Đề thi Văn học kỳ 2 lớp 10 có đáp án

Đề thi Văn học kỳ 2 lớp 10 có đáp án - Nhằm giúp các em học sinh có thêm tài liệu ôn tập chuẩn bị tốt nhất cho kì thi học kì 2 năm học 2021-2022. Hoatieu xin chia sẻ đến bạn đọc tổng hợp các đề thi Ngữ văn 10 học kì 2 năm 2021- 2022, đề thi học kì 2 lớp 10 môn Văn, đề thi học kì 2 Văn 10 Hà Nội có đáp án chi tiết để các em học sinh củng cố thêm kiến thức môn ngữ văn lớp 10 và đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi.

Đề thi học kì 2 Văn 10 có đáp án - đề 1

Ma trận đề kiểm tra cuối kì 2 Văn 10

Chủ đề \ Mức độ

Nhận biết

Thông hiểu

Vận dụng thấp

Vận dụng cao

Cộng

1. Làm văn:

Xác định được phép tu từ trong câu thơ.

- Khái niệm một số phép tu từ: nhân hóa

- Nhận biết được phép tu từ qua ngữ liệu cụ thể.

Chỉ ra được các hình ảnh nhân hóa qua các ngữ liệu cụ thể.

Chỉ ra được tác dụng của việc sử dụng các phép tu từ trong những ngữ liệu cụ thể.

1,0

1,0

1,0

30%= 3 điểm

2. Làm văn:

Kỹ năng làm văn nghị luận

văn học: về tác phẩm thơ

Nhớ được những nét chính về tác giả, tác phẩm.

Hiểu, giải thích được ý nghĩa của các từ ngữ, biện pháp nghệ thuật then chốt.

Chỉ ra được ý nghĩa của bài thơ qua các từ ngữ, biện pháp nghệ thuật then chốt.

Đánh giá, liên hệ rút ra bài học cho bản thân

0,5

1,5

4,0

1,0

70%=

7điểm

1,0= 1,0%

3,0 = 30%

5,0 = 50%

1,0 = 10%

100%=

10điểm

Đề thi học kì 2 Văn 10

Phần I: Đọc – hiểu (3 điểm)

Đọc câu chuyện sau và trả lời các câu câu hỏi bên dưới:

Tôi vốn là một tảng đá khổng lồ trên núi cao, trải qua bao năm tháng dài đằng đẵng bị mặt trời nung đốt, người tôi đầy vết nứt. Tôi vỡ ra và lăn xuống núi, mưa bão và nước lũ cuốn tôi vào sông suối. Do liên tục bị va đập, lăn lộn, tôi bị thương đầy mình. Nhưng rồi chính những dòng nước lại làm lành những vết thương của tôi. Và tôi trở thành một hòn sỏi láng mịn như bây giờ.

Câu 1: Hãy nêu ngắn gọn nội dung câu chuyện?

Câu 2: Những từ ngữ “nung đốt”, “vết nứt”, “vỡ ra”, “va đập”, “lăn lộn”, “bị thương” cùng nhằm biểu đạt nội dung gì? Từ câu chuyện trên, anh/chị rút ra bài học gì về cuộc sống?

Phần II: Làm văn (7 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp nhân cách Thúy Kiều được thể hiện qua đoạn trích “Trao duyên” (trích “Truyện Kiều” của Nguyễn Du).

Đáp án đề thi học kì 2 Ngữ văn 10

Phần I. Đọc hiểu

Câu

Nội dung

Điểm

1

Câu 1: Câu chuyện kể về hành trình của hòn sỏi từ đảng đá khổng lồ, gồ ghề, nứt nẻ trải qua nhiều va đập trở thành hòn sỏi láng mịn.

1.0

2

- Những từ ngữ “nung đốt”, “vết nứt”, “vỡ ra”, “va đập”, “lăn lộn”, “bị thương” cùng nhằm biểu đạt những khó khăn thử thách, chông gai trên đường đời.

- Bài học về cuộc sống: Cuộc sống chẳng bao giờ chỉ mang đến hạnh phúc, cũng chẳng bao giờ chỉ mang đến nỗi đau. Vượt qua gian khổ, vượt qua những thử thách, vượt qua những nỗi đau cũng là tự vượt qua chính mình để vươn lên và sống có ích cho đời.

1.0

1.0

Phần II: Làm văn (7 điểm)

1. Yêu cầu về kĩ năng:

- Biết làm một bài văn nghị luận có bố cục ba phần.

- Luận điểm, luận cứ, luận chứng sáng rõ.

- Không mắc lỗi về diễn đạt chính tả; từ ngữ, ngữ pháp chuẩn xác; hành văn trong sáng, mạch lạc

- Biết vận dụng nhiều thao tác nghị luận trong phân tích, cảm thụ tác phẩm.

- Khuyến khích những bài viết sáng tạo thể hiện được cảm nghĩ sâu sắc riêng của cá nhân.

2.Yêu cầu về kiến thức:

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau song phải đảm bảo những ý cơ bản sau:

- Nêu yêu cầu nghị luận: Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Du, tác phẩm Truyện Kiều, đoạn trích Trao duyên và nhân vật Thúy Kiều

- Kiều là người chu đáo, vị tha, biết nghĩ cho người khác nhiều hơn là cho mình:

+ Nghĩ và thương cho Kim Trọng nên nhờ em “thay lời nước non”. Hành động này khẳng định Thúy Kiều đã đặt hạnh phúc của người mình yêu lên trên hết.

+ Đặt mình vào địa vị Thúy Vân để cảm nhận được sự hi sinh lớn lao của em. Kiều lạy em là lạy sự hi sinh cao cả ấy.

- Thủy chung son sắt trong tình yêu: Trao duyên cho em nhưng chẳng thể trao tình.

+ Khi trao kỉ vật, Kiều không đành lòng trao tất cả lại cho em.

+ Không sao quên được mối tình đầu, nàng muốn được trở về với tình yêu bằng linh hồn bất tử sau khi chết, muốn được sống mãi với tình yêu của mình.

- Giàu đức hi sinh: Kiều chấp nhận thiệt thòi, cam chịu hi sinh:

+ Kiều hi sinh tình yêu của mình để trọn đạo làm con.

+ Kiều hi sinh tình yêu của mình vì hạnh phúc của người yêu: Sau khi trao duyên cho em, Kiều trở lại với thực tại đau đớn xót xa. Kiều nhận tất cả mọi lỗi về mình (thiếp đã phụ chàng) để mang mặc cảm đắc tội với chàng Kim.

- Đánh giá chung:

+ Nguyễn Du đồng cảm và ca ngợi lòng vị tha, đức hi sinh của Thúy Kiều. Đoạn thơ làm hiện ra một nàng Kiều đa cảm, giàu lòng yêu thương, một nàng Kiều khổ đau mà cao quý, luôn biết nghĩ, biết lo và thương cho người khác nhiều hơn cho mình. Thúy Kiều tiêu biểu cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam giàu lòng yêu thương, âm thầm chịu đựng, hi sinh bao đời.

+ Nghệ thuật đặc sắc: Nguyễn Du đã thể hiện năng lực thấu hiểu con người và đã miêu tả thành công diễn biến tâm lí nhân vật thông qua lời đối thoại, độc thoại.

Đề thi học kì 2 Văn 10 có đáp án - đề 2

Đề thi học kỳ 2 Ngữ văn lớp 10

Câu 1: Nêu các đặc trưng cơ bản của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật? Trong đó đặc trưng nào là cơ bản nhất? ( 1 điểm

Câu 2: Phân tích và chữa lỗi trong các câu sau: (1 điểm)

a. Qua tác phẩm “Truyện Kiều” đã cho ta thấy hình ảnh của người phụ nữ đẹp nhưng bất hạnh.

b. Nếu đội nào thắng sẽ giành quyền vào vòng tứ kết.

c. Cứ tiếp tục đánh Pháp cho đến ngày toàn thắng.

d. Cái làng nhỏ quê mùa ven sông tấp nập thuyền ghe.

Câu 3: Nêu ý nghĩa của chi tiết hồi trống Cổ Thành trong hồi 28 – tác phẩm “Tam Quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung? (1điểm)

Câu 4: Cảm nhận của anh (chị) về hai câu thơ sau: (2 điểm)

“ Khi tỉnh rượu lúc tàn canh,

Giật mình mình lại thương mình xót xa ”.

(Nỗi thương mình, Trích Truyện Kiều-Nguyễn Du)

Câu 5: (5 điểm)

Anh (chị) hãy viết một bài thuyết minh để giới cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trãi.

Đáp án Đề thi học kỳ 2 Ngữ văn lớp 10

Câu 1: (1 điểm)

- Nêu được 3 đặc trưng của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật:

+ Tính hình tượng

+ Tính truyền cảm

+ Tính cá thể hóa

- Đặc trưng cơ bản nhất: tính hình tượng

Lưu ý: Mỗi ý được 0.25 điểm

Câu 2 : (1 điểm).

  1. Sai: Câu mới có trạng ngữ, thiếu C-V

Chữa: C1: Qua tác phẩm “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã cho ta thấy hình ảnh của người phụ nữ đẹp nhưng bất hạnh.

C2: Bỏ từ “qua”: Tác phẩm “Truyện Kiều” đã cho ta thấy hình ảnh của người phụ nữ đẹp nhưng bất hạnh.

  1. Sai: Câu mới có trạng ngữ và vị ngữ, thiếu chủ ngữ.

Chữa: Nếu đội nào thắng, đội đó sẽ giành quyền vào vòng tứ kết.

  1. Sai: Câu thiếu chủ ngữ.

Chữa: Chúng ta vẫn cứ tiếp tục đánh Pháp cho đến ngày toàn thắng.

  1. Sai: Câu thiếu vị ngữ.

Chữa: C1: Cái làng nhỏ quê mùa ven sông ấy giờ luôn tấp nập thuyền ghe.

C2: Cái làng nhỏ quê mùa ven sông tấp nập thuyền ghe ấy đã khác xưa rồi.

Lưu ý: Mỗi ý được 0.25 điểm

Câu 3 : Ý nghĩ chi tiết hồi trống Cổ Thành trong hồi 28- tác phẩm « Tam quốc diễn nghĩa » của La Quán Trung :

- Hồi trống giải nghi với Trương Phi

- Hồi trống minh oan cho Quan Công .

Hồi trống thử thách, đoàn tụ, ca ngợi tình nghĩa anh em.

Hồi trống ca ngợi đoàn tụ giữa các anh hùng.

Tạo nên không khí chiến trận hào hùng, ý vị hấp dẫn đặc biệt.

Câu 4 : Cảm nhận về hai câu thơ :

* Học viên có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần nêu được những ý chính sau :

- Bối cảnh Kiều bộc lộ tâm trạng của mình: Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh. Đây là khoảnh khắc hiếm hoi Kiều đối diện với chính mình, sống thực với mình nhất.

- Tâm trạng đầy thảng thốt của Thúy Kiều, từ “mình” lặp lại ba lần trong một câu thơ có nhịp điệu thổn thức như một tiếng khóc nghẹn ngào. Cái giật mình bất chợt thể hiện sự ngạc nhiên và hoang mang đến sợ hãi củaThúy Kiều trước sự đổi thay ghê gớm của số phận mình. → thể hiện nhân cách lòng tự trọng của Kiều.

- Sự cảm thông, thương xót của Nguyễn Du đối với thân phận đầy bất hạnh, tủi hờn của nàng Kiều.

* Hướng dẫn chấm:

- 2.0 - 1.5 điểm:

+ Trình bày được các ý nêu trên.

+ Diễn đạt tốt, có cảm xúc.

+ Có thể mắc một vài sai sót nhỏ.

- 1.0 điểm:

+ Trình bày được nửa số ý nên trên.

+ Văn chưa mạch lạc nhưng cũng diễn đạt được ý.

+ Không mắc quá nhiều lỗi diễn đạt.

- 0.5 điểm:

+ Trình bày được khoảng một phần ba số ý nêu trên.

+ Văn lủng củng nhưng cũng diễn đạt được ý.

+ Còn nhiều lỗi diễn đạt.

- 0.0 điểm:

Sai lạc cả nội dung và phương pháp.

Câu 5 :

I. YÊU CẦU CHUNG :

- Biết cách làm văn thuyết minh văn học, vận dụng tốt các hình thức kết cấu và các phương thức biểu đạt.

- Bài viết có bố cục rõ ràng, mạch lạc, thuyết phục, không mắc lỗi dùng từ, chính tả, ngữ pháp.

- Vận dụng các phương pháp thuyết minh đã học, có thể kết hợp thêm các yếu tố tự sự, biểu cảm.

II. YỀU CẦU CỤ THỂ:

* Học viên có thể trình bày theo những cách khác nhau nhưng cần nêu được những ý chính sau :

1. Mở bài :

- Nguyễn Trãi là một nhà thơ, nhà văn kiệt xuất, là danh nhân văn hóa thế giới có những đóng góp lớn cho sự phát triển của văn hóa, văn học dân tộc.

2. Thân bài :

- Giới thiệu về cuộc đời Nguyễn Trãi

+ Nguyễn Trãi (1380 – 1442) hiệu là Ức trai, quê gốc ở Chi Ngại (Hải Dương) sau dời về Nhị Khê (Thường Tín, Hà Nội).

+ Giới thiệu về cha, mẹ của Nguyễn Trãi.

+ Cuộc đời ông gắn liền với nhiều biến cố thăng trầm của dân tộc : giặc Minh sang xâm lược, Lê Lợi lập nên triều Hậu Lê…

+ Cuộc đời Nguyễn Trãi là cuộc đời của một người anh hùng lẫy lừng nhưng lại oan khuất và bi kịch nhất trong lịch sử.

- Giới thiệu về sự nghiệp văn chương của Nguyễn Trãi :

+ Nói Nguyễn Trãi là nhà văn chính luận xuất sắc bởi ông có một khối lượng lớn các tác phẩm chính luận sáng ngời chủ nghĩa yêu nước, nhân nghĩa. Nghệ thuật viết chính luận của ông cũng lên đến bậc thầy.

+ Nguyễn Trãi còn là nhà thơ trữ tình xuất sắc :

§ Về mặt nội dung : Thơ ông phản chiếu vẻ đẹp của tâm hồn ông trong sáng, đầy sức sống. Nguyễn Trãi hiện lên trong thơ vừa là người anh hùng vĩ đại, vừa là con người trần thế bình dị.

§ Về mặt nghệ thuật : Ông đã có những cách tân lớn trên hai phương diện thể loại và ngôn ngữ. Ông đã đan xen thành công những câu thơ lục ngôn vào thể thơ thất ngôn Đường luật. Ông đã góp phần Việt hóa ngôn ngữ thơ Nôm.

- Đánh giá về đóng góp của Nguyễn Trãi với văn hóa, văn học dân tộc :

+ Ông đã trở thành một hiện tượng văn học kết tinh truyền thống văn học Lí – Trần đồng thời mở đầu cho một giai đoạn phát triển mới.

+ Ông đã để lại tập thơ Nôm sớm nhất làm di sản thơ Nôm Việt Nam độc đáo.

+ Nguyễn Trãi đã đưa ý thức dân tộc lên đến đỉnh cao kết tinh tư tưởng Việt Nam thời trung đại.

3. Kết bài:

- Nguyễn Trãi sống mãi trong tâm hồn người đọc bởi ông vừa là nhà thơ vừa là danh nhân văn hóa lớn.

- Nguyễn Trãi được coi là người đặt nền móng cho thơ Nôm Việt Nam phát triển và lên đến đỉnh cao.

Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 10 Hà Nội

Đề thi học kì 2 lớp 10 môn Ngữ văn trường Đa Phúc

Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 10 trường THPT Đa Phúc, Hà Nội có đáp án kèm theo. Đề thi môn Văn lớp 10 học kì 2 này sẽ là tài liệu tham khảo được VnDoc sưu tầm và giới thiệu tới các bạn học sinh để củng cố và nâng cao kiến thức ôn thi học kì II môn Văn lớp 10, ôn thi cuối năm. Chúc các bạn học tốt và đạt được kết quả tốt trong các kì thi sắp tới.

I. Phần Đọc hiểu (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu nêu dưới:

Cái quý giá nhất trên đời mà mỗi người có thể góp phần mang lại cho chính mình và cho người khác đó là "năng lực tạo ra hạnh phúc", bao gồm năng lực làm người, năng lực làm việc và năng lực làm dân.

Năng lực làm người là có cái đầu phân biệt được thiện - ác, chân - giả, chính - tà, đúng - sai..., biết được mình là ai, biết sống vì cái gì, có trái tim chan chứa tình yêu thương và giàu lòng trắc ẩn. Năng lực làm việc là khả năng giải quyết được những vấn đề của cuộc sống, của công việc, của chuyên môn, và thậm chí là của xã hội. Năng lực làm dân là biết được làm chủ đất nước là làm cái gì và có khả năng để làm được những điều đó. Khi con người có được những năng lực đặc biệt này thì sẽ thực hiện được những điều mình muốn. Khi đó, mỗi người sẽ trở thành một "tế bào hạnh phúc", một "nhà máy hạnh phúc" và sẽ ngày ngày "sản xuất hạnh phúc" cho mình và cho mọi người.

Xã hội mở ngày nay làm cho không có ai là "nhỏ bé" trên cuộc đời này, trừ khi tự mình muốn "nhỏ bé". Ai cũng có thể trở thành những "con người lớn" bằng hai cách, làm được những việc lớn hoặc làm những việc nhỏ với một tình yêu cực lớn. Và khi biết chọn cho mình một lẽ sống phù hợp rồi sống hết mình và cháy hết mình với nó, mỗi người sẽ có được một hạnh phúc trọn vẹn. Khi đó, ta không chỉ có những khoảnh khắc hạnh phúc, mà còn có cả một cuộc đời hạnh phúc. Khi đó, tôi hạnh phúc, bạn hạnh phúc và chúng ta hạnh phúc. Đó cũng là lúc ta thực sự "chạm" vào hạnh phúc!.

("Để chạm vào hạnh phúc"- Giản Tư Trung, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, 3/2/2012)

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là gì?

Câu 2: Nêu nội dung chính của văn bản trên?

Câu 3: Văn bản trên có nhiều cụm từ in đậm được để trong dấu ngoặc kép, hãy nêu công dụng của việc sử dụng dấu ngoặc kép. Từ đó, hãy giải thích nghĩa hàm ý của 02 cụm từ "nhỏ bé" và "con người lớn"?

Câu 4: Theo quan điểm riêng của mình, anh/chị chọn cách "chạm" vào hạnh phúc bằng việc "làm những việc lớn" hay "làm những việc nhỏ với một tình yêu cực lớn"? (Trình bày bằng một đoạn văn từ 7 - 10 dòng)

II. Phần Làm văn: (6,0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau:

"Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước,
Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen.
Ngoài rèm thước chẳng mách tin,
Trong rèm dường đã có đèn biết chăng?
Đèn có biết dường bằng chẳng biết,
Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi.
Buồn rầu nói chẳng nên lời,
Hoa đèn kia với bóng người khá thương".

(Trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ - Chinh phụ ngâm, nguyên văn chữ Hán, Đặng Trần Côn, Bản diễn Nôm Đoàn Thị Điểm (?) - SGK Ngữ văn 10, tập 2, NXB Giáo dục)

............ Hết ............

Đáp án đề thi học kì 2 lớp 10 môn Ngữ văn

I. Phần Đọc hiểu (4,0 điểm)

1. Phương thức biểu đạt chính của văn bản: Nghị luận. (0.5)

2. Nội dung chính của văn bản trên: (1.0)

Con người có năng lực tạo ra hạnh phúc, bao gồm: năng lực làm người, làm việc, làm dân.
Để chạm đến hạnh phúc con người phải trở thành "con người lớn" bằng hai cách: làm việc lớn hoặc làm việc nhỏ với tình yêu lớn.
(Chú ý: HS có thể diễn đạt khác nhau nhưng chạm vào ý là cho điểm)

3. - Công dụng của việc sử dụng dấu ngoặc kép: làm nổi bật, nhấn mạnh đến một ý nghĩa, một cách hiểu khác có hàm ý... (0.25)

- Nghĩa hàm ý của hai cụm từ "nhỏ bé": tầm thường, thua kém, tẻ nhạt... và "con người lớn": tự do thể hiện mình, khẳng định giá trị bản thân, thực hiện những ước mơ, sống cao đẹp, có ích, có ý nghĩa... (0.75)

(Chú ý: HS nói được 2 đến 3 ý thì cho điểm tối đa).

4. Nêu được lí do khẳng định lối sống theo quan điểm riêng của bản thân. "Làm những việc lớn" gắn với ước mơ, lí tưởng hào hùng, lối sống năng động, nhiệt huyết, tràn đầy khát vọng. Còn "tìm những việc nhỏ với một tình yêu cực lớn" lại chú trọng đến niềm đam mê, cội nguồn của sáng tạo. (1.5)

II. Phần Làm văn: (6,0 điểm)

a. Cấu trúc bài văn nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề nghị luận; thân bài triển khai được vấn đề; kết bài khái quát lại được vấn đề nghị luận. (0,25)

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: tâm trạng buồn, cô đơn, lẻ loi của người chinh phụ. (0,25)

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

Lưu ý: HS có thể triển khai theo nhiều cách khác nhau song cần đảm bảo các ý:

* Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và nêu vấn đề nghị luận – Tâm trạng: Buồn, cô đơn, lẻ loi của người chinh phụ (0.5)

* Nội dung đoạn thơ: Tâm trạng: Buồn, cô đơn, lẻ loi của người chinh phụ. (3.0)

Không gian vắng lặng hắt hiu chỉ có bước chân của người lẻ bóng thầm gieo trên hiên vắng.
Người chinh phụ đứng ngồi không yên, hết rủ rèm rồi lại cuốn rèm, đi đi lại lại như chờ mong tin lành báo chồng trở về, nhưng tin tức về người chồng vẫn bặt vô âm tín. Nỗi thất vọng tràn trề.
=> Ở ngoài hiên hay trong phòng, nàng vẫn lẻ loi, cô đơn hết sức.

Mong tiếng con chim thước (chim khách) cất lên tiếng kêu, nhưng cả tiếng chim khách của sự mong mỏi cũng im ắng.
Đêm khuya, một mình một bóng dưới ánh đèn, người chinh phụ khao khát sự đồng cảm, sẻ chia, nàng hi vọng ngọn đèn thấu hiểu và soi tỏ lòng mình. Nhưng đèn vô tri vô cảm, đèn không thể an ủi, sẻ chia cùng người nỗi buồn đau cô lẻ.
* Nghệ thuật: Miêu tả tâm trạng (Qua hành động, lời độc thoại, không gian, biện pháp tu từ: so sánh, ẩn dụ...) (1.0)

* Khái quát lại tâm trạng buồn, cô đơn, lẻ loi của người chinh phụ. (0.5)

4. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về đoạn thơ. (0,25)

5.Chính tả: Đảm bảo qui tắc chính tả trong tiếng Việt: Dùng từ, đặt câu... (0,25)

Để xem đầy đủ bộ đề thi học kì 2 môn Văn lớp 10 có đáp án, mời các bạn sử dụng file tải về.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
7 11.534
0 Bình luận
Sắp xếp theo