Em hãy giới thiệu về một di sản văn hóa của quê hương mà em ấn tượng nhất (14 mẫu)

Đất nước Việt Nam là một đất nước xinh đẹp với vô vàn di sản văn hóa trên các tỉnh thành. Dưới đây, Hoatieu xin chia sẻ một số bài giới thiệu về một di sản văn hóa của quê hương ấn tượng nhất, các bạn còn muốn làm về di sản văn hóa ở quê hương nào thì để lại bình luận bên dưới để Hoatieu chia sẻ thêm nhé.

1. Giới thiệu di sản văn hóa ở quê hương Hải Phòng

Giới thiệu về một di sản văn hóa của quê hương ấn tượng
Giới thiệu về một di sản văn hóa của quê hương ấn tượng

Giới thiệu khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang:

Bạch Đằng Giang thuộc vùng đất Tràng Kênh - Bạch Đằng (huyện Thủy Nguyên) được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia khi chứng kiến 3 trận thủy chiến chống quân xâm lược trong lịch sử hào hùng của dân tộc ta.

Nơi đây mang giá trị lịch sử và văn hóa sâu sắc khi gắn liền với các chiến công oanh liệt trên dòng sông Bạch Đằng huyền thoại của Đức Vương Ngô Quyền vào năm 938, Vua Lê Đại Hành vào năm 981 và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn vào năm 1288.

Các pho tượng của 3 vị anh hùng dân tộc có chiều cao lên tới 8m, được đặt trang trọng tại Quảng trường Chiến thắng, là điểm đến mà mọi du khách đều ghé qua bên cạnh nhiều linh, đền thờ nổi tiếng khác trong quần thể di tích lịch sử Hải Phòng này.

Khu di tích lịch sử ở Hải Phòng này cũng nổi tiếng với nguyên tắc “3 Không” trong du lịch đó là không thương mại, không thu phí, không rác thải, nhờ thế còn lưu giữ được vẹn nguyên không gian văn hóa - lịch sử yên bình.

2. Giới thiệu di sản văn hóa ở quê hương Hưng Yên

Giới thiệu di sản văn hóa ở quê hương
Giới thiệu di sản văn hóa ở quê hương

Với mỗi người, quê hương đều có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng. Với em, quê hương Hưng Yên cũng có vị trí vô cùng đặc biệt. Trong tâm trí em, danh lam thắng cảnh ở quê hương mà em ấn tượng hơn cả là đền Chử Đồng Tử - một danh lam liên quan đến tín ngưỡng, tâm linh.

Đền Chử Đồng Tử được xem là “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân tộc. Nó nằm ở địa phận thôn Đa Hòa, xã Bình Minh và xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu. Nói tới hai vị trí địa lí như vậy bởi đền gồm hai ngôi đền là đền Đa Hòa và đền Dạ Trạch nằm ở vị trí tương ứng với hai địa danh trên.

Đền Chử Đồng Tử là không gian thiêng liêng của tín ngưỡng, văn hóa. Không khí nơi đây là không khí mảnh đất Hưng Yên, không khí của làng quê Bắc Bộ thanh bình. Đến thăm đền Chử Đồng Tử, ta không thể không ấn tượng với những cánh cò bay, những rặng tre xanh rì rào trong gió.

Cái mộc mạc của làng quê, hương vị xóm làng vô cùng thân thuộc với mỗi người. Đến gần các đền hơn, ta sẽ bắt gặp tượng thờ. Tượng được tạc bằng đồng, cao lớn, uy nghi. Hương khói phả ra ngày đêm tạo nên không khí thanh tịnh của một vùng tâm linh. Mọi thứ đều rất cổ kính, mộc mạc. Những nội thất từ gỗ làm ta dễ dàng chìm đắm trong cảnh quê, tình quê. Tượng thơ có Chử Đồng Tử, cũng có một vài tượng thờ khác trong mỗi gian thờ. Tượng tạc uy nghi và khiến ta không thể không nghiêng cẩn cúi mình tôn trọng, ngưỡng vọng.

Hằng năm, tại hai ngôi đền đều diễn ra những lễ hội độc đáo. Các lễ hội ở đây chính là sự tổ chức của bản sắc văn hóa. Du khách muôn nơi đổ về với sự ngưỡng mộ dành cho Chử Đồng Tử cũng như muốn tham quan văn hóa làng quê độc đáo, ấn tượng. Ý nghĩa mà ngôi đền mang đến không chỉ là sự thờ phụng, không chỉ là sự trân trọng, ngợi ca mà còn hơn cả là sự bảo tồn nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc trong từng nghi thức dâng hương, trong cái nghiêng mình kính cẩn.

Có lẽ không chỉ quê hương Hưng Yên với đền thờ Chử Đồng Tử. Trên đất nước Việt Nam, ta cũng bắt gặp muôn vàn cảnh đẹp, muôn ngàn cái hay, cái ý nghĩa ở đời. Mỗi danh lam thắng cảnh thì đều rất cần bảo tồn, lưu giữ. Và mỗi người thì đều có sứ mệnh vì quê hương, phát triển, làm giàu, làm đẹp giá trị văn hóa quê hương mình.

3. Giới thiệu về một di sản văn hóa ở quê hương Nghệ An

Thuyết Minh Về Chùa Gám Nghệ An:

Chùa Gám (tên chữ là Chí Linh tự) tọa lạc tại xóm 6 xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Chùa nằm trong quần thể khu du lịch tâm linh sông Dinh – Rú Gám, là một biểu tượng về niềm tự hào của dân vùng quê lúa Yên Thành.

Đền – chùa Gám nằm trong quần thể khu du lịch tâm linh sinh thái rú Gám – xã Xuân Thành, đây là một trong những công trình tín ngưỡng tôn giáo độc đáo. Chùa được xây dựng vào thời Trần, thuộc phái Trúc Lâm – dòng thiền do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập và được xem là Phật giáo chính thức của Đại Việt xưa. Đền Gám là nơi thờ các vị thần có công bảo quốc hộ dân như: Cao Sơn, Cao Các, Sát hải Đại vương Hoàng Tá Thốn, Uy minh vương Lý Nhật Quang, Tứ vị thánh nương và Lý Thiên Cương.

Sở dĩ tên chùa Gám, là lấy tên của làng Kẻ Gám thời xưa mà đặt tên cho chùa. Theo truyền thuyết kể lại, đất Nghệ An xưa có hai làng nổi tiếng: Nho Lâm (Diễn Châu) hiếu học đỗ đạt cao, và Kẻ Gám (Đông Thành) dân đông xã rộng. Khi được thành lập huyện Yên Thành, có câu ca: điền Hộ Độ, hộ Xuân Nguyên – đất rộng có làng Hộ Độ (xã Đô Thành), người đông có làng Xuân Nguyên (tức Kẻ Gám). Nhưng điều kiện canh tác lúc đó còn lạc hậu, chủ phụ thuộc vào thiên nhiên, nhiều năm hạn hán lớn, dân làng vào núi Phượng Sơn gần đó để đào củ hoài sơn, hái quả rừng mà ăn.

Trong núi có cây thân leo gọi là cây gắm quả chùm, hình quả nhót chứa nhiều tinh bột ăn thay lương thực. Vào những năm mất mùa, dân làng và các nơi vào núi hái quả gắm đem về ninh nhừ ăn để qua lúc bần hàn. Những vụ sai quả, nhân dân lại hái về phơi khô dự trữ như: ngô, khoai, sắn. Để nhớ ơn làng, ơn núi cho cây cho quả cứu người lúc đói kém, giáp hạt, người dân trong vùng đã đặt tên núi, tên làng là làng Gắm, núi Gắm. Nhưng trong quá trình Hán hoá và phiên âm lệch đi thành Gám. Cũng có ý kiến cho rằng: để tránh tên huý cây thiêng, nên từ Gắm đã đổi sang thành Gám, và chùa Gám cũng có tên từ đó.

Cũng theo sự ghi nhận, chùa có từ rất lâu, có thể có mãi từ những thập niên 40, 50 thế kỷ thứ 6 thuộc Tiền Lý do Lý Thiên Cương trong cuộc chạy loạn đã về vùng đất này lập trang sinh sống. Mãi đến thời thịnh của nhà Lý, nhà Trần là hai triều đại hoàng kim của Phật giáo Đại Việt thì chắc chắn chùa lại càng được mở rộng và phát triển. Xung quanh Rú Gám là một quần thể di tích lịch sử, văn hoá, bao gồm khoảng 200 di tích và danh thắng, trong đó có 17 di tích cấp Tỉnh và 17 di tích cấp Quốc gia.

Xung quanh Rú Gám còn là một quần thể danh thắng: Sông Dinh (Văn Thành, Hoa Thành, Thị trấn), Nhà thờ đá, núi đá Bảo Nham (Bảo Thành), hang Mặt trăng (Minh Thành), hang núi lèn Vũ Kỳ dài 2 km là đại bản doanh của cuộc khởi nghĩa Nguyễn Xuân Ôn, một số danh thắng nhân tạo như kênh Vách Bắc, đập Vệ Vừng, Mả Tổ, Quận Hài, Nhà trò…

Ở chùa Gám vẫn còn có đôi câu đối như một lời sấm:

“Dinh thuỷ đông hồi nhiêu quang vụ
Phượng Sơn tây phục hướng minh đường”

Có thể hiểu, phía Đông có sông Dinh là long mạch làm cho mùa màng tươi tốt, bội thu, phía Tây có núi Phượng Sơn (tiếng địa phương là Rú Gám) với thế long chầu hổ phục tạo nên cảnh sơn thuỷ hữu tình. Từ đó cũng có thể hiểu rằng Rú Gám là nơi mở ra hướng phát triển tươi sáng cho huyện lúa Yên Thành. Và hiện nay, nếu đến thăm chùa Gám, chúng ta sẽ nhận thấy rõ sự thay đổi theo từng ngày của nó, ngôi chùa như đã được khoác lên mình một bộ đồ thật mới mẻ và đẹp đẽ nhưng vẫn giữ được tính chất linh thiêng bấy lâu trong tiềm thức của người dân nơi đây.

4. Giới thiệu một di sản văn hóa ở quê hương Ninh Thuận

Giới thiệu một di sản văn hóa ở quê hương
Giới thiệu một di sản văn hóa ở quê hương

Giới thiệu Tháp Chăm Ninh Thuận:

Du khách đến Ninh Thuận sẽ được chiêm ngưỡng những dấu tích văn hóa Chăm độc đáo.

Tháp Pô Klông Girai là một quần thể gồm 3 ngôi tháp, tháp chính thờ tượng vua Pô Klông Girai, tháo cổng ở phía đông và tháp thần lửa chếch phía nam có mái hình thuyền. Quần thể tháp được bao bởi một khung tường thành. Đây là một công trình thờ cúng song có giá trị nghệ thuật kiến trúc xây dựng và điêu khắc đạt đến mức hoàn mỹ. Tháp chính cao trên 20 mét, nhiều tầng, tầng trên là sự lập lại tầng dưới thu nhỏ cho đến đỉnh là một trụ đá nhọn, biểu tượng là một Linga. Ở các tháp lên dần đều là các ụ vuông nhỏ, các góc có gắn tượng thú bằng đá và các hình ngọn lửa bằng gạch nung.

Cách thành phố Phan Rang – Tháp Chám 25km, tháp Pô Rômê là một tháp cổ còn khá nguyên vẹn. Tháp được xây dựng vào thế kỷ 17 trên một ngọn đồi thuộc huyện Ninh Phước. Người Chăm xây dựng tháp để thờ vua Pô Rômê, vị vua có công phát triển nông nghiệp và thủy lợi. Tháp được xây dựng 4 tầng, có một cửa chính có cấu trúc dạng vòm trở thành tiền sảnh, phía trên có gắn phù điêu thần Siva.

Ở 3 tầng trên, khắp 4 mặt đều có những vòm cung, có gắn tượng người tương tự ở tầng dưới. Những tượng này tạo cho tháp một vẻ uy nghiêm, trầm mặc. Ở 4 góc của 4 đỉnh có gắn những phù điêu hình ngọn lửa, lên tầng trên là những tượng thú vật nhô ra. Đỉnh tháp là một tảng đá lớn tạc theo hình một Linga. Các trụ đá ở cửa ra vào có khắc chữ Chăm cổ, do thời gian mưa nắng đã bị bào mòn không đọc được. Ngày nay, tháp này trở thành một địa điểm du lịch lý tưởng, du khách có thể chiêm ngưỡng kiến trúc của tháp cùng với thiên nhiên hoang sơ.

Đối với dân tộc Chăm, nữ thần xứ sở Pô Inư Nưgar là vị thần thiêng liêng nhất trong các vị thần mà họ đang thờ. Đền thờ nằm ở vùng đất gò giữa cánh đồng phía bắc làng Hữu Đức có cấu trúc 3 gian, gian trước có một pho tượng nữ thần bằng đá ngồi trước một tấm bia, hai tay đặt lên hai đầu gối, đầu đồi chiếc mũ hình trụ chóp hơi cong về phía trước. Pho tượng có tên là Pô Bia Attakan, con gái thứ 7 của Pô Inư Narga.

Gian trong là hai pho tượng bằng đá đặt cạnh nhau, pho thứ nhất là tượng Nữ thần Pô Inư Nưgar, tạc theo cách ngồi xếp bằng tròn tựa lưng vào tấm bia, bàn tay đặt duỗi lên đầu gối, đầu đội chiếc mũ hình trụ, hơi cong về phía trước. Cho đến ngày nay, người Chăm vẫn tôn sùng bà là vị thần mở mang xứ sở, đem lại cơm no áo ấm cho nhân dân.

Cụm tháp Hòa Lai nằm sát quốc lộ 1A, cách thành phố Phan Rang – Tháp Chàm 15km về phía Bắc. Đây là cụm tháp được xây dựng từ thế kỷ 9. Đây là một quần thể rất có giá trị về kiến trúc và điêu khắc của người Chăm, gồm 3 tháp; tháp Bắc, tháp Giữa và tháp Nam, tuy nhiên tháp Giữa xây dở dang nên hiện nay chỉ còn nền tháp.

Tháp Bắc cao, được xây bằng gạch, mặt tường bằng gạch chạm khắc hoa văn mặt chim, thú, lá hoa…. rất tinh xảo. Tháp Nam cao hơn, cũng được xây bằng gạch, mặt tường gạch được chạm khắc hoa văn nhưng ở dạng đang được phác thảo. Cụm tháp Hòa Lai được đánh giá là cụm tháp rất đẹp, đã làm say lòng nhiều du khách. Tháp có giá trị v ề lịch sử, nghệ thuật kiến trúc và hiện nay tháp đã được trùng tu, tôn tạo.

Những di tích tháp Chăm ở Ninh Thuận có trình độ kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc đạt đến đỉnh cao. Tại đây diễn ra lễ hội Katê hàng năm với các nghi thức rước y trang, mở cửa tháp, tắm tượng thần mang đậm sắc thái tâm linh thu hút đông đảo đồng bào Chăm và du khách đến tham quan.

5. Giới thiệu một di sản văn hóa ở Hà Nội

Bài giới thiệu một di sản văn hóa quê hương hay nhất
Bài giới thiệu một di sản văn hóa quê hương hay nhất

“Mặt Hồ Gươm vẫn lung linh mây trời, càng tỏa mát hương hoa thơm Thủ đô…”. Nhắc đến Hà Nội là nhắc đến hình ảnh Hồ Gươm trong xanh và bóng Tháp Rùa nghiêng nghiêng soi dáng. Hồ Gươm cùng quần thể kiến trúc của nó đã trở thành một biểu tượng đẹp đẽ và thiêng liêng về Hà Nội – trái tim hồng của cả nước.

Hồ Gươm đã tồn tại từ rất lâu. Cách đây khoảng 6 thế kỷ, theo những địa danh hiện nay, hồ gồm hai phần chạy dài từ phố Hàng Đào, qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt tới phố Hàng Chuối, thông với sông Hồng. Nước hồ quanh năm xanh biếc nên hồ Gươm cũng được gọi là hồ Lục Thuỷ.

Vào thế kỷ XV, hồ được đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm. Sự kiện ấy gắn liền với truyền thuyết trả gươm thần cho Rùa Vàng của vị vua khai triều nhà Hậu Lê – người anh hùng của khởi nghĩa Lam Sơn chống lại giặc Minh (1417 – 1427), Lê Lợi. Truyền thuyết kể rằng khi Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn, có người dân mò được một lưỡi gươm, sau đó chính ông nhặt được một cái chuôi ở trong rừng. Khi lưỡi gắn vào chuôi gươm thì thân gươm ánh lên hai chữ “Thuận Thiên” – “Thuận theo ý trời”.

Gươm báu này đã theo Lê Lợi trong suốt thời gian kháng chiến chống giặc Minh. Khi lên ngôi về đóng đô ở Thăng Long, trong một lần nhà vua đi chơi thuyền trên hồ Lục Thuỷ, bỗng một con rùa xuất hiện. Rùa vươn đầu cất tiếng nói: “Xin bệ hạ hãy hoàn lại gươm cho Long Quân”. Lê Thái Tổ hiểu ra sự việc bèn rút gươm khỏi vỏ, giơ gươm ra thì gươm bay về phía con rùa. Rùa ngậm gươm lặn xuống đáy hồ, và từ đó hồ Lục Thuỷ có tên gọi mới là hồ Hoàn Kiếm (trả gươm) hay hồ Gươm.

Chính truyền thuyết đặc sắc này đã khẳng định tấm lòng yêu chuộng hòa bình, ghét chiến tranh của người dân Thăng Long – Hà Nội nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung. Câu chuyện này đã được nhấn mạnh trong ngày lễ Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”

Sau đó, cũng vào thời Lê, hồ còn được dùng làm nơi tập luyện của thuỷ quân nên có lúc được gọi là hồ Thuỷ Quân.

Hồ Hoàn Kiếm là một thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội. Quanh hồ trồng nhiều loại hoa và cây cảnh. Đó là những hàng liễu rủ thướt tha, những nhành lộc vừng nghiêng nghiêng đổ hoa soi bóng dưới lòng hồ.

Giữa hồ có tháp Rùa, cạnh hồ có đền Ngọc Sơn có “Đài Nghiên Tháp Bút chưa sờn”… Hình ảnh hồ Gươm lung linh giống như một tấm gương xinh đẹp giữa lòng thành phố đã đi vào lòng nhiều người dân Hà Nội. Người dân Hà Nội sống ở khu vực quanh hồ có thói quen ra đây tập thể dục vào sáng sớm, đặc biệt là vào mùa hè. Họ gọi các khu phố nằm quanh hồ là Bờ Hồ.

Không phải là hồ nước lớn nhất trong Thủ đô, song với nguồn gốc đặc biệt, hồ Hoàn Kiếm đã gắn liền với cuộc sống và tâm tư của nhiều người. Hồ nằm ở trung tâm một quận với những khu phố cổ chật hẹp, đã mở ra một khoảng không đủ rộng cho những sinh hoạt văn hóa bản địa. Hồ có nhiều cảnh đẹp.

Và hơn thế, hồ gắn với huyền sử, là biểu tượng khát khao hòa bình (trả gươm cầm bút), đức văn tài võ trị của dân tộc (thanh kiếm thiêng nơi đáy hồ và tháp bút viết lên trời xanh). Do vậy, nhiều văn nghệ sĩ đã lấy hình ảnh Hồ Gươm làm nền tảng cho các tác phẩm của mình. Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng viết:

“Hà Nội có Hồ Gươm
Nước xanh như pha mực
Bên hồ ngọn Tháp Bút
Viết thơ lên trời cao”

Và như thế, Hồ Gươm sẽ mãi sống trong tiềm thức mỗi người dân Thủ đô nói riêng và người dân cả nước nói chung như một biểu tượng thiêng liêng về lịch sử và truyền thống văn hóa dân tộc.

6. Giới thiệu di sản văn hóa ở quê hương Hà Nam

Thuyết minh về một di sản văn hóa ở quê hương em
Thuyết minh về một di sản văn hóa ở quê hương em

Núi Cấm Hà Nam, nơi có cảnh quan thơ mộng, kỳ vĩ, được ví như chốn bồng lai tiên cảnh, là điểm du lịch hấp dẫn du khách thập phương đã khiến người ta yêu thích tìm về.

Núi Cấm Hà Nam, nơi có cảnh đẹp nên thơ, hùng vĩ đang là điểm tham quan hấp dẫn thu hút du khách trong và ngoài nước đến khám phá. Núi Cấm tọa lạc tại thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam, kề bên dòng sông Đáy đẹp nên thơ, gắn với bao giai thoại, truyền thuyết hào hùng về vị anh hùng tài ba Lý Thường Kiệt.

Nơi đây được biết đến là nơi có cụm danh thắng Ngũ Động Thi Sơn – đền Trúc nổi tiếng. Ngũ Động Thi Sơn gồm 5 hang động nối liền nhau ăn sâu trong lòng núi Cấm. Kề bên núi Cấm Hà Nam là đền Trúc. Đền nằm tựa lưng vào núi, mặt hướng ra sông Đáy, giữa rừng trúc xanh bạt ngàn. Chính vì vậy, khu du lịch núi Cấm Hà Nam trở thành điểm tham quan hấp dẫn thu hút du khách.

Tương truyền ngày xưa, khi Lý Thường Kiệt đi chinh phạt phương Nam có đi qua thôn Quyển Sơn, thuộc xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng ngày nay. Khi đi ngang qua vùng này thì có một trận gió lớn thổi đến. Ngọn gió làm gãy cột buồm, cuốn cả lá cờ lớn của đoàn quân lên núi. Lý Thường Kiệt cho quân dừng lại, lên bờ tế trời đất. Trận đó, đoàn quân ông chiến thắng vẻ vang. Ngày trở về, ông ghé lại nơi đây thắp hương tạ ơn. Nhân sự việc đó, Lý Thường Kiệt đã đặt tên cho núi là Cuốn Sơn hay còn gọi là Cấm Sơn. Sau khi ông qua đời, để tưởng nhớ ông, người dân đã lập đền thờ tại đây. Đền này nằm bên sông Đáy, dưới chân núi Cấm Hà Nam.

Đền Trúc là một trong những ngôi chùa ở Hà Nam có kiến trúc độc đáo thu hút khách tham quan. Đền ở Hà Nam này nằm giữa rừng trúc xanh mát, nên thơ, nổi bật với tường rêu phong, mái ngói cổ kính, trầm mặc. Đền được thiết kế theo kiểu chữ Đinh bao gồm cổng, tiền đường và hậu cung. Toàn bộ đền được dựng bằng gỗ lim. Đặc biệt, trên các cột của ngôi đền có chữ, các họa tiết, đôi voi đắp nổi hướng mặt về phía nhau vô cùng đặc sắc.

Ngũ động nằm trong lòng núi Cấm Hà Nam là tuyệt tác thiên nhiên khiến ai chiêm ngưỡng cũng phải trầm trồ. Ngũ Động Thi Sơn bao gồm 5 hang động nối liền nhau tạo thành dãy động liền kề dài hơn 100m. Đến đây, du khách có cơ hội khám phá cấu trúc hang động đa dạng, tuyệt đẹp. Lối vào trong động nằm tít trên cao, hướng mặt ra sông Đáy. Trong khi lối ra của động nằm bên kia vách núi. Trong động, thạch nhũ rất nhiều với đủ các hình thù độc đáo. Đặc biệt, khi gặp ánh nắng hắt vào, thạch nhũ hiện ra với đủ các loại màu sắc óng ánh rất đẹp mắt.

Trên đường mòn leo lên núi Cấm khu du lịch Hà Nam Điện Dương, bạn sẽ bắt gặp một bàn cờ lộ thiên. Kế bên bàn cờ là một vũng vuông lõm sâu, được gọi là huyệt Đế Vương. Theo truyền thuyết, nơi đây chính là điểm tụ tập đánh cờ, thưởng rượu, làm thơ của các tiên nhân vào các đêm trăng sáng.

Vẻ đẹp nên thơ của núi Cấm Hà Nam có lẽ là điểm thu hút du khách hơn cả. Nơi đây nổi tiếng với hệ thực vật phong phú. Núi Cấm Kim Bảng, Hà Nam được biết đến nơi có rất nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi với giá trị lên đến hàng tỉ đồng. Đến đây vào mùa xuân, bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp rực rỡ của núi Cấm. Khi ấy, rừng núi được bao phủ bởi một màu trắng thơ mộng của hoa gỗ sưa đỏ rất đẹp. Ngoài ra, bạn còn được hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ, trong bầu không khí trong lành, bỏ lại phía sau mọi ồn ào, khói bụi của phố xá thị thành.

7. Giới thiệu di tích văn hóa quê hương em Quảng Bình

Giới thiệu di tích văn hóa Quảng Bình
Giới thiệu di tích văn hóa Quảng Bình

Giới thiệu về di tích Quảng Bình Quan

Nếu như thủ đô Hà Nội có Hoàng Thành Thăng Long nổi tiếng với Cửa Bắc - khu thành cổ Hà Nội, thành phố Vinh có Cổng Thành minh chứng còn sót lại của Thành cổ Nghệ An, thì đến với Quảng Bình bạn sẽ được biết đến Quảng Bình Quan - hệ thống thành lũy cổ với kiến trúc độc đáo được xây đắp bảo vệ kinh thành Nguyễn.

Quảng Bình Quan được xây dựng năm 1639 từ thời Chúa Nguyễn, thành lũy cổ kính này thuộc trung tâm phường Hải Đình, TP. Đồng Hới nằm ngay giữa ngã tư: phía Đông là đường Mẹ Suốt đi xuống bến sông Nhật Lệ, phía Tây là đường đi lên Đức Ninh, phía Nam là đường đi Huế, phía Bắc là đường đi Hà Nội.

Quảng Bình Quan thuộc thành lũy Đâu Mâu – Nhật Lệ xưa với ba cửa quan: cửa vào dinh Quảng Bình gọi là Quảng Bình Quan (Cổng Bình Quan), cửa Lý Chính Đại Quan Môn (Cổng Thượng) và cửa Thủ Ngự tại cửa biển Nhật Lệ. Riêng cửa Thủ Ngự thì nay cũng đã mất và cũng không có ghi chép lại trong sử sách.

Năm 1812, Lộc Khê Hầu Đào Duy Từ vâng mệnh Chúa Nguyễn thiết kế và xây bằng thành lũy này bằng đất bởi công sức của tất cả người dân ở đây. Đến năm 1824, vua Minh Mạng đã nhờ một viên sỹ quan Pháp thiết kế lại theo kiến trúc và dáng dấp của một thành lũy quân sự thật thụ: khung thành có hình múi khế, 4 múi to theo hướng Tây Nam – Đông Bắc, 4 múi nhỏ theo hướng Tây Bắc – Đông Nam.

Vào thời này, đây được xếp là một trong những công trình có kiến trúc đặc sắc của đất nước. Năm 1842, phía đường Đức Ninh của Quảng Bình Quan được xây thêm hào ngoài thành, có cầu gạch vòng qua hào bởi sự chỉ đạo của vua Thiệu Trị. Quảng Bình Quan trải qua hàng trăm năm vẫn sừng sững, uy nghi và cổ kính giữa thành phố Đồng Hới họa lệ.

Trong thời gian kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược, Quảng Bình Quan bị tấn công và phá hủy nặng nề, tuy nhiên nơi đây vẫn giữ được những nét kiến trúc, tàn tích vô cùng linh thiêng cho đến ngày nay.

Ngày nay, với sự quan tâm của Chính quyền và đóng góp, đồng lòng của nhân dân địa phương, Quảng Bình Quan đã được phục chế lại với kiến trúc nguyên bản như xưa. Về cơ bản thì thành vẫn còn 3 cổng, đoạn thành phía Nam còn lại 2/3 tương đối nguyện vẹn, chỉ có phía Bắc thành đã bị sập hoàn toàn, sau khi sửa lại thì kích thước chỉ còn khoảng 1.087 m với 15 đoạn dích dắc hình răng khế.

Quảng Bình Quan không chỉ minh chứng cho một hệ thống quân sự vững chắc thời Trịnh Nguyễn mà còn khắc họa nét tinh tế của một công trình nghệ thuật đã có hàng trăm năm tuổi.

8. Giới thiệu về một di tích văn hóa quê hương Bình Phước

Nằm trên địa bàn hai huyện Phước Long và Bù Đăng của tỉnh Bình Phước, hồ Thác Mơ là một thắng cảnh nổi tiếng ở khu vực Đông Nam Bộ. Đây là một hồ nước nhân tạo hình thành cùng thủy điện Thác Mơ, một công trình được khởi công xây dựng từ cuối năm 1991 và đưa vào sử dụng từ giữa năm 1995.

Hồ thủy điện Thác Mơ có diện tích khoảng 110km2, gồm rất nhiều nhánh len lỏi giữa các đồn điền trồng cây công nghiệp trên nền đất bazan màu mỡ.

Giữa lòng hồ có 10 hòn đảo lớn nhỏ, tạo nên những nét chấm phá độc đáo cho cảnh quan nơi đây. Phía Tây của bờ hồ có núi Bà Rá, ngọn núi cao thứ ba của Nam Bộ và cùng là một địa điểm tâm linh nổi tiếng trong khu vực. Ngoài chức năng sản xuất và cung cấp điện năng, điều tiết thủy lợi và kiểm soát lũ theo thiết kế, hồ Thác Mơ còn là nguồn sống của nhiều hộ dân làm nghề chài lưới sống ven hồ.

Những năm gần đây, hồ nước mang cái tên thơ mộng này đang được phát triển thành một trọng điểm du lịch của Bình Phước.

9. Giới thiệu về một di tích văn hóa quê hương Kon Tum

Giới thiệu về cầu treo Kon Tum

Cầu treo Kon Klor thuộc địa phận làng Kon Klor, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Là chiếc cầu dây văng to đẹp nhất khu vực Tây Nguyên, nối liền hai bờ của dòng sông Đăk Bla. Cầu có chiều dài 292m, rộng 4,5m, thiết kế và khởi công xây dựng vào ngày 3/2/1993 và hoàn thành ngày 1/5/1994, có màu vàng cam thật nổi bật trong cái nắng vàng oi ả của vùng đất Tây Nguyên.

Địa chỉ cầu treo Konklor nằm ở đường Bắc Kạn, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum (Cách đó không xa là nhà rông Kon Klor cùng tên với cầu treo). Đây là điểm thu hút khách du lịch khi đến Kontum. Cầu treo Kon Klor bắc ngang qua dòng sông Đăk Bla là cây cầu treo dây văng lớn nhất tỉnh Kon Tum. Cầu treo giúp trung chuyển, giao thương đi lại của bà con các dân tộc vào khu vực thành phố. Vào mùa khô, bạn có thể đi xuống lòng sông và ngắm cầu treo Kon K’lor từ dưới. Cầu treo Kon Klor cũng tạo nên một điểm nhấn cảnh quan mới rất hấp dẫn cho phố núi Kon Tum.

Bao quanh Kon Klor là những ngọn núi được bao phủ bởi những nương dâu xanh rì. Cầu Kon Klor đã bắt nhịp đôi bờ sông đưa mọi người đến gần nhau hơn, chiếc cầu được đưa vào sử dụng thì cũng chấm dứt luôn những chuyến đò ngang bằng xuồng độc mộc đã từng bao năm. Đi trên cầu Kon Klor du khách có thể thấy dòng sông Đắk Bla đang cuồn cuộn từng dòng hùng vĩ.

Đến đây, du khách có thể ghé thăm làng dân tộc Bah Nar – Kon Klor, cùng uống với họ can rượu cần rồi lên đường vượt dòng sông qua cầu treo để đến một vùng đất phù sa trù phú. Đó là những vườn chuối, vườn cà phê và các loại cây ăn quả. Vượt con đường quanh co khoảng 6km, du khách đến làng Kon K’tu, một làng dân tộc Bah Nar còn giữ nguyên được những nét sinh hoạt và cảnh vật thiên nhiên hoang sơ.

Làng du lịch văn hóa Kon K’tu có nhà rông cao, đẹp, bạn sẽ được thỏa mãn nhu cầu ngủ lại qua đêm, tham gia các sinh hoạt giao lưu văn hóa, uống rượu cần, nghe kể Khan bên bếp lửa bập bùng cùng người dân bản địa. Khi từ biệt làng trở về, chắc chắn bạn sẽ thấy hài lòng với những món quà lưu niệm do bàn tay khéo léo của người dân ờ đây làm bằng vật liệu từ núi rừng.

Công trình nối liền hai bờ của dòng sông Đăk Bla, một dòng sông gắn với nhiều huyền thoại của đồng bào dân tộc Ba Na trong vùng. Ngày nay, cầu treo Kon Klor đã trở thành niềm tự hào của người dân Kon Tum và là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi ghé thăm mảnh đất Tây Nguyên này.

10. Giới thiệu về di tích văn hóa quê hương em Điện Biên

Nếu những ai đã từng du lịch Điện Biên thì không thể không đặt chân tới Hồ Pa Khoang - một trong những cảnh đẹp Điện Biên mà không một ai muốn rời bước.

Hồ Pa Khoang thuộc địa phận huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Địa điểm này cách thành phố Điện Biên Phủ gần 20km, nối thành phố Điện Biên Phủ với Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ - Mường Phăng.

Quần thể khu du lịch Pa Khoang là một trong những địa điểm quy tụ nhiều cảnh đẹp khi nó sở hữu tổng diện tích lên 2.400 ha. Đó là những thảm thực vật phong phú và rừng xung quanh hồ với những vườn hoa lan nở rực rỡ muôn sắc màu. Và đó cũng là lý do mà rất nhiều du khách đã chọn Hồ Pa Khoang là một điểm nghỉ dưỡng lý thú.

Nếu muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt sắc của cánh đồng Mường Thanh, du khách nên ghé thăm vào tháng 9 hàng năm. Bởi lúc này, lúa trên đồng chín vàng bát ngát khiến bạn phải choáng ngợp trước vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ không đâu có thể sánh được.

Nếu du khách yêu thích khung cảnh huyền ảo tuyệt sắc thì mùa đông sẽ là sự lựa chọn thích hợp để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của sương mờ buông phủ quanh hồ. Hoặc muốn tận hưởng không khí thoáng mát và trong lành cũng như ngắm nhìn mây trời non nước, vừa chèo thuyền du ngoạn, tận hưởng phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp thì mùa hè là hoàn hảo nhất.

11. Em hãy trình bày hiểu biết của em về một di sản văn hóa của nước ta mà em ấn tượng nhất giải thích vì sao em ấn tượng nhất về di sản văn hóa đó

Việt Nam đất nước xinh đẹp của chúng ta có truyền thống văn hóa lâu đời, đa dạng về địa hình và các dân tộc đã tạo nên nhiều danh thắng nổi tiếng trong và ngoài nước, trong đó, không thể thiếu các di sản văn hóa. Tính đến đầu năm 2024, Việt Nam có 17 di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản văn hóa hỗn hợp, di sản tư liệu được UNESCO công nhận. Trong đó, với em, phố cổ Hội An là một trong những si sản văn hóa mà em ấn tượng nhất.

Hội An - một thành phố cổ kính nằm ở tỉnh Quảng Nam, chỉ cách thành phố đáng sống Đà Nẵng khoảng hơn 30km về phía Nam. Đây chính là cái tên đi đầu trong danh sách di sản văn hóa vật thể được UNESCO công nhận, một địa danh tiêu biểu cề cảng thị sông nước từ đầu thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 19. Ở nơi đây ngày nay vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn các nét của khu phố sầm uất thuở xưa với hơn 1000 di tích kiến trúc từ phố xá, nhà cửa, hội quán, nhà thờ tộc, giếng cổ, chùa miếu... và các món ăn truyền thống pha trộn phong cách của Trung Quốc, Nhật Bản và Pháp.

Chỉ một lần đặt chân đến Hội An đã khiến em say lòng bởi nét đẹp nơi đây. Như cách biệt với phố thị hiện đại bên ngoài, không gian phố cổ Hội An mang nét mộc mạc, bình dị nhưng cũng đầy lãng mạn, tinh tế, khiến em như ngược dòng thời gian quay trở về thời kỳ phong kiến, cách đây đã hơn 200 năm. Đến với Hội An, em như lạc vào thế giới mộng mơ của đèn lồng đỏ rực rỡ, những ngôi nhà lấp ló sau giàn hoa giấy rực rỡ. Dù không gian có rất nhiều khách di lịch, nhưng bầu không khí tỏa ra nơi đây vẫn có nét trầm lắng, nhẹ nhàng đến lạ, ngay cả tiếng mời chào mua hàng của các cô các bà gánh hàng rong cũng nhỏ nhẹ, mềm mỏng vô cùng.

Sẽ là thiếu sót nếu đến với Hội An mà chúng ta không nhắc đến Chùa Cầu. Nơi đây còn có cái tên khác Chùa Nhật Bản nằm tiếp giáp giữa đường Nguyễn Thị Minh Khai và đường Trần Phú. Công trình kiến trúc độc đáo này còn được in trên tờ tiền polyme 20.000đ của nước ta nữa đó! Qua năm tháng thời gian và các lần trùng tu, chùa Cầu vẫn là một công trình độc đáo, một nét đẹp kiến trúc đậm phong cách Việt. Đây là tài sản vô giá và chính thức được chọn làm biểu tượng của Hội An.

Ngoài kiến trúc độc đáo, Hội An còn được biết đến với văn hóa dân gian phong phú và đa dạng. Các lễ hội truyền thống như Lễ hội Đèn lồng, Lễ hội Cầu Bông, và Lễ hội Trùng Cửu đều diễn ra tại đây, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Những hoạt động văn hóa như múa lân, múa rối, và ca trù cũng được biểu diễn tại Hội An, mang đến một trải nghiệm văn hóa độc đáo và sâu sắc.

Phố cổ Hội An vẫn luôn mang một nét đẹp riêng trong từng góc phố, từng mái nhà, và trên những con đường nhỏ. Đến đây, em có thể cảm nhận được sự ấm áp trong từng món ăn, từ nụ cười thân thiện, gần gũi của người dân. Thậm chí để cả cây cỏ, không gian nơi đây cũng hấp dẫn ánh nhìn. Bước đi trên từng con phố nhỏ, em như tìm thấy con người quá khứ trong những ngày xưa cũ, những bài học về một thời hoa lệ của xã hội phong kiến qua những trang sách trên mảnh đất xa lạ và đầy thân thương này.

12. Viết một bài văn ngắn giới thiệu ngắn gọn về một di sản văn hoá phi vật thể của quê hương Lào Cai

Viết một bài văn ngắn (khoảng 350 – 500 chữ) giới thiệu ngắn gọn về một di sản văn hoá phi vật thể của quê hương Lào Cai. từ đó, trình bày suy nghĩ của em về trách nhiệm của thế hệ trẻ Lào Cai trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá của quê hương.

Tính đến nay, tỉnh Lào Cai có 37 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, trong đó có 02 di sản được UNESSCO ghi danh vào Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tiêu biểu như: Lễ hội Gầu Tào, Nghi lễ cấp sắc của người Dao, Nghi lễ then của người Tày, Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông hoa huyện Bắc Hà,... Trong đó, em muốn nhắc đến Lễ hội Gầu Tào, nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc H.Mông huyện Phong Thổ, tỉnh Lào Cai.

Lễ hội Gầu Tào là lễ hội truyền thống của người Mông và được cộng đồng dân tộc Mông thuộc các huyện Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai và thị trấn Phong Hải, tỉnh Lào Cai gìn giữ từ xưa đến nay. Theo tiếng Mông, Gầu Tào có nghĩa là “địa điểm chơi”. Theo tập quán, lễ hội Gầu Tào thường do ba gia đình có quan hệ huyết thống hoặc thông gia với nhau và có hoàn cảnh như nêu trên cùng tổ chức. Lễ hội được tiến hành vào mùa xuân trong ba năm liền - mỗi năm người ta trồng một cây nêu để ba gia chủ sẽ lần lượt lấy cây nêu và những vật treo trên cây về để lấy phúc, lấy lộc. Ngày chính hội được tổ chức từ mùng 2 đến mùng 4 Tết, tuỳ theo tuổi của gia chủ hợp với ngày nào. Chủ lễ và người giúp việc treo đồ lễ lên cây nêu, đặt tiền mã dưới gốc và quỳ xuống khấn, vái cây nêu. Sau nghi lễ cúng bên cây nêu, chủ lễ tuyên bố mở đám hội. Nghi thức hát mở màn lễ hội được thực hiện bởi một người thạo hát nhưng phải có gia đình khỏe mạnh, kinh tế khá giả. Sau đó, mọi người dự hội đều có thể vào hát, trình diễn và thưởng thức các trò chơi, múa khèn, múa võ, múa gậy sinh tiền, hát hội Chù Gầu Tào… và đều được chủ lễ mời rượu. Cuộc vui kéo dài đến tối với các cuộc hát đối chủ - khách, nam - nữ. Khách phương xa có thể ngủ lại tại nhà của gia chủ để những ngày sau tiếp tục cuộc vui.

Lễ hội Gầu Tào là lễ hội lớn nhất và có quy mô cộng đồng duy nhất, gắn với đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng người Mông. Tuy nhiên, lễ hội Gầu Tào của người Mông nói chung, ở Lào Cai nói riêng, đang dần mai một, vì các nghệ nhân đều đã cao tuổi mà họ chỉ truyền dạy cho con trai trưởng nên đã hạn chế việc trao truyền cho thế hệ kế tiếp. Là thế hệ trẻ, là người con của quê hương Lào Cai, em cho rằng, lớp thanh niên hiện tại cần phải nhận thức rõ vai trò quan trọng của mình trong việc bảo vệ, giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá của quê hương, trong đó có lễ hội Gầu Tào, bên cạnh những giải pháp đồng bộ của nhà nước và địa phương trong việc bảo tồn di sản. Cụ thể, em cho rằng, bản thân thế hệ trẻ cần có những việc làm cụ thể như sau:

+ Chủ động sưu tầm, tư liệu hóa, tìm hiểu về Lễ hội Gầu Tào để giới thiệu nét đẹp truyền thống của lễ hội này đến bạn bè trong và ngoài nước.

+ Tích cực cùng nhà trường, địa phương tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng trong cộng đồng, chú trọng khai thác chất liệu dân gian, khôi phục lễ hội truyền thống Gầu Tào và các bài dân ca, các điệu dân vũ, các trò chơi dân gian.

13. Chọn một di sản văn hóa tiêu biểu mà em ấn tượng hãy viết lên cảm nghĩ của mình về những giá trị lịch sử từ đó rút ra bài học cho bản thân

Mẫu 1

Di sản văn hóa tiêu biểu mà em chọn: Hoàng Thành Thăng Long

Trải qua một quá trình lâu dài, đất nước Việt Nam đã tồn tại với biết bao nhiêu vẻ đẹp lịch sử tồn tại mãi với thời gian. Một trong những vẻ đẹp ấy, không thể không kể đến những di sản văn hóa, mà em đặc biệt ấn tượng với Hoàng Thành Thăng Long - một di sản nổi tiếng của thủ đô Hà Nội được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Tồn tại qua nhiều giai đoạn, Hoàng Thành Thăng Long mang trong mình những giá trị lịch sử tiêu biểu với tư cách là một trung tâm quyền lực, và các tầng di tích di vật đa dạng, phong phú, sinh động. Được xây dựng từ thời Tiền Thăng Long, di sản này là minh chứng cho văn hóa của người Việt, phản ánh một chuỗi lịch sử nối tiếp nhau liên tục của các vương triều cai trị đất nước Việt Nam trên các mặt tư tưởng, chính trị, hành chính, luật pháp, kinh tế và văn hoá trong gần một ngàn năm. Không những vậy, di tích lịch sử nghìn năm này còn là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, đặc biệt là văn hóa Trung Hoa.

Không chỉ riêng Hoàng Thành Thăng Long, những di sản văn hóa khác cũng mang trong mình giá trị của riêng nó. Là một học sinh, em cần phải tôn trọng, tự hào, giữ gìn di sản văn hóa bằng cách chấp hành những quy định của pháp luật về việc bảo tồn di sản, ngăn chặn nhưng hành vi cố ý phá hoại di sản kịp thời. Nhưng điều cốt yếu và quan trọng nhất là mỗi người trên đất nước Việt Nam cần phải biết bảo vệ và phát huy những vẻ đẹp mà cha ông ta đã cố gắng gầy dựng nên trong hàng ngàn năm qua.

Mẫu 2

Chùa Một Cột là một trong những ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất tại Châu Á, là biểu tượng văn hoá và điểm đến tâm linh ở Thủ đô Hà Nội. Với vẻ đẹp kiến trúc cổ kính cùng những giá trị về mặt lịch sử, ngôi chùa này sẽ mang đến cho con người ngày nay một cái nhìn trực quan, hấp dẫn về văn hoá Phật Giáo Việt. Đây là địa điểm tham quan không thể bỏ lỡ khi các bạn đi du lịch Hà Nội, cũng là biểu tượng không thể tách rời khi nói đến văn hóa và lịch sử của Hà Nội.

Chùa Một Cột là ngôi chùa cổ ở Việt Nam được xây dựng từ thời vua Lý Thái Tông, còn được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như Chùa Mật, Liên Hoa Đài hay Diên Hựu Tự. Dưới thời nhà Lý, chùa tọa lạc trên phần đất của thôn Thanh Bảo, huyện Quảng Đức, phía tây Hoàng thành Thăng Long. Ngày nay, chùa thuộc quận Ba Đình, nằm ở công viên phía sau phố Ông Ích Khiêm, cạnh quần thể Quảng trường Ba Đình và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Qua thời gian, Chùa Một Cột đã trải qua không ít lần trùng tu, phục dựng vào các triều Trần, Hậu Lê và triều Nguyễn. Năm 1954, quân Pháp đã đặt thuốc nổ phá chùa trước khi rút quân khỏi Hà Nội. Năm 1955, Nhà nước cho tái dựng chùa theo thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng. Tuy nhiên, quy mô chỉ còn gói gọn trong một ngôi chùa nhỏ.

Có thể nói, Chùa Một Cột là sự kỳ diệu của sự sáng tạo và tâm huyết của con người. Kiến trúc của chùa không giống bất kỳ công trình nào khác, với hình dáng của một ngôi nhà trên cột đơn độc giữa một hồ nước nhỏ. Đây không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật kiến trúc độc đáo mà còn là biểu tượng của sự sáng tạo và trí tưởng tượng vô tận của những người xây dựng thời xưa.

Được khởi công xây dựng từ năm 1049 thời nhà Lý, giá trị lịch sử của Chùa Một Cột là không thể phủ nhận. Nó không chỉ là một biểu tượng tôn giáo mà còn là chứng nhận cho sự hồi phục và khôi phục đất nước sau thời kỳ chiến tranh. Chùa đã trải qua nhiều lần tái tạo và sửa chữa, thể hiện tinh thần kiên trì, lòng yêu nước và sự nỗ lực, đồng lòng của cộng đồng để giữ lại và truyền đạt giá trị văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Trong suy nghĩ của em, Chùa Một Cột không chỉ là một di sản văn hóa độc đáo mà còn là nguồn cảm hứng và bài học quý báu về sự sáng tạo, kiên trì, tình yêu quê hương và lòng tin tâm linh. Sự thăng trầm của ngôi chùa chính là lời nhắc nhở em và thế hệ học sinh hiện nay về trách nhiệm của bản thân trong việc bảo vệ và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của đất nước.

Trên đây là những mẫu giới thiệu về một di sản văn hóa của quê hương mà em ấn tượng nhất Hoatieu chia sẻ cho bạn đọc tham khảo. Nếu các bạn muốn giới thiệu về di sản văn hóa ở tỉnh thành khác, thì đừng ngần ngại để lại bình luận bên dưới để Hoatieu làm về địa phương đó nhé. Mời các bạn cùng đọc thêm các bài viết hữu ích khác trong chương trình Học tập: Lớp 8 nhé. 

Đánh giá bài viết
18 29.789
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm