Viết bài nghị luận về vẻ đẹp cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ Khi con tu hú

Khi con tu hú là bài thơ của tác giả Tố Hữu khi ông bị bắt giam tại nhà lao Thừa phủ (Huế). Bài thơ phản ánh tâm trạng ngột ngạt của một người cộng sản trẻ tuổi sôi nổi yêu đời bị giam cầm giữa bốn bức tường vôi lạnh.

Trong bài viết này, Hoatieu trân trọng giới thiệu đến các em học sinh mẫu dàn ý chi tiết để phân tích cấu tứ của bài thơ Khi con tu hú do nhà thơ Tố Hữu sáng tác. Mẫu dàn ý này được xây dựng nhằm giúp các em hiểu rõ hơn về cách Tố Hữu triển khai cấu tứ bài thơ, từ đó làm nổi bật nội dung tư tưởng và cảm xúc của tác phẩm. Thông qua việc phân tích cấu tứ, các em sẽ thấy được sự sắp xếp ý tứ tài tình, mạch cảm xúc dạt dào và ý nghĩa sâu sắc mà nhà thơ gửi gắm. Đây sẽ là tài liệu hữu ích hỗ trợ các em trong việc học tập và cảm nhận bài thơ một cách trọn vẹn.

Dàn ý phân tích cấu tứ trong bài Khi con tu hú

Dàn ý phân tích cấu tứ trong bài Khi con tu hú

* Mở bài: (Giới thiệu chung về bài thơ và xác định vấn đề sẽ được tập trung bàn luận trong bài viết):

- Giới thiệu chung về bài thơ:

+ Tố Hữu là nhà thơ có nhiều cống hiến cho cách mạng và thơ ca Việt Nam. Ở ông có sự thống nhất đẹp đẽ giữa cuộc đời cách mạng và cuộc đời thơ ca. Ông được xem là lá cờ đầu, cánh chim đầu đàn của thơ ca cách mạng với những vần thơ làm rung động trái tim của nhiều thế hệ người đọc khi ông viết về lí tưởng, Tổ quốc, Bác Hồ, người lính, người mẹ.

+ Bài thơ Khi con tu hú là một trong số những tác phẩm tiêu biểu của tập thơ Từ ấy. Đó là tiếng lòng của chàng thanh niên 19 tuổi say mê lí tưởng, tha thiết yêu đời, hăng hái hoạt động bị giam cầm, tách biệt với cuộc sống bên ngoài.

- Xác định vấn đề sẽ được tập trung bàn luận: Vẻ đẹp bài thơ được gợi lên từ cấu tứ và hình ảnh thơ

* Thân bài:

Vẻ đẹp của cấu tứ thơ:

- Nhan đề bài thơ “Khi con tu hú”: Nhan đề của bài thơ là một ẩn ý vừa chỉ một thời điểm bừng lên của thiên nhiên, tạo vật, vừa chỉ sự khát khao hoạt động của con người.

- Cấu tứ của bài thơ:

+ Tứ thơ được gợi lên từ tiếng chim tu hú gọi hè vẳng vào trong nhà giam chật hẹp, tăm tối

+ Từ tứ thơ đó, nhà thơ tạo nên một cấu trúc chặt chẽ, bất ngờ:

++ Mở đầu bài thơ là dấu hiệu vào hè - tiếng chim tu hú

++ Chính âm thanh đó đã kích hoạt những rung cảm của người tù - chiến sĩ - thi sĩ, để rồi anh đã vẽ ra bức tranh về cuộc sống tự do qua những cảm nhận từ phía sau song sắt kẻ thù.

++ Sức mạnh của âm thanh tiếng chim tu hú tăng lên khi nó trở thành chất xúc tác thôi thúc khát vọng tự do, khát khao chiến đấu trong trái tim người tù - chiến sĩ – thi sĩ trẻ tuổi, và cuối cùng những tâm tư ấy đã thực sự biến thành ước muốn hành động để tự giải phóng bản thân.

++ Tiếng chim tu hú trở đi trở lại tạo nên kết cấu đầu cuối tương ứng như khát vọng tự do, khát vọng chiến đấu luôn sục sôi không ngừng trong trái tim người chiến sĩ.

- Sự khác biệt của bài thơ này so với các bài thơ khác trên phương diện xây dựng hệ thống hình ảnh và tạo sự kết nối giữa các bộ phận cấu tạo trong bài thơ: Đối sánh với bài thơ Nhớ đồng, bài thơ Tâm tư trong tù

+ Giống: Đều là tâm tư của người tù – người chiến sĩ – thi sĩ khi bị giam cầm trong nhà ngục của kẻ thù.

+ Khác:

+ Nhớ đồng: Tất cả tâm tư được gợi lên qua một tiếng hò

+ Tâm tư trong tù được gợi lên qua những thanh âm đời thường vẳng qua bức tường nhà giam.

+ Khi con tu hú: Tâm tư người chiến sĩ trẻ với nhiều cung bậc khác nhau khi trong tù nghe tiếng chim tu hú gọi mùa về

Vẻ đẹp của hình ảnh thơ:

- Tác giả sử dụng một loạt những hình ảnh sống động, chân thực:

+ Tạo vật không được miêu tả trong trạng thái bình thường, chúng được tô đậm, được đẩy lên mức cao nhất có thể. Không phải hạt bắp vàng mà là bắp rây vàng hạt, nắng là nắng đào - màu sắc lộng lẫy nhất, trời xanh thì càng rộng càng cao, tầm mắt cứ được mở rộng ra thêm mãi. Tiếng ve không chỉ ngân mà còn dậy lên, cánh diều sáo cũng không chịu lững lờ hay vi vu mà lộn nhào từng không.

+ Cảnh đất trời vào hè với nhiều âm thanh: Tiếng chim tu hú, tiếng ve ngân; tiếng sáo diều => Âm thanh rộn rã, tươi vui

+ Bên cạnh đó có nhiều màu sắc: vàng của bắp, của lúa; xanh của trời; hồng của nắng => Màu sắc tươi tắn, rực rỡ

+ Nhiều hương vị: Vị lúa chín, vị ngọt của trái cây => Những hương vị hết sức ngọt ngào, tinh khiết.

+ Không gian: đất trời cao rộng, cánh diều chao liệng => Sự khoáng đạt đầy tự do.

=> Bức tranh mùa hè hiện ra trong tâm tưởng người chiến sĩ trong cảnh tù đày nhưng thật sống động với đầy âm thanh, sắc màu, không gian, hình ảnh rực rỡ. Tất cả chúng đều chân thực, hết sức đẹp đẽ, tươi mới, thể hiện tình yêu cuộc sống tha thiết của nhà thơ và cái nhìn tinh tế khi nhận ra sự chuyển mình của thời gian.

- Một số hình ảnh mang tính biểu tượng độc đáo trong bài thơ:

+ Hình ảnh bầu trời, cánh diều: như ngầm ý gợi về cuộc sống tự do bên ngoài song sắt kẻ thù.

+ Tiếng chim tu hú: Tiếng chim tu hú ở đầu bài thơ là âm thanh kích hoạt tâm tư. Tiếng tu hú cuối bài thơ là tiếng kêu khắc khoải, là tiếng gọi đàn, là lời hối thúc, giục giã như thiêu đốt lòng người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi hướng về đồng quê và bầu trời tự do với tất cả tình yêu và niềm khát khao cháy bỏng,…

- Bài thơ có những điểm khác lạ trong cách sử dụng ngôn ngữ: Thể thơ lục bát sử dụng uyển chuyển, giọng điệu linh hoạt, từ ngữ tự nhiên và gần gũi với đời thường

- Sự gợi mở về cách nhìn mới đối với thế giới và con người được đề xuất từ mạch ngầm văn bản bài thơ:

+ Bài thơ thể hiện niềm tin yêu cuộc sống thiết tha và sự khao khát tự do mãnh liệt của người chiến sĩ trong cảnh tù đày.

+ Bài thơ ghi dấu về một thời oai hùng của dân tộc với những con người sẵn sàng hi sinh cho Tổ quốc thân yêu

+ Đó cũng chính là tinh thần Việt Nam bất diệt ngàn đời

Kết bài: Khẳng định lại sự độc đáo của bài thơ và ý nghĩa của nó đối với việc đem lại cách nhìn, cách đọc mới cho độc giả.

Phân tích cấu tứ trong bài Khi con tu hú của Tố Hữu

Chế Lan Viên đã nói về Tố Hữu:’’Thơ là đi giữa nhạc và ý. Rơi vào cái vực ý, thì thơ sẽ sâu, nhưng rất dễ khô khan. Rơi vào cái vực nhạc, thì thơ dễ làm đắm say người, nhưng cũng dễ nông cạn. Tố Hữu đã giữ được thế quân bình giữa hai vực thu hút ấy. Thơ của anh vừa ru người trong nhạc, vừa thức người bằng ý’’. Quả thật, thơ ông luôn có một chất riêng, mà để tạo nên được chất riêng trong sáng tác thì không thể thiếu cấu tứ và hình ảnh được. Vẻ đẹp của cấu tứ và hình ảnh luôn là điểm sáng ngời của nghệ thuật trong mỗi tác giả.

Trước tiên, muốn thấy được linh hồn và mô hình nghệ thuật của tác phẩm thể hiện qua cấu tứ thì phải hiểu cấu tứ là gì? Cấu tứ là quá trình sáng tác, sự vận động tâm tư, hoạt động tư duy để sáng tạo ra hình tượng nghệ thuật. Qua đó làm tác phẩm trở nên phong phú và cuốn hút, giúp người đọc vào trạng thái suy tư và cảm nhận sự sâu lắng đó. Cấu tứ trong tác phẩm thể hiện đầu tiên phần nhan đề.

Nhan đề bài thơ “Khi con tu hú” là một vế trong câu thơ đầu của bài thơ: “Khi con tu hú gọi bầy.” Khi chim tu hú gọi bầy chính là thời điểm mùa hè đã đến, người tù cách mạng cảm thấy ngột ngạt ở trong phòng giam chật chội và khao khát có một cuộc sống được tự do cháy bỏng ở bên ngoài. Khi chim tu hú gọi bầy chính là thời điểm mùa hè đã đến, những hình ảnh đặc trưng của đất trời khi hè đến đã khiến người tù cách mạng cảm thấy ngột ngạt ở trong phòng giam chật chội và khao khát có một cuộc sống được tự do cháy bỏng ở bên ngoài. Tiếng chim đã gợi nhắc về một sự sống đang dâng trào cũng như khơi thức khát vọng tự do trong người tù.

Bức tranh mùa hè sôi động, vui tươi được nhà thơ Tố Hữu cảm nhận mùa hè bằng tất cả các giác quan không chỉ là nghe, là nhìn mà còn là xúc giác và bằng chính trái tim yêu đời của mình. Bằng những dòng thơ lục bát truyền thống, nhịp nhàng, thanh thoát, đã mở ra một thế giới thật khoáng đạt, tràn trề nhựa sống. Mùa hè là mùa “lúa chín”, là mùa “trái ngọt”, mùa lúa chiêm đang chín vàng, trái cây đang nhạt dần, tiếng ve râm ran rộn, những trái bắp vàng cam được phơi đầy khắp sân nhà, là cảnh trời xanh cao trong vắt, cánh diều sáo nhịp nhàng bay lượn. Bức tranh của Tố Hữu là do bản thân ông tưởng tượng ra sau nhiều năm gắn bó với Huế, chứ không phải được thấy từ sự quan sát trực tiếp. Tất cả đều được ông cảm nhận mọi giác quan để làm nên tuyệt tác bài thơ hay đến vậy. Nên mùa hè của nhà thơ cũng chân thực, vô cùng gần gũi. Nhà thơ Tố Hữu đã gửi gắm tâm tình của mình vào trong câu thơ, hẳn ông vô cùng yêu thiên nhiên, dùng những tình cảm chân thật để nói lên nỗi lòng mình.

“Vườn râm dậy tiếng ve ngân…

Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào”

Trong chốn tù ngục, nhà thơ nhớ về tiếng ve, hình ảnh sân bắp phơi đầy, thèm muốn một cuộc sống thường nhật, bình thường như bên ngoài. Ông miêu tả sự đối lập giữa hiện thực và khát vọng. Một hiện thực vô cùng khốc liệt rằng chính nhà thơ đang phải chịu cảnh tù đày nhưng trong ông vẫn luôn dấy lên nỗi khát khao một cuộc sống tự do với những cảnh tượng đơn giản, thường nhật. Nhớ về những kí ức là cách ông bày tỏ nỗi niềm mà ông ước ao. Chính trong nhà ngục tối tăm, ánh sáng của thiên nhiên và bầu trời quả là xa xỉ đối với nhà thơ, thế nhưng nhà thơ đã tự tạo ra cho mình một bầu trời tươi đẹp như thế. Hình ảnh diều sáo lộn nhào giữa không trung thể hiện cho khát vọng bay bổng, tự do, khao khát hòa nhập và tung hoành cùng thiên nhiên đất trời của tác giả. Tiếng sáo diều cao vút, rạo rực như chính tiếng lòng của người thanh niên Tố Hữu, mang trong mình tâm hồn yêu thiên nhiên, khao khát được sống trong thiên nhiên đã giúp cho nhà thơ vẽ nên một bức tranh thiên nhiên mùa hè trong trẻo, tươi mới.

Bài thơ "Khi con tu hú" là tiếng lòng của người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi tuy đang phải sống trong cảnh lao tù nhưng vẫn tràn đầy sức sống, sức trẻ, chan chứa tình yêu con người, tình yêu cuộc sống. Vẻ đẹp của cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ đã thể hiện rõ một màu sắc của mùa hè sinh động. Qua đó ta thấy tâm hồn căng tràn sự sống, với khát vọng tự do của chính nhà thơ.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 11 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
12 14.292
Viết bài nghị luận về vẻ đẹp cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ Khi con tu hú
Xác thực tài khoản!

Theo Nghị định 147/2024/ND-CP, bạn cần xác thực tài khoản trước khi sử dụng tính năng này. Chúng tôi sẽ gửi mã xác thực qua SMS hoặc Zalo tới số điện thoại mà bạn nhập dưới đây:

Số điện thoại chưa đúng định dạng!
Số điện thoại này đã được xác thực!
Bạn có thể dùng Sđt này đăng nhập tại đây!
Lỗi gửi SMS, liên hệ Admin
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Đóng
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm
    Chia sẻ
    Chia sẻ FacebookChia sẻ Twitter
    Đóng