹ thuật - dự toán di dời các mốc đo đạc liên quan trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt;

b) Dự toán kinh phí di dời mốc đo đạc được phê duyệt là căn cứ để cơ quan, tổ chức, cá nhân chi trả bồi thường cho việc di dời mốc đo đạc trên diện tích đất dự kiến sẽ giao;

c) Việc tổ chức thực hiện di dời mốc đo đạc, bàn giao kết quả di dời mốc đo đạc thực hiện theo quy định tại điểm c và d khoản 4 Điều này.

6. Việc di dời mốc đo đạc do ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, thiên tai và tác động ngoại cảnh khác làm mất, hư hỏng, thay đổi vị trí được thực hiện như sau:

a) Cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường hoặc cơ quan quản lý mốc đo đạc chuyên ngành thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán di dời các mốc đo đạc thuộc phạm vi quản lý của mình, tổ chức triển khai thực hiện việc di dời sau khi được phê duyệt;

b) Cơ quan quản lý chuyên ngành về đo đạc và bản đồ thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan quản lý chuyên ngành thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ lập, trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán di dời các mốc đo đạc thuộc phạm vi quản lý của mình, tổ chức triển khai thực hiện việc di dời sau khi được phê duyệt.

7. Việc di dời trạm định vị vệ tinh thực hiện theo quy định sau đây:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi văn bản đề nghị bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan đến trạm định vị vệ tinh cần di dời về yêu cầu phải di dời trạm định vị vệ tinh kèm theo quyết định phê duyệt dự án phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh có liên quan;

b) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thỏa thuận, lựa chọn địa điểm mới để di dời trạm định vị vệ tinh;

c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập dự án di dời trạm định vị vệ tinh quốc gia gửi bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan cho ý kiến trước khi phê duyệt dự án;

d) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thông qua cơ quan quản lý chuyên ngành về đo đạc và bản đồ thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức việc di dời trạm định vị vệ tinh quốc gia;

đ) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức việc di dời trạm định vị vệ tinh chuyên ngành.

8. Việc phá dỡ công trình hạ tầng đo đạc do hết hạn sử dụng, không còn giá trị sử dụng hoặc đã có công trình hạ tầng đo đạc khác thay thế do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định theo quy định của pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công.

....

Nội dung văn bản còn dài, mời các bạn tải Nghị định 27/2019/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật Đo đạc và bản đồ doc và pdf để xem chi tiết nội dung.

Nghị định 27/2019/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ
Chọn file tải về :
Thuộc tính văn bản
Cơ quan ban hành:Chính phủNgười ký:Nguyễn Xuân Phúc
Số hiệu:27/2019/NĐ-CPLĩnh vực:Xây dựng - Đô thị - Đất đai - Nhà ở
Ngày ban hành:13/03/2019Ngày hiệu lực:01/05/2019
Loại văn bản:Nghị địnhNgày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Tình trạng hiệu lực:Còn hiệu lực
Đánh giá bài viết
2 685
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm