Khi nào hành khách bị cấm đi máy bay?

Khi nào hành khách bị cấm đi máy bay? Ngày nay, việc di chuyển bằng máy bay đến các địa điểm rất phổ biến, kèm theo nhiều ưu điểm như nhanh chóng và thuận tiện. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành về an ninh hàng không, có những trường hợp hành khách sẽ bị cấm đi máy bay (vận chuyển bằng đường hàng không). Đó là những trường hợp nào? Mời các bạn cùng HoaTieu.vn tham khảo thông tin chi tiết dưới đây.

Các trường hợp hành khách bị cấm đi máy bay
Các trường hợp hành khách bị cấm đi máy bay

1. Các trường hợp hành khách bị cấm đi máy bay

1.1. 17 trường hợp hành khách bị cấm bay

Theo Khoản 1 Điều 18 Nghị định 92/2015/NĐ-CP quy định về an ninh hàng không thì có tổng cộng 17 đối tượng hành khách bị cấm bay tương ứng với 3 mức thời hạn bị cấm bay, cụ thể như sau:

- Cấm đi máy bay có thời hạn từ 03 đến 12 tháng đối với các đối tượng sau đây:

  • Hành khách gây rối;
  • Không thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng;
  • Phát ngôn mang tính đe dọa sử dụng bom, mìn, chất nổ, vật liệu nổ, chất phóng xạ, vũ khí sinh học trong khu vực làm thủ tục vận chuyển, khu vực cách ly, sân bay, trên tàu bay;
  • Cố ý tung tin, cung cấp thông tin sai về việc có bom, mìn, vật liệu nổ, chất nổ, chất phóng xạ, vũ khí sinh hóa học gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hoạt động hàng không dân dụng;
  • Sử dụng giấy tờ giả để đi tàu bay;
  • Có hành vi vi phạm trật tự công cộng, kỷ luật tại cảng hàng không, sân bay, trên tàu bay.

- Cấm đi máy bay có thời hạn trên 12 tháng đến 24 tháng đối với các trường hợp sau đây:

  • Đối tượng đã bị xử lý nhưng vẫn vi phạm một trong những hành vi bị cấm vận chuyển có thời hạn từ 03 tháng đến 12 tháng;
  • Người có hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng sau:

+ Xâm nhập trái pháp luật vào tàu bay, cảng hàng không, sân bay và công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng;

+ Đưa vật phẩm nguy hiểm vào tàu bay, cảng hàng không, sân bay và khu vực hạn chế khác trái pháp luật.

Vật phẩm nguy hiểm bao gồm vũ khí, đạn dược, chất cháy, chất dễ cháy, chất nổ, chất dễ nổ, chất độc hóa học và sinh học, chất phóng xạ và các vật hoặc chất khác có khả năng gây nguy hiểm hoặc được dùng để gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của con người, an toàn của chuyến bay;

+ Cung cấp thông tin sai đến mức uy hiếp an toàn của tàu bay đang bay hoặc trên mặt đất; an toàn của hành khách, tổ bay, nhân viên mặt đất hoặc người tại cảng hàng không, sân bay và công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng;

+ Cố ý thực hiện hành vi vi phạm pháp luật uy hiếp đến an toàn khai thác tàu bay; khai thác cảng hàng không, sân bay; bảo đảm hoạt động bay.

- Cấm đi máy bay vĩnh viễn đối với các trường hợp sau đây:

  • Đối tượng đã bị xử lý nhưng vẫn vi phạm một trong những trường hợp bị cấm vận chuyển có thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng;
  • Người có hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng sau:

+ Chiếm đoạt bất hợp pháp tàu bay đang bay;

+ Chiếm đoạt bất hợp pháp tàu bay trên mặt đất;

+ Sử dụng tàu bay như một vũ khí;

+ Bắt giữ con tin trong tàu bay hoặc tại cảng hàng không, sân bay

  • Chiếm đoạt, gây bạo loạn tại cảng hàng không, sân bay và cơ sở cung cấp dịch vụ điều hành bay.

1.2. Thẩm quyền cấm bay

Theo khoản 2 Điều 18 Nghị định 92/2015/NĐ-CP quy định về thẩm quyền cấm bay thì:

Căn cứ vào tính chất mức độ vi phạm, Cục Hàng không Việt Nam quyết định cấm bay có thời hạn hoặc vĩnh viễn đối với các đối tượng nêu trên. Người bị cấm đi máy bay sẽ bị cấm với tất cả các chuyến bay nội địa, chuyến bay quốc tế xuất phát từ Việt Nam của tất cả các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài. 

Như vậy thẩm quyền cấm bay thuộc về Cục Hàng không Việt Nam, và người bị cấm bay sẽ bị cấm bay tất cả cá chuyến bay nội địa lẫn quốc tế.

2. Quyền và nghĩa vụ của hành khách khi đi máy bay

2.1. Quyền của hành khách

Quyền và nghĩa vụ của hành khách khi đi máy bay
Quyền và nghĩa vụ của hành khách khi đi máy bay

Theo quy định tại Điều 147 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006 sửa đổi số 61/2014/QH13 thì hành khách khi đi tàu bay sẽ có các quyền lợi như sau:

a) Được thông báo bằng văn bản về mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển áp dụng đối với trường hợp hành khách bị chết, bị thương, hành lý bị hư hỏng, mất và vận chuyển chậm;

b) Trong trường hợp hành khách không được vận chuyển do lỗi của người vận chuyển, hành khách có quyền yêu cầu người vận chuyển thu xếp hành trình phù hợp hoặc hoàn trả lại tiền phần vé chưa sử dụng;

c) Trong các trường hợp từ chối vận chuyển hành khách có vé và đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay hoặc đang trong hành trình, hành khách được nhận lại tiền vé hoặc số tiền tương ứng của phần vé chưa sử dụng, sau khi đã trừ phí và tiền phạt được ghi trong Điều lệ vận chuyển.

d) Từ chối chuyến bay; nếu đang trong hành trình, hành khách có quyền từ chối bay tiếp tại bất kỳ cảng hàng không, sân bay hoặc nơi hạ cánh bắt buộc nào và có quyền nhận lại tiền vé hoặc số tiền tương ứng của phần vé chưa sử dụng, sau khi đã trừ phí và tiền phạt được ghi trong Điều lệ vận chuyển;

đ) Được miễn cước vận chuyển hành lý với mức tối thiểu được ghi trong Điều lệ vận chuyển;

e) Trẻ em dưới 12 tuổi đi tàu bay được miễn, giảm cước vận chuyển với mức ghi trong Điều lệ vận chuyển; trẻ em từ 02 tuổi đến dưới 12 tuổi được bố trí chỗ ngồi riêng; trẻ em dưới 02 tuổi không có chỗ ngồi riêng và phải có người lớn đi cùng.

2.2. Nghĩa vụ của hành khách

Căn cứ quy định tại Điều 148 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006, hành khách khi đi tàu bay sẽ phải thực hiện các nghĩa vụ sau:

a) Thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không;

b) Thực hiện theo sự chỉ dẫn của người vận chuyển trong quá trình vận chuyển;

c) Bồi thường thiệt hại khi hành khách có lỗi gây ra thiệt hại cho người vận chuyển, người khai thác tàu bay.

Những quy định nêu trên là bắt buộc phải thực hiện đối với các hành khách khi tham gia vận chuyển bằng đường hàng không. Trường hợp hành khách không thực hiện nghĩa vụ của mình sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành chính, dân sự và hình sự.

3. Hành khách vi phạm nghĩa vụ khi đi máy bay bị xử phạt như thế nào?

Các loại chế tài có thể được áp dụng đối với trường hợp hành khách vi phạm nghĩa vụ khi đi máy bay bao gồm: chế tài hành chính, dân sự và hình sự.

- Đối với chế tài hành chính: Hành khách có thể bị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Hình phạt bổ sung sẽ căn cứ tùy tính chất, mức độ vi phạm mà hành khách còn có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm,..hoặc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. bị cấm vận chuyển thương mại bằng đường hàng không dến 12 tháng kể từ ngày ra quyết định xử phạt.

- Đối với chế tài dân sự: Nếu hành khách có hành vi gây thiệt hại cho các hành khách khác và hãng hàng không vận chuyển thì có thể sẽ phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong vấn đề bồi thường thiệt hại, tất nhiên bên bị thiệt hại cần phải chứng minh được thiệt hại trên thực tế.

- Đối với chế tài hình sự: Căn cứ vào mức độ nguy hiểm và dấu hiệu phạm tội, nếu đủ để cấu thành tội phạm thì hành khách sẽ bị xử lý theo chế tài hình sự.

Trên đây là thông tin về các trường hợp cấm bay theo quy định an ninh hàng không hiện hành.

Mời các bạn tham khảo bài viết có liên quan tại mục Hỏi đáp pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 45
2 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
  • 🖼️
    Lê Tiến Anh

    Thông tin bổ ích

    Thích Phản hồi 19/07/22
    • 🖼️
      Thái Nguyễn

      Mong cấm hết mấy ng làm trái quy định hàng không cho chuyến bay đc an toàn ạ.

      Thích Phản hồi 19/07/22
      Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm