Văn hóa 996 là gì

Văn hóa 996 đang được nhiều người biết đến như là một cách gọi để chỉ văn hóa làm việc của người Trung Quốc. Vậy tại sao lại có văn hóa 996 và làm việc 996 nghĩa là gì? Mời các bạn tham khảo một số thông tin sau đây của Hoatieu để biết thêm chi tiết.

1. Văn hóa 996 là gì

Văn hóa 996 chính là cách người dân Trung Quốc ám chỉ lịch làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối liên tục 6 ngày trong một tuần. Một trong những người nổi tiếng đầu tiên ủng hộ văn hóa làm việc 996 chính là Jack Ma (Nhà sáng lập Alibaba).

2. Các công ty nói gì về văn hóa 996

Cuộc tranh luận xung quanh văn hóa 996 ngày càng trở nên dữ dội khi có nhiều nhân viên qua đời vì áp lực công việc. Thế nhưng, nhiều nhà lãnh đạo không những không bảo vệ nhân viên mình mà còn ủng hộ văn hóa này, trong số đó phải kể đến Jack Ma - tỉ phú sáng lập "đế chế" Alibaba.

Ông từng gọi lịch trình làm việc khắc nghiệt của Alibaba là "một điều may mắn mà nhiều công ty không có được", nhờ đó, Alibaba mới đạt được vị thế như ngày nay. Ông cũng kêu gọi nhân viên nên đón nhận văn hóa 996: "Nếu đã gia nhập Alibaba, bạn phải sẵn sàng làm 12 tiếng/ngày, nếu không thì đến Alibaba làm gì? Chúng tôi không cần những người chỉ muốn làm việc 8 giờ".

Zhou Hongyi - CEO của công ty an ninh mạng Qihoo360 cũng bảo vệ văn hóa 996 vì cho rằng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều bất khả thi. Tốt hơn hết, các công ty nên thuyết phục nhân viên "làm việc vì bản thân" để xoa dịu họ.

Zhu Ning - nhà sáng lập kiêm CEO công ty thương mại điện tử Youzan từng viết trên WeChat hồi 2019: "Nếu bạn không thấy áp lực khi làm việc, bạn nên nghỉ làm ngay vì công ty của bạn sắp phá sản rồi".

Đối với những người ứng tuyển vào Youzan, Zhu Ning luôn thông báo một khi đã vào đây thì các nhân viên phải xem thời gian làm việc như một thói quen, không nên tách rời giữa công việc và cuộc sống.

3. Bao giờ văn hóa 996 thay đổi?

Văn hóa 996 bắt rễ từ thời kỳ bùng nổ internet ở Trung Quốc, khi các công ty khởi nghiệp phải chịu áp lực thể hiện doanh số, nhưng hiện tượng này vẫn kéo dài đến ngày nay do tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước đang chậm lại, buộc các công ty phải sa thải nhân viên và đóng băng nguồn nhân lực mới. Những nhân viên còn lại phải đảm nhận khối lượng công việc lớn hơn bình thường.

Đại dịch Covid-19 cũng khiến thị trường việc làm ngày càng khắc nghiệt, khiến những nhân viên - đặc biệt là người trẻ - phải làm thêm giờ để chứng tỏ giá trị bản thân. Đồng thời, triển vọng kiếm tiền nhờ việc niêm yết công khai đã đẩy các công ty khởi nghiệp vào tình trạng làm việc quá sức với mục đích đánh bại đối thủ.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng làm việc trong thời gian dài không đồng nghĩa với năng suất tốt. Nghiên cứu từ tạp chí Dịch tễ học của Mỹ cho thấy những người lao động trung niên làm việc trên 55 giờ/tuần có trí nhớ kém hơn người làm việc dưới 41 giờ.

Các chuyên gia cho rằng việc thực thi pháp luật thiếu chặt chẽ của chính quyền địa phương là trở ngại lớn để thay đổi văn hóa 996. Bên cạnh đó, một số chủ doanh nghiệp đã bắt đầu ý thức về tác hại của văn hóa 996 nên quyết định không áp dụng vào công ty của mình, họ được gọi là "doanh nhân Phật giáo". Đây được cho là những cá nhân đã thành lập các doanh nghiệp thành công và không cần vội vàng trong việc huy động vốn.

Trong khi cuộc tranh luận về văn hóa 996 vẫn chưa ngã ngũ, nhiều nhân viên cho biết sẵn sàng làm thêm giờ nếu được trả lương cao, hoặc để hoàn thành khối lượng công việc nặng nhọc trong ngày hôm đó. Một nhân viên công nghệ ở Thâm Quyến nói với SCMP: "Nếu mức lương cao thì có thể chấp nhận 996".

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 2.148
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi