Dự thảo quy chế tuyển sinh 2022

Nội dung Dự thảo quy chế tuyển sinh 2022

Mới đây, Bộ giáo dục và đào tạo đã công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học 2022. Về cơ bản việc tuyển sinh vẫn giữ ổn định như các năm trước nhưng có điều chỉnh kỹ thuật để tạo thuận lợi và công bằng cho thí sinh. Sau đây là một số điểm mới của Dự thảo quy chế tuyển sinh 2022 cũng như nội dung chi tiết Dự thảo quy chế tuyển sinh 2022, mời các bạn cùng tham khảo.

Điểm mới tại dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2022

1. Thí sinh không được cộng điểm ưu tiên nếu xét tuyển lại

Theo đó, Bộ GDĐT vẫn giữ nguyên điểm cộng điểm ưu tiên như sau:

- Khu vực 1: 0,75 điểm;

- Khu vực 2 nông thôn: 0,5 điểm;

- Khu vực 2: 0,25 điểm.

Tuy nhiên, năm 2022 chỉ cộng điểm cho năm thí sinh tốt nghiệp THPT hoặc trung cấp.

Như vậy, những thí sinh xét tuyển đại học lại sẽ không được cộng điểm ưu tiên khu vực.

2. Bổ sung quy định nhập học sớm với thí sinh trúng tuyển thẳng

Cụ thể, tại Điều 17 Dự thảo bổ sung quy định nhập học sớm với thí sinh trúng tuyển thẳng như sau:

- Thí sinh trúng tuyển thẳng có thể xác nhận nhập học sớm (khi đủ điều kiện), hoặc theo kế hoạch chung như những thí sinh khác; cơ sở đào tạo không được yêu cầu bắt buộc thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn lịch trình theo kế hoạch chung.

- Thí sinh trúng tuyển thẳng chưa xác nhận nhập học vẫn được sử dụng quyền đăng ký xét tuyển trên hệ thống chung để có thêm cơ hội trúng tuyển như những thí sinh khác.

3. Đăng ký dự thi, xét tuyển theo hình thức trực tuyến

Theo đó năm nay thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển đợt 1 đào tạo chính quy thông qua Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia theo kế hoạch chung và hướng dẫn của Bộ GDĐT.

Các năm trước, thí sinh đăng ký xét tuyển đại học thông qua 02 hình thức: trực tiếp và trực tuyến.

4. Thay đổi thời gian đăng ký xét tuyển vào đại học

Theo đó, Bộ GDĐT hỗ trợ tổ chức đăng ký xét tuyển đại học đợt 1 đào tạo chính quy cho tất cả phương thức tuyển sinh của các cơ sở đào tạo.

Thời gian đăng ký bắt đầu sau kỳ thi tốt nghiệp THPT và kết thúc sau khi có kết quả thi và xét tốt nghiệp THPT.

Các năm trước, thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học cùng lúc với đăng ký thi tốt nghiệp và được điều chỉnh lại sau khi biết điểm thi.

Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2022

QUY CHẾ
Tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non

(Ban hành kèm theo Thông tư số /2022/TT-BGDĐT ngày tháng năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định những nguyên tắc, yêu cầu, tiêu chuẩn, quy trình, quyền hạn và trách nhiệm của các bên liên quan trong công tác tuyển sinh đại học và tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non cho các hình thức đào tạo; quy định cụ thể về tổ chức thi phục vụ tuyển sinh do các cơ sở đào tạo thực hiện và xét tuyển đào tạo hình thức chính quy.

2. Quy chế này áp dụng đối với cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục khác được phép đào tạo trình độ đại học, trường cao đẳng tuyển sinh ngành Giáo dục mầm non (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo), sở giáo dục và đào tạo và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong văn bản này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Phạm vi tuyển sinh là phạm vi các chương trình, ngành, nhóm ngành, lĩnh vực và hình thức đào tạo được tổ chức tuyển sinh trong một đợt, hoặc theo một phương thức tuyển sinh nhất định.

2. Dự tuyển là việc một thí sinh tham dự quy trình tuyển sinh vào một chương trình đào tạo hoặc một ngành đào tạo của một cơ sở đào tạo, thông qua việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung (và đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển theo quy định của cơ sở đào tạo, nếu có).

3. Xét tuyển là quy trình xử lý riêng tại các cơ sở đào tạo (hoặc xử lý chung theo nhóm cơ sở đào tạo) để xác định điều kiện trúng tuyển và lập danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển vào một chương trình đào tạo, ngành đào tạo căn cứ các tiêu chí xét tuyển do cơ sở đào tạo xác định.

4. Xử lý nguyện vọng là quy trình xử lý trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung để xác định nguyện vọng cao nhất trong số nguyện vọng mà thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển, trên cơ sở đó lập danh sách thí sinh trúng tuyển.

5. Ngưỡng đầu vào (hay ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào) là yêu cầu tối thiểu về năng lực học tập thể hiện ở kết quả học tập, kết quả thi, đánh giá để thí sinh có khả năng theo học và hoàn thành chương trình đào tạo.

6. Xét tuyển thẳng là việc công nhận trúng tuyển đối với những đối tượng theo quy định của Quy chế này và đã đáp ứng yêu cầu về điều kiện dự ntuyển nhưng không cần xét tới ngưỡng đầu vào.

7. Tiêu chí đánh giá là những yếu tố được dùng trong kỳ thi, đánh giá để kiểm tra kiến thức, đánh giá năng lực và phân loại thí sinh theo mức độ đáp ứng yêu cầu đầu vào của chương trình đào tạo.

8. Tiêu chí xét tuyển là những yếu tố được dùng để xác định điều kiện trúng tuyển của thí sinh, chủ yếu dựa trên thành tích học tập hoặc kết quả thi, đánh giá thí sinh; thông thường được quy thành điểm số để xét tuyển (điểm xét) trong đó có tính cả các điểm ưu tiên.

9. Điểm trúng tuyển (của một nhóm ngành, một ngành, một chương trình đào tạo) là ngưỡng điểm mà những thí sinh (đã đăng ký nguyện vọng vào ngành, chương trình đào tạo đó) có điểm xét bằng hoặc cao hơn sẽ đủ điều kiện trúng tuyển.

10. Điểm ưu tiên là số điểm chênh lệch giữa mức điểm trúng tuyển áp dụng cho nhóm thí sinh được ưu tiên so với mức điểm trúng tuyển bình thường; hay cũng chính là số điểm mà nhóm thí sinh được cộng vào điểm xét để áp dụng mức điểm trúng tuyển bình thường.

11. Kỳ thi tuyển sinh là kỳ thi được tổ chức gắn với quy trình xét tuyển, lấy kết quả thi làm căn cứ duy nhất hoặc căn cứ chủ yếu phục vụ xét tuyển.

12. Kỳ thi độc lập là kỳ thi được tổ chức độc lập với quy trình xét tuyển, lấy kết quả thi làm căn cứ ở các mức độ khác nhau phục vụ xét tuyển.

13. Kỳ thi bổ trợ là kỳ thi được tổ chức bổ sung cho phương thức tuyển sinh (như thi năng khiếu, thi tài năng, phỏng vấn) để lấy kết quả làm một căn cứ, một tiêu chí phục vụ xét tuyển.

14. Thi trực tiếp là hình thức tổ chức thi có người coi thi trực tiếp; thí sinh làm bài trên giấy hoặc trên máy tính, thiết bị nối mạng hoặc trả lời phỏng vấn trước hội đồng.

15. Thi trực tuyến là hình thức tổ chức thi có người coi thi trực tuyến và giám sát bằng công nghệ; thí sinh làm bài trên máy tính, thiết bị nối mạng hoặc trả lời phỏng vấn qua mạng.

16. Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh (của Bộ GDĐT) là hệ thống phần mềm hỗ trợ đăng ký nguyện vọng xét tuyển, trao đổi dữ liệu xét tuyển, xử lý nguyện vọng và quản lý dữ liệu trúng tuyển, nhập học của các cơ sở đào tạo.

17. Cổng thông tin tuyển sinh (của Bộ GDĐT) là giao diện trên web của hệ thống hỗ trợ tuyển sinh của Bộ GDĐT.

18. Mã tuyển sinh là một mã số quy ước dùng để định danh một cơ sở đào tạo (mã trường, thống nhất toàn quốc), hoặc nhóm ngành, một ngành, một chương trình đào tạo và phương thức tuyển sinh được áp dụng (gọi chung là mã ngành, thống nhất trong cơ sở đào tạo) trong công tác tuyển sinh.

Điều 3. Yêu cầu chung trong tuyển sinh

1. Cơ sở đào tạo thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình trong công tác tuyển sinh, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

2. Mỗi cơ sở đào tạo thực hiện tất cả biện pháp cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội bình đẳng cho mọi thí sinh; tuyển chọn được những thí sinh có nguyện vọng và năng lực phù hợp nhất với yêu cầu của chương trình và ngành đào tạo.

3. Các cơ sở đào tạo phối hợp chặt chẽ dưới sự hỗ trợ, giám sát của Bộ GDĐT nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và liên thông trong hệ thống; giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyển sinh của mỗi cơ sở đào tạo và của toàn hệ thống.

Điều 4. Nguyên tắc cơ bản trong tuyển sinh

1. Công bằng đối với thí sinh

a) Về cung cấp thông tin: Mỗi thí sinh quan tâm phải được cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng, tin cậy, nhất quán và kịp thời để có quyết định phù hợp và chuẩn bị tốt nhất cho tham gia tuyển sinh;

b) Về cơ hội dự tuyển: Không thí sinh nào bị mất cơ hội dự tuyển do những quy định không liên quan tới trình độ, năng lực (trừ những ngành đào tạo thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng có quy định riêng); hoặc do quy trình tuyển sinh gây phiền hà, tốn kém;

c) Về đánh giá năng lực: Thí sinh phải được đánh giá khách quan, công bằng và tin cậy về khả năng học tập và triển vọng thành công, đáp ứng yêu cầu của chương trình và ngành đào tạo;

d) Về cơ hội trúng tuyển: Thí sinh phải được tạo cơ hội trúng tuyển cao nhất và quyền xác định nguyện vọng ưu tiên trong số những ngành, chương trình đủ điều kiện trúng tuyển;

đ) Về thực hiện cam kết: Cơ sở đào tạo phải thực hiện các cam kết đối với thí sinh; tư vấn, hỗ trợ và giải quyết khiếu nại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của thí sinh trong những trường hợp rủi ro.

2. Bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo

a) Về hợp tác: Các cơ sở đào tạo hợp tác bình đẳng nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyển sinh, đồng thời mang lại lợi ích tốt nhất cho thí sinh;

b) Về cạnh tranh: Các cơ sở đào tạo cạnh tranh trung thực, công bằng và lành mạnh trong tuyển sinh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

3. Minh bạch đối với xã hội

a) Về minh bạch thông tin: Cơ sở đào tạo có trách nhiệm công bố thông tin tuyển sinh đầy đủ, rõ ràng và kịp thời qua các phương tiện truyền thông phù hợp để xã hội và cơ quan quản lý nhà nước cùng giám sát;

b) Về trách nhiệm giải trình: Cơ sở đào tạo có trách nhiệm báo cáo theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước và giải trình với xã hội qua hình thức phù hợp về những vấn đề lớn, gây bức xúc cho người dân.

................................

Nội dung chi tiết dự thảo mời các bạn xem trong file tải về.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Phổ biến pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 277
0 Bình luận
Sắp xếp theo