Bảo hiểm là gì? Các nguyên tắc bảo hiểm 2024

Bảo hiểm là gì ? Các nguyên tắc bảo hiểm 2024. Bảo hiểm là sự đảm bảo cho tương lai của một người trước những rủi ro không biết trước trong cuộc sống. Đời sống ngày càng phát triển, ngoài việc ăn nó mặc ấm như thời đại trước, mọi người cũng chú trọng đến sự đảm bảo cho tương lai của bản thân. Bài viết dưới đây của HoaTieu.vn sẽ cung cấp thông tin và giải đáp các thắc mắc xoay quanh vấn đề về bảo hiêm và các loại hình bảo hiểm phổ biến. Mời bạn đọc tham khảo.

Bảo hiểm là phương thức bảo vệ trước những tổn thất tài chính.
Bảo hiểm là phương thức bảo vệ trước những tổn thất tài chính.

1. Bảo hiểm là gì?

Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về bảo hiểm được xây dựng dựa trên từng góc độ nghiên cứu về xã hội, pháp lý, kinh tế, kĩ thuật, nghiệp vụ...

Có quan điểm cho rằng Bảo hiểm là sự đóng góp của số đông vào sự bất hạnh của số ít.

Hay Bảo hiểm là một nghiệp vụ qua đó, một bên là người được bảo hiểm cam đoan trả một khoản tiền gọi là phí bảo hiểm thực hiện mong muốn để cho mình hoặc để cho một người thứ 3 trong trường hợp xảy ra rủi ro sẽ nhận được một khoản đền bù các tổn thất được trả bởi một bên khác: đó là người bảo hiểm. Người bảo hiểm nhận trách nhiệm đối với toàn bộ rủi ro và đền bù các thiệt hại theo các phương pháp của thống kê.

Tóm lại về cơ bản, có thể hiểu Bảo hiểm là phương thức bảo vệ trước những tổn thất tài chính. Đó là hình thức quản lý rủi ro, chủ yếu được sử dụng để bảo hiểm cho những rủi ro ngẫu nhiên hoặc tổn thất có thể xảy ra. Một doanh nghiệp cung cấp bảo hiểm được gọi là nhà bảo hiểm, công ty bảo hiểm.

2. Bảo hiểm nhân thọ là gì?

Ngày càng có nhiều người chú trọng đến việc mua bảo hiểm - bảo đảm cho tương lai của bản thân.
Ngày càng có nhiều người chú trọng đến việc mua bảo hiểm - bảo đảm cho tương lai của bản thân.

Bảo hiểm nhân thọ là hợp đồng giữa chủ hợp đồng bảo hiểm và công ty bảo hiểm, trong đó công ty bảo hiểm cam kết sẽ trả cho người thụ hưởng (được chỉ định trước) một khoản tiền (lợi ích), khi một người gặp biến cố sức khỏe hoặc các rủi ro về thân thể, tính mạng.

Bảo hiểm nhân thọ hiện đại có một số điểm tương đồng với ngành quản lý tài sản và các công ty bảo hiểm nhân thọ đã đa dạng hóa sản phẩm của họ thành các sản phẩm hưu trí như thanh toán hàng năm.

Quan điểm về bảo hiểm nhân thọ không chỉ dừng lại ở yếu tố bảo vệ, mà một số sản phẩm còn có giá trị tích lũy và mang đến cơ hội đầu tư hấp dẫn cho người tham gia.

Có thể nói tính đến nay, bảo hiểm nhân thọ là giải pháp tài chính duy nhất sở hữu những đặc điểm này. Các chính sách linh hoạt đáp ứng nhu cầu và khả năng của khách hàng trong từng giai đoạn cuộc sống. Tuy nhiên cần hiểu thêm, giá trị cốt lõi của giải pháp này vẫn là ở sự bảo vệ tài chính vững chắc, và việc tích lũy hay đầu tư là giá trị cộng thêm.

3. Bảo hiểm phi nhân thọ là gì?

Bảo hiểm phi nhân thọ là sản phẩm bảo hiểm dành cho con người và tài sản. Người tham gia đóng phí một lần duy nhất. Công ty bảo hiểm sẽ cam kết chi trả, bồi thường cho người mua bảo hiểm nếu có những rủi ro xảy ra gây tổn thất về vật chất, cơ thể, tai nạn con người, thường là các rủi ro như: tai nạn, sức khỏe, hàng hóa (kho vận, tàu xe, tàu hàng,…).

Nếu đối tượng được bảo hiểm không xảy ra bất kỳ rủi ro nào thì thì sau khi kết thúc hợp đồng, người tham gia sẽ không được nhận số tiền đã đóng.

4. Các nguyên tắc bảo hiểm?

Có 6 nguyên tắc bảo hiểm như sau:

1. Nguyên tắc trung thực tuyệt đối (utmost good faith):

Tất cả các giao dịch kinh doanh cần được thực hiện trên cơ sở tin cậy lẫn nhau, trung thực tuyệt đối. Cả người được bảo hiểm và người bảo hiểm đều phải trung thực trong tất cả các nội dung liên quan đến giao kết hợp đồng bảo hiểm.

2. Nguyên tắc quyền lợi có thể được bảo hiểm (insurable interest):

Quyền lợi có thể được bảo hiểm là lợi ích hoặc quyền lợi liên quan đến, gắn liền với, hay phụ thuộc vào sự an toàn hay không an toàn của đối tượng bảo hiểm. Nguyên tắc này chỉ ra rằng người được bảo hiểm muốn mua bảo hiểm phải có lợi ích bảo hiểm. Quyền lợi có thể được bảo hiểm có thể là quyền lợi đã có hoặc sẽ có trong đối tượng bảo hiểm. Quyền lợi có thể được bảo hiểm là quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng tài sản; quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với đối tượng được bảo hiểm.

3. Nguyên tắc số đông (quy luật số lớn)

Theo quy luật này, nếu thực hiện việc nghiên cứu trên một lượng đủ lớn đối tượng nghiên cứu, người ta sẽ tính toán được xác suất tương đối chính xác khả năng xảy ra trong thực tế của một biến cố.

Quy luật số lớn là cơ sở khoa học quan trọng của bảo hiểm. Quy luật này giúp các Công ty bảo hiểm ước tính xác suất rủi ro nhận bảo hiểm, nhằm giúp tính phí và quản lý các quỹ dự phòng chi trả, bởi: Công ty bảo hiểm chỉ bảo đảm cho các sự cố ngẫu nhiên, nếu tính riêng từng trường hợp đơn lẻ, việc bảo hiểm có thể giống như một trò chơi may rủi; Song tính trên một số lớn đối tượng được bảo hiểm, Công ty bảo hiểm có thể dự đoán được về khả năng xảy ra sự cố ở mức độ tương đối chính xác có thể chấp nhận được.

4. Nguyên tắc bồi thường (indemnity):

Theo nguyên tắc bồi thường, khi có tổn thất xảy ra, người bảo hiểm phải bồi thường như thế nào đó để đảm bảo cho người được bảo hiểm có vị trí tái chính như trước khi có tổn thất xảy ra, không hơn không kém. Các bên không được lợi dụng bảo hiểm để trục lợi. Mục đích của nguyên tắc bồi thường là khôi phục lại một phần hoặc toàn bộ tình trạng tài chính như trước khi xảy ra tổn thất cho người được bảo hiểm. Nguyên tắc bồi thường đảm bảo người được bảo hiểm không thể nhận được số tiền chi trả nhiều hơn giá trị tổn thất mà họ gánh chịu. Trách nhiệm bồi thường của công ty bảo hiểm cũng chỉ phát sinh khi có thiệt hại do rủi ro được bảo hiểm gây ra. Nguyên tắc bồi thường chỉ áp dụng cho hai loại bảo hiểm là bảo hiểm tài sản và bảo hiểm trách nhiệm dân sự, không áp dụng cho bảo hiểm nhân thọ và các nghiệp vụ bảo hiểm con người.

5. Nguyên tắc khoán

Nguyên tắc khoán là nguyên tắc thường được áp dụng để giải quyết quyền lợi bảo hiểm trong các hợp đồng bảo hiểm con người nói chung và bảo hiểm nhân thọ nói riêng. Theo nguyên tắc khoán, khi xảy ra các sự kiện bảo hiểm, công ty bảo hiểm căn cứ vào số tiền bảo hiểm của hợp đồng đã ký kết và các quy định đã thoả thuận trong hợp đồng để trả tiền cho người thụ hưởng. Khoản tiền này không nhằm mục đích bồi thường thiệt hại mà chỉ mang tính chất thực hiện cam kết của hợp đồng theo mức khoán đã quy định.

6. Nguyên tắc nguyên nhân gần

''Nguyên nhân gần'' là nguyên nhân chủ động, hữu hiệu và chi phối sự việc dẫn đến tổn thất cho đối tượng được bảo hiểm.

''Nguyên nhân gần'' không nhất thiết phải là nguyên nhân đầu tiên hay nguyên nhân cuối cùng mà nó là nguyên nhân chi phối, nguyên nhân chủ động gây ra tổn thất. Nếu có những tác động của một số nguyên nhân, ''nguyên nhân gần'' sẽ là nguyên nhân chi phối hoặc nguyên nhân mạnh nhất gây ra hậu quả dẫn tới tổn thất.

Trong thời hạn hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm, đối tượng được bảo hiểm thường gặp những rủi ro gây ra tổn thất. Song có những tổn thất xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân đã được loại trừ không thuộc trách nhiệm bảo hiểm. Vậy điều quan trọng là phải xác định được nguyên nhân đó có thuộc trách nhiệm bảo hiểm không.

5. Luật kinh doanh bảo hiểm 2022?

Luật kinh doanh bảo hiểm hiện nay là Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2019 quy định về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm... của các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm.

Tuy nhiên hiện nay dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đang được hoàn thiện và có thể sẽ được Quốc hội thông qua, ban hành cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành luật sau đó. HoaTieu.vn sẽ cập nhật ngay khi Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) mới nhất được ban hành.

Trong dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi này sẽ cho phép các công ty bảo hiểm tự chủ hơn trong hoạt động kinh doanh; tăng cường vai trò của cơ quan quản lý về quản lý giám sát; qua đó thúc đẩy tính minh bạch và sự phát triển lành mạnh của thị trường bảo hiểm.

Dự thảo luật mới này được kỳ vọng sẽ là bước tiến tích cực đối với tương lai phát triển của ngành bảo hiểm đang rất sôi động hiện nay.

Bài viết trên đã phân tích và cung cấp thông tin về bảo hiểm là gì? Mời bạn đọc tham khảo bài viết liên quan tại mục Bảo hiểm mảng Hỏi đáp pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 325
0 Bình luận
Sắp xếp theo