Làm gì khi bị nhiễm Omicron?

Hiện nay làn sóng Covid19 do biến chủng Omicron vẫn đang khiến nhiều quốc gia gánh chịu những hậu quả nặng nề. Mới đây nước ta đã ghi nhận những ca mắc biến chủng Omicron đầu tiên, đây đều là những ca nhập cảnh đã thực hiện cách ly. Tuy vậy người dân không nên chủ quan trước biến chủng này. Sau đây là những điều cần biết về biến chủng Omicron cũng như cần làm gì khi bị nhiễm Omicron Hoatieu đã tổng hợp, xin chia sẻ đến bạn đọc.

1. Những điều cần biết về Omicron

Khả năng lây truyền: Vẫn chưa rõ liệu Omicron có dễ lây truyền hơn so với các biến thể khác (bao gồm cả Delta) hay không. Số lượng người có kết quả xét nghiệm dương tính đã tăng lên ở các khu vực của Nam Phi bị ảnh hưởng bởi biến thể này, nhưng các nghiên cứu dịch tễ học đang được tiến hành để tìm hiểu xem liệu đó có phải là do Omicron hay các yếu tố khác.

Mức độ nghiêm trọng của bệnh: Vẫn chưa rõ liệu việc nhiễm biến thể Omicron có gây ra bệnh nặng hơn so với nhiễm các loại biến thể khác (bao gồm cả Delta) hay không. Dữ liệu sơ bộ cho thấy tỷ lệ nhập viện ngày càng tăng ở Nam Phi, nhưng điều này có thể là do tổng số người bị nhiễm bệnh ngày càng tăng, chứ không phải là kết quả cụ thể của việc nhiễm Omicron. Hiện tại không có thông tin nào cho thấy các triệu chứng liên quan đến Omicron là khác so với các triệu chứng ở các biến thể khác. Các trường hợp nhiễm được báo cáo ban đầu là ở các sinh viên đại học cho thấy những người trẻ hơn có xu hướng mắc bệnh nhẹ hơn. Tất cả các biến thể của COVID-19, bao gồm cả biến thể Delta đang chiếm ưu thế trên toàn thế giới, đều có thể gây bệnh nặng hoặc tử vong, đặc biệt đối với những người dễ bị tổn thương nhất. Do đó, việc phòng ngừa luôn là chìa khóa quan trọng.

Khả năng nhiễm biến thể Omicron nếu đã từng mắc COVID-19 trước đây: Bằng chứng sơ bộ cho thấy những người đã từng mắc COVID-19 có thể bị tái nhiễm dễ dàng hơn với Omicron so với các biến thể cần quan tâm khác, nhưng thông tin còn hạn chế.

Hiệu quả của vắc xin: WHO đang tiếp tuc nghiên cứu để hiểu tác động tiềm tàng của biến thể này đối với các biện pháp đối phó hiện có, bao gồm cả vắc xin. Các loại vắc xin hiện tại vẫn rất quan trọng trong việc giảm thiểu bệnh nặng và tử vong.

Hiệu quả của các xét nghiệm hiện tại: Các xét nghiệm PCR được sử dụng rộng rãi để phát hiện các trường hợp nhiễm, trong đó có việc nhiễm COVID-19 bởi biến thể Omicron. Các nghiên cứu đang được tiến hành để xác định xem liệu có bất kỳ tác động nào đến các loại xét nghiệm khác, bao gồm cả xét nghiệm phát hiện kháng nguyên nhanh hay không.

Hiệu quả của các phương pháp điều trị hiện tại: Corticosteroid và thuốc chẹn thụ thể IL6 sẽ vẫn có hiệu quả để quản lý bệnh nhân bị COVID-19 nặng. Các phương pháp điều trị khác sẽ được đánh giá để xem liệu chúng có còn hiệu quả hay không với những thay đổi đối với các thành phần của vi rút có trong biến thể Omicron.

2. Các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm Omicron

Các bước hiệu quả nhất mà các cá nhân có thể thực hiện để giảm sự lây lan của vi rút COVID-19 là giữ khoảng cách ít nhất 1 mét với những người khác; đeo khẩu trang đúng cách; mở cửa sổ để cải thiện thông gió nơi ở, nơi làm việc; tránh đến những nhũng nơi có không gian kém thông gió hoặc đông người; rửa tay thường xuyên; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; và tiêm phòng khi đến lượt.

3. Cần làm gì nếu bị nhiễm Omicron?

Nếu nhiễm biến chủng Omicron, bạn cần tuân thủ hướng dẫn của y tế địa phương, chủ động cách ly, theo dõi sức khỏe.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà (Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam) cho biết không có test nhanh hay RT-PCR có thể xác định một người nhiễm biến chủng Covid-19 nào. Do đó, khi có yếu tố dịch tễ, nghi ngờ nhiễm biến chủng này, cần báo ngay cho y tế địa phương để có phương án xử trí phù hợp.

Trong thời gian chờ đợi nhân viên y tế, bạn cần chủ động tự cách ly y tế tại nhà, hạn chế tiếp xúc với các thành viên khác, nhất là người lớn tuổi, có bệnh nền, trẻ em chưa được tiêm vaccine. Các F1 xét nghiệm Covid-19 ba ngày một lần, trong vòng 14 ngày; tự theo dõi các triệu chứng lâm sàng như ho, sốt, đau họng, khó thở... Nếu kết quả xét nghiệm dương tính Covid-19, người bệnh sẽ được lấy mẫu để giải trình tự gene virus.

"Trường hợp bạn nhiễm Omicron cũng không cần quá lo lắng, bởi chủng này ít gây trở nặng và tử vong hơn chủng Delta", bác sĩ Hà nói.

Bác sĩ Trần Quang Bính (Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, nguyên trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy) nói phác đồ điều trị cho F0 Omicron không khác so với các biến chủng trước đây. Nhóm trẻ em nếu không may nhiễm bệnh cũng nhanh khỏi và rất ít di biến chứng. Để khỏi bệnh an toàn, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn của nhân viên y tế.

Nhóm nguy cơ cao (người trên 65 tuổi, có bệnh lý nền) mắc Omicron cũng không nhất định phải điều trị tại bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung. Bác sĩ Hà phân tích, điều quan trọng nhất là phải rà soát, phát hiện sớm những người đã tiếp xúc với nguồn lây để xét nghiệm tầm soát, chẩn đoán. Ngay khi phát hiện dương tính, F0 chưa có triệu chứng, chưa cần chăm sóc y tế phải được cấp thuốc kháng virus (molnupiravir, favipiravir...) cho họ sử dụng sớm, ngăn virus nhân lên trong cơ thể. Như vậy, người bệnh sẽ vượt qua Covid-19 an toàn ngay tại nhà, giảm đến mức tối thiểu nguy cơ nhập viện, trở nặng phải nhập hồi sức (ICU), hoặc tử vong, giảm gánh nặng cho hệ thống y tế.

Trường hợp người bệnh xuất hiện triệu chứng lâm sàng như mệt nhiều, sốt cao, đau tức ngực, khó thở, SpO2 (nồng độ oxy máu mao mạch) giảm dưới 95%... cần phải vào cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Theo bác sĩ Hà, chủng Omicron không gây nguy hiểm bằng Delta nhưng nồng độ virus khu trú ở đường hô hấp trên (mũi, họng và khí quản) cao, do đó tốc độ lây lan nhanh hơn. Nếu số người nhiễm tăng nhanh và nhiều thì số ca nặng cũng sẽ tăng theo. Vì vậy, người dân không được chủ quan, ngành y tế cũng cần chuẩn bị tinh thần, trang thiết bị để đáp ứng điều trị y tế cho bệnh nhân trở nặng, như giường bệnh, oxy, thuốc kháng virus...

Bác sĩ khuyến cáo nhóm nguy cơ cao cần tiêm đầy đủ các mũi vaccine phòng Covid-19, nhất là mũi ba (mũi bổ sung và nhắc lại), đồng thời thực hiện nghiêm 5K; người nhà giữ gìn, tránh lây nhiễm Covid-19 cho họ.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 504
0 Bình luận
Sắp xếp theo