Quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ được HDND bầu

Quy trình lấy phiếu tín nhiệm

Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu được quy định tại Nghị quyết 85/2014/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. HoaTieu.vn xin được gửi đến các bạn quy trình lấy phiếu tín nhiệm mới nhất, mời các bạn cùng tham khảo.

I - Xác định đối tượng, thời hạn và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu

1. Đối tượng lấy phiếu tín nhiệm

a) HĐND tỉnh, thành phố, thị xã lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ sau đây:

- Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên thường trực, Trưởng Ban của HĐND;

- Chủ tịch, Phó Chủ tịch, các thành viên khác của UBND.

b) HĐND các xã, thị trấn lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ sau đây:

- Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND các xã, thị trấn;

- Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên UBND các xã, thị trấn.

c) Trường hợp một người đồng thời giữ nhiều chức vụ do HĐND bầu thì việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần đối với các chức vụ mà người đó đã được HĐND bầu. Trong phiếu tín nhiệm phải ghi rõ các chức vụ đó.

2. Thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm

HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện định kỳ hằng năm (tại kỳ họp thường lệ đầu tiên hằng năm của HĐND các cấp), kể từ năm thứ hai của mỗi nhiệm kỳ. Năm 2014, căn cứ Văn bản số 717/UBTVQH13-CTĐB ngày 18 tháng 8 năm 2014 của Ủy ban Thường vụ hướng dẫn HĐND các cấp lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp HĐND thường kỳ cuối năm 2014.

II - Quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu

1. Báo cáo và trách nhiệm giải trình của người được lấy phiếu tín nhiệm

a) Chậm nhất là 20 ngày, trước ngày khai mạc kỳ họp HĐND người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm gửi đến Thường trực HĐND báo cáo bằng văn bản về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống trong năm trước đó.

Báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm gồm các nội dung sau đây:

- Họ và tên, chức vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm do HĐND bầu;

- Kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật đối với chức vụ do HĐND bầu;

- Tự đánh giá về các nội dung tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống;

- Giải trình về ý kiến, kiến nghị của cử tri do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp chuyển đến (nếu có).

b) Chậm nhất là 15 ngày, trước ngày khai mạc kỳ họp HĐND để tiến hành lấy phiếu tín nhiệm nếu đại biểu HĐND thấy cần phải làm rõ vấn đề liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm thì có quyền đề nghị Thường trực HĐND yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác minh và trả lời bằng văn bản cho đại biểu. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền chưa xác minh kịp thì báo cáo Thường trực HĐND quyết định cho trả lời sau nhưng phải trước ngày lấy phiếu tín nhiệm lần tiếp theo; trong trường hợp này, việc lấy phiếu tín nhiệm vẫn được thực hiện.

c) Chậm nhất là 10 ngày, trước ngày khai mạc kỳ họp, Thường trực HĐND gửi báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm và báo cáo tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp (nếu có) đến đại biểu HĐND.

d) Chậm nhất là 03 ngày, trước ngày khai mạc kỳ họp HĐND, đại biểu HĐND có thể gửi văn bản đến người được lấy phiếu tín nhiệm yêu cầu làm rõ hơn những nội dung thuộc căn cứ đánh giá tín nhiệm (kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống). Người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm giải trình bằng văn bản và gửi đến đại biểu có yêu cầu trước ngày lấy phiếu tín nhiệm.

2. Thảo luận tại Tổ đại biểu HĐND

Trước khi tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, HĐND có thể tổ chức thảo luận tại Tổ đại biểu HĐND về các vấn đề có liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm và người được lấy phiếu tín nhiệm. Thường trực HĐND báo cáo trước HĐND kết quả thảo luận tại Tổ đại biểu HĐND.

3. HĐND thành lập Ban kiểm phiếu.

Việc thành lập, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm phiếu theo quy định tại Điều 13 Quy chế hoạt động của HĐND năm 2005.

4. HĐND lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín.

- Phiếu tín nhiệm sử dụng trong quy trình lấy phiếu tín nhiệm được thể hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết số 561/2013/UBTVQH13, gồm các phiếu riêng đối với từng chức vụ và nhóm chức vụ tương ứng với thứ tự mà HĐND bầu tại kỳ họp thứ nhất theo quy định tại Quy chế hoạt động của HĐND năm 2005. Trên từng phiếu ghi rõ họ và tên, chức vụ do HĐND bầu của người được lấy phiếu tín nhiệm kèm theo các ô tương ứng với các mức độ “Tín nhiệm cao”, “Tín nhiệm”, “Tín nhiệm thấp”. Người ghi phiếu tín nhiệm có thể ký tên hoặc không ký tên vào phiếu tín nhiệm.

- Những phiếu không hợp lệ:

+ Phiếu không theo mẫu quy định do Ban kiểm phiếu phát ra;

+ Phiếu không có dấu của HĐND;

+ Phần thể hiện mức độ tín nhiệm trên phiếu đối với người giữ chức vụ có đánh dấu từ hai ô trở lên;

- Trường hợp phiếu ghi tên nhiều người mà phần thể hiện mức độ tín nhiệm đối với người không hợp lệ do đánh dấu từ hai ô trở lên thì chỉ xác định không hợp lệ đối với người đó; kết quả thể hiện mức độ tín nhiệm đối với những người còn lại trong danh sách vẫn hợp lệ.

- Trường hợp phiếu có ghi thêm tên của người ngoài danh sách đã có trong phiếu do Ban kiểm phiếu phát ra thì phần ghi thêm đó không có giá trị; kết quả thể hiện mức độ tín nhiệm đối với những người còn lại trong danh sách vẫn hợp lệ.

5. Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu đối với người được lấy phiếu tín nhiệm

Việc xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với từng người được Ban kiểm phiếu công bố công khai tại kỳ họp và gồm các nội dung sau đây:

- Họ và tên, chức vụ do HĐND bầu của người được lấy phiếu tín nhiệm;

- Tổng số phiếu phát ra, số phiếu thu về và số phiếu hợp lệ;

- Tổng số phiếu đánh giá “Tín nhiệm cao”, tỷ lệ phần trăm so với tổng số đại biểu HĐND;

- Tổng số phiếu đánh giá “Tín nhiệm”, tỷ lệ phần trăm so với tổng số đại biểu HĐND;

- Tổng số phiếu đánh giá “Tín nhiệm thấp”, tỷ lệ phần trăm so với tổng số đại biểu HĐND.

Tổng số đại biểu HĐND được sử dụng làm căn cứ để tính tỷ lệ phiếu là tổng số đại biểu HĐND được triệu tập tại thời điểm lấy phiếu tín nhiệm.

6. HĐND xem xét, thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm.

Căn cứ vào kết quả lấy phiếu tín nhiệm do Ban kiểm phiếu công bố, Thường trực HĐND trình HĐND cùng cấp xem xét, thông qua nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm để xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm ghi rõ thời gian lấy phiếu tín nhiệm, tổng số người được lấy phiếu tín nhiệm; đánh giá chung về việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm (công tác chuẩn bị, việc gửi báo cáo, tài liệu, trách nhiệm giải trình) và kết quả lấy phiếu tín nhiệm; xác định những người có quá nửa tổng số đại biểu HĐND đánh giá “Tín nhiệm thấp”; quyết định thời điểm HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với người có trên hai phần ba tổng số đại biểu HĐND đánh giá “Tín nhiệm thấp” hoặc 02 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu HĐND đánh giá “Tín nhiệm thấp”.

Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm được gửi đến người có trên hai phần ba tổng số đại biểu HĐND đánh giá “Tín nhiệm thấp” hoặc 02 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu HĐND đánh giá “Tín nhiệm thấp” để người đó có thể xin từ chức.

7. Hệ quả đối với người được HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp”

Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu HĐND đánh giá “Tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có trên hai phần ba tổng số đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” hoặc 02 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Thường trực HĐND chủ trì, phối hợp cùng cơ quan tham mưu về công tác cán bộ chuẩn bị các điều kiện về thủ tục và nhân sự báo cáo cấp có thẩm quyền để trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm chậm nhất là vào kỳ họp tiếp theo. Cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người để HĐND bầu có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chuẩn bị nhân sự thay thế trong trường hợp người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm không được HĐND tín nhiệm.

III - Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu

Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu được quy định như sau:

1. Thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu trong các trường hợp sau đây:

- Có kiến nghị bằng văn bản của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu HĐND;

- Có kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp;

- Người được lấy phiếu tín nhiệm có trên hai phần ba tổng số đại biểu HĐND đánh giá “Tín nhiệm thấp”;

- Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu HĐND đánh giá “Tín nhiệm thấp” trong 02 năm liên tiếp.

2. Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quyền trình bày ý kiến của mình trước HĐND.

3. HĐND thảo luận.

4. HĐND thành lập Ban kiểm phiếu.

Việc thành lập, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm phiếu theo quy định tại Điều 13 của Quy chế hoạt động của HĐND.

5. HĐND bỏ phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín.

Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm, các mức độ: "tín nhiệm”, "không tín nhiệm".

6. Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu đối với người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm.

7. HĐND xem xét, thông qua Nghị quyết về việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu theo đề nghị của Thường trực HĐND.

8. Hệ quả đối với người không được HĐND tín nhiệm.

Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu đại biểu HĐND bỏ phiếu “không tín nhiệm” thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền đã giới thiệu người đó để HĐND bầu có trách nhiệm trình HĐND xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức đối với người không được HĐND tín nhiệm.

Trên đây, là quy trình, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu, trong quá trình tổ chức phải tuân thủ để bảo đảm được mục đích, yêu cầu, nguyên tắc, tạo sự thống nhất trong thực hiện../

Đánh giá bài viết
1 1.962
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo