Phương hướng xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay là gì?

Phương hướng xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam

Xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ là một trong những mục tiêu hàng đầu để củng cố an ninh quốc phòng của đất nước. Vậy trong thời kỳ hiện nay, phương hướng xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam được thực hiện như thế nào? Mời các bạn cùng theo dõi nội dung bên dưới để biết thêm chi tiết.

Hiện nay, Quân đội ta đang được xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng. Đó vừa là sự nhất quán, vừa là sự phát triển quan điểm của Đảng về xây dựng quân đội nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Sau đây là một số nội dung chi tiết về Phương hướng xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam trong thời kỳ hiện nay, mời các bạn cùng tham khảo.

1. Xây dựng về chính trị - tinh thần

Xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị - tinh thần là nguyên tắc trong xây dựng quân đội, là cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân, thể hiện quan điểm coi yếu tố con người là quyết định thắng, bại trên chiến trường. Xây dựng về chính trị - tinh thần nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý Nhà nước, giữ vững bản chất giai cấp, tính dân tộc, tính nhân dân của quân đội. Sức mạnh chiến đấu về chính trị - tư tưởng của lực lượng vũ trang Việt Nam còn được thể hiện ở ý chí phấn đấu vươn lên làm chủ khoa học - kỹ thuật quân sự hiện đại, thể hiện tinh thần dám đánh và biết thắng.

Việt Nam chủ trương tăng cường công tác giáo dục chính trị bảo đảm cho quân đội phát huy được truyền thống yêu nước, đoàn kết đánh giặc giữ nước của cha ông và truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Cán bộ, chiến sĩ Quân đội phải được giáo dục, rèn luyện để có bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi nhiệm vụ được giao, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh nhất là trước các luận điệu phá hoại tư tưởng của kẻ địch và các tác động tiêu cực của xã hội; tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với chế độ, thấm nhuần đạo đức cách mạng, gắn bó chặt chẽ với nhân dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì lợi ích quốc gia, góp phần giữ gìn hoà bình khu vực và thế giới. Tổ chức Đảng, tổ chức chỉ huy, hệ thống cơ quan chính trị và các tổ chức quần chúng trong quân đội được xây dựng vững mạnh toàn diện.

Việt Nam chống lại mọi mưu toan “phi chính trị hoá” Quân đội nhân dân và Lực lượng Vũ trang nhân dân của các thế lực thù địch nhằm tách Lực lượng Vũ trang nhân dân khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

2. Tổ chức, biên chế và xây dựng nguồn nhân lực

Trong thời bình, Việt Nam chủ trương tiếp tục giảm quân số thường trực, xây dựng lực lượng dự bị động viên phù hợp đáp ứng các yêu cầu khi có tình huống khẩn cấp hoặc chiến tranh. Lực lượng thường trực của quân đội được giữ ở mức độ hợp lý, tinh gọn, bảo đảm sức chiến đấu. Thực hiện giảm các đầu mối, từng bước chuyển giao một số hoạt động bảo đảm cho các cơ quan, tổ chức dân sự, cơ cấu lại biên chế lực lượng vũ trang theo hướng ưu tiên cho các đơn vị chiến đấu, các đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ quan trọng, các quân chủng, binh chủng kỹ thuật là những định hướng cơ bản về tổ chức và biên chế lực lượng vũ trang nói chung và quân đội nói riêng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của đội ngũ cán bộ, Người nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; do vậy, xây dựng đội ngũ sĩ quan, cán bộ chuyên môn kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lực lượng vũ trang nhân dân là công tác trọng tâm, có ý nghĩa chiến lược. Mục tiêu giáo dục đội ngũ sĩ quan, cán bộ chuyên môn kỹ thuật của Quân đội nhân dân là đáp ứng các yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Sĩ quan và cán bộ chuyên môn kỹ thuật của quân đội phải có bản lĩnh chính trị và ý chí chiến đấu cao, có năng lực chỉ huy bộ đội và tác chiến trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao. Họ phải là những con người được giáo dục và rèn luyện toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tác phong, năng lực và trình độ học vấn. Hệ thống học viện, nhà trường của Quân đội có nhiệm vụ đào tạo sĩ quan, nhân viên kỹ thuật các chuyên ngành khoa học - kỹ thuật quân sự phải được tổ chức theo hướng chuyên sâu, mở rộng liên kết với nhau và với các cơ sở đào tạo của các bộ, ngành khác nâng cao hiệu quả đào tạo, tạo nguồn nhân tài dồi dào được đào tạo chuyên ngành theo yêu cầu của lực lượng vũ trang. Mặt khác, các học viện, nhà trường trong quân đội phải chuẩn bị vốn kiến thức cần thiết về các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, pháp luật, kỹ thuật, công nghệ, quản lý... cho đội ngũ sĩ quan, cán bộ chuyên môn kỹ thuật để họ dễ dàng hoà nhập vào đời sống dân sự khi không còn phục vụ tại ngũ. Nhà nước thực hiện các chính sách đúng đắn về đào tạo có tác dụng động viên khuyến khích, thu hút nhiều thanh niên ưu tú vào các trường đào tạo sĩ quan, cán bộ chuyên môn kỹ thuật, tạo nguồn bổ sung nhân tài cho lực lượng vũ trang.

3. Huấn luyện

Trong thời bình, đi đôi với xây dựng về mặt chính trị - tinh thần, huấn luyện quân sự là công việc tất yếu để tăng cường sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang. Quân đội nhân dân Việt Nam coi trọng huấn luyện kỹ năng chiến đấu cá nhân, tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng, phát huy tính năng, hiệu quả của các loại vũ khí, trang bị hiện có bằng nghệ thuật quân sự Việt Nam, đồng thời coi trọng việc nâng cao kiến thức về công nghệ quân sự hiện đại; đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp huấn luyện cho phù hợp với qui mô tổ chức, trang bị và điều kiện thực tế của từng thứ quân, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.

Đổi mới toàn diện công tác huấn luyện. Thực hiện tốt phương châm huấn luyện: "cơ bản, thiết thực, vững chắc", coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu, sát yêu cầu, nhiệm vụ, địa bàn hoạt động của từng lực lượng, từng đơn vị; phù hợp với tổ chức biên chế, trang bị và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Trong huấn luyện phải coi trọng huấn luyện, diễn tập khu vực phòng thủ các cấp; diễn tập tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai; chống khủng bố..., bảo đảm cho các đơn vị xử lý tốt các tình huống, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Để nâng cao chất lượng tổng hợp, tăng cường sức mạnh chiến đấu và trình độ sẵn sàng chiến đấu của quân đội, các nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục, huấn luyện, đào tạo tiếp tục được đổi mới, phù hợp với điều kiện tác chiến hiện đại. Chú trọng đào tạo liên thông, liên kết trong nước và hội nhập quốc tế. Coi trọng công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo chỉ huy toàn năng, nhân tài quân sự và nhân viên chuyên môn kỹ thuật giỏi. Huấn luyện sát với yêu cầu chiến đấu, kết hợp cách đánh mới với cách đánh truyền thống, tiếp thu có lựa chọn kinh nghiệm của các nước, kết hợp cách đánh du kích với cách đánh chính quy...

4. Vũ khí, trang bị kỹ thuật, hậu cần

Vũ khí, trang bị kỹ thuật có vai trò rất quan trọng trong chiến tranh hiện đại. Là một quốc gia đang phát triển, trình độ khoa học, công nghệ còn thấp song Nhà nước Việt Nam chú trọng bảo đảm cho quân đội những loại vũ khí, trang bị kỹ thuật cần thiết để bảo vệ đất nước. Để bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang, ngoài giữ gìn, bảo quản tốt, cải tiến có chọn lọc những vũ khí, trang bị hiện có, Việt Nam đầu tư thích đáng để tự sản xuất một số phương tiện, vũ khí phù hợp với khả năng công nghệ của mình đồng thời mua sắm một số vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại đáp ứng các yêu cầu tăng cường sức mạnh chiến đấu cho các lực lượng vũ trang nhân dân.

Công nghiệp quốc phòng Việt Nam là bộ phận cấu thành của nền công nghiệp quốc dân, được phát triển theo hướng tự lực là chính, đồng thời hợp tác với công nghiệp quốc phòng các nước bè bạn để tiếp thu công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao trình độ khoa học - công nghệ. Để nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ quân sự và sản xuất của các cơ sở công nghiệp quốc phòng Việt Nam ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu sửa chữa, cải tiến, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang, công nghiệp quốc phòng phát triển dựa trên sự liên kết chặt chẽ với các ngành công nghiệp khác, huy động tiềm lực của tất cả thành phần kinh tế trong một chiến lược thống nhất.

Trang bị hậu cần có vai trò trọng yếu trong tác chiến. Việc phát triển trang bị hậu cần được tiến hành theo hướng nghiên cứu, cải tiến nâng cao chất lượng các mặt hàng phục vụ bộ đội chiến đấu trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao. Trang bị hậu cần được đầu tư thích đáng để mua sắm, sản xuất, nghiên cứu chế tạo đáp ứng nhu cầu thường xuyên của Quân đội và các tình huống chiến tranh. Công tác nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ sản xuất trang bị hậu cần được đẩy mạnh đồng thời với việc tăng cường bảo quản, quản lý, sử dụng hợp lý và phát huy hiệu quả các loại trang bị hậu cần hiện có.

5. Xây dựng, phát triển nền khoa học quân sự

Các cuộc khởi nghĩa vũ trang, chiến tranh giải phóng, chiến tranh giữ nước trong lịch sử lâu dài của dân tộc Việt Nam đã để lại nhiều kinh nghiệm, nhiều bài học được xây dựng thành lý luận quân sự độc đáo của Việt Nam. Các bài học và kinh nghiệm đó đã được đúc kết thành hệ thống tri thức nhằm tìm ra sức mạnh giữ nước. Một trong những cơ sở tạo nên nguồn sức mạnh đó là tinh thần cố kết dân tộc của Việt Nam. Tinh thần đó được biểu hiện đầy đủ ở lòng yêu nước, ở tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Khoa học quân sự Việt Nam luôn nhấn mạnh bài học to lớn và sâu sắc đó. Nhờ vậy, những khả năng của toàn dân, của cả dân tộc đã được khai thác và phát huy đến mức tối đa qua hàng nghìn năm lịch sử xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam.

Ngày nay, trong điều kiện, hoàn cảnh mới, khoa học quân sự Việt Nam được bổ sung lý luận về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong thời bình. Khoa học quân sự Việt Nam được xây dựng từ cơ sở thực tiễn và lý luận quân sự Việt Nam, đồng thời tiếp thu những tinh hoa của khoa học quân sự thế giới và áp dụng phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến những nhân tố mới do tác động của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ trong lĩnh vực quân sự.

Đi đôi với sự phát triển khoa học quân sự, ngành kỹ thuật quân sự cũng đang phát huy truyền thống “chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường” trong nghiên cứu - phát triển và ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ thông tin, trong huấn luyện và đào tạo cán bộ kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện đối phương sử dụng vũ khí công nghệ cao.

Hệ thống chỉ huy đã đáp ứng yêu cầu chỉ huy quân đội và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong các cuộc chiến tranh vừa qua. Ngày nay những thành tựu khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, đã tạo nên bước phát triển nhảy vọt về các phương tiện thông tin - liên lạc phục vụ chỉ huy, kiểm soát, tình báo và tiến hành "chiến tranh thông tin”. Những thách thức lớn của dạng chiến tranh này đòi hỏi hệ thống chỉ huy của Quân đội Nhân dân Việt Nam phải được hiện đại hoá để có thể đáp ứng được yêu cầu của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tương lai. Cải tiến, nâng cao chất lượng của hệ thống thông tin - liên lạc có vai trò quan trọng trong xây dựng sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân và của sức mạnh quốc phòng toàn dân.

6. Mở rộng hợp tác quốc tế về quốc phòng

Mở rộng quan hệ đối ngoại và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh là một định hướng quan trọng trong xây dựng quân đội trong thời gian tới.

Hợp tác huấn luyện, đào tạo, trao đổi kinh nghiệm và học thuật với các nước khác là lĩnh vực ưu tiên trong công tác đối ngoại quốc phòng của Việt Nam. Việt Nam chủ trương mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo sĩ quan, nhân viên kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao, nhất là trên lĩnh vực đào tạo ngoại ngữ, quân y và các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật quân sự khác. Ngoài việc cử cán bộ đi học, đào tạo ở nước ngoài, một số nhà trường quân đội cũng mở rộng đào tạo cho các nước khác. Từ năm 2007, Học viện Quốc phòng Việt Nam đã mở khoá đào tạo cho các sĩ quan cao cấp nước ngoài. Việc mở rộng quan hệ giữa các học viện, viện nghiên cứu quốc phòng của Việt Nam với các đối tác nước ngoài, cử sĩ quan tham dự các cuộc hội nghị, hội thảo quốc tế... tạo điều kiện trao đổi cởi mở về các vấn đề an ninh khu vực và thế giới mà các bên quan tâm đồng thời mở ra các cơ hội hợp tác nâng cao chất lượng nghiên cứu các vấn đề mới trong khoa học và nghệ thuật quân sự.

Việt Nam quan tâm hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng để đáp ứng các nhu cầu trang bị, vũ khí của lực lượng vũ trang, nâng cao năng lực của công nghiệp quốc phòng trên cơ sở thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về kiểm soát vũ khí. Công nghiệp quốc phòng Việt Nam ưu tiên hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; sản xuất, sửa chữa trang thiết bị quân sự và vũ khí; đào tạo nhân lực...

Để bảo đảm cho quân đội có các loại vũ khí hiện đại cần thiết đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong khi khả năng công nghiệp quốc phòng trong nước chưa thể đáp ứng được, Việt Nam tiếp tục mua vũ khí, trang thiết bị quân sự từ các nước bạn hàng truyền thống, đồng thời quan tâm mở rộng thương mại quốc phòng với các nước khác, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu bảo đảm kỹ thuật cũng như trang thiết bị quân sự và vũ khí cho các lực lượng vũ trang.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 3.063
0 Bình luận
Sắp xếp theo