Xuất gia gieo duyên là gì?

Ở Thái Lan, đất nước có nền Phật giáo phát triển, việc xuất gia gieo duyên rất phổ biến. Vậy xuất gia gieo duyên là gì? Xuất gia gieo duyên có phải là xuống tóc mãi mãi không? Hãy cùng tìm hiểu câu trả lời với Hoatieu nhé.

Ở tại một số nơi có tổ chức các khóa tu xuất gia gieo duyên đã thu hút được sự hưởng ứng của rất nhiều người con Phật, phát tâm trở thành những vị sư hay những vị tu nữ gieo duyên với cuộc đời phạm hạnh trong những khoảng thời gian nhất định tùy theo sự phát tâm của từng người phù hợp điều kiện cụ thể của từng cá nhân.

1. Xuất gia gieo duyên là gì?

Xuất gia gieo duyên là việc xuất gia vì một nhân duyên gì đó mà xuất gia xuống tóc mấy ngày sau đó lại trở lại cuộc sống đời thường.

Xuất gia gieo duyên là gieo những hạt giống, trồng những duyên lành xuất gia; là làm quen, tập sự, trải nghiệm đời sống xuất gia.

2. Xuất gia gieo duyên có phải là xuất gia mãi mãi?

Xuất gia gieo duyên
Xuống tóc xuất gia gieo duyên

Xuất gia gieo duyên không phải là xuống tóc đi tu mãi mãi, mà chỉ là cắt tóc phát nguyện xuất gia gieo duyên trong một thời gian nhất định với những sinh hoạt như một tu sĩ thực thụ.

Theo đó, học viên sẽ được hướng dẫn học pháp, hành thiền, tụng kinh, pháp đàm, trà đàm chia sẻ, trì bình khất thực (đối với nam)… Người xuất gia gieo duyên tuân thủ không sử dụng điện thoại di động, khép mình trong đời sống thiền môn.

3. Ý nghĩa của xuất gia gieo duyên

Tuy thời gian xuất gia gieo duyên không dài (một ngày đêm cho đến nhiều hơn) nhưng người xuất gia phải tuân thủ đúng theo các phép tắc, chuẩn mực, và cả sự tu học giống như những vị xuất gia thực thụ. Khi hết thời hạn, người xuất gia gieo duyên phải xả giới, trả y và trở về đời sống cư sĩ như bình thường. Nói dễ hiểu, người đủ duyên thì phát tâm xuất gia trọn đời. Người chưa đủ duyên thì chỉ xuất gia trong một thời gian ngắn thôi, gieo duyên là chính. Trong khi còn làm người xuất gia (dù gieo duyên hay trọn đời) thì bổn phận và trách nhiệm tu học của họ đều giống nhau.

4. Lợi ích của việc xuất gia gieo duyên

Xuất gia gieo duyên là một việc làm đem lại phước báu vô biên, là nhân lành khiến trí tuệ phát sanh diệt trừ phiền não và hành động thiện lành này sẽ dẫn dắt những người con Phật được gặp Chánh Pháp để tiếp tục việc tu tập cho đến ngày tiến đến đạt được quả vị vô sanh bất diệt trong những kiếp lai sinh.

Trong thời gian phát tâm như vậy, các nhà sư và tu nữ ấy họ sống trong môi trường tu tập đó là sự thực tập thiền định và thiền quán, nghe pháp, tụng kinh, giữ gìn giới luật. Tất cả những hành động thiện lành như vậy đem lại rất nhiều phước báu.

Những công đức này chắc chắn sẽ đem lại sự an vui cho các vị ấy ngay trong hiện tại và ở đời vị lai khi thiện nghiệp hội đủ nhân duyên cho quả. Sau đó, mãn một khóa tu gieo duyên như vậy, họ trở về cuộc sống đời thường tuy nhiên những hồi ức đẹp khi được gia nhập vào tăng đoàn vẫn luôn hiện hữu trong tâm và đây sẽ là động lực thúc đẩy cho các vị ấy vững tin, hộ trì cũng như hành theo Pháp Bảo để đạt đến hạnh phúc đích thực.

5. Hiểu hơn về xuất gia

Xuất gia hàm chứa hai nghĩa, xuất gia thân và xuất gia tâm. Ta chỉ hiểu xuất gia là xa gia đình để tu hành giải thoát. Nhưng chữ "Gia" trong chữ xuất gia không chỉ có nghĩa là gia đình thân bằng quyến thuộc mà còn một nghĩa khác đó là gia trong xuất gia tam giới, gia thất là những gì cấu tạo nên sự sống và cái chết là tứ đại đất, nước, gió, lửa và phong, không, thức. Tâm tạo tác, tâm sanh diệt, vọng niệm, vọng tâm, vọng thức là thân bằng quyến thuộc có từ lâu trong tâm của mình. Xa lìa mọi nhiễm ô, mọi chấp trước, xa rời nhị tướng khởi trần lao là sự phân biệt, xa lìa vọng niệm, không chấp không bám vào vọng tâm bởi những bóng dáng hư ảo của trần thế thì đó mới là xuất gia.

Mắt thấy sắc nhưng không khởi lên phân biệt là xuất gia về nhãn thức. Mũi ngửi mùi hương nhưng không chấp không phân biệt mùi hương là xuất gia về tỷ thức. Tai nghe âm thanh nhưng không để âm thanh làm ô nhiễm tâm trí, không khởi phân biệt là xuất gia về nhĩ thức. Lưỡi nếm mùi vị nhưng không để mùi vị làm tham đắm, phân biệt là xuất gia về thiệt thức. Thân đụng xúc chạm, đau bệnh nhưng không khởi luyến ái mê đắm, phân biệt, không khởi động loạn tâm là xuất gia về thân thức. Ý không khởi tà ý những niệm hư dối, tà vạy, những vọng niệm tuy có khởi cũng không phân biệt, chấp trước đó là xuất gia về ý thức. Như vậy trong mình có 6 thân bằng quyến thuộc, có 6 thức xuất gia. Xuất gia vậy là tâm xuất gia.

Trên đây là câu trả lời cho câu hỏi Xuất gia gieo duyên là gì? và ý nghĩa của việc xuất gia gieo duyên. Nếu bạn cảm thấy đời sống xuất gia thật đẹp nhưng chưa hội đủ duyên lành để dấn thân trọn đời thì hãy lựa chọn xuất gia gieo duyên để chỉ gieo duyên vài ngày hay trong một khóa tu ngắn hạn.

Hoatieu mời các bạn tham khảo thêm các bài viết bổ ích khác trong mục Có thể bạn chưa biết? trong Tài liệu của Hoatieu nhé.

Đánh giá bài viết
8 2.179
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm