66 Tình huống sư phạm trong công tác chủ nhiệm lớp ở tiểu học

Tổng hợp tình huống sư phạm trong công tác chủ nhiệm

Hoatieu.vn xin gửi tới bạn đọc bài viết tổng hợp tình huống sư phạm trong công tác chủ nhiệm để bạn đọc cùng tham khảo và có thêm kinh nghiệm giải quyết các tình huống xảy ra trên lớp học. Mời bạn đọc cùng tham khảo chi tiết tại đây.

Là một giáo viên chủ nhiệm cấp tiểu học, các giáo viên thường xuyên phải tiếp xúc với các tình huống sư phạm diễn ra hàng ngày. Chính vì vậy việc đưa ra những cách xử tình huống vừa linh hoạt lại đảm bảo tính hợp lý là rất cần thiết. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ đến quý thầy cô tổng hợp các tình huống sư phạm thường gặp trong công tác chủ nhiệm lớp cũng như cách giải quyết tình huống sư phạm trong công tác chủ nhiệm hay và khéo léo, mời các thầy cô cùng tham khảo.

Cách xử lý các tình huống sư phạm trong công tác chủ nhiệm lớp ở tiểu học

66 tình huống sư phạm tiểu học là các tình huống sư phạm thường gặp nhất và cách giải quyết đối với giáo viên,  tình huống sư phạm giữa giáo viên với phụ huynh tiểu học, một số câu hỏi liên quan đến công tác chủ nhiệm lớp,... Mời thầy cô theo dõi chi tiết.

Tình huống số 01: Phát hiện chữ ký giả mạo trong sổ liên lạc của học sinh

Một lần cô (thầy) giáo trả sổ liên lạc cho học sinh, yêu cầu các em mang về nhà cho bố mẹ xem và ký tên. Thế nhưng, khi kiểm tra lại sổ phát hiện chữ ký trong sổ liên lạc của một em học sinh có chữ kí giả mạo. Nếu bạn là GVCN bạn sẽ làm gì?

Hướng giải quyết:

Nên gặp riêng học sinh và nhẹ bình tĩnh hỏi: “tại sao em lại làm như vậy? ’’. Từ tốn nghe lời giải thích của học sinh và phân tích cho em hiểu việc làm của em là hoàn toàn sai, khuyên nhủ em lần sau không được tái phạm nữa. Sau đó, phải thông báo sự việc với phụ huynh sự việc này và cùng phối với gia đình để giáo dục học sinh tốt hơn.

Tình huống số 02: GVCN và học sinh mới

Lớp bạn đang chủ nhiệm có 1 học sinh mới từ trường khác chuyển đến. Học sinh mới khá trầm tính, hiền lành, hòa đồng, học giỏi (đặc biệt học giỏi hơn các học sinh khác trong lớp). Tuy nhiên các bạn trong lớp không thích chơi với học sinh này. Bạn đã tổ chức sinh hoạt lớp và nhắc nhở cách ứng xử của học sinh trong lớp để giảm sự ganh tị nhưng chưa có hiệu quả. Bạn sẽ làm gì, xử lý như thế nào để tất cả các em trong lớp hòa đồng cùng bạn học sinh mới này?

Hướng giải quyết:

Cần bình tĩnh, từ tốn giải quyết trong tình huống này. Nếu thực sự học sinh mới đó hiền và hoà đồng thì bạn bè trong lớp sẽ gần gũi và mất dần thành kiến rất nhanh. Đồng thời biện pháp quán triệt học sinh không được thành kiến với bạn có thể sẽ khiến cho học sinh có suy nghĩ là học sinh mới đó được cô giáo bênh vực và càng thành kiến hơn. Đôi khi sẽ phản tác dụng và không đem lại hiệu quả như mong muốn.

Giáo viên nên gặp riêng học sinh mới để hướng dẫn em tiếp cận với các bạn trong lớp, luôn luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động của lớp với thái độ tích cực không được kiêu ngạo…, như thế thì thành kiến sẽ nhanh chóng mất đi.

Trong trường hợp các em có biểu hiện cô lập, thành kiến quá mức đối với bạn học mới, thầy cô có thể tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến hành vi này ở các em. Khi đã tìm hiểu rõ vấn đề thì mới nên đưa ra lời khuyên, quán triệt học sinh trong lớp mình chủ nhiệm.

Tình huống số 03

Lớp Thầy (cô) chủ nhiệm có một học sinh vi phạm nội quy của nhà trường sắp bị đưa ra để xét ở Hội đồng kỷ luật. Phụ huynh của học sinh đó là bạn thân của bạn đến đề nghị bạn với tư cách là giáo viên chủ nhiệm xin với Hội đồng kỷ luật chiếu cố và “cho qua”. Trong trường hợp này, Thầy (cô) ứng xử thế nào với phụ huynh đó?

Gợi ý trả lời:

Trước hết, giải thích cho phụ huynh đó hiểu được mức độ vi phạm kỷ luật trầm trọng của con họ và biện pháp xử lý kỷ luật là cần thiết để giáo dục em.

Phải nói thế nào để phụ huynh đó hiểu rằng việc đưa trường hợp của em ra xét ở Hội đồng kỷ luật nhà trường không có gì khác là nhằm giúp đỡ em tiến bộ, chỉ cho em thấy hậu quả của việc vi phạm kỷ luật, để em nhận lỗi và chịu trách nhiệm về những việc làm sai trái của mình. Có như thế lần sau em mới không tái phạm.

Cần nói để phụ huynh của em hiểu rằng chiếu cố cho em lúc này không phải là giúp đỡ em mà trái lại, chỉ làm hại em, và rất có thể lần sau em vẫn tiếp tục phạm lỗi. Để phụ huynh của em “yên tâm”, chúng ta cũng có thể nói với họ rằng việc đưa ra Hội đồng kỷ luật trường không phải là điều gì ghê gớm cả và bạn sẽ hết sức giúp đỡ trong khả năng có thể để nâng đỡ em nếu như em biết ăn năn và quyết tâm sửa chữa sai lầm.

Và cũng cần phải nói cho phụ huynh biết rằng để xảy ra hiện tượng học sinh vi phạm kỷ luật lỗi một phần cũng do phía gia đình và nhà trường chưa nghiêm khắc trong việc giáo dục em. Chính vì thế đây là cơ hội để bạn đưa ra lời đề nghị và giải pháp để thắt chặt hơn mối quan hệ này. Nếu khéo léo bạn có thể chuyển hướng mục đích của buổi gặp gỡ này từ “nhờ vả” sang sự phối hợp để tìm hiểu nguyên nhân mắc lỗi của em học sinh và bàn biện pháp giúp đỡ. Bằng một thái độ nghiêm túc, bằng tinh thần trách nhiệm bạn hãy biến nó thành một cuộc trao đổi cởi mở và thẳng thắn.

Tuy nhiên, cũng phải chuẩn bị tinh thần để đối phó với tình huống phụ huynh đó sau khi bị bạn từ chối sẽ tức giận với bạn. Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng dù thế nào bạn cũng phải giữ vững nguyên tắc không thỏa hiệp chiếu cố cho những vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Có thể bạn sẽ gặp phải một vài rắc rối nào đó, nhưng lương tâm bạn thanh thản vì đã làm tròn trách nhiệm của một giáo viên chủ nhiệm. và chắc chắn rằng sau đó mọi người (kể cả phụ huynh đã bị từ chối ấy) cũng không thể nhìn bạn với ánh mắt coi thường.

Tình huống số 04

Trong lớp của Thầy (cô) chủ nhiệm, hầu hết các em học sinh đều ngoan, chăm chỉ học tập và lễ phép. Tuy nhiên, cũng có một số các em nam nghịch ngợm, lười học hay bị cô giáo phê bình. Chính vì lí do này mà nhiều lần, khi gặp những em học sinh này trong sân trường, Thầy (cô) nhận thấy học sinh của mình thường lảng tránh, giả vờ nhìn đi chỗ khác để không phải chào. Thầy (cô) sẽ làm như thế nào để khắc phuc tình trạng này?

Gợi ý trả lời:

Về thái độ: xem đây là một việc bình thường, do đặc điểm tâm lý của hầu hết học sinh khi phạm lỗi. Tuyệt đối không được dùng các biện pháp tiêu cực, có thể làm cho các em ngày càng xa lánh mình hơn.

Nhân dịp nào đó trong buổi học, khéo léo kể một câu chuyện tương tự để nhắc nhở, giáo dục chung cả lớp. Hãy nhắc cho các em hiểu đó là một việc nên làm, một việc thể hiện văn hoá, đạo đức của con người các em, và cũng là biểu hiện tình cảm của các em với thầy cô giáo. Bạn cũng nên nói với học sinh:

“Nếu cô gặp học sinh của mình ngoài đường mà các em không chào cô thì cô sẽ buồn lắm vì cô nghĩ điều đó là do mình đáng ghét và dữ dằn nên học sinh mới sợ và lẩn tránh không muốn gặp mình”. Câu nói đùa mà thật như vậy sẽ có thể nhắc nhở học sinh chú ý, quan tâm hơn đến thầy cô giáo.

Những học sinh nghịch ngợm, hay bị mắng thường lảng tránh không chào giáo viên cũng có thể do ngượng ngùng, xấu hổ, mặc cảm hoặc sợ hãi. Chúng ta cũng nên gần gũi hơn với những em này, nhẹ nhàng khuyên bảo các em chứ không nên quá gay gắt mỗi khi phê bình hay trách phạt. Khi đã yêu quý thầy cô giáo, có lẽ không có học sinh nào lại phải giả vờ như không trông thấy hoặc lảng tránh thầy cô giáo chỉ bởi vì... ngại phải chào.

Tình huống số 05

Khi tổ chức đội bóng của lớp tham gia một giải bóng đá trong khuôn khổ giữa các khối lớp của trường, là giáo viên chủ nhiệm, bạn cần quan tâm đến những vấn đề gì? Tại sao?

Gợi ý trả lời:

An toàn cho học sinh là vấn đề quan tâm hàng đầu;

Tổ chức tập luyện; cổ động viên,...

Các điều kiện đảm bảo cho các học sinh thi đấu (kinh phí, sân bãi).

Tình huống số 06

Một lần vì có việc bận đặc biệt nên bạn đã đến lớp muộn 15 phút. Khi vừa bước đến cửa lớp bạn nghe rõ tiếng học sinh trong lớp đang reo hò vì tưởng cô giáo không đến dạy. Gặp tình huống này Thầy (cô) xử lý thế nào?

Gợi ý trả lời:

Trong tình huống này, dù có tự ái hay không vừa lòng trước hành động đó của học sinh, bạn vẫn nên vào lớp như bình thường. Thay vì “lên lớp” học sinh, bạn thành thật xin lỗi vì việc đột xuất nên đã đến muộn. Đồng thời bạn cũng nên nhẹ nhàng, khéo léo nhắc nhở học sinh về hành động bột phát khi thấy giáo viên đến muộn, khuyên các em lần sau không nên làm như thế.

Và bạn cũng không nên để mất quá nhiều thời gian vào những chuyện “ngoài rìa” này bằng cách nhanh chóng bắt đầu bài giảng của mình với tâm lý thoải mái để buổi học được thành công.

Tình huống số 07

Phụ huynh đến gặp xin cho con mình được nghỉ tập văn nghệ vì lí do tập văn nghệ ảnh hưởng nhiều đến việc học tập các môn văn hóa. Theo Thầy (cô) nên trả lời phụ huynh đó thế nào?

Gợi ý trả lời:

Khen ngợi, chúc mừng phụ huynh có một đứa con ngoan, học giỏi, đặc biệt có năng khiếu văn nghệ rất tốt, có nhiều tố chất hoạt động xã hội rất được thầy cô và ban bè mến mộ. Nếu được bồi dưỡng sớm thì sẽ rất phát triển.

Phân tích cho phụ huynh biết: Năng khiếu văn nghệ của trẻ em là hết sức quan trọng, nhất là trong xã hội ngày nay, năng khiếu văn nghệ, ca hát rất dễ tạo cơ hội cho con người thành đạt về mọi mặt.

Tham gia hoạt động văn nghệ trong trường học thực chất là một hoạt động học tập rèn luyện, có tác dụng bổ trợ cho các việc học văn hóa. Nhà trường sẽ sắp xếp lịch sinh hoạt hợp lý cho đội văn nghệ nhà trường.

Tình huống số 08

Nếu ở lớp Thầy (cô) có một học sinh bị di chứng chất độc da cam. Thầy (cô) sẽ làm gì để cho học sinh đó được học hòa nhập?

Gợi ý trả lời:

Để giúp trẻ khuyết tật, di chứng chất độc da cam hoà nhập cộng đồng, cần có sự tham gia của rất nhiều đối tượng, trước tiên là đối tác tiếp xúc trực tiếp hàng ngày với trẻ gồm giáo viên và học sinh không có khuyết tật khác trong trường và ở lớp.

Cần xoá bỏ mặc cảm, ý nghĩ tiêu cực đối với việc hoà nhập trẻ khuyết tật của giáo viên, các em học sinh không khuyết tật và ngay cả phụ huynh của những em này. Cần giúp các em phát triển một cách tự nhiên, không cảm thấy sự khác biệt hay sự thương hại nào.

Giáo dục các em học sinh thái độ tích cực với trẻ khuyết tật; giáo viên phải có phương pháp giảng dạy riêng cho các cháu bị khuyết tật; Có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và phụ huynh để giáo dục cho các học sinh khuyết tật, giúp các trẻ này tự tin, hoà nhập vào cuộc sống.

Tình huống số 09

Sau giờ ra chơi, bạn bước vào lớp, khi tiến hành bài dạy mới chỉ bắt đầu được vài phút thì một em học sinh đứng lên thất thanh: “Thưa... ưa... ưa... cô em bị mất tiền. Em mang tiền đi đóng quỹ lớp mà sau giờ ra chơi em vào thì đã không thấy đâu". Cả lớp nhốn nháo, em học sinh đó không ngừng khóc. Thầy (cô) sẽ làm gì lúc này?

Gợi ý trả lời:

Việc cần làm trước tiên, là phải trấn an em học sinh đó để em không hoảng hốt. Bạn có thể nói: “Cô rất hiểu sự lo lắng của em nhưng em cứ bình tĩnh, đã có cô ở đây. Nhưng bây giờ đang là tiết học, chắc em cũng không muốn vì việc riêng của mình mà ảnh hưởng đến tất cả các bạn trong lớp. Cô hứa sau tiết học này cô sẽ giải quyết giúp em”. Đó cũng có thể coi là “kế hoãn binh” để bạn có thời gian suy nghĩ tìm ra giải pháp tối ưu nhất.

Sau đó bạn cố gắng kết thúc bài giảng của mình sớm, dành ra một khoảng thời gian để giải quyết vấn đề. Trước tiên bạn nên khuyên em học sinh đó xem xét lại thật kỹ xem có thật sự là mất tiền không và có thể là mất ở đâu đó sau đấy mới đến lớp. Nếu sau khi em đã xem xét kỹ và khẳng định với bạn rằng đã mất trong lớp học thì vấn đề lại trở nên khá nghiêm trọng!

Lúc này bạn cần giữ một thái độ bình tĩnh, ôn tồn để nói chuyện với các em học sinh trong lớp. Bằng những lời lẽ nhẹ nhàng, có sức thuyết phục, bạn “kêu gọi” tinh thần tự giác của các em: “Cô biết lớp ta từ trước đến nay rất thương yêu nhau, đoàn kết và luôn giúp đỡ nhau trong mọi lĩnh vực. Chính vì vậy cô tin không bao giờ có trường hợp lấy trộm tiền hay tài sản của nhau.

Hôm nay bạn A có mất một số tiền. Tuy đối với nhiều em đó không phải là một điều gì to tát cả, nhưng trong điều kiện hoàn cảnh nhà bạn A rất khó khăn để có thể thuyết phục bố mẹ cho lại. Vậy các em thử đặt vào hoàn cảnh của bạn A, các em sẽ hiểu và cảm thông với bạn. Cô mong rằng nếu bạn nào đã “trót” cầm hay nhặt được tiền của bạn thì cho bạn xin lại. Nếu không muốn đưa trực tiếp cho bạn thì có thể lên gặp cô để nộp quỹ cho bạn A.

Cô sẽ rất cám ơn và đánh giá cao sự trung thực ấy. Các em biết không, thực ra cô không thiếu cách để truy xét các em đến cùng nhưng cô đã không làm như vậy, vì cô biết các em không bao giờ muốn điều đó và điều quan trọng là cô tin vào tình cảm của các em dành cho bạn bè cùng lớp học”.

Tình huống số 10

Giờ học đã bắt đầu được 10 phút, bạn đang say sưa giảng bài thì một học sinh đi học muộn xin vào lớp làm cắt ngang bài giảng của bạn. Bạn bực mình vì bị mất hứng. Trong tình huống này bạn nên xử lý như thế nào là hợp lý?

Gợi ý trả lời:

Nên nhẹ nhàng ra hiệu cho học sinh vào lớp bằng cách gật nhẹ rồi tiếp tục giảng bài bình thường. Như vậy, giờ giảng vẫn được tiếp tục, không bị gián đoạn và học sinh cũng không có gì để bàn tán, phân tán sự chú ý.

Hết tiết học, bạn hãy gọi em học sinh lên, tìm hiểu nguyên nhân đi học muộn của em ấy rồi nhắc nhở, động viên, khuyến khích em ấy đi học đúng giờ. Bạn cũng nên nhắc học sinh mượn vở các bạn khác để xem lại phần bài học em không được nghe vì đi muộn.

Nếu em ấy thường xuyên đi học muộn như vậy, bạn phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn như báo với giáo viên chủ nhiệm hoặc gặp gia đình để nhắc nhở em đi học cho nghiêm túc. Bạn cũng có thể nhờ các em ở gần nhà qua rủ em đó đi học cùng.

Đối với cả lớp, cũng nên nhắc nhở các em đi học cho đúng giờ, chấp hành kỷ luật của nhà trường. Phải tỏ ra nghiêm khắc để học sinh hiểu rằng bạn sẽ không dễ dàng bỏ qua cho những học sinh không chấp hành kỷ luật.

Tình huống số 11

Trong lớp Thầy (cô) chủ nhiệm có một học sinh học rất kém, lại thường xuyên đi học muộn, trong giờ học lại thường ngủ gật, không chú ý nghe giảng. Khi bạn đến gặp phụ huynh của em ấy trao đổi về tình hình học tập của em và muốn phối hợp với gia đình để giúp đỡ em học tốt thì bố của em lại xin cho con thôi học. Lý do là vì mẹ em mất sớm, em lại có em nhỏ, bố em muốn xin cho em thôi học, ở nhà trông em để bố đi làm kiếm tiền nuôi các con. Thầy (cô) sẽ xử lí tình huống này như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Trước hết nên chia sẻ về những khó khăn của gia đình. phải khéo léo, tế nhị trao đổi rằng em ấy học chưa tốt không phải vì em ấy kém mà chỉ vì em ấy chưa có thời gian và chưa tập trung vào việc học. Như vậy, gia đình học sinh vừa tin tưởng con mình, vừa không phải xấu hổ vì kết quả học tập của con.

Bạn hãy yêu cầu gia đình tạo điều kiện cho cháu tập trung học và bạn cũng hứa sẽ quan tâm, khích lệ để cháu học tốt hơn. Bạn có thể phân công những em học sinh khác kèm cặp, giúp đỡ học sinh đó.

Nếu gia đình học sinh muốn cháu ở nhà giúp việc nhà vì hoàn cảnh khó khăn thì bạn không đồng ý vì lý do nhà nước đã có luật phổ cập giáo dục. Nhẹ nhàng động viên gia đình cho cháu đi học tiếp vì chính tương lai của cháu.

Cử học sinh ngoài giờ học thay phiên nhau đến giúp đỡ việc nhà cho em ấy có thời gian đi học; phối hợp với hội phụ huynh của lớp, trường và địa phương để giúp đỡ gia đình em vượt qua khó khăn.

Tình huống số 12

Hùng là một học sinh học yếu và thiếu ý thức kỷ luật. Thầy (cô) đến gia đình Hùng với mục đích tìm hiểu nguyên nhân để phối hợp giáo dục, giúp đỡ em nhưng gia đình lại nói: “Nếu thầy cô không dạy được nó thì để tôi cho nó chuyển trường hoặc cho nó nghỉ học luôn cũng được”. Thầy (cô) phải xử lý tình huống này như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Trước hết, cần tự kiềm chế sự tự ái của mình, tìm cách để giải thích cho gia đình hiểu mục đích của việc gặp gỡ phụ huynh không phải là để “thông báo” mà là cùng nhau phối hợp tìm cách giúp đỡ học sinh tiến bộ. Biết rằng phải nén lòng chấp nhận thái độ không tôn trọng từ phía gia đình là việc không đơn giản và không phải giáo viên nào cũng chấp nhận. Nhưng vì tình thương yêu, trách nhiệm với học trò, đôi khi các thầy cô cũng phải chịu thiệt thòi.

Với thái độ bình tĩnh, giọng nói nhẹ nhàng, bạn nhấn mạnh cho phụ huynh hiểu bạn đến đây không phải là để “trao trả” cho gia đình một học sinh “không thể dạy dỗ được”, tức là chối bỏ trách nhiệm của nhà trường, mà là để cùng nhau tìm ra giải pháp tốt nhất để giáo dục học sinh. Trong cách nói của bạn phải thể hiện nhà trường luôn luôn đề cao vai trò của gia đình trong việc giúp các thầy cô giáo hoàn thành trách nhiệm giáo dục của mình. Ở đây trong câu nói của vị phụ huynh đã thể hiện một suy nghĩ hết sức sai lầm: phó mặc việc dạy dỗ con em mình hoàn toàn cho nhà trường, và như vậy nhà trường, mà đại diện là các thầy cô phải có trách nhiệm dạy dỗ chúng nên người, và khi giáo viên đã phải tìm đến gia đình là thể hiện các thấy cô đã “bất lực” trong việc dạy bảo học sinh. Cách suy nghĩ phiến diện này cần phải “chấn chỉnh” ngay. Tuyệt đối không nên nóng vội, gay gắt mà thật sự bình tĩnh, kiên trì, bạn giải thích cho phụ huynh đó hiểu đúng vai trò của nhà trường và gia đình trong việc giáo dục học sinh.

Sau khi đã giải thích cho phụ huynh hiểu vai trò của họ trong việc phối hợp cùng với nhà trường để tạo điều kiện giúp học sinh tiến bộ, bạn sẽ trao đổi thẳng thắn về nguyên nhân những khuyết điểm của em và đề xuất giải pháp. Trong khi trao đổi, bạn nên chỉ rõ đâu là nguyên nhân khách quan thuộc về trách nhiệm của gia đình và nhà trường, đâu là nguyên nhân chủ quan thuộc về cá tính và đạo đức của học sinh. Bạn cũng nên thẳng thắn nhận khuyết điểm nếu như chưa thực sự làm tròn trách nhiệm của mình, có như thế mới khiến gia đình tin tưởng. Chắc chắn bằng thái độ đúng mực, tinh thần trách nhiệm cao và tình thương yêu học trò, bạn sẽ thuyết phục được gia đình trong việc phối hợp cùng nhà trường dạy dỗ học sinh nên người.

Tình huống số 13

Nam là một học sinh thường xuyên vi phạm nội quy của lớp, Thầy (cô) đã nhắc nhở nhiều lần nhưng Nam vẫn không tiến bộ và đã đến gặp bố mẹ Hùng để tìm biện pháp giáo dục. Nhưng khi chưa kịp trình bày xong sự việc thì bố Nam đã gọi em ra và tát Nam tới tấp vì đã em làm “xấu mặt” gia đình. Trong trường hợp này, Thầy (cô) xử lý như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Đứng trước tình huống khó xử này bạn nên thật bình tĩnh và khéo léo. Hãy cố gắng kiềm chế sự tự ái để nhanh chóng tìm ra phương án xử lý. Trước hết bạn cần tìm cách chấm dứt ngay hành động đánh con của vị phụ huynh đó và phân tích để phụ huynh nhận ra rằng trong việc giáo dục học sinh bạo lực không bao giờ đem lại kết quả tốt đẹp mà đôi khi còn phản tác dụng.

Sau khi vị phụ huynh đó có vẻ bình tĩnh trở lại, bạn bắt đầu câu chuyện của mình một cách nhẹ nhàng, cởi mở. Bạn phải giải thích cho phụ huynh hiểu nhà trường luôn coi trọng vai trò của gia đình trong việc phối hợp để giáo dục học sinh, nhất là khi chúng phạm lỗi. Dù một học sinh nghịch ngợm, hay vi phạm nội quy của trường, lớp nhưng không bao giờ mong muốn gia đình lại giáo dục em bằng những hình thức tiêu cực, phản khoa học như đánh đập, chửi mắng thậm tệ, xúc phạm đến lòng tự trọng của các em. Ở độ tuổi học sinh trung học các em đã có ý thức về cái tôi cá nhân, cần được người lớn tôn trọng. Chính vì vậy, chỉ có sự nhẹ nhàng, ân cần nhưng tuyệt đối nghiệm khắc mới có tác dụng khi chúng có lỗi. Bạo lực hay sự xúc phạm quá đáng chỉ khiến chúng dễ nảy sinh tâm lý chống đối và trở nên ương ngạnh hơn mà thôi.

Những cố gắng của bạn sẽ có ý nghĩa hơn khi thẳng thắn đề xuất với gia đình những biện pháp cụ thể để cùng giúp đỡ em học sinh đó tiến bộ. Sự điềm tĩnh, khéo léo và tình thương yêu, trách nhiệm với học trò là điều kiện quan trọng để bạn xử lý thành công tình huống này.

Tình huống số 14

Cường là học sinh do bạn chủ nhiệm và con của Hiệu trưởng. Trong một lần thi kiểm tra định kì bị giáo viên coi thi bắt quả tang Cường đang quay cóp bài và còn có lời lẽ thiếu lễ phép với giáo viên đó. Thầy (cô) cũng chứng kiến được sự việc đó. Trong trường hợp này Thầy (cô) sẽ xử lí như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Kiên quyết để cho giám thị xử lý theo đúng nguyên tắc, đồng thời giải thích cho em đó biết mức độ vi phạm của mình và có hướng khắc phục. Nhưng để không gây căng thẳng trong mối quan hệ của bạn và em đó, đồng thời tránh tiếng “thấy người quen mà không giúp”, bạn có thể nói với em là bạn sẽ nói với Hội đồng kỷ luật nâng đỡ em nếu như em thực sự có quyết tâm khắc phục khuyết điểm.

Trấn an để em yên tâm, em vi phạm lần đầu thì các thầy cô chỉ lập biên bản để nhắc nhở em thôi chứ không có gì nặng nề cả. Nếu em thực sự nhận thấy lỗi của mình và có ý thức sửa chữa thì thầy cô sẽ sẵn sàng giúp đỡ em”. Với những lời lẽ chí tình ấy của bạn chắc chắn rằng dù không nhận được “sự bào chữa hiệu quả” của bạn nhưng học sinh đó cũng không giữ tâm lý bất bình, tức giận với bạn.

Sau kì thi nên gặp riêng em học sinh đó trao đổi một cách thẳng thắn...

Tình huống số 15

Bạn phát hiện có một nhóm học sinh trong lớp mình chủ nhiệm có lời bàn ra tán vào về trường hợp học sinh Hương “thường đi học chậm, lười học mà môn môn Mỹ thuật của hô Hồng dạy toàn được xếp loại A+. Trong khi các bạn khác “phấn đấu chật vật cũng chỉ loại A, B điểm là cùng”. Là một giáo viên chủ nhiệm, bạn sẽ xử lý sự việc này như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Điều trước tiên cần làm là bạn phải tìm mọi cách để thẩm định lại thông tin này một cách chính xác.

Bạn có thể gặp riêng lớp trưởng hoặc một em học sinh mẫu mực trong lớp để khéo léo trò chuyện. Bạn chỉ có thể “thu thập” được những thông tin chuẩn xác khi nói chuyện với học sinh bằng sự cởi mở, chân thành, tế nhị và không áp đặt.

Khi xác minh dư luận đó là có thật thì bạn cần suy nghĩ về cách xử lý để đảm bảo công bằng và quyền lợi của học sinh. Nhưng dù lựa chọn giải pháp nào thì sự tế nhị và thận trọng sẽ là nguyên tắc đầu tiên cần tôn trọng.

Tình huống số 16

Một hôm bạn bận dự giờ thao giảng của một giáo viên trong tổ nên nhờ Nguyễn Mai Thùy (giáo viên thực tập dạy thay một tiết). Suốt cả tiết dạy, trên bảng cô giảng mặc cô, dưới lớp nhiều em học sinh nói chuyện, làm việc riêng, bàn tán rồi cùng nhau cười khúc khích. Bực mình, Mai Thùy bỏ ra khỏi lớp sớm 10 phút. Chẳng may trong 10 phút đó có hai em trong lớp đã trêu nhau dẫn đến đánh lộn khiến cả lớp học náo loạn cả lên. Khi phát hiện ra sự việc đó bạn sẽ xử lý như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Cách ứng xử hợp lý nhất trong tình huống này là bạn nhanh chóng quay lại lớp học và ổn định tình hình. Trước cả lớp, bạn nên thẳng thắn nhận trách nhiệm của mình trong việc ra khỏi lớp trước khi hết giờ, nên lớp đã xảy ra tình trạng trên.

Đồng thời bạn cần phải nghiêm khắc nhắc nhở các em về ý thức tự quản khi không có giáo viên ở trong lớp. Với sự chia sẻ trách nhiệm này, có thể bạn sẽ nhận được sự phê bình từ phía Ban giám hiệu, nhưng đó cũng là một lần nhắc nhở bạn về lòng kiên trì và sự kiềm chế cảm xúc cá nhân.

Tình huống số 17

Trả bài kiểm tra định kì cho học sinh xong, bạn quay lên bục giảng để chữa để đúc rút kinh nghiệm cho cả lớp thì bỗng “roạc”, “xoạt, xoạt”, hình như là tiếng xé và vò giấy. Khi quay lại thì thấy Hưng đã xé tan bài làm được một điểm của mình trước sự ngơ ngác của các bạn trong lớp. Trước sự việc đó, bạn sẽ giải quyết ra sao?

Gợi ý trả lời:

Bạn nên dành một vài phút xuống chỗ em học sinh đó để phân tích về hành động vừa rồi của em. Bạn có thể nói: “Cô biết bài hôm nay của em bị điểm kém và em rất buồn. Nhưng em đã kịp xem lại bài của mình nghuyên nhân tại sao không? Em nói là “bài của em thì em xé”, đúng bài đó là của em nhưng dù sao đó cũng là bài cô đã cẩn thận xem xét, đánh giá và chỉ ra cái sai cho em để lần sau em cố gắng hơn. Thế mà không ngờ công sức của em trong một tiết và cả của cô bị em xé toạc thành những mảnh giấy vụn.

Nếu đặt trường hợp em sau này sẽ là một giáo viên như cô, có một học sinh làm việc đó ngay trước mặt em thì em nghĩ sao? Nhưng thôi, dù sao em cũng đã trót làm, lần đầu cô có thể thông cảm. Cô mong rằng em hiểu những điều cô nói và cố gắng hơn trong những bài làm sau. Cô tin là em làm được”.

Đồng thời bạn cũng nên khéo léo nhắc nhở các em trong lớp rút kinh nghiệm để lần sau không có những phản ứng nóng nảy như thế.

Tình huống số 18

Khi kiểm tra vở, bạn phát hiện có một học sinh đã dùng bút xóa xóa những lỗi và điểm; đồng thời sửa điểm bạn đã chấm trước đó từ điểm 6 thành điểm 9. Trước sự việc này, bạn sẽ giải quyết ra sao?

Gợi ý trả lời:

Gặp riêng học sinh trao đổi, tìm hiểu nguyên nhân. Phân tích để em thấy lỗi của mình và hứa không vi phạm.

Nhân buổi sinh hoạt lớp đưa vấn đề ra để trao đổi cho các em rút kinh nghiệm (không nêu tên em học sinh đó)

Nếu nguyên nhân từ phụ huynh thì phải gặp phụ huynh...

Tình huống số 19

Sau khi dạy xong tiết học cuối buổi sáng, bạn nói với lớp “Rất tiếc chiều nay cô bận việc phải đi đưa đám ma của một người bà con nên sẽ nhờ cô Thùy Hương dạy thay”. Bạn vừa dứt lời cả vỗ tay, reo hò. Trước sự việc này, bạn sẽ xử lý như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Cần giữ thái độ bình tĩnh và hỏi lại các em sao lại vui mừng trước thông tin mà cô vừa thông báo.

Nhẹ nhàng phân tích để học sinh thấy được vấn đề xẩy ra hành vi vừa rồi là không nên và không tái phạm.

Tình huống số 20

Là giáo viên chủ nhiệm khi bước vào lớp, bạn thấy bảng chưa lau và trong phòng học có nhiều mẩu giấy vụn còn nằm rải rác trên nền lớp học, bạn gọi một học sinh ngồi ở đầu bàn trên cùng lên xóa bảng và nhặt những mẩu giấy vụn đó đi. Nhưng vừa dứt lời thì em học sinh đó đứng lên và nói: “Thưa thầy (cô), em không vứt giấy ra lớp và hôm nay cũng không phải đến phiên em trực nhật ạ". Nói xong, học sinh đó ngồi xuống. Trong tình huống đó, bạn sẽ phản ứng thế nào?

Gợi ý trả lời:

Không nên quá quan trọng vấn đề bằng cách truy xét ai có trách nhiệm với việc “xả rác” này. Bạn cũng có thể tự làm nếu thấy hợp lý và cũng chỉ là mấy mảnh giấy vụn trên sàn hay vài vết phấn chưa lau. Nhưng sau đó bạn cũng nghiêm khắc nói cho học sinh biết rằng sẽ không có lần sau như thế.

Nhưng tốt nhất là bạn nên nhắc nhở học sinh kê lại bàn ghế cho ngay ngắn, “nhờ” một em học sinh lên lau bảng “giúp” cô, sau đó nhanh chóng bắt đầu bài giảng. Và đến cuối buổi chắc chắn bạn phải yêu cầu lớp trưởng có trách nhiệm cắt cử các bạn trực nhật để bước vào tiết học sau.

Làm như vậy bạn sẽ không mất thời gian và sẽ không tạo ra bầu không khí căng thẳng cho buổi lên lớp của mình vì những chuyện cỏn con ấy.

Tình huống số 21

Lớp 5/2 có em Huyền Trang được bầu làm Liên đội trưởng, nhưng trong một cuộc họp cha mẹ học sinh của lớp, bố của em Huyền Trang một mực nhờ giáo viên chủ nhiệm đề nghị với nhà trường cho con mình thôi giữ chức vụ Liên đội trưởng vì lí do, làm chỉ huy Liên đội ảnh hưởng nhiều đến việc học tập các môn văn hóa. Thầy (cô) sẽ giải quyết tình huống trên như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Khen ngợi, chúc mừng phụ huynh có một đứa con ngoan, học giỏi, đặc biệt có tố chất lãnh đạo và có nhiều năng khiếu hoạt động xã hội. Nếu được bồi dưỡng sớm thì sẽ rất phát triển.

Phân tích cho phụ huynh biết: Công tác Đội nói riêng, hoạt động ngoài giờ lên lớp nói chung là một hoạt động quan trong nhằm giáo dục và hình thành kỹ năng sống cho học sinh. Đây là một trong những mục tiêu quan trong của giáo dục tiểu học.

-> Góp phần tích cực vào việc giáo dục toàn diện,... (phải xác định đây là cơ hội vàng để tuyên truyền, khích lệ phụ huynh học sinh trong việc ủng hộ chủ trương tăng cường giáo dục toàn diện học sinh).

Tham gia hoạt động Đội là một hoạt động học tập rèn luyện, có tác dụng bổ trợ cho các việc học văn hóa. Đề nghị với nhà trường sắp xếp lịch sinh hoạt hợp lý cho Ban chi huy Liên đội để hoạt động và học tập phù hợp.

Tình huống số 22

Trong một cuộc họp cha mẹ học sinh đầu năm, có một số người chưa đồng tình chủ trương tổ chức ăn bán trú cho học sinh của nhà trường. Lý do phải đóng thêm tiền tốn kém, điều kiện chăm sóc con ở nhà tốt hơn. Thầy (cô) hãy trình bày cách giải quyết của mình để thực hiện được chủ trương bán trú của nhà trường?

Gợi ý trả lời:

Phân tích tác dụng của việc tổ chức bán trú tại trường (có lợi cả về sức khỏe, tiết kiệm thời gian, kinh phí, an toàn,...)

Đặc biệt tổ chức bán trú sẽ là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng dạy học buổi 2.

Giới thiệu cho phụ huynh biết một số mô hình bán trú có chất lượng trong và ngoài huyện, đồng thời thuyết phụ phụ huynh ủng hộ chủ trương lớn của ngành.

........................

Mời thầy cô tải file các tình huống sư phạm tiểu học về máy để xem đầy đủ nội dung.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
2 7.826
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo