Không có căn cước công dân có đi máy bay được không 2024?

Không có căn cước công dân có đi máy bay được không? Trong quá trình di chuyển bằng máy bay, có một danh sách nhỏ những giấy tờ cần thiết mà bạn cần mang theo. Căn cước công dân được xem là một trong những giấy tờ quan trọng nhất bởi nó là sự chứng minh về danh tính của bạn.

Trên không trung, giấy tờ là chứng thực về sự tồn tại của bạn. Nó không chỉ đảm bảo an ninh và an toàn cho chính bạn mà còn giúp duy trì trật tự trong hệ thống hàng không quốc tế. Vậy nếu không có căn cước công dân mà có ảnh chụp của căn cước công dân có được đi máy bay không? Cùng HoaTieu.vn tìm hiểu trong bài viết này nhé!

1. Không có căn cước công dân có đi máy bay được không?

Khi đi máy bay trong nước, căn cước công dân là một trong những giấy tờ cần thiết. Hành khách phải xuất trình căn cước công dân để xác minh thông tin cá nhân. Tuy nhiên, khi mua vé máy bay quốc tế, hành khách không cần căn cước công dân mà thay vào đó là hộ chiếu và visa (thị thực nhập cảnh).

Việc xuất trình căn cước công dân khi làm thủ tục nhằm mục đích xác minh danh tính của hành khách và đảm bảo rằng họ là chủ nhân của vé máy bay. Nhân viên làm thủ tục sẽ kiểm tra thông tin như họ tên, hình ảnh để xem có trùng khớp với thông tin trên vé hay không. Nếu thông tin trùng khớp, hành khách sẽ được thực hiện thủ tục và lên máy bay một cách suôn sẻ.

Tuy nhiên, nếu bạn đã mất căn cước công dân hoặc các giấy tờ này bị hỏng, mờ hoặc quá hạn vì lý do nào đó, bạn cũng có thể sử dụng một số giấy tờ để xác minh nhân thân như:

  • Hộ chiếu
  • Bằng lái xe mô tô, ô tô (Giấy phép lái xe)
  • Thẻ đảng viên
  • Thẻ đại biểu Quốc hội
  • Thẻ nhà báo
  • Thẻ nhận dạng của các hãng hàng không Việt Nam
  • Giấy chứng minh của các lực lượng vũ trang
  • Thẻ kiểm soát an ninh hàng không
  • Giấy chứng nhận nhân thân có xác nhận của công an địa phương (nơi cư trú)
Không có căn cước công dân có đi máy bay được không?
Không có căn cước công dân có đi máy bay được không?

Như vậy, có thể kết luận rằng nếu không có căn cước công dân thì hành khách có thể sử dụng những giấy tờ thay thế khác như hộ chiếu, bằng lái xe, giấy xác nhận nhân thân có xác nhận chính quyền, thẻ nhà báo, .... đúng quy định của pháp luật. Với trường hợp em bé dưới 2 tuổi hoặc trẻ em từ 2 đến 14 tuổi chưa có căn cước công dân, hành khách cần xuất trình thêm giấy khai sinh, giấy xác nhận nhân thân hoặc hộ chiếu của các em.

2. Hình chụp CCCD/CMND có đi máy bay được không?

Trong những trường hợp hành khách quên, mất CCCD/CMND và có ảnh chụp CCCD/CMND được lưu lại trong điện thoại, thiết bị điện tử... đặt ra câu hỏi liệu hình chụp đó có thể dùng được thay thế cho CCCD/CMND dạng vật lý hay không? Câu trả lời là "Hình chụp CCCD/CMND không thể dùng khi đi máy bay được".

Bởi, căn cứ Khoản 2, Khoản 5 Mục I Phụ lục XIV ban hành kèm theo Thông tư 13/2019/TT-BGTVT quy định giấy tờ về nhân thân, vé, thẻ lên tàu bay như sau:

2. Hành khách từ đủ 14 tuổi trở lên khi làm thủ tục đi tàu bay trên các chuyến bay nội địa phải xuất trình:

b) Đối với hành khách mang quốc tịch Việt Nam phải xuất trình một trong các loại giấy tờ sau: hộ chiếu hoặc giấy thông hành, thị thực rời, thẻ thường trú, thẻ tạm trú, chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân; giấy chứng minh, chứng nhận của công an nhân dân, quân đội nhân dân; thẻ Đại biểu Quốc hội; thẻ Đảng viên; thẻ Nhà báo; giấy phép lái xe ô tô, mô tô;.......

5. Giấy tờ của hành khách sử dụng khi đi tàu bay quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 của Phụ lục này phải đảm bảo các điều kiện sau:

a) Là bản chính và còn giá trị sử dụng;

b) Đối với giấy khai sinh, giấy chứng sinh phải là bản chính hoặc bản sao có chứng thực theo quy định của pháp luật;

c) Không chấp nhận giấy tờ tại các khoản 1, 2, 3, 4 Phụ lục này nếu giấy tờ không có ảnh hoặc ảnh không theo quy định của pháp luật, trừ giấy khai sinh, giấy chứng sinh, giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền chứng minh việc áp giải.

Vì vậy, hình chụp căn cước công dân/chứng minh nhân dân không thể dùng thay thế cho bản chính còn giá trị sử dụng để đi máy bay được. Hành khách phải dùng bản chính của căn cước công dân/chứng minh nhân dân hoặc những giấy tờ thay thế được pháp luật cho phép.

Hình chụp CCCD/CMND có đi máy bay được không?
Hình chụp CCCD/CMND có đi máy bay được không?

Tuy nhiên, tài khoản định danh điện tử mức độ 2 được tích hợp trên ứng dụng VNeID và mã định danh cá nhân có thể được chấp nhận thay thế cho căn cước công dân bản chính.

3. Dùng tài khoản VneID làm thủ tục khi đi máy bay từ ngày 2/8/2023

Chính thức từ ngày 2/8/2023, tất cả sân bay cả nước sẽ chấp thuận khách đi chuyến bay nội địa được dùng ứng dụng VNeID để thay giấy tờ cá nhân khi làm thủ tục hàng không, gồm thủ tục chuyến bay (check-in), kiểm tra an ninh soi chiếu và thủ tục lên máy bay.

Sử dụng tài khoản VneID làm thủ tục khi đi máy bay

Như vậy, có thể dùng tài khoản định danh điện tử VNeID mức độ 2 thay thế cho thẻ CCCD vật lý để làm thủ tục khi đi máy bay. Tuy nhiên, hành khách cần lưu ý một số chú ý sau để quá trình làm thủ tục trước khi lên máy bay được tiến hành nhanh và thuận lợi nhất:

  • Tài khoản định danh điện tử VNeID phải đang ở mức độ 2, có nghĩa tài khoản đã được tạo lập trong trường hợp thông tin cá nhân đã được xác minh bằng ảnh chân dung, hoặc vân tay trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân hoặc Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh.
  • Căn cước công dân phải còn hạn sử dụng đến thời điểm bay.
  • Nên chủ động mở sẵn tài khoản VNeID trên điện thoại khi đang chờ làm thủ tục, tránh trường hợp đến lượt mới mở nhưng vô tình quên mật khẩu hoặc xảy ra trường hợp rớt mạng, gây ùn tắc ở điểm kiểm tra, mất thời gian của bản thân và người khác.
  • Nên mang theo giấy tờ gốc của một trong các loại giấy tờ có thể sử dụng để đi máy bay, đề phòng trường hợp tài khoản VNeID gặp trục trặc, hoặc các tình huống bất ngờ khác.
  • Hành khách đi cùng trẻ em vẫn cần mang theo giấy khai sinh của trẻ.

Tham khảo thêm:

4. Mã định danh có đi máy bay được không?

Việc cấp phát thẻ căn cước công dân gắn chip cho mỗi người đồng nghĩa với việc số thẻ căn cước chính là mã số định danh cá nhân của họ.

Căn cứ theo Điều 19 Luật Căn cước công dân, số thẻ căn cước công dân là mã số định danh cá nhân. Số này được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, khai thác thông tin của công dân. Số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác.

Do đó, mỗi công dân sẽ có một mã số định danh cá nhân riêng biệt và duy nhất. Khi làm thẻ căn cước công dân gắn chip, cơ quan có thẩm quyền sẽ sử dụng mã số định danh cá nhân đã được cấp trước đó để làm số thẻ căn cước công dân.

Vì vậy, việc sử dụng mã số định danh cá nhân để đi máy bay là hợp lệ, vì mã số định danh cá nhân và số căn cước công dân là cùng một thông tin theo quy định của pháp luật.

5. CMND cũ có đi máy bay được không?

Từ năm 2016, Việt Nam đã bắt đầu triển khai cấp căn cước công dân nhằm thay thế cho mẫu chứng minh nhân dân cũ. Tuy nhiên, trong trường hợp chưa có căn cước công dân, việc sử dụng chứng minh nhân dân cũ vẫn được chấp nhận để đi máy bay, miễn là chứng minh nhân dân của hành khách còn hạn sử dụng trong 15 năm kể từ ngày cấp. Nếu chứng minh nhân dân đã hết hạn, bạn sẽ không được phép thực hiện các thủ tục đi máy bay.

Với mẫu chứng minh nhân dân cũ, hạn sử dụng là 15 năm kể từ ngày cấp. Ví dụ, nếu chứng minh nhân dân của bạn được cấp vào ngày 15/09/2005, thì sau ngày 15/09/2020, chứng minh này sẽ hết hạn và không thể sử dụng để bay từ ngày 16/09/2020 trở đi.

Đối với căn cước công dân mới nhất, thời hạn sử dụng sẽ được in sẵn trên mặt trước của căn cước. Điều này giúp hành khách tự quản lý thời gian và chủ động thực hiện quy trình cấp đổi căn cước trước khi hết hạn, nhằm tránh ảnh hưởng đến quá trình làm thủ tục tại sân bay.

Như vậy, có thể kết luận rằng, hành khách cần lưu ý về thời hạn sử dụng 15 năm của chứng minh nhân dân, nếu thời hạn đã hết thì cần đi làm căn cước công dân mới để có thể sử dụng trong những chuyến bay trong tương lai.

Tham khảo thêm:

Mời các bạn tham khảo những bài viết khác trong mục Phổ biến Pháp luậtHỏi đáp Pháp luật của HoaTieu.vn

Đánh giá bài viết
2 756
0 Bình luận
Sắp xếp theo