Các loại bằng lái xe ở Việt Nam 2024

Mới đây, ngày 27/6/2024 Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Theo đó, Luật này đã có một số quy định mới về các loại giấy phép lái xe kể từ ngày 1/1/2025 tới đây. Sau đây là chi tiết các hạng giấy phép lái xe máy, ô tô mới được ban hành tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Mời các bạn cùng tham khảo.

Các loại bằng lái xe ở Việt Nam mới nhất

1. Trường hợp điều khiển mô tô điện phải có Giấy phép lái xe

Căn cứ theo khoản 1 Điều 57 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 thì kể từ ngày 01/01/2025 thì người tham gia giao thông điều khiển các loại xe điện sau đây thì phải cần bằng lái xe:

(1) Xe mô tô điện hai bánh có công suất động cơ điện đến 11 kW thì phải cần bằng lái xe hạng A1 hoặc bằng B1.

(2) Xe mô tô điện hai bánh có công suất động cơ điện trên 11 kW và xe mô tô điện thuộc trường hợp thứ (1) thì phải cần bằng lái xe hạng A.

Trường hợp bằng lái xe được cấp trước ngày 01/01/2025, nếu chưa thực hiện đổi, cấp lại theo quy định của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực sử dụng như sau:

Đối với xe mô tô điện hai bánh có công suất động cơ điện từ 04 kW đến dưới 14 kW thì vẫn tiếp tục được sử dụng bằng lái xe hạng A1 hoặc hạng A3 cũ;

Đối với xe mô tô điện hai bánh có công suất động cơ điện từ 14 kW trở lên và loại xe thuộc (1) nêu trên thì vẫn được sử dụng bằng lái xe hạng A2 cũ.

Trường hợp thực hiện việc đổi, cấp lại bằng lái xe theo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 thì hạng bằng lái xe để lái xe mô tô điện được quy định tại điểm a, b, c khoản 2 và điểm a, b, c khoản 3 Điều 89. Theo đó:

Hạng A1 được đổi, cấp lại sang giấy phép lái xe hạng A: Chỉ được điều khiển xe mô tô điện hai bánh có công suất động cơ điện đến dưới 14 kW;

Hạng A2 được đổi, cấp lại sang bằng lái xe hạng A: Được điều khiển xe mô tô điện hai bánh có công suất động cơ điện trên 11 kW và xe mô tô điện thuộc hạng A1 mới;

Hạng A3 được đổi, cấp lại sang bằng lái xe hạng B1: Được điều khiển xe mô tô điện hai bánh có công suất động cơ điện đến 11 kW.

2. Các loại bằng lái xe ở Việt Nam mới nhất

Căn cứ theo Điều 57 của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Giấy phép lái xe bao gồm các hạng sau đây:

a) Hạng A1 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh đến 125 cm3 hoặc có công suất động cơ điện đến 11 kW;

b) Hạng A cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh trên 125 cm3 hoặc có công suất động cơ điện trên 11 kW và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1;

c) Hạng B1 cấp cho người lái xe mô tô ba bánh và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1;

d) Hạng B cấp cho người lái xe ô tô chở người đến 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe); xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 3.500 kg; các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng B có kéo theo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg;

đ) Hạng C1 cấp cho người lái xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 3.500kg đến 7.500 kg; các loại xe ô tô tải quy định cho giấy phép lái xe hạng C1 có kéo theo rơ mooc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B;

e) Hạng C cấp cho người lái xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 7.500 kg; các loại xe ô tô tải quy định cho giấy phép lái xe hạng C kéo theo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1;

g) Hạng D1 cấp cho người lái xe ô tô chở người trên 08 chỗ đến 16 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D1 kéo theo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1, C;

h) Hạng D2 cấp cho người lái xe ô tô chở người (kể cả ô tô buýt) trên 16 chỗ đến 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D2 kéo theo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1, C, D1;

i) Hạng D cấp cho người lái xe ô tô chở người (kể cả ô tô buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe); xe ô tô chở người giường nằm; các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D kéo theo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1, C, D1, D2;

k) Hạng BE cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng B kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750 kg;

l) Hạng C1E cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng C1 kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750 kg;

m) Hạng CE cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng C kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750 kg; xe ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc;

n) Hạng D1E cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng D1 kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750 kg;

o) Hạng D2E cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng D2 kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750 kg;

p) Hạng DE cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng D kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750 kg; xe ô tô chở khách nối toa.

Trong đó:

  • Người khuyết tật điều khiển xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật được cấp giấy phép lái xe hạng A1.
  • Người khuyết tật điều khiển xe ô tô số tự động có kết cấu phù hợp với tình trạng khuyết tật thì được cấp giấy phép lái xe hạng B.
  • Người điều khiển xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ phải sử dụng giấy phép lái xe có hạng phù hợp với xe ô tô tải hoặc xe ô tô chở người tương ứng.
  • Người điều khiển xe ô tô có thiết kế, cải tạo với số chỗ ít hơn xe cùng loại, kích thước giới hạn tương đương phải sử dụng giấy phép lái xe có hạng phù hợp với xe ô tô cùng loại, kích thước giới hạn tương đương và có số chỗ nhiều nhất.

3. Thời hạn của các loại giấy phép lái xe

a) Giấy phép lái xe các hạng A1, A, B1 không thời hạn;

b) Giấy phép lái xe hạng B có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp;

c) Giấy phép lái xe các hạng C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE có thời hạn 05 năm kể từ ngày cấp.

4. Giấy phép lái xe có giá trị sử dụng trong phạm vi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

a) Giấy phép lái xe do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp;

b) Giấy phép lái xe quốc tế và giấy phép lái xe quốc gia phù hợp với loại xe được phép điều khiển do quốc gia là thành viên của Công ước của Liên hợp quốc về Giao thông đường bộ năm 1968 (sau đây gọi là Công ước Viên) cấp;

c) Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển của nước hoặc vùng lãnh thổ mà Việt Nam ký cam kết công nhận giấy phép lái xe của nhau;

d) Giấy phép lái xe nước ngoài phù hợp với loại xe được phép điều khiển do quốc gia được công nhận theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

5. Các trường hợp giấy phép lái xe bị hết hiệu lực

a) Giấy phép lái xe hết thời hạn sử dụng;

b) Giấy phép lái xe bị trừ hết điểm;

c) Giấy phép lái xe có Quyết định thu hồi:

  • Người được cấp giấy phép lái xe không đủ điều kiện sức khỏe theo kết luận của cơ quan y tế đối với từng hạng giấy phép lái xe;
  • Giấy phép lái xe được cấp sai quy định;
  • Giấy phép lái xe đã quá thời hạn tạm giữ hoặc hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng.

Trên đây là một số quy định mới về giấy phép lái xe theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Các bạn có thể tham khảo thêm nhiều thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Phổ biến pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 306
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm