Phân tích nghệ thuật xây dựng tình huống và nhân vật trong tác phẩm Lão Hạc

Nghệ thuật miêu tả và phân tích tâm lý nhân vật là một trong những yếu tố góp phần thể hiện phong cách nghệ thuật độc đáo Nam Cao. Hướng ngòi bút vào thế giới bên trong của con người, miêu tả tâm lý trong chiều sâu của sự vận động và phát triển của nhân vật là cách thức nổi bật để nhà văn gửi gắm một thông điệp sâu sắc về cuộc đời. Nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên chính là một minh chứng cho nét tài hoa của nhà văn Nam Cao trong xây dựng nhân vật.

Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ đến các bạn mẫu dàn ý Phân tích nghệ thuật xây dựng tình huống và nhân vật trong tác phẩm Lão Hạc để các bạn có thêm ý tưởng khi làm bài.

1. Dàn ý phân tích nghệ thuật xây dựng tình huống và nhân vật trong tác phẩm Lão Hạc của nhà văn Nam Cao

Mở bài:

- Giới thiệu nhà văn Nam Cao, và tác phẩm Lão Hạc. Phản ánh cuộc sống cơ cực của người nông dân lúc bấy giờ.

Thân bài:

- Khái quát nội dung chính của tác phẩm. Tác phẩm Lão Hạc là một trong những tác phẩm kinh điển của nhà văn Nam Cao, phản ánh chế độ lúc bấy giờ.

Phân tính nghệ thuật được sử dụng trong tác phẩm:

+) Về nghệ thuật kể chuyện: Tác phẩm Lão Hạc với nét đặc sắc nhất là cách kể chuyện của nhà văn được xây dựng thông qua ngôi kể thứ ba bằng lời kể của một nhân vật được chứng kiến câu chuyện Ông giáo làm cho câu chuyện giàu tính chân thực, khách quan, bộc lộ được thái độ tình cảm và cách đánh giá nhân vật Lão Hạc rất thuyết phục . . .

+) Nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật: Lão Hạc thông qua miêu tả ngoại hình và nhất là miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật rất thành công. Nhân vật chính (Lão Hạc) được miêu tả và nhìn nhận qua nhiều nhân vật khác như qua ông giáo, Binh Tư, qua vợ ông giáo … với nhiều khía cạnh khác nhau bộc lộ nên các tính cách, hành động sống động, đa chiều chứ không khô khan.

+) Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện: từ những sự việc tưởng như rất vụn vặt, tác giả đã tạo ra sự hấp dẫn của câu chuyện qua các tình huống truyện: từ việc lão Hạc bán con chó vàng, lão Hạc nhờ ông giáo trông coi giúp mảnh vườn, lão Hạc xin bả chó đến cái chết thê thảm của lão Hạc …

Tình huống truyện được xây dựng bất ngờ khiến cho người đọc cũng đã có lúc hoài nghi lão Hạc như ông giáo, để rồi vỡ òa trong sự thương xót và kính trọng. Bên cạnh đó, một trong những nét nổi bật của nghệ thuật trong tác phẩm Lão Hạc chính là khắc họa rất nhiều triết lí của câu truyện. Trong tác phẩm có chứa rất nhiều câu văn, đoạn văn giàu tính triết lí về cuộc sống, về con người, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Kết bài:

- Nêu cảm nhận của em về tác phẩm.

- Rút ra được những giá trị nhân văn trong cuộc sống thông qua tác phẩm.

2. Phân tích, đánh giá nét đặc sắc về chủ đề và nhân vật trong tác phẩm Lão Hạc

1. Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.

- Nam Cao (1917 – 1951) là nhà văn hiện thực lớn, một nhà báo kháng chiến, một trong những nhà văn tiêu biểu nhất thế kỷ 20, với những truyện ngắn, truyện dài chân thực viết về hai mảng đề tài chính: người nông dân nghèo đói bị vùi dập và người trí thức nghèo, sống mòn mỏi bế tắc trong xã hội xưa cũ.

- Lão Hạc là một truyện ngắn xuất sắc của Nam Cao viết về người nông dân ở xã hội phong kiến cũ, đăng báo lần đầu năm 1943.

- Giới thiệu về nhân vật lão Hạc – nhân vật trung tâm của tác phẩm.

2. Thân bài:

* Khái quát chủ đề của truyện

- Phản ánh bi kịch bần cùng hóa của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám.

- Thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc của Nam Cao.

* Phân tích từng nhân vật tiêu biểu và mối quan hệ giữa các nhân vật

Nhân vật lão Hạc: là nhân vật giúp thể hiện chủ đề của tác phẩm.

-Tóm tắt sơ lược hoàn cảnh nhân vật: Là người nông dân nghèo, lương thiện, bị bần cùng hóa đến mức phải bán con chó mà lão thương yêu, và cuối cùng, vì quyết để lại mảnh vườn cho con trai lấy vợ, đã phải ăn bả chó tự vẫn.

- Phân tích nhân vật trong mối quan hệ giữa các nhân vật:

+ Lão Hạc là người cha yêu thương con: khi con đi làm đồn điền cao su luôn nhớ về con, luôn cố gắng chắt chiu cuộc sống để sau này con có nền móng an cư lạc nghiệp.

+ Lão Hạc là một người có lòng nhân hậu, sống tình nghĩa: lão đối xử với con chó Vàng của lão rất tốt, coi nó như một người bạn tâm giao, lão ăn gì cho nó ăn nấy, cùng nhau bầu bạn trong cuộc sống. Đến khi túng quẫn vào bước đường cùng phải bán chó đi để lấy tiền, lão đã vô cùng đau khổ, day dứt, thậm chí đã chảy nước mắt vì đã lừa một con chó đã gắn bó với mình. Lão đau xót trước cảnh người ta trói con chó mang đi.

+ Lão Hạc là người giàu lòng tự trọng: dù là một người bạn thân của ông giáo nhưng lão không nhận bất kỳ sự giúp đỡ nào của ông giáo. Vì xấu hổ khi đã lừa một con chó, lão quyết định tự tử bằng cách ăn bả chó để chuộc lỗi với nó, trước khi tự tử đã gửi lại ông giáo chút tiền để lo ma chay và nhờ ông giáo giúp đỡ trông coi mảnh vườn để cho cậu con trai khi về có cái làm ăn.

* Phân tích vai trò của nhân vật trong việc thể hiện chủ đề của truyện

- Lão Hạc là nhân vật điển hình cho quá trình bần cùng hóa của người nông dân trước Cách mạng:

+ Vợ mất sớm, một mình nuôi con khôn lớn.

+ Tài sản trong nhà không có gì ngoài ba sào vườn, một túp lều nhỏ và một con chó.

+ Không có tiền cho con trai cưới vợ, người con trai bỏ đi đồn điền cao su, bỏ lại lão sống một mình.

+ Sau một trận ốm, trong nhà không còn gì để ăn, lão quyết định bán cậu Vàng - kỉ vật mà anh con trai để lại, không chỉ là một con vật mà còn giống như một người bạn.

+ Cuối cùng, vì tự trọng và vì khốn quẫn, lão đã phải ăn bả chó để tự tử.

- Lão Hạc là nhân vật thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc của Nam Cao:

+ Ông đã làm toát lên vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân: dù nghèo nhưng họ giàu tình yêu thương, đầy tinh thần trách nhiệm và lòng tự trọng.

+ Nam Cao đã thể hiện sự đồng cảm, xót thương với bi kịch của lão Hạc, được gửi gắm qua lời của nhân vật ông giáo

+ Gián tiếp lên án, tố cáo xã hội đương thời đã đẩy người nông dân vào cảnh cùng đường.

* Đánh giá chủ đề và ý nghĩa của nhân vật trong việc thể hiện chủ đề, rút ra ý nghĩa đối với cuộc sống

- Lão Hạc là một nhân vật điển hình, đại diện cho tầng lớp những người nông dân trong xã hội cũ: Tuy đói nghèo nhưng có những phẩm chất cao đẹp.

- Nam Cao đã rất thành công trong cách xây dựng nhân vật. Thông qua cái nhìn ông giáo – một nhà trí thức, Nam Cao đã gián tiếp thể hiện tấm lòng trân trọng của mình với người nông dân và đặt ra vấn đề “đôi mắt”:cần có cái nhìn nhân ái, bao dung, bao quát nhiều chiều để đánh giá một con người.

(Mở rộng phần sau của tác phẩm: “Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi... toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương...”. )

- Tác giả cũng đã sử dụng nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật rất rõ nét. Tâm lý nhân vật lão Hạc được thể hiện qua những hành động, lời nói của lão, nhiều đoạn đối thoại mà như độc thoại. Bên cạnh đó, tác giả cũng sử dụng nhiều khẩu ngữ, làm câu chuyện chân thực, sinh động, gần gũi với người nông dân.

3. Kết bài: Khẳng định ý nghĩa của vấn đề nghị luận.

3. Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tác phẩm “Lão Hạc” của Nam Cao

Nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên là một minh chứng cho nét tài hoa của nhà văn Nam Cao trong nghệ thuật phân tích tính cách nhân vật.

Nhà văn Nam Cao đã xây dựng nên tình huống gay cấn để đi sâu vào diễn tả nỗi day dứt, dằn vặt và ân hận của Lão Hạc khi cùng đường. Nhiều thủ pháp, nhiều phương tiện miêu tả tâm lý nhân vật được tác giả vận dụng để tạo nên chủ nghĩa tâm lý trong sáng tác truyện ngắn. Sức mạnh và chiều sâu của chủ nghĩa tâm lý nhân vật Lão Hạc là sự chuyển hóa lẫn nhau của những mâu thuẫn đối lập trong thế giới tâm hồn con người. Và những diễn biến tâm lý của Lão Hạc là do hoàn cảnh dẫn lối thành tấm gương phản ánh hiện thực xã hội, qua đó làm nổi bật ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm.

Mang thân gà trống nuôi con, một đời làm ăn lầm lụi, cật lực mà ông lão không có nổi 200 đồng bạc cho con cưới vợ, cuối cùng đành mở to mắt nhìn con đi vào chỗ chết. Nhưng cho dù bị dồn vào chân tường cuộc sống, Lão Hạc vẫn giữ được tâm hồn, nhân cách trong sáng. Trước hết là vẻ đẹp của lòng yêu thương trong cách đối xử với cậu Vàng. Lão yêu thương con chó, lão xem nó là một người thân. Con chó bầu bạn, sẻ chia những nỗi lòng đau khổ cũng như hoàn cảnh hiu quạnh của lão. Lão gọi nó là cậu Vàng, “như một bà hiếm muộn gọi đứa con cầu tự”. Thế rồi, bị hoàn cảnh đẩy đến đường cùng, lão đành phải bán chó trong day dứt và đau khổ tột cùng. Lão tự coi mình là một kẻ phản phúc, lừa đảo, lừa một con chó. Không còn kiểm soát được cảm xúc của mình, lão khóc như một đứa trẻ: “Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau ép cho hai hàng nước mắt chảy ra. Cái đầu lão nghẹo về một bên, cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc”. Khóc xong lão lại cười, nước mắt ẩn trong những nụ cười se sắt ấy.

Vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách của Lão Hạc được thể hiện rõ nét hơn qua tình yêu thương và đức hy sinh với đứa con trai. Dù góa vợ lão vẫn ở vậy nuôi con bởi lão sợ con khổ. Không chỉ là một lão nông giàu tình yêu thương, đức hy sinh, Lão Hạc còn là người giàu lòng tự trọng. Lão đã ăn giống như người không có một xu bạc nào để dành đến 30 đồng bạc trắng lo liệu ma chay cho mình, khỏi phải phiền lụy đến hàng xóm. Có thể nói 30 đồng bạc cuối cùng ấy là 30 đồng lấp lánh của lòng tự trọng.

Cho đến khi kề cận cái chết, lão dứt khoát giữ thiện lương trong sáng của mình, quyết từ chối sự giúp đỡ của một người nhân hậu như ông giáo, càng không thể theo gót Binh Tư để kiếm cái ăn. Khi buộc phải kết liễu đời mình, Lão Hạc đã chọn cái chết bằng bả chó – một cái chết đau đớn, dữ dội, quằn quại. Lão muốn tạ lỗi với cậu Vàng. Lão không quên mình là một người cha chưa làm tròn bổn phận nên chết để giữ vườn, giữ nhà cho con. Lão càng không quên mình là người đưa cậu Vàng vào chỗ chết nên phải đáp lại bằng cái chết như một con chó. Lòng tự trọng của lão như một bức thành trì kiên cố mà khổ đau, đói rét không thể nào khuất phục nổi.

Trong tác phẩm “Lão Hạc”, nhà văn Nam Cao còn xây dựng các nhân vật người nông dân khác. Đó là con trai của Lão Hạc, một người nông dân cùng quẫn, phẫn uất, nhắm mắt đưa chân vào chỗ chết – mộ phu đồn điền cao su, nuôi ảo vọng làm giàu; vợ ông giáo, một người nông dân nghèo đói nên trở nên tầm thường, ích kỷ, nhìn đời phiến diện một chiều; Binh Tư, một người nông dân nghèo đói, túng quẫn mà phải tha hóa về nhân cách, phải làm nghề bất lương để sống qua ngày. Nhà văn cũng đã đặt nhân vật trong những sự lựa chọn nghiệt ngã để từ đó giúp người đọc có cái nhìn rõ nét hơn về hiện thực xã hội, những bi kịch tinh thần trong khi bị dồn đẩy đến bước đường cùng.

Diễn biến tâm lý của ông giáo không rõ nét như ở nhân vật Lão Hạc nhưng Nam Cao cũng đã đặt nhân vật vào một quá trình phát triển diễn biến tâm lý sâu sắc. Với ngôi kể thứ nhất – nhân vật tôi trở thành hình tượng người trí thức nghèo tiểu tư sản, người thay mặt cho nhà văn Nam Cao phát biểu tư tưởng, quan điểm của mình. Ông giáo điển hình cho bi kịch của một người trí thức nghèo: Đó là bi kịch của tuổi trẻ đầy cao vọng, tuổi 20 trong trẻo, biết yêu và biết nhớ nhưng bị áo cơm ghì sát đất, vỡ mộng trong đau đớn, bị chôn vùi tài năng nơi quê nghèo thê thảm.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 11 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
11 24.695
Phân tích nghệ thuật xây dựng tình huống và nhân vật trong tác phẩm Lão Hạc
Xác thực tài khoản!

Theo Nghị định 147/2024/ND-CP, bạn cần xác thực tài khoản trước khi sử dụng tính năng này. Chúng tôi sẽ gửi mã xác thực qua SMS hoặc Zalo tới số điện thoại mà bạn nhập dưới đây:

Số điện thoại chưa đúng định dạng!
Số điện thoại này đã được xác thực!
Bạn có thể dùng Sđt này đăng nhập tại đây!
Lỗi gửi SMS, liên hệ Admin
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Đóng
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm
    Chia sẻ
    Chia sẻ FacebookChia sẻ Twitter
    Đóng