Rứa là gì? Rứa thâu là gì?

Rứa là gì? Rứa thâu là gì? - Là người Việt Nam, chắc hẳn bạn đã nhiều lần nghe thấy cụm từ "Mô tê răng rứa, chi rứa, mô rứa, mần chi rứa,...". Vậy bạn có biết Rứa thâu nghĩa là gì? Cùng HoaTieu.vn tìm hiểu chi tiết Cách giải nghĩa từ rứa tiếng miền Trung qua bài viết sau nhé.

Những ngày vừa qua câu hỏi Rứa thâu nghĩa là gì? được nhiều người quan tâm bởi cụm từ này xuất hiện trong bài rap "Thế Thôi" do 7dnight trình diễn tại tập 1 Rap Việt 2024. Ca khúc nhận đang được sự yêu thích của đông đảo khán giả và lọt top trending. Bài viết này sẽ giải đáp cho bạn đọc Rứa thâu nghĩa là gì? Rứa thâu 7dnight lyrics... Mời các bạn cùng theo dõi.

Rứa là gì? Rứa thâu là gì?
Rứa là gì? Rứa thâu là gì?

1. Rứa là gì? Cách giải nghĩa từ rứa miền Trung

Rứa là phương ngữ ở các tỉnh miền Trung. "Rứa" có nghĩa là "thế" và thường sử dụng giao tiếp hàng ngày ở các tỉnh thành như Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Quảng Ngãi, Quảng Bình,....

Ví dụ như “Con đi mô rứa?” - có nghĩa là “Con đi đâu thế”,...

Nếu bạn có dịp đi du lịch đến các tỉnh miền Trung, bạn sẽ bắt gặp người dân nơi đây sử dụng từ "rứa" thay thế cho từ "thôi" trong mọi cuộc giao tiếp của họ. Và những phương ngữ này trở thành một nét văn hóa rất riêng của người miền Trung. Tuy nhiên ở những nơi có nhiều khách du lịch hoặc khi trao đổi với những người ở các tỉnh thành khác thì người dân lại ưu tiên sử dụng tiếng phổ thông để cả hai có thể dễ dàng giao tiếp.

Rứa là gì?
Rứa là gì?

2. Rứa thâu là gì?

  • "rứa" có nghĩa là "thế"
  • "thâu" nghĩa là "thôi"

"Rứa thâu" có nghĩa là "thế thôi". Rứa thâu nghĩa là gì? là câu hỏi đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng bởi bài rap Rứa thâu do rapper 7dnight trình diễn bằng tiếng Nghệ An trong tập 1 của chương trình Rap Việt 2024 gây ấn tượng mạnh mẽ với người xem. Và tên ca khúc Rứa thâu do 7dnight trình diễn cũng có nghĩa là "Thế thôi"

Rứa thâu 7dnight
Rứa thâu - Thế thôi 7dnight

3. Rứa thâu 7dnight lyrics

Lyrics Rứa thâu - Thế thôi do rapper 7dnight biểu diễn thể hiện nỗi niềm, tâm tư, tình cảm của chàng trai về cuộc sống. Đây cũng chính là ca khúc nhận được nhiều sự đón nhận, ủng hộ cao từ phía khán giả, người nghe.

MV Thế thôi - 7dnight

Rứa thâu 7dnight lyrics:

Rứa thâu

(Thế thôi)

Đơn giản đơn giản

Rứa thâu

(Thế thôi)

Làm nhạc bươn chải

Rứa thâu

(Thế thôi)

Mang tiền về cho mạ (mẹ)

Rứa thâu

(Thế thôi)

Sống hiếu là căn bản

Rứa thâu

(Thế thôi)

Cơm canh đạm bạc

Rứa thâu

(Thế thôi)

Gian nan vẫn lạc quan

Lên nhạc là khạc khạc

Rứa thâu

(Thế thôi)

Khoan khoan hò khoan

Anh có mần chi hấn mô

(Anh có làm gì họ đâu)

Mỗi tội nhạc hay mà họ cứ ghét anh

Rứa thâu

(Thế thôi)

Trai quê xứ Nghệ

Rứa thâu

(Thế thôi)

Gièm pha anh cứ kệ

Rứa thâu

(Thế thôi)

Cố gắng vì sứ mệnh

Rứa thâu

(Thế thôi)

Hater hoạnh hoẹ

Rứa thâu

(Thế thôi)

Một tay bảnh dé

Rứa thâu

(Thế thôi)

Bước lên sân khấu và make some noise

Anh giờ đã khác hơn xưa

Bao nhiêu tình yêu thì anh đã giữ nguyện lòng dành cho quê hương

Kiếm tiền tỷ mà thích ăn cơm dưa

Anh đã quá yêu dư vị như rứa (như thế)

Chi mô răng rứa đã vang xa thì cảm xúc của anh như được đăng quang

Quá đã!

Hai lon Pepsi giữa cái nắng Đà Nẵng phải gọi là quá đã

Quá đã quá đã

Sống bằng tình cảm nên con người khá giả

Nỏ có cái chi mà nó sướng hơn là ăn no một bữa cơm nhà

Tắm nắng giữa biển Sơn Trà bất ngờ được nàng thơm má

Anh là người Nghệ An thì là cũng na ná

Có răng nói rứa (có sao nói thế)

Thật thà chất phác

Có khi đói bữa vẫn cười há há

4. Rứa thâu trong Tiếng Anh là gì?

Rứa thâu trong Tiếng Anh là That’s all, That's (about)...

That’s all, That's (about) tùy ngữ cảnh có thể dịch là: thế thôi, đó là tất cả, chỉ có vậy, vậy thôi, hết rồi...

5. Chi mô răng rứa, mô tê răng rứa có nghĩa là gì?

Phương ngữ miền Trung còn có rất nhiều từ ngữ đặc trưng khác như mô, tê, răng,... Vậy bạn có biết mô tê răng rứa nghĩa là gì hay chưa? Để hiểu ý nghĩa của câu này, chúng ta cần biết được nghĩa của từng từ riêng lẻ như sau:

  • mô: là một từ được dùng trong các câu hỏi, mang ý nghĩa là ở đâu. Ví dụ: “anh đi mô rứa?” thì có nghĩa là hỏi “anh đi đâu thế?”
  • tê: là một từ dùng để chỉ vị trí, có thể được hiểu là kia, đằng kia. Ví dụ: “cái tê là cái chi?”, có nghĩa là hỏi “cái kia là cái gì?” hoặc “ở tê tề” có nghĩa là “ở kia kìa”
  • răng: từ này mang ý nghĩa là “sao”, “thế nào” trong các câu hỏi thường ngày. Ví dụ: “cái ni mần răng?” là để hỏi “cái này làm sao”, “cái này làm thế nào?”
  • chi: cũng là một từ dùng trong câu hỏi, có ý nghĩa là gì. Ví dụ: “em đang muốn lấy cái chi chi?” là đang muốn hỏi “em đang muốn lấy cái gì?”
  • rứa: rứa tiếng Nghệ An là gì? Như đã nói phía trên, rứa có nghĩa là thế, một từ đệm giúp nhấn mạnh hơn. Ví dụ: “rứa là hắn đi à?” có nghĩa là “thế là anh ta đi à?”

Các từ này thường được dùng để đệm vào nhiều câu nói khác nhau tạo nên những ý nghĩa khá đặc trưng. Bạn cũng có thể ghép những từ này thành một câu có nghĩa, ví dụ như:

  • “Mi đang mần cái chi rứa?” - “Mày đang làm cái gì thế?”
  • “Em có biết cái chi mô” - “Em có biết cái gì đâu”
  • “Rứa hấn đang ở mô? Răng sáng giờ em tìm mà chả thấy mô? Rứa hấn đang ở tê răng?” - “Thế anh ta đang ở đâu? Sao sáng giờ em tìm mà không thấy đâu? Thế anh ta đang ở kia sao?”

Từ "rứa" cũng như "mô", "tê", "răng" là nét đặc trưng của tiếng địa phương miền Trung Việt Nam, thể hiện sự phong phú và đa dạng của ngôn ngữ Việt.

6. Những câu nói có từ rứa trong giao tiếp người miền Trung

Những câu nói có từ rứa trong giao tiếp người miền Trung thường sử dụng như:

  • Rứa à - nghĩa là Thế à
  • Chi rứa - nghĩa là Gì thế
  • Có chuyện chi rứa? - nghĩa là Có chuyện gì thế
  • Răng rứa? - nghĩa là Sao thế
  • Cái ni mần răng rứa? - nghĩa là Cái này làm sao thế
  • Mô rứa? - là Đâu thế, Ở đâu
  • Mi đi mô rứa? - Mày đi đâu thế
  • Chi mô răng rứa? - nghĩa là Gì đâu sao thế
  • Mần cái chi rứa? - nghĩa là Làm cái gì thế
  • Răng rứa hè - nghĩa là Sao thế nhỉ
  • Thằng nớ nó mần răng rứa hè? - có nghĩa là Thằng ấy nó làm sao thế nhỉ
  • Ở rứa - nghĩa là Ở đâu
  • Có rứa - có nghĩa là Có thế thôi
  • Ăn chi rứa? - Ăn cái gì đó
  • Rưa rứa - nghĩa là có thế thôi, có chừng đó thôi
  • Như rứa - nghĩa là Như thế
  • Ở mô rứa? - nghĩa là Ở đâu thế
  • Rứa hầy - nghĩa là Thế nhỉ
  • Rứa hè - có nghĩa là Thế nha
  • Mi gan rứa - Mày gan thế
  • Chắc rứa - Chắc thế
  • Kinh rứa - có nghĩa là Kinh thế
  • Tau thích làm rứa - nghĩa là Tôi thích làm thế

7. Phiên dịch các từ miền Trung thường dùng

Phương ngữ Nghệ An - miền Trung
Phương ngữ Nghệ An - miền Trung

1. Đại từ miền Trung

Một số đại từ miền Trung quen thuộc phải kể đến như:

  • Tau: có nghĩa là tao, là một cách để nói về chính bản thân mình, tương ứng với từ “Tôi” hoặc “Mình” trong ngôn ngữ toàn dân. Ví dụ: “Tau đã nói rồi”, có nghĩa là “Tôi đã nói rồi”
  • Mi: có nghĩa là mày, là một cách để gọi người đối diện, thường là bạn bè hoặc những người nhỏ hơn mình. Ví dụ: “Mi đang làm cái chi rứa?” có nghĩa là “Mày đang làm cái gì thế?”
  • Choa: có nghĩa là chúng tao, là một cách để gọi chúng tôi, hoặc chúng mình
  • Bây: có nghĩa là các bạn, chúng mày, hoặc những người khác. Ví dụ: “Ê bây ơi bây”, có nghĩa là “Ê tụi mày ơi”
  • Cấy: có nghĩa là cái, dùng để chỉ một vật cụ thể nào đó. Ví dụ như: “cấy chi rứa? có nghĩa là “cái gì thế”
  • Hấn: có nghĩa là hắn, dùng để nói về “anh ấy”, “cô ấy”

2. Danh từ miền Trung

Sau đây là một số từ ngữ mà người miền Trung cũng rất hay sử dụng là:

  • Con du: có nghĩa là con dâu, vợ của con trai
  • Chạc: có nghĩa là cái dây, được dùng để chỉ sợi dây, sợi cáp
  • Con me: có nghĩa là con bê, con bò con, một loại gia súc
  • Chủi: có nghĩa là cây chổi
  • Nạm: có nghĩa là nắm, dùng để nắm một vật gì đó
  • Tru: có nghĩa là con trâu, một loại gia súc phổ biến bên cạnh con bò
  • Trốc gúi: có nghĩa là cái đầu gối, một bộ phận trên cơ thể
  • Mấn: có nghĩa là chiếc váy
  • Khu: có nghĩa là cái mông, đít
  • Khu mấn : có nghĩa là nghèo, không có cái gì đó
  • Trốc: có nghĩa là cái đầu, phần đầu của một vật gì đó
  • Trốc tru: có nghĩa là đồ ngu, dùng để chỉ người nghịch ngợm, bướng bỉnh
  • Đọi: là cái bát, cái chén dùng để ăn

3. Thán từ miền Trung

Bên cạnh đó, ngôn ngữ địa phương của miền Trung cũng có rất nhiều thán từ đặc biệt như sau:

  • Mồ: có nghĩa là nào
  • Ni: nghĩa là cái này
  • Tề: nghĩa là kìa hoặc đó
  • Nỏ: có nghĩa là không. Ví dụ: “Hấn nỏ có biết mô” - “Hắn ta không có biết đâu”
  • A ri: có nghĩa là như thế này, dùng để diễn tả ý muốn giả thích điều gì đó cho người khác
  • Ri: có nghĩa là thế này
  • Bây giừ, bây chừ: nghĩa là bây giờ, ngay lúc này
  • Chư: nghĩa là từ chứ trong ngôn ngữ tiếng Việt thường ngày
  • Đại: có nghĩa là bừa. Ví dụ: “Lấy đại cho tau đi” có nghĩa là “Lấy bừa cho tao đi, cái nào cũng được”
  • Nớ: có nghĩa là ấy. Ví dụ: “Lấy cái nớ cũng được” là “Lấy cái ấy cũng được”
  • Hầy: nghĩa là nhỉ. Ví dụ như “Thích hầy” nghĩa là “Thích nhỉ”
  • Rành: rành lại có nghĩa là rất. Ví dụ: “Rành nhiều” nghĩa là “Rất nhiều”
  • Nhứt: có nghĩa là nhất. Ví dụ: “Cái ni là nhứt” có nghĩa là “Cái này là nhất”

8. Từ "rứa" có được sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật?

Căn cứ Điều 69, Nghị định 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy định:

Ngôn ngữ sử dụng trong văn bản là tiếng Việt, chính xác, phổ thông. Không dùng từ ngữ địa phương, từ ngữ cổ và từ ngữ thông tục. Từ ngữ nước ngoài chỉ được sử dụng khi không có từ ngữ tiếng Việt tương ứng để thay thế. Từ ngữ nước ngoài có thể sử dụng trực tiếp nếu là từ ngữ thông dụng, phổ biến hoặc phải phiên âm sang tiếng Việt.

Do đó từ "rứa" hay bất kỳ từ ngữ địa phương, từ ngữ cổ và từ ngữ thông tục đều không được sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật.

Trên đây, HoaTieu.vn đã giải đáp cho câu hỏi Rứa là gì? Rứa thâu là gì? Cách giải nghĩa từ rứa miền Trung. Mời các bạn đọc thêm các bài viết liên quan tại mảng Tài liệu.

Đánh giá bài viết
10 981
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm