Đề cương tuyên truyền đại hội đại biểu nông dân 2018-2023
Đề cương tuyên truyền đại hội đại biểu nông dân 2018-2023
Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Đề cương tuyên truyền Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018 - 2023. hoatieu.vn xin trân trọng giới thiệu toàn văn bản Đề cương.
I. VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA GIAI CẤP NÔNG DÂN VIỆT NAM.
1. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của giai cấp nông dân Việt Nam
- Quan điểm của Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của giai cấp nông dân:
+ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nông dân là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất trung thành của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến kiến quốc thành công, muốn độc lập thống nhất thật sự ắt phải dựa vào lực lượng của nông dân. Đồng bào nông dân sẵn có lực lượng to lớn, sẵn có lòng nồng nàn yêu nước, sẵn có chí khí kiên quyết đấu tranh và hy sinh”[1]. Trong hành trình đi tìm đường cứu nước và trải nghiệm thực tiễn cách mạng đã giúp Người hiểu và khẳng định rằng vấn đề giải phóng dân tộc ở Việt Nam thực chất là vấn đề nông dân. Nông dân vừa là động lực, vừa là lực lượng đông đảo, nòng cốt, và cũng là đối tượng vận động của cách mạng.
+ Ngay từ những năm tháng hoạt động cách mạng đầu tiên, Người đã chú ý tìm hiểu, nghiên cứu về vấn đề nông dân. Những bài phát biểu tại Hội nghị Quốc tế nông dân lần thứ nhất (10/1923); các bài viết về Tình cảnh nông dân An Nam, Tình cảnh nông dân Trung Quốc, Nông dân Bắc Phi (1924); và phát biểu tại Đại hội lần thứ V Quốc tế cộng sản (7/1924)... đã thể hiện sự hiểu biết sâu sắc của Người về giai cấp nông dân, đồng thời khái quát, chỉ rõ lực lượng đông đảo, sức mạnh to lớn, vị trí, vai trò quan trọng của nông dân trong công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Người nói rõ trong Hội nghị Quốc tế Nông dân lần thứ nhất: “Tôi phải nhắc lại với các đồng chí rằng Quốc tế của các đồng chí chỉ trở thành một quốc tế thật sự khi mà không những nông dân phương Tây, mà cả nông dân ở phương Đông, nhất là nông dân ở các thuộc địa là những người bị bóc lột và bị áp bức nhiều hơn các đồng chí đều tham gia Quốc tế của các đồng chí”[2].
- Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác vận động nông dân:
+ Trong Cương lĩnh chính trị tháng 2-1930, Người xác định: Đảng phải lôi cuốn đại đa số dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo, lãnh đạo họ làm cách mạng. Và, để phát huy được lực lượng, vai trò, sức mạnh to lớn của nông dân thì công tác nông vận hết sức quan trọng, “Nông vận là phải: Tổ chức nông dân thật chặt chẽ. Đoàn kết nông dân thật khăng khít. Huấn luyện nông dân thật giác ngộ. Lãnh đạo nông dân hăng hái đấu tranh cho lợi ích của nông dân, Tổ quốc”[3]... Và vận động nông dân là phải: “Vận thế nào cho toàn thể nông dân động, nghĩa là: làm cho nông dân hiểu rõ quyền lợi của dân tộc và của giới mình; làm cho nông dân vào Hội Nông dân cứu quốc cho đông để phấn đấu cho mục đích của mình và tích cực tham gia công cuộc kháng chiến kiến quốc”[4]. Đó là tư tưởng, đường lối, phương châm về công tác nông vận của Hồ Chí Minh, tư tưởng ấy thể hiện tầm nhìn chiến lược của Người đối với cách mạng Việt Nam, kế thừa truyền thống “lấy dân làm gốc” - cách mạng là sự nghiệp của quần chúng và “công nông là gốc cách mạng”.
+ Theo Hồ Chí Minh, có phát huy được sức mạnh, lực lượng to lớn của nông dân hay không, điều đó phụ thuộc phần lớn vào công tác nông vận. Trong thực tiễn, đã có nhiều cuộc nổi dậy của nông dân ở các nước thuộc địa, thậm chí ở cả chính quốc gia đi xâm lược, nhưng cuối cùng đều thất bại do thiếu tổ chức, thiếu người lãnh đạo. Nguyễn Ái Quốc đã thẳng thắn đề nghị “Quốc tế cộng sản cần phải giúp đỡ họ tổ chức lại, cần phải cung cấp cán bộ lãnh đạo cho họ và chỉ cho họ con đường đi tới cách mạng và giải phóng”[5]. Đảng phải biết vận động, tập hợp, tổ chức và giáo dục, giác ngộ nông dân để họ tự nguyện, hăng hái góp sức mình vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc.
2. Vị trí, vai trò của giai cấp nông dân trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam
- Trong những năm tháng lầm than của cả dân tộc, nhân dân ta “một cổ ba tròng”, thì phong trào yêu nước của nông dân là “bà đỡ” cho phong trào công nhân phát triển và là điều kiện thúc đẩy cho Đảng ra đời. Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp nông dân là lực lượng chủ yếu cùng với các giai cấp khác đấu tranh giành chính quyền, bảo vệ Đảng, bảo vệ độc lập dân tộc và giang sơn đất nước.
- Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hơn 80% lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu và hy sinh trên chiến trường là nông dân. Có thể nói, trong những lúc khó khăn nhất, địa bàn nông thôn là chỗ dựa của cách mạng, là nơi bảo vệ, chở che cái nôi cách mạng; giai cấp nông dân là lực lượng bảo vệ Đảng, chính quyền nhân dân còn non trẻ trong những lúc khó khăn nhất.
- Tại Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng, Đảng ta khẳng định: Cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân thực chất là cuộc cách mạng của giai cấp nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng... Đó là đánh giá chính xác nhất, công bằng nhất đối với công lao của giai cấp nông dân.
3. Vị trí, vai trò của giai cấp nông dân, nông nghiệp, nông thôn trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay
- Giai cấp nông dân và kinh tế nông nghiệp, nông thôn đóng vai trò quan trọng cho sự ra đời và thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước. Nông nghiệp, nông thôn và nông dân là 3 nhân tố góp phần quan trọng đưa đất nước thoát khỏi cơn khủng hoảng kinh tế - xã hội những năm đầu thập niên 80. Kể từ những năm đầu thập niên 90, sản phẩm nông nghiệp nước ta dần dần chiếm lĩnh và khẳng định được vị trí trên thị trường quốc tế, đặc biệt, xuất khẩu gạo, hạt điều, hạt tiêu, cà phê, thủy sản… nhiều năm liền đứng tốp đầu trên thị trường thế giới.
- Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, kinh tế nông nghiệp, nông thôn có vai trò quan trọng, là “tiền đề” cho công nghiệp hóa hiện đại hóa trên các lĩnh vực khác thành công. Trong đó, giai cấp nông dân đang là chủ lực quân của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và đang là lực lượng nòng cốt xây dựng nông thôn mới.
- Ngày nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong điều kiện hội nhập quốc tế, vị trí của giai cấp nông dân không hề giảm đi mà vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị - xã hội và sự phát triển bền vững nền kinh tế đất nước. Những năm qua, nhờ tập trung phát triển “nông nghiệp sạch”, “nông nghiệp công nghệ cao”, nông nghiệp nước ta đang chiếm lĩnh và cạnh tranh với nhiều quốc gia trên các thị trường thế giới. Việt Nam là một trong 50 nước xuất khẩu nông sản, hải sản lớn, kim ngạch xuất khẩu cao có mặt ở nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Thành công đó trước hết thuộc về giai cấp nông dân.
- Giai cấp nông dân Việt Nam đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của toàn xã hội và chất lượng nguồn nhân lực lao động ở nước ta. Hơn 80% lương thực, thực phẩm tiêu dùng trong xã hội được cung cấp từ những người nông dân. Mối quan hệ giữa chất lượng sản phẩm nông nghiệp và chất lượng cuộc sống của dân cư trong xã hội được quyết định một phần rất lớn từ những người nông dân. Hiện nay, giai cấp nông dân chiếm gần 70% dân cư và chiếm hơn 40% lực lượng lao động xã hội. Địa bàn nông thôn vẫn là thị trường đầy tiềm năng để khai thác các nguồn lực và tiêu thụ sản phẩm và thu hút đầu tư.
II. HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM QUA CÁC THỜI KỲ
1. Sự hình thành và phát triển của Hội Nông dân Việt Nam
- Từ năm 1925 đến năm 1929, phong trào đấu tranh của nông dân rộng khắp với số người tham gia rất đông tại các tỉnh, thành phố. Trong đấu tranh, giai cấp nông dân ngày càng trưởng thành. Nhiều tổ chức của nông dân như: hội lợp nhà, hội hiếu hỷ, hội tương tế được nông dân hoặc các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập nhằm bảo vệ quyền lợi của nông dân; nhiều vùng nông thôn đã trở thành “làng Đỏ”.
- Tháng 10/1930, Hội nghị Trung ương Đảng tại Hương Cảng (Trung Quốc) đã ra Nghị quyết về Tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng, trong đó nêu rõ: “Phải chỉnh đốn Nông hội lại cho có hệ thống theo điều lệ mới và dự bị việc tổ chức Đông Dương tổng Nông hội. Phải tổ chức đội tự vệ của nông dân”[6]; thành lập Tổng Nông hội Đông Dương (Tên gọi đầu tiên của Hội Nông dân Việt Nam) và thông qua Điều lệ trong đó nêu rõ mục đích: nhằm thống nhất hết thảy Tổng Nông hội Đông Dương để đấu tranh, bênh vực quyền lợi hàng ngày của nông dân để thực hiện cách mạng thổ địa.
- Trong giai đoạn cách mạng 1931-1935, tổ chức Hội Nông dân có tên gọi chung là Nông hội đỏ. Về nhiệm vụ, ngày 20/3/1931, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị về vấn đề chỉnh đốn Nông hội Đỏ; Chỉ thị nêu rõ: Củng cố khối bần, cố nông, đoàn kết với trung nông, rèn luyện vai trò vô sản lãnh đạo nông thôn; Đẩy mạnh việc tổ chức Nông hội làng; tuyên truyền sâu rộng chủ trương của Đảng; đoàn kết đấu tranh, giương cao khẩu hiệu: chống sưu thuế, địa tô, chống nạn thất nghiệp, chống khủng bố trắng, chống cải lương lừa dối, chống chiến tranh.
- Trong giai đoạn cách mạng 1936 - 1939, tổ chức Hội và nông dân đã tích cực tham gia phòng trào đấu tranh đòi dân sinh dân chủ. Tháng 3/1937, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp và quyết định đổi tên Nông hội đỏ thành Nông hội. Nông hội có nhiệm vụ thu hút đông đảo nông dân đoàn kết đấu tranh đòi cứu tế nạn đói, giảm tô, giảm tức, cải cách hương thôn, đòi chia lại ruộng đất công, chống sưu cao thuế nặng, phù thu lạm bổ, chống nạn cướp ruộng đất…
- Trong giai đoạn cách mạng 1939 - 1945, tại Hội nghị Trung ương Đảng tháng 5/1941 đã thông qua Chương trình của Mặt trận Việt Minh. Trong đó nêu rõ: chính sách hiện tại của Đảng là chính sách cứu quốc, cho nên mục đích của các hội quần chúng cũng xoay về cứu quốc là cốt yếu. Vì vậy: “Nông hội từ nay gọi là Việt Nam Nông dân cứu quốc Hội”[7]. Tôn chỉ mục đích, nhiệm vụ chủ yếu là: Liên hiệp tất cả hết thảy các hạng nông dân yêu nước để bênh vực quyền lợi hàng ngày cho nông dân và cùng các đoàn thể khác chuẩn bị đánh Pháp, đuổi Nhật giành lại quyền độc lập cho nước Việt Nam.
- Trong giai đoạn cách mạng 1945 - 1954, Việt Nam Nông dân cứu quốc Hội mới chỉ hình thành và hoạt động từ cấp tỉnh trở xuống. Đến cuối năm 1949, Hội nghị cán bộ nông dân toàn quốc lần thứ nhất họp từ ngày 28/11 đến ngày 07/12/1949 đã nhất trí thành lập Hội Nông dân cứu quốc Trung ương (sau này đổi tên là Ban Liên lạc nông dân toàn quốc). Về nhiệm vụ, đáp ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nông dân cả nước đã đoàn kết, hăng hái tham gia thực hiện cùng một lúc 2 nhiệm vụ chiến lược là “Kháng chiến” và “Kiến quốc”.
- Trong giai đoạn cách mạng 1954 - 1975, ở giai đoạn này, nông dân và tổ chức của mình đã tích cực thực hiện xây dựng xã hội chủ nghĩa (ở miền Bắc) và đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược (ở miền Nam). Ở miền Nam, tổ chức Hội có tên gọi là Hội Nông dân giải phóng. Đây là hạt nhân chính trị của phong trào và tổ chức nông dân đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Về nhiệm vụ, hòa chung cùng nhân dân cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp nông dân Việt Nam và tổ chức của nông dân Việt Nam phải cùng một lúc thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước.
- Trong giai đoạn cách mạng 1975 - 1986, ngày 25/6/1979 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra quyết định tách Ban trù bị Đại hội đại biểu nông dân tập thể Trung ương thành một cơ quan riêng (trước đây nằm trong Ban Nông nghiệp Trung ương) thuộc hệ thống các đoàn thể quần chúng, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Bí thư. Sau đó, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập tổ chức thống nhất của nông dân trong cả nước với hệ thống tổ chức từ Trung ương đến cơ sở và lấy tên là Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam. Về nhiệm vụ, tập hợp đoàn kết rộng rãi nông dân lao động, giáo dục vận động nông dân thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp ở miền Nam…
- Giai đoạn từ năm 1986 đến nay, đây là giai đoạn nông dân và tổ chức của mình cùng nhân dân cả nước tập trung thực hiện Đường lối “Đổi mới”, “Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa”, “Hội nhập quốc tế”. Ngày 01/3/1988, Ban Bí thư đã ra Quyết định số 42-QĐ/TW đổi tên Hội Liên Hiệp nông dân tập thể Việt Nam thành Hội Nông dân Việt Nam và tên gọi này được giữ nguyên cho đến ngày nay.
2. Các kỳ đại hội của Hội Nông dân Việt Nam
- Đại hội lần thứ I (nhiệm kỳ 1988 - 1993)
+ Đại hội được tổ chức từ ngày 28/3 - 29/3/1988 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Tham dự Đại hội có 613 đại biểu thay mặt cho 11.188.789 hội viên của cả nước. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 95 đồng chí và bầu 17 Ủy viên Ban Thường vụ. Đồng chí Phạm Bái - Ủy viên Trung ương Đảng được bầu giữ chức Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
+ Đại hội là sự kiện chính trị trọng đại, đã đánh dấu một mốc son quan trọng trên chặng đường lịch sử vẻ vang gần 6 thập kỷ, mở ra giai đoạn phát triển mới của phong trào nông dân và Hội Nông dân Việt Nam, từ đây, một tổ chức chính trị - xã hội rộng rãi của giai cấp nông dân chính thức được thành lập, có hệ thống tổ chức hoàn chỉnh từ Trung ương đến cơ sở, khẳng định những quan điểm cơ bản của Đảng về vị trí, vai trò của giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam.
- Đại hội lần thứ II (nhiệm kỳ 1993 - 1998)
+ Đại hội được tổ chức từ ngày 15/11 - 19/11/1993 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Dự Đại hội có 600 đại biểu đại diện cho 7.269.982 hội viên. Đại hội đã bầu 77 đồng chí vào Ban Chấp hành và 14 Ủy viên Ban Thường vụ. Đồng chí Nguyễn Văn Chính (Chín Cần) - Ủy viên Trung ương Đảng được bầu lại làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
+ Đây là Đại hội “Đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động”, là Đại hội của trí tuệ và niềm tin, nơi hội tụ ý chí và nguyện vọng của giai cấp nông dân quyết tâm đổi mới và xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh về mọi mặt.
- Đại hội lần thứ III (nhiệm kỳ 1998 - 2003)
+ Đại hội được tổ chức từ ngày 17/11 - 20/11/1998 tại Cung Văn hóa Hữu nghị, Hà Nội. Tham dự Đại hội có 700 đại biểu thay mặt cho 7.215.544 hội viên, nông dân. Đại hội đã bầu 114 Ủy viên Ban Chấp hành, 19 Ủy viên Ban Thường vụ. Đồng chí Nguyễn Đức Triều - Ủy viên Trung ương Đảng được bầu lại giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
+ Đại hội khẳng định tiếp tục đổi mới và phát huy mạnh mẽ vai trò nòng cốt của Hội, tổ chức, động viên giai cấp nông dân phát huy nội lực, cần kiệm xây dựng đất nước, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
- Đại hội lần thứ IV (nhiệm kỳ 2003 - 2008)
+ Đại hội được tổ chức từ ngày 22/11 - 25/11/2003 tại Cung Văn hóa Hữu nghị, Hà Nội. Tham dự Đại hội có 860 đại biểu đại diện cho 8.173.238 hội viên cả nước. Đại hội đã bầu 120 Ủy viên Ban Chấp hành và 21 Ủy viên Ban Thường vụ; đồng chí Vũ Ngọc Kỳ - Ủy viên Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
+ Chủ đề Đại hội là ''Đoàn kết - Đổi mới - Dân chủ - Phát triển''. Đại hội đã xác định phương hướng là: Xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh về mọi mặt, là trung tâm, nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới; nâng cao vai trò đại diện của giai cấp nông dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".
- Đại hội lần thứ V (nhiệm kỳ 2008 - 2013)
+ Đại hội đã được tổ chức từ ngày 22/12 - 25/12/2008 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Mỹ Đình - Hà Nội. Tham dự Đại hội có 1.175 đại biểu đại diện cho 9.563.577 hội viên. Đại hội đã bầu 124 Ủy viên Ban Chấp hành và 21 Ủy viên Ban Thường vụ; đồng chí Nguyễn Quốc Cường - Ủy viên Trung ương Đảng tái đắc cử giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
+ Chủ đề Đại hội: “Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển”. Đại hội đã xác định phương hướng là: “Đoàn kết, năng động, sáng tạo, xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh, là chủ thể trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn; Hội Nông dân vững về chính trị, mạnh về tổ chức, thống nhất về hành động, là trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ đất nước đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế thế giới…”.
- Đại hội lần thứ VI (nhiệm kỳ 2013 - 2018)
+ Đại hội được tổ chức từ ngày 30/6 - 03/7/2013 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Mỹ Đình - Hà Nội. Tham dự Đại hội có 1.169 đại biểu thay mặt cho 9.913.432 hội viên, nông dân cả nước. Đại hội đã bầu 122 Ủy viên Ban Chấp hành và 21 Ủy viên Ban Thường vụ; đồng chí Nguyễn Quốc Cường - được tái cử giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
+ Chủ đề Đại hội: “Đoàn kết - Đổi mới - Chủ động - Hội nhập - Phát triển bền vững”. Đại hội xác định phương hướng: Phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới; đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động theo hướng kết hợp chặt chẽ công tác tập hợp, tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân, tham gia xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giám sát, phản biện xã hội và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với đẩy mạnh hợp tác tăng cường các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ và dạy nghề, đáp ứng nhu cầu và lợi ích thiết thực của hội viên, nông dân. Trực tiếp và phối hợp thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ở nông thôn...
III. MỘT SỐ KẾT QUẢ NỔI BẬT TRONG CÔNG TÁC HỘI VÀ PHONG TRÀO NÔNG DÂN NHIỆM KỲ 2013 - 2018
1. Vị thế, vai trò của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân được thể hiện rõ
Hội Nông dân các tỉnh, thành phố đã chủ động tham mưu cho tỉnh, thành ủy thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành các văn bản triển khai thực hiện, tích cực tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện Kết luận số 61-KL/TW và Quyết định số 673/QĐ-TTg đến cán bộ, hội viên, nông dân. Đồng thời, chủ động làm việc với các sở, ngành, đoàn thể ký chương trình phối hợp, nghị quyết liên tịch để thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Đã có 54 tỉnh, thành ủy, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố bố trí mặt bằng để xây dựng Trung tâm Hỗ trợ nông dân; 63 tỉnh, thành phố và 457/688 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đã cấp ngân sách cho Quỹ Hỗ trợ nông dân; Trung ương Hội đã ký 35 chương trình phối hợp với Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp và các tỉnh, thành Hội đã ký 690 chương trình phối hợp với các sở, ngành cấp tỉnh. Các phong trào thi đua yêu nước của nông dân, nhất là phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh.
2. Về công tác xây dựng Hội
- Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng: Ban Chấp hành Trung ương Hội đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/HNDTW ngày 20/7/2014 về tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nông dân trong tình hình mới. Các cấp Hội tích cực đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng phù hợp với nông dân. Đặc biệt chú trọng tuyên truyền các gương “người tốt, việc tốt”, các mô hình, điển hình tiêu biểu, phổ biến các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới; giáo dục truyền thống, đạo đức cách mạng; kịp thời nắm bắt dư luận xã hội, định hướng tư tưởng cho hội viên, nông dân trong các sự kiện chính trị nhạy cảm của đất nước... Qua đó, nhận thức chính trị, tư tưởng, ý thức cảnh giác cách mạng của cán bộ, hội viên nông dân được nâng cao; tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường vươn lên và sự đồng thuận của nông dân được phát huy; niềm tin của nông dân với Đảng và Nhà nước được củng cố.
- Công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội: Ban Chấp hành Trung ương Hội đã xây dựng và chỉ đạo các cấp Hội triển khai thực hiện Đề án 24 - ĐA/HNDTW ngày 23/6/2016 về xây dựng chi Hội, tổ Hội nghề nghiệp. Đến nay, đã xây dựng được 295 chi Hội, tổ Hội nghề nghiệp tại 62 tỉnh, thành phố. Các cấp Hội tiếp tục đổi mới, sắp xếp, củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức bộ máy và cán bộ tinh gọn, hoạt động hiệu quả theo các quy định, chỉ thị, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII). Do đó chất lượng, hiệu quả hoạt động cơ sở Hội và chi Hội nâng lên, số cơ sở Hội, chi Hội khá và vững mạnh đạt 98,5%, vượt chỉ tiêu Đại hội VI đề ra. Bên cạnh đó, các cấp Hội đã tích cực đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi Hội, tổ Hội theo hướng thiết thực, hiệu quả gắn với sản xuất và đời sống, mang lại lợi ích thiết thực cho hội viên để tập hợp, thu hút nông dân vào tổ chức Hội. Trong nhiệm kỳ vừa qua đã kết nạp được 1.950.345 hội viên, nâng tổng số hội viên trong cả nước hiện nay là 10.207.929. Chất lượng hội viên cũng được nâng lên, hội viên ngày càng gắn bó với Hội.
- Công tác kiểm tra, giám sát: Công tác kiểm tra, giám sát của Hội được củng cố về tổ chức và tăng cường hoạt động. Trung ương Hội đã ban hành Quy định về công tác kiểm tra và kỷ luật của Hội. Hằng năm, 100% Hội Nông dân các cấp đều xây dựng và triển khai thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát. Trong nhiệm kỳ vừa qua, các cấp Hội đã tổ chức 347.752 cuộc kiểm tra. Qua kiểm tra, giám sát đã phát hiện và xử lý 229 vụ vi phạm và tiến hành kỷ luật 37 cá nhân. Thông qua, công tác kiểm tra, giám sát đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh thiếu sót, ngăn chặn và hạn chế tiêu cực, sai phạm; đồng thời động viên, khuyến khích, phát huy các nhân tố mới, tích cực, nhân rộng các điển hình tiên tiến, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp Hội.
3. Đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước của nông dân
Các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động, tổ chức, hướng dẫn để hội viên nông dân tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước do Đảng, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và đặc biệt là 3 phong trào lớn do Hội phát động và chỉ đạo:
- Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững: Ban Chấp hành Trung ương Hội ban hành Nghị quyết số 29-NQ/HNDTW ngày 4/7/2016 về đổi mới nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Phong trào đã trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế, xã hội ở nông thôn. Bình quân hàng năm có hơn 6,2 triệu hộ đăng ký, trong đó có 3,55 triệu hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; đã giúp trên 790.000 hộ nghèo về vật tư nông nghiệp, ngày công lao động, tiêu thụ sản phẩm... trị giá trên 15.000 tỷ đồng; tạo việc làm tại chỗ cho hơn 11 triệu lao động; giúp hơn 200 ngàn hộ nông dân thoát nghèo và đang vươn lên làm ăn khá giả, giàu có và giúp cho trên 1 triệu hộ nghèo có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất.
- Phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh: Các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động nông dân tham gia thực hiện có hiệu quả các tiêu chí của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thông qua phong trào, nông dân đã tự nguyện đóng góp trên 10 ngàn tỷ đồng, trên 29 triệu ngày công, hiến gần 6 triệu m2 đất, làm mới, sửa chữa, nâng cấp trên 847 ngàn km kênh mương nội đồng và 678 ngàn km đường giao thông nông thôn, xóa 29.450 nhà tạm. Các cấp Hội đã tích cực vận động nông dân thi đua xây dựng gia đình văn hóa; tham gia xây dựng thôn, ấp, bản, làng, xã văn hóa; thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội; phòng, chống các tệ nạn xã hội; giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp. Hằng năm các cấp Hội vận động trên 9,6 triệu hộ nông dân đăng ký, trong đó có 8,5 triệu hộ đạt Danh hiệu “Gia đình văn hóa”, xây dựng được trên 11.000 mô hình bảo vệ môi trường nông thôn.
- Phong trào nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh: Các cấp Hội đã tích cực, chủ động phối hợp với Quân đội nhân dân và Công an nhân dân đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; vận động ngư dân tích cực bám biển sản xuất gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; phối hợp với Bộ đội Biên phòng xây dựng “Điểm sáng vùng biên” tổ chức được 25.124 cuộc tuần tra biên giới, cung cấp 34.050 nguồn tin có giá trị cho các đồn biên phòng. Phối hợp với lực lượng Công an phát động phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”; xây dựng được nhiều mô hình tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở nông thôn như mô hình “Tiếng kẻng phòng gian”, “An toàn giao thông”; tổ chức ký cam kết gia đình hội viên không có người vi phạm pháp luật; tham gia hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ... qua đó đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn.
4. Mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất; vận động, hướng dẫn nông dân phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn
- Hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất: Các cấp Hội đã đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân”, tổng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân cả nước đạt 2.857,2 tỷ đồng, doanh số cho vay hơn 5.797 tỷ đồng, xây dựng được 13.380 mô hình liên kết hợp tác, hỗ trợ 285.050 lượt hộ hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Tích cực phối hợp, liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp phân bón, cây giống, con giống trả chậm đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý trị giá trên 6.832,8 tỷ đồng; cung cấp, chuyển giao 2.079 máy móc phục vụ nông nghiệp theo phương thức trả chậm cho nông dân trị giá 1,242 tỷ đồng; trực tiếp và phối hợp dạy nghề cho trên 1,18 triệu nông dân; tổ chức được 300.325 lớp tập huấn ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất cho trên 15 triệu lượt hội viên, nông dân; xây dựng 9.000 mô hình trình diễn VIETGAP và chuyển giao thành công 2.700 mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản. Bên cạnh đó, các cấp Hội đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, các doanh nghiệp tổ chức cung cấp thông tin giá cả thị trường cho nông dân và tổ chức các Hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại ở các địa phương; tổ chức Lễ tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu...
- Vận động, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể: Trung ương Hội ký Chương trình phối hợp với các bộ, ngành để đẩy mạnh phát triển các hình thức kinh tế hợp tác xã trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016- 2020. Các cấp Hội đã tích cực phối hợp tổ chức được 240.594 cuộc tuyên truyền cho hơn 12 triệu lượt hội viên, nông dân về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể; tổ chức được 14.691 lớp tập huấn cho 847.600 lượt cán bộ, hội viên nông dân, cán bộ, thành viên của tổ hợp tác, hợp tác xã về kiến thức kinh tế hợp tác; hướng dẫn thành lập 1.135 hợp tác xã và 101.000 tổ hợp tác như: tổ thuỷ nông, tổ làm đất, tổ bảo vệ thực vật, tổ thu hoạch, tổ cung ứng vật tư hoặc tiêu thụ nông sản và các tổ chuyên ngành theo sở thích…
5. Tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
Các cấp Hội tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Hàng năm đã tổ chức bồi dưỡng, giới thiệu trên 10.000 cán bộ, hội viên, nông dân ưu tú cho các cấp ủy xem xét kết nạp vào Đảng. Tổ chức lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, hội viên vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn về những nội dung liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của nông dân. Cán bộ các cấp Hội đã tham gia hơn 7.000 đoàn giám sát, đánh giá việc chấp hành Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước. Phối hợp giải quyết được trên 121.800 đơn, thư khiếu nại, tố cáo của nông dân; hòa giải trên 95.600 vụ mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nông dân; xây dựng 73 mô hình “Hội Nông dân tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội”.
- Tham gia xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc: Các cấp Hội đã tham gia với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu nhân sự và tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện trách nhiệm của cử tri đi bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2020. Tập hợp ý kiến phản ánh, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của nông dân chuyển đến Mặt trận Tổ quốc, các đại biểu dân cử để phản ánh tại các kỳ họp của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Vận động hội viên, nông dân tham gia Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đóng góp ủng hộ “Quỹ vì người nghèo”, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, tham gia tổ chức “Ngày đại đoàn kết toàn dân tộc” ở cơ sở.
6. Mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác quốc tế
Bên cạnh việc đổi mới cả về nội dung và hình thức công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại, việc mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị, giao lưu học tập, trao đổi kinh nghiệm đã được các cấp Hội triển khai một cách chủ động, cụ thể và thiết thực hơn: Đã có 60 tổ chức có quan hệ hữu nghị và hợp tác với Hội, tăng 20 tổ chức, trong đó có những đối tác, nhà tài trợ lớn, có tiềm năng hợp tác lâu dài như FAO, IFAD, Tập đoàn Bio-Wish Hoa Kỳ, Tập đoàn Google... Ký 15 thỏa thuận hợp tác quốc tế. Bước đầu, có 30 tỉnh, thành Hội tổ chức cho cán bộ, hội viên, nông dân đi nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm ở ngoài nước trong giai đoạn 2016 - 2020; phối hợp tổ chức đưa 3.500 hội viên đi lao động ở nước ngoài. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đối ngoại và hợp tác quốc tế cho cán bộ Hội tiếp tục được quan tâm; đã có trên 1.600 lượt cán bộ Hội được tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng, vận động viện trợ, quản lý dự án quốc tế, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, vận động chính sách...
Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018-2023 sẽ diễn ra trong bối cảnh nước ta sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Với tinh thần: Dân chủ - Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII sẽ tập trung thảo luận và quyết định phương hướng, nhiệm vụ và những giải pháp nhằm tiếp tục khẳng định quyết tâm của toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân cả nước phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, đoàn kết, sáng tạo, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2018 - 2023 góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG - TRUNG ƯƠNG HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo
[1]Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, H.1995, tr.710
[2]Sđd, Nxb Chính trị quốc gia, H.2000, tập 1, tr.212
[3]Sđd, Nxb Chính trị quốc gia, H.1995, tập 5, tr.710
[4]Sđd, Nxb Chính trị quốc gia, H.1995, tập 5, tr.711
[5]Sđd,, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, H.2000, tr.289
[6] Sđd, Nxb Chính trị quốc gia, H.1995, t.I, tr.90
[7] Sđd, Nxb Chính trị quốc gia, H.1995, t.II, tr. 209-210.
Hiện nay các Đảng viên đang gấp rút hoàn thành bài thu hoạch nghị quyết TW8 khóa 12 để nộp trong quý I năm 2019. Hoatieu.vn xin chia sẻ với bạn đọc một số mẫu bài thu hoạch nghị quyết TW 8 khóa 12, mời các bạn cùng tham khảo.
Tham khảo thêm
- Chia sẻ:Trần Thu Trang
- Ngày:
Đề cương tuyên truyền đại hội đại biểu nông dân 2018-2023
225,8 KB 17/12/2018 2:23:00 CHĐề cương tuyên truyền đại hội đại biểu nông dân 2018-2023 (tệp PDF)
102 KB 17/12/2018 2:35:14 CH
Gợi ý cho bạn
-
Bản cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu năm 2024 của Đảng viên mới cập nhật
-
Mẫu biên bản vụ việc
-
Top 2 Mẫu đơn xin chuẩn hôn nhân khác đạo 2024
-
Mẫu tờ khai đăng ký thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân 2024
-
Mẫu giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng 2024
-
Mẫu phiếu bầu cử Đại hội Chi bộ 2024
-
Mẫu tờ trình xin kinh phí 20/10 mới nhất năm 2024
-
Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định 218
-
Phiếu bổ sung hồ sơ Đảng viên Mẫu 03-HSĐV 2024 mới nhất
-
Phiếu gửi điện tử Grab (Cập nhật 2024)
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Hướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Mẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Top 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Thực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2024 mới cập nhật
Bộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2024
Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2024
Suy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Tờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2024
Mẫu nhận xét các môn học theo Thông tư 22, Thông tư 27
Thủ tục hành chính
Hôn nhân - Gia đình
Giáo dục - Đào tạo
Tín dụng - Ngân hàng
Biểu mẫu Giao thông vận tải
Khiếu nại - Tố cáo
Hợp đồng - Nghiệm thu - Thanh lý
Thuế - Kế toán - Kiểm toán
Đầu tư - Kinh doanh
Việc làm - Nhân sự
Biểu mẫu Xuất - Nhập khẩu
Xây dựng - Nhà đất
Văn hóa - Du lịch - Thể thao
Bộ đội - Quốc phòng - Thương binh
Bảo hiểm
Dịch vụ công trực tuyến
Mẫu CV xin việc
Biển báo giao thông
Biểu mẫu trực tuyến