Phân tích bài thơ Xuân về

Phân tích đánh giá bài Xuân về của Nguyễn Bính

Xuân về là một bài thơ hay của tác giả Nguyễn Bính. Bài thơ được xem là bài thơ xuân đẹp, với nhiều nét vẽ tươi xinh về mùa xuân với thiếu nữ với má hồng, mắt trong, duyên dáng đi hội chùa làng, với "yếm đỏ khăn thâm" và cả bà cụ đi hội, chống gậy trúc, lần tràng hạt, miệng nam mô. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ mẫu dàn ý phân tích bài thơ Xuân về cùng với bài văn mẫu phân tích, đánh giá nội dung nghệ thuật bài Xuân về. Mời các bạn cùng tham khảo.

Dàn ý phân tích Xuân về

1. Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm.

- Nguyễn Bính là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất của thi ca Việt Nam hiện đại. Ông được mệnh danh là “nhà thơ của tình quê” với giọng thơ rất riêng, mang sắc thái quê mùa, dân dã khó trộn lẫn

- Xuân về là một thi phẩm đặc sắc của ông. Tác phẩm đã vẽ ra bức họa sinh động về một mùa xuân đẹp, bình dị ở chốn làng quê thân thuộc.

- Chính nội dung nghệ thuật và hình ảnh thơ đặc sắc đã làm nên sức hấp dẫn cho thi phẩm

2. Thân bài: Phân tích, đánh giá những nét đặc sắc, độc đáo của bài thơ:

* Phân tích, đánh giá mạch ý tưởng, cảm xúc của nhân vật trữ tình:

(Chủ đề, mạch cảm xúc, hình ảnh, điểm nhìn…)

- Chủ đề của bài thơ: Bức tranh thiên nhiên và con người khi xuân về

- Mạch cảm xúc: xuyên suốt bài thơ, ta được thấy cảm hứng trữ tình cùng sự say mê, niềm vui sướng của tác giả khi chứng kiến giai đoạn đổi thay của trời đất

- Hình ảnh: đều là những hình ảnh đặc trưng của mùa xuân ở làng quê, tràn đầy sức sống, non tơ, vui tươi phấn khởi.

- Điểm nhìn: Điển nhìn thay đổi từ gần tới xa, bao quát trong không gian, quan sát những đổi thay của đất trời và con người khi vào xuân.

* Phân tích đánh giá sự phát triển của hình tượng chính và tính độc đáo của các phương diện ngôn từ.

- Sự phát triển của hình tượng chính

+ Vẻ đẹp khi gió xuân về: gió xuân mang hơi ấm và khí xuân làm hồng lên đôi má gái chưa chồng

+ Vẻ đẹp khi nắng xuân về: sự tươi mới của mà xuân được thể hiện qua việc “gió bay đi”, mưa xuân, nắng xuân, lá nõn, nhành non...

+ Vẻ đẹp đồng quê khi xuân về: bức tranh đồng quê bình yên vui tươi, người dân tận hưởng niềm vui của lễ hội

+ Cảnh đi trẩy hội mùa xuân: hình ảnh những cô gái duyên dags trong bộ trang phục truyền thống, hình ảnh các cụ già tóc bạc thể hiện vẻ đẹp truyền thống trong lễ ngày lễ hội mùa xuân

- Tính độc đáo của các phương diện ngôn từ:

Hình ảnh thơ giản dị, gần gũi cùng ngôn ngữ thơ trong sáng, mộc mạc, tác giả đã khắc họa vô cùng rõ nét cảnh ngày xuân nơi làng quê hết sức dung dị mà không kém phần nên thơ, trữ tình.

Nhịp thơ luôn chậm rãi, từ tốn kết hợp với cách ngắt nghỉ nhịp nhàng đã tạo cảm giác thong thả, thư thái.

Tác giả còn thành công sử dụng các biện pháp tu từ như so sánh, ẩn dụ, hay cả đảo ngữ, hoán dụ.

=> Góp phần bộc lộ cảm xúc của bài thơ, khiến vẻ đẹp của thiên nhiên và con người càng được nhấn mạnh hơn. Và đó là nét rất riêng của thơ Nguyễn Bính, đồng thời nói lên chính con người tác giả.

* Phân tích, đánh giá nét hấp dẫn riêng của bài thơ so với những sáng tác khác cùng đề tài, chủ đề, thể loại

Cùng viết về đề tài mùa xuân nhưng khác với Nguyễn Bính, mùa xuân của Xuân Diệu không mang theo nét bình dị, mộc mạc của làng quê mà mang theo đó là sự say đắm trước thiên nhiên tràn đầy nhựa sống của nhà thơ

Kết bài: Khẳng định giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mĩ của bài thơ.

- Khẳng định lại sự độc đáo của bài thơ và ý nghĩa cúa nó đối với việc đem lại cách nhìn mới, cách đọc mới cho độc giả.

- Bức tranh mùa xuân không chỉ tập trung vào cảnh sắc mà còn chứa đựng những hình ảnh và hoạt động của con người trong mùa xuân tạo nên một bức tranh tổng thể tươi đẹp và sống động cho cuộc sống quê hương. Đó là niềm tha thiết từ hồn quê tình quê của Nguyễn Bính, để thổi vào hồn ta chút đắm say và niềm tự hào dân tộc.

Phân tích bài thơ Xuân về ngắn nhất

“Biển cả là nơi mà tất cả các nguồn nước trên thế gian này đều đi ra từ đó nhưng nó không vơi, và nó cũng là nơi đón nhận tất cả các nguồn nước nhưng nó không đầy” (Trang Tử). Quả thực, văn học cũng như những nguồn nước, đều đi ra từ biển cả cuộc đời. Hằng ngày, tiếng sóng thủy triều vẫn âm vang chuyên chở sóng biển đời thường đến với trang thơ. Thơ ca phải luôn gắn mình với nguồn mạch cuộc sống. Có lẽ vì thế mà khi đến với những câu thơ của Nguyễn Bính, ta như được thâu vào trong một thế giới hiện thực nhưng lại được dựng lên qua lăng kính của nhà thơ. Và với “Xuân về”, ta như tận mắt nhìn thấy một mùa xuân đẹp, bình dị ở chốn làng quê thân thuộc.

Ít có nhà văn, nhà thơ nào không ghi cảm nhận về mùa xuân của mình lên trang giấy. Mỗi người một nét nhìn, một phong vị văn thơ khác nhau nhưng hầu như ai cũng ca ngợi sức sống của đất trời, của con người mùa xuân. Với Nguyễn Bính, vẻ đẹp mùa xuân bao trùm lên tất cả. Xuyên suốt bài thơ, ta được thấy cảm hứng trữ tình cùng sự say mê, niềm vui sướng của tác giả khi chứng kiến giai đoạn đổi thay của trời đất. Nét xuân đầu tiên về mà nhà thơ cảm nhận được từ một vị trí gần với nhà thơ nhất:

“Đã thấy xuân về với gió đông
Với trên màu má gái chưa chồng
Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong.”

“Xuân về” đầu tiên mà Nguyễn Bính “thấy” chỉ là cảm nhận qua tác nhân khác, qua hình ảnh khác. Tác nhân ấy là “gió đông”, có thể không còn làm da lạnh buốt nhưng lại làm cho “cô hàng xóm” mới lớn có “màu má – đôi mắt trong” biểu hiện sức sống dạt dào, thanh tân của những ngày đầu năm mới. Xuân gần là ở gió, là ở cô láng giềng đang lơ đãng nhìn trời dưới mái hiên…

Rồi xa hơn một chút:

“Từng đàn con trẻ chạy xun xoe

Mưa tạnh giời quang nắng mới hoe

Lá nõn nhành non ai tráng bạc

Gió về từng trận gió bay đi.”

Nét xuân thứ hai vừa đẹp, vừa sống động, hồn nhiên và tươi xinh. Gió xuân thổi về từng trận rồi “gió bay đi”, gợi lên sự phơi phới. Sau những tháng ngày mưa xuân, mưa bụi trắng trời, nay mưa đã tạnh, bầu trời rất đẹp, một không gian ấm áp: “giời quang, nắng mới hoe”. Nắng mới là nắng đầu xuân: “nắng mới hoe” là nắng hồng nhạt, cỏ cây đâm chồi nảy lộc:

“Lá nõn, nhành non, ai tráng bạc?”

“Lá nõn” là những mầm lá, những lá non màu xanh mượt, “nhành non” là những cành tơ mới nẩy lộc có nhiều lá nõn màu xanh như ngọc. Nhà thơ sung sướng ngạc nhiên nhìn “lá nõn, nhành non” rồi thốt lên câu hỏi “ai tráng bạc”. Cảnh xuân càng trở nên rộn ràng, vui tươi và hồn nhiên khi xuất hiện “Từng đàn con trẻ chạy xum xoe”. Các em nô đùa, các em đón nắng mới, các em theo bà, theo chị đi trẩy hội mùa xuân. Cảnh xuân càng trở nên ý vị đậm đà.

Nét xuân đẹp thứ ba trong bức tranh xuân của Nguyễn Bính mở ra một không gian nghệ thuật rộng lớn gợi lên cái hồn quê buổi xuân về:

Thong thả, dân gian nghỉ việc đồng,
Lúa thì con gái mượt như nhung
Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng,
Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng.

Không gian bức tranh “Xuân về” mở rộng thành một tổng thể. Từ mái hiên hàng xóm, lá nõn nhành non rộng ra khu vườn với màu sắc của hoa bưởi hoa cam ngọt ngào hương thơm và đầy ong bướm lượn. Tất cả nằm trong khung nền của cánh đồng làng “lúa thì con gái mượt như nhung”. Lúa đang lớn, đang vào lúc sắp trổ bông lá xanh mềm mại trải khắp. Lúc này, nhà nông nhàn nhã nghĩ tới việc “tháng giêng ăn tết ở nhà”.

Phần cuối cùng của bức tranh tổng thể “Xuân về” là hình ảnh:

Trên đường cát mịn, một đôi cô,
Yếm đỏ, khăn thâm, trẩy hội chùa.
Gậy trúc dắt bà già tóc bạc,
Tay lần tràng hạt miệng nam mô.

Nếu ở hai khổ thơ giữa nhà thơ miêu tả cảnh cây cỏ, ruộng lúa,… là chính thì ở khổ thơ trên nhà thơ lại tập trung miêu tả về con người đang đón xuân về, đặc biệt là các cô gái và các cụ bà. Trên khắp các ngả đường làng luôn dập dìu các cô các chị ăn mặc thật đẹp để tham gia trẩy hội, hoặc đi chùa cầu may. Yếm đỏ, khăn thâm là những trang phục truyền thống của các thôn nữ ở những năm đầu thập niên 30 của thế kỷ 20. Đường làng không chỉ có các cô mà còn có các “Bà già tóc bạc” chống cây gậy trúc đi chùa. Ở đây tác giả đã để cây “gậy trúc dắt” bà già đi, bởi bà còn bận “Tay lần tràng hạt, miệng nam mô”. Một hình ảnh rất thi vị. Cây gậy đi trước ắt hẳn nó là người dẫn đường. Nhưng không phải ai cũng quan sát kỹ để nhận ra điều ấy.

Bài thơ “Xuân về” đã ra đời cách nay gần 80 năm nhưng những hình ảnh về phong cảnh làng quê thì vẫn như vừa mới viết. Với hình ảnh thơ giản dị, gần gũi cùng ngôn ngữ thơ trong sáng, mộc mạc, tác giả đã khắc họa vô cùng rõ nét cảnh ngày xuân nơi làng quê hết sức dung dị mà không kém phần nên thơ, trữ tình. Xuyên suốt tác phẩm, nhịp thơ luôn chậm rãi, từ tốn kết hợp với cách ngắt nghỉ nhịp nhàng đã tạo cảm giác thong thả, thư thái. Điều đó giúp người đọc cảm nhận rõ nét hơn không khí yên bình của chốn làng mạc. Không chỉ vậy, tác giả còn thành công sử dụng các biện pháp tu từ như so sánh, ẩn dụ, hay cả đảo ngữ, hoán dụ. Nó đã góp phần nâng cảm xúc của bài thơ, khiến vẻ đẹp của thiên nhiên và con người càng được nhấn mạnh hơn. Và đó là nét rất riêng của thơ Nguyễn Bính, đồng thời nói lên chính con người tác giả.

Cùng viết về đề tài mùa xuân nhưng khác với Nguyễn Bính, mùa xuân của Xuân Diệu không mang theo nét bình dị, mộc mạc của làng quê mà mang theo đó là sự say đắm trước thiên nhiên tràn đầy nhựa sống của nhà thơ:

“Của ong bướm này đây tuần tháng mật.
Này đây hoa của đồng nội xanh rì.
Này đây lá của cành tơ phơ phất.
Của yến anh này đây khúc tình si.
Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa.
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần.” (Vội vàng)

Đó là một bức tranh mùa xuân đầy ánh sáng, mới mẻ, tinh khôi, đầy âm thanh tình tứ. Mùa xuân là mùa của cây cối đâm trồi, nảy lộc, mùa của sự sinh sôi và hạnh phúc tràn đầy. Khu vườn xuân trong bài thơ cũng “vội vàng” dâng toả sắc hương, trao mật ngọt. Ong bướm rộn ràng bởi những đóa hoa xuân khoe sắc thắm nổi bật giữa đồng nội xanh rì. Cành tơ phơ phất đang vươn những chồi búp nõn nà trong bức tranh xuân. Ánh sáng bình minh toả mà hồng đào, bừng hé. Chim yến, chim oanh đang rộn ràng hát những bản tình ca mùa xuân. Điệp ngữ “này đây” lặp bốn lần là tiếng reo vui đầy kinh ngạc của tác giả vì liên tiếp phát hiện ra những vẻ đẹp kì lạ của cuộc sống. Dù là say đắm trong cảnh xuân hay thầm lặng chú ý đến từng thay đổi của vạn vật thì đối với cà Xuân Diệu và Nguyễn Bính, mùa xuân mang một nét đẹp làm say đắm lòng người.

Nhìn chung, đề tài mùa xuân đã không còn quá xa lạ trong văn học nước nhà nói riêng và thế giới nói chung. Tuy nhiên qua bàn tay nhào nặn của từng tác giả khác nhau, ta sẽ nhận được những thành phẩm độc đáo, riêng biệt mà vẫn mang đầy ý nghĩa. Với "Xuân về", Nguyễn Bính đã đem đến cho độc giả mùa xuân thật dân dã, gần gũi ở làng quê Việt Nam thân thuộc. Tác phẩm sẽ luôn là một trong những bài thơ tiêu biểu và ý nghĩa nhất viết về chủ đề này.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 10 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 2.102
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm