Phân tích 4 câu đầu bài Vội vàng
Phân tích 4 câu đầu trong bài Vội vàng
Phân tích 4 câu đầu trong bài Vội vàng của nhà thơ Xuân Diệu đã đưa người đọc đến với không gia tươi vui sống động của bức tranh thiên nhiên mùa xuân. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ dàn ý phân tích 4 câu đầu bài Vội vàng cùng với các bài văn mẫu phân tích 4 câu đầu bài Vội vàng ngắn gọn, phân tích 4 câu đầu bài Vội vàng, cảm nhận 4 câu đầu bài Vội vàng ngắn gọn hay và chi tiết giúp các bạn có thêm tài liệu tham khảo khi viết bài.
1. Dàn ý phân tích 4 câu đầu bài Vội vàng
1. Mở bài
- Sơ lược về tác giả Xuân Diệu
- Dẫn vào phân tích 4 câu thơ đầu của Vội vàng
2. Thân bài:
*Nhưng khao khát lạ lùng cùng hai cái “tôi’ của Xuân Diệu.
- Muốn “tắt nắng”, “buộc gió” để lưu giữ cho cuộc đời những gì đẹp nhất, ý thức được sự quý giá, vẻ đẹp của nắng xuân của hương hoa cỏ.
- Sự xuất hiện của cái tôi ngông cuồng, thách thức cả vũ trụ hòa quyện với cái tôi hồn nhiên, yêu đời mang đến một hồn thơ Xuân Diệu rất riêng.
* Bức tranh thiên nhiên mùa xuân:
- Nhà thơ cảm nhận mùa xuân thông qua nhiều giác quan, để đưa ra những nét vẽ chân thực và sống động và cũng có một sự logic nhất định.
- Điệp khúc “Này đây…” khiến người độc liên tưởng đến một khúc ca đắm say, vui tươi.
- Bức tranh mùa xuân của Xuân Diệu được gợi lên từ những cảnh sắc hết sức bình thường nhưng lại mang vẻ đẹp tràn trề sức sống:
Hình ảnh ong, bướm cùng mật ngọt, gam màu rực rỡ của muôn loài hoa kết hợp với cái màu xanh rì tươi mới của đồng nội cỏ, sự mềm mại uyển chuyển của “cành tơ phơ phất”, sự rộn rã, mê ly trong “khúc tình si” của cặp yến anh.
“ánh sáng chớp hàng mi” khiến người đọc có nhiều liên tưởng về một thứ ánh sáng tuyệt diệu, dịu dàng bao trùm khắp không gian.
3. Kết bài:
Nêu cảm nhận cá nhân.
2. 4 câu đầu bài Vội vàng ngắn gọn
Hoài Thanh nhận định về hồn thơ Xuân Diệu chỉ bằng ba từ: "thiết tha, rạo rực, băn khoăn". Xuân Diệu băn khoăn bởi cái buồn bàng bạc, bâng khuâng, miên man không dứt bởi cuộc đời chẳng đáp ứng được cách sống vội vàng của con người ông. Thơ của Xuân Diệu tha thiết, rạo rực bởi niềm say mê yêu đời, yêu cuộc sống, thèm sống đến mãnh liệt và thèm yêu đến điên cuồng với niềm khát khao được giao cảm với đời. Điều này đã được tác giả thể hiện một cách điêu luyện qua tác phẩm Vội vàng.
Ngay từ buổi đầu bước chân vào làng thơ, Xuân Diệu dường như đã tự chọn cho mình một lẽ sống: sống để yêu và tôn thờ Tình yêu! Phụng sự bằng trái tim yêu nồng cháy, bằng cuộc sống say mê làm thơ tình!Nhắc đến Xuân Diệu, sẽ thật là thiếu sót nếu không kể tên "Vội vàng",trong tuyển tập "Thơ thơ"- đứa con đầu lòng mà "ông hoàng thơ tình" đã ban tặng cho nhân gian. thơ Xuân Diệu nhẹ nhàngđể lại trong tâm hồn người đọc một ấn tượng khó phôi pha về sự phóng túng mà hết sức tinh tế trong đời sống nội tâm, tâm của hồn của cái "TÔI" trữ tình. Chỉ với bốn câu thơ đầu của " Vội vàng" , Xuân Diệu đã bộc lộ ý thức về cái tôi trữ tình thật táo bạo:
"Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất,
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi."
Nói Xuân Diệu là một nhà thơ mới, quả không sai! Nếu như trong thơ ca của những thi sĩ lãng mạn ngày xưa, thiên đường là chốn bồng lai tiên cảnh, là nơi mây gió trăng hoa, thì trong quan niệm thơ của Xuân Diệu, cuộc sống trần gian mới thực là nơi hạnh phúc nhất, là nơi xinh đẹp và căng mọng nhựa sống nhất! :
"Tôi muốn tắt nắng đi " và "Tôi muốn buộc gió lại"
Dường như lòng yêu đời, yêu cuộc sống của ông đã biến cái ham muốn "tắt nắng", "buộc gió" trở nên quá táo bạo, đến độ lo âu trước sự thay đổi của đất trời, cảnh vật...muốn ôm tất cả, muốn giữ lại tất cả thiên nhiên với vẻ đẹp vốn có của nó. Ước muốn níu giữ thời gian, chặn vòng quay của vũ trụ,đảo ngược quy luật tự nhiên, phải chăng là ông đang muốn đoạt quyền tạo hóa. Nhưng trong cái phi lí đó, vẫn có sự đáng yêu của một tâm hồn lãng mạn yêu cuộc sống. Với ông, sống là cả một hạnh phúc lớn lao, kỳ diệu, sống là để tận hưởng và tận hiến. Thế giới này được Xuân Diệu cảm nhận như một thiên đường trên mặt đất, một bữa tiệc lớn của trần gian. Nhà thơ đã cảm nhận bằng cả sự tinh vi nhất của một hồn yêu đầy ham muốn, nên sự sống cũng hiện ra như một thế giới đầy xuân tình. Cái thiên đường sắc hương đó hiện ra trong "Vội vàng" vừa như một mảnh vườn tình ái, vạn vật đương lúc lên hương, vừa như một mâm tiệc với một thực đơn quyến rũ, lại vừa như một người tình đầy khêu gợi.
Có ai đó đã nói rằng: “Xuân Diệu say đắm với tình yêu và hăng hái với mùa xuân, thả mình bơi trong ánh nắng, rung động với bướm chim, chất đầy trong tim mây trời thanh sắc”.
Với bài thơ "Vội vàng", Xuân Diệu đã phả vào nền thi ca Việt Nam một trào lưu "Thơ mới". Mới lạ nhưng táo bạo, độc đáo ở giọng điệu và cách dùng từ, ngắt nhịp, nhất là cách cảm nhận cuộc sống bằng tất cả các giác quan, với một trái tim chan chứa tình yêu. "Vội vàng" đã thể hiện một cảm quan nghệ thuật rất đẹp, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đó là lòng yêu con người, yêu cuộc đời. Đó là tình yêu cảnh vật, yêu mùa xuân và tuổi trẻ... Và là ham muốn mãnh liệt muốn níu giữ thời gian, muốn tận hưởng vị ngọt ngào của cảnh sắc đất trời "tươi non mơn mởn". Phải chăng trời đất sinh ra thi sĩ Xuân Diệu trên xứ sở hữu tình này, là để ca hát về tình yêu, để nhảy múa trong những điệu nhạc tình si?! Thơ Xuân Diệu - vội vã với nhịp đập của thời gian.
3. Phân tích 4 câu đầu bài Vội vàng của Xuân Diệu
Xuân Diệu là một trong những nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới với hồn thơ tiêu biểu cho tiếng nói thiết tha, tình yêu cuộc sống, con người và rạo rực khát khao giao cảm với đời. Thơ Xuân Diệu tinh tế, gợi cảm, độc đáo trong chất liệu cũng như trong bút pháp thi ca. "Vội vàng" không chỉ là thi phẩm đặc sắc nhất trong tập thơ Thơ - bài thơ đầu tay Xuân Diệu dành tặng cho thế gian mà còn là bài thơ hay nhất cả cuộc sống sáng tác của ông. Bài thơ vừa như một nguồn cảm xúc trào dâng vừa là tuyên ngôn sống của một nhà thơ khao khát yêu đời. 4 câu đầu là đoạn thơ hay nhất thể hiện tình yêu thiết tha, niềm đắm say mãnh liệt của thi nhân với cuộc sống tươi đẹp nơi trần thế.
Ngay từ những dòng thơ đầu Xuân Diệu đã không ngần ngại mà bộc lộ cái niềm khao khát mãnh liệt của mình giữa cuộc đời.
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi”.
Đó là những khao khát có phần ngông cuồng và táo bạo, đúng với cái cá tính của Xuân Diệu. Nhà thơ muốn “tắt nắng”, muốn “buộc gió”, muốn đi ngược lại với quy luật của đất trời, bởi trên tất cả Xuân Diệu ý thức được rằng, chẳng có màu nắng nào đẹp bằng nắng của mùa xuân, cũng chẳng có gì thanh mát, tuyệt vời như hương hoa cỏ thoảng đưa trong gió biếc. Thế nên ông nuối tiếc lắm, nếu như nắng tàn phai, nếu như gió cuốn hết hương hoa ngọt ngào, thì còn đâu cái mùa xuân tươi đẹp, xinh xẻo - thứ mà ông vẫn hằng trông đợi, khao khát và níu giữ cả cuộc đời bằng tất cả đắm say, tha thiết nữa.
Chính vì thế, nhà thơ đã bộc lộ cái khát khao cháy bỏng được đi ngược lại với quy luật khắt khe của tạo hóa, vượt lên trên tầm vóc của đất trời vũ trụ để lưu lại cho đời những thứ tuyệt vời, tốt đẹp nhất. Ấy là màu nắng nhàn nhạt, êm dịu đượm sắc xuân, ấy là hương thơm diệu kỳ của muôn đóa hoa rực rỡ, đại diện cho một trời xuân đang nở rộ. Mà chính ra là Xuân Diệu đang cố “tắt nắng đi”, đang muốn “buộc gió lại” để hòng ôm ấp lấy chúng mà thưởng thức một mình, chứ đã nghĩ đến ai gì cho cam! Xuân Diệu chính là nhà thơ có cái lòng “ích kỷ” kỳ lạ lùng như thế, đi tranh giành, khao khát thứ mà hậu thế chẳng mấy người để mắt một cách cuống quýt và vội vã, khiến người ta thương mà không trách được. Có thể nói rằng, ở trong bốn câu thơ đầu người ta thấy nổi lên hai cái “tôi” rất thú vị, một cái tôi ngông cuồng, mạnh mẽ dám thách thức cả tạo hóa, đất trời để đạt được khát vọng cá nhân. Và một cái tôi cũng rất đỗi ngây thơ, hồn nhiên như một đứa trẻ, bồng bột và có những mộng tưởng rất đỗi hoang đường, nhưng lại rất trẻ trung và tràn trề sức sống. Tổng hòa hai cái tôi tưởng chừng như biệt lập ấy lại mang đến cho nhà thơ một chân dung riêng, một màu sắc riêng trong thế giới thi ca vốn lắm kẻ nhân tài này.
Tình yêu thiên nhiên một tình cảm muôn đời của người nghệ sĩ như sự cảm nhận của Xuân Diệu — thi sĩ “mới nhất trong các nhà thơ mới” (Hoài Thanh) thật lạ. Dường như mọi giác quan của thi sĩ đều run lên đón nhận mọi âm thanh, mọi sắc màu, đón nhận cái hữu hình và cả cái vô hình vấn vương của tạo hóa. Từ ý nguyện dẫn đến hành động, ý nguyện giữ mãi cuộc sống, để hưởng thụ cuộc sống. Điều đó thể hiện nhiệt tình sống của tác giả khi chợt đến mùa xuân.
4. Cảm nhận về 4 câu thơ đầu trong bài thơ Vội vàng
Mỗi nhà thơ đến với văn đàn đều mang một dấu ấn riêng, mang một cặp mắt mới để lưu dấu trong lòng bạn đọc, nếu đôi mắt thơ của Huy Cận mang nét buồn không gian, thì đôi mắt thơ Xuân Diệu lại là cặp mắt xanh non biếc rờn để bao luyến cảnh sắc nhân gian, để đem trái tim và bầu máu nóng của mình mang đến sức sống cho nhân thế. Khổ thơ đầu bài thơ Vội vàng đã mang đậm nét hồn ấy.
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.”
Tưởng như hồn thơ dạt dào và tươi trẻ của Xuân Diệu đã biến câu thơ thành những dòng nhựa sống chảy tràn từng câu chữ, nhưng không chỉ vậy, Xuân Diệu còn muốn đoạt quyền của tạo hóa để biến trần gian thành một bữa tiệc thắm sắc đượm hương. Ước muốn mãnh liệt này xuất phát từ cái tôi yêu trần thế nồng nàn tha thiết, muốn mang cả bầu thơ túi rượu để được nâng chén cùng thiên nhiên. Với Xuân Diệu, nếu nhân gian chỉ là một bức tranh với những gam màu nhạt nhòa, và những hương sắc nhạt phai thì đó không còn là thế giới mà thi nhân hằng ao ước, hằng ham muốn đem bầu máu nóng và tình yêu của mình để hiến dâng cho nó nữa.
Nếu như ở những dòng thơ mở đầu, là lời tỏ bày mãnh liệt ham muốn được tắt nắng buộc gió để lưu giữ thanh sắc trần gian thì đến những dòng thơ tiếp theo, Xuân Diệu không chỉ vẽ ra một bức tranh thiên nhiên như một mâm tiệc mùa xuân khổng lồ, mà còn đưa đến cho người đọc cách cảm nhận mới mẻ về cuộc sống:
“Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của ong bướm này đây khúc tình si.
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi sáng sớm thần Vui hằng gõ cửa
Tháng Giêng ngon như một cặp môi hồng
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ đã hoài xuân”.
Có thể thấy dưới “cặp mắt xanh non và biếc rờn”, vườn trần gian trong thơ Xuân Diệu không chỉ đơn thuần là sự góp nhặt của những cảnh vật đơn sơ, nhạt vị, mà mỗi ngọn cây lá cỏ, mỗi lời ca điệu hồn đều như uống phải ánh mắt si tình của thi nhân nên cũng lên hương đầy mặn nồng, biến vườn trần thành một vườn xuân. Nào là “tuần tháng mật, hoa đồng nội xanh rì, cành tơ phơ phất, khúc tình si…” tất cả đan bện, hòa quyện gắn kết để bức tranh của Xuân Diệu dậy sắc, lên hương. Bức tranh xuân vừa mang màu tươi mới, trẻ trung, lại vừa có những thanh âm đầy trong trẻo, ngọt ngào. Đặc biệt là so sánh táo bạo về tháng Giêng như một cặp môi gần là một cách tân táo bạo và đầy mới mẻ của thi nhân. Lấy cái hữu hình để so sánh với cái vô hình, lấy cái gợi về cảm giác để gợi về thời gian, nhất là lấy ái ân, tình tự để gọi về mùa xuân. Hóa ra trong mắt chàng thi sĩ bao luyến nhân gian bằng tình yêu ấy, tất cả cảnh vật nơi nơi đều là tình yêu, đều là những gì yêu kiều duyên dáng, đều mang mật ngọt của tình tự. Có một điều làm nên nét riêng này ở Xuân Diệu đó là, trước Xuân Diệu các nhà thơ thường chỉ thấy cuộc đời này mang đầy tính chất buồn thảm thê lương. Bà Huyện Thanh Quan ví nó như “cuộc hí trường” biết mấy đau thương, còn Nguyễn Du gọi nó là những “cuộc bể dâu”. Gần Xuân Diệu hơn, Thế Lữ chán ghét thực tại tầm thường mà tìm về với chốn thiên thai hạ giới, để say sưa trong lời ca điệu nhạc, trong chốn bồng lai. Nhưng Xuân Diệu ở ngay trong đoạn thơ này, với những dòng cảm xúc nóng hổi bao luyến nhân gian, rồi phác họa chúng lên tràng viết, đã cho ta thấy cuộc đời vẫn lộng lẫy, tươi vui, và đáng sống, và nó như một bữa tiệc trần gian để con người say sưa trong men say của tình tự. Cho nên Hoài Thanh với đánh giá rằng: “Xuân Diệu đã đốt cảnh bồng lai và xua ai nấy về hạ giới”.
Xuân Diệu tưởng như chỉ là một chàng thi sĩ nhạy cảm tinh tế, đem theo hồn thơ của mình để mang phấn thông của tình yêu đến muôn nơi, để cùng nhau say sưa trong bầu thơ của thi nhân, để con người nhận ra rằng cuộc đời này đáng sống, hãy biết cách trân trọng cuộc sống trần thế.
5. Phân tích 4 câu đầu bài Vội vàng học sinh giỏi
Viên Mai từng nói “Làm người thì không nên có cái cái tôi. Nhưng làm thơ thì không thể không có cái tôi”. Đúng vậy, nếu như không tìm cho mình một lối đi khác biệt hay một phong cách riêng thì tác phẩm của họ sẽ không thể vượt qua được sự băng hoại của thời gian. Nền thơ Mới lãng mạn 1930-1945 là dàn xướng ca của cái tôi. Ở đó, Xuân Diệu nổi bật với danh hiệu “mới nhất trong các nhà thơ mới”. Người đọc có thể thấy ngay điều này trong vỏn vẹn 4 câu thơ ngắn đầu bài thơ “Vội vàng”:
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi”
Xuân Diệu (1916-1985) có bút danh Trảo Nha. là nhà thơ có sự hòa quyện giữa đức tình cần cù, hăng say lao động của quê cha Hà Tình nghèo khó và tâm hồn nồng nàn tha thiết của gió biển Quy Nhơn quê mẹ. Cuộc đời Xuân Diệu sống, lao động và cống hiến hết mình. Xuân Diệu là người yêu đời, ham sống, có nhận thức sâu sắc về giá trị tuổi trẻ và thời gian. Do đó, Xuân Diệu dường như bị rơi vào khủng hoảng khi nhận thức rõ cái tôi cô đơn của trí thức tiểu tư sản trong thời đại đất nước bị thực dân đô hộ. Chỉ với 4 câu thơ ngắn trong bài “Vội vàng”, người đọc sẽ thấy hết những điều đó.
Đoạn thơ đầu trong một bài thơ tự do, Xuân Diệu chọn thể thơ ngũ ngôn ngắn gọn, xúc tích và bao quát cảm hứng toàn bài. Đoạn thơ có thể coi là ước vọng của cả đời Xuân Diệu, cho dù nó có phần hoang đường, kì lạ.
“Tôi muốn tắt nắng đi”
“Tôi muốn buộc gió lại”
Hau chữ “tôi muốn” như một tuyên ngôn của cái tôi tự tin và đầy tự tôn trước cuộc đời này. Với cách đưa đại từ “tôi” lên đầu tiên kết hợp với từ “muốn”, Xuân Diệu gần như đã lật nhào mọi quy phạm khắc nghiệt của nền thơ ca trung đại trước đó.
Thơ ca trung đại chỉ bàn tới việc nước, việc đại sự liên quan tới tồn vong dân tộc. Có chăng chút phong cách cá nhân cũng chỉ dám nép mình sau chữ “ta” chung. Song, các nhà thơ mới và ngay cả Xuân Diệu, tính phi ngã ấy đã bị phá vỡ hoàn toàn.
Cái tôi ấy bàn tới việc gì lớn lao? Đó là khao khát được “tắt nắng” và “buộc gió”. Thi sĩ như đang vươn mình đoạt quyền năng của tạo hóa, thay đổi mọi quy luật vũ trụ. Đôn-ki-hô-tê xưa còn tưởng mình đánh bại cả quái vật gió nhưng rốt cục đó chỉ là cái “cối xay”. Xuân Diệu cũng vậy, người lại có cái khao khát quá mức hoang đường. Nắng và gió thuộc về trời cao, nó không bị hạn chế hay ngăn cấm băng bất kì một thứ quyền lực nào. Vậy mà thi sĩ muốn “tắt”, “buộc”. Hai động từ mạnh càng như tăng thêm vẻ hăm hở, tự tin của tác giả.
Song, khác với Đôn-ki-hô-tê, nguyên do của khát vọng hoang đường ấy lại hoàn toàn có căn cứ:
“Cho màu đừng nhạt mất”
“Cho hương đừng bay đi”
Hóa ra, lí do rất đơn giản. Xuân Diệu – nhà thơ của mùa xuân, tình yêu, tuổi trẻ và thời gian. Một “ông hoàng thơ tình” đang lo lắng. Nhà thơ sợ màu nắng sẽ mất tươi, hoa nở sẽ sớm tàn, hương sắc sẽ sớm phai. Xuân Diệu càng yêu tha thiết thì càng lo sợ sẽ mất đi. Cho nên người mới ham hố sống “vội vàng”, cuống quýt. Hai chữ “đừng” như nguyện vọng thiết tha của chàng thi sĩ: muốn giữ trọn vẹn hơn vẻ đẹp của cuộc đời, hưởng thụ trọn vẹn hơn thanh sắc vị cuộc sống này khi còn có thể.
Tóm lại đoạn thơ lục ngôn súc tích, ngắn gọn, độc đáo và sáng tạo đã lột tả hết mọi tâm tình của một chàng thi sĩ ý thức sâu sắc về quy luật cuộc đời. Chính nhận thức mới mẻ và quan niệm sống “giao cảm” hết mình với đời đã làm nên một phong cách Xuân Diệu mới mẻ và táo bạo.
Bốn câu đầu bài thơ “Vội vàng” mang một chút bất ngờ, một chút phi lí, một chút đáng yêu của chân dung thi sĩ Xuân Diệu. Đoạn thơ đã hé mở một tâm hồn yêu bồng bột, sống gấp gáp và khao khát vô biên với thế giới thắm sắc đượm hương sẽ được cụ thể hóa trong toàn bộ phần sau bài thơ.
Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.
- Chia sẻ:Ngọc Anh
- Ngày:
Tham khảo thêm
Top 5 bài phân tích quan niệm về thời gian trong Vội vàng
Top 6 mẫu cảm nhận 13 câu đầu bài Vội vàng hay chọn lọc
Top 9 bài phân tích Vội vàng khổ 2 siêu hay
Top 5 bài phân tích quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu
Top 14 bài phân tích Vội vàng của Xuân Diệu siêu hay
Top 10 mẫu phân tích khổ cuối bài Vội vàng hay nhất
Gợi ý cho bạn
-
(Cực hay) Phân tích 2 khổ đầu bài Tràng giang
-
9 mẫu phân tích bài thơ Viếng lăng Bác siêu hay
-
Top 11 mẫu phân tích bài thơ về Tiểu đội xe không kính hay chọn lọc
-
Top 8 bài giải thích câu tục ngữ Một cây làm chẳng nên non ba cây chụm lại nên hòn núi cao
-
Top 10 mẫu phân tích bài thơ Bếp lửa hay chọn lọc
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Hướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Mẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Top 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Thực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2024 mới cập nhật
Bộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2024
Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2024
Suy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Tờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2024
Mẫu nhận xét các môn học theo Thông tư 22, Thông tư 27