Thông tư 19/2017/TT-BTC quy định lập dự toán, quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính

Tải về

Thông tư 19/2017/TT-BTC - Quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước về xử lý vi phạm hành chính

Thông tư 19/2017/TT-BTC quy định lập dự toán, quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính do Bộ Tài chính ban hành, có hiệu lực từ ngày 15/04/2017. Thông tư 19/2017/TT-BTC áp dụng đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Quyết định 595/QĐ-TCHQ hướng dẫn cấp, quản lý và sử dụng Thẻ công chức thanh tra chuyên ngành hải quan

Thông tư 07/2017/TT-BTC về hỗ trợ kinh phí cho hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả

Thông tư 306/2016/TT-BTC về kinh phí hỗ trợ công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá

BỘ TÀI CHÍNH
-------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 19/2017/TT-BTCHà Nội, ngày 28 tháng 02 năm 2017

THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VIỆC LẬP DỰ TOÁN, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CHO CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THI HÀNH PHÁP LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

2. Thông tư này áp dụng đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

Điều 2. Nguyên tắc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí

1. Nhiệm vụ công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó đảm bảo và bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

2. Kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính phải được lập, quản lý, sử dụng và quyết toán đúng mục đích, đúng chế độ và theo các quy định tại Thông tư này.

3. Kinh phí từ nguồn tài trợ của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước cho các cơ quan, đơn vị để thực hiện việc theo dõi thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính thực hiện đúng theo sự thỏa thuận và phù hợp với pháp luật Việt Nam. Trường hợp không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

Điều 3. Nội dung chi

1. Chi công tác phí cho những người thực hiện công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

2. Chi điều tra, khảo sát, kiểm tra tình hình thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

3. Chi hoạt động thống kê về xử lý vi phạm hành chính theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

4. Chi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính: soạn thảo, góp ý, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật; báo cáo theo dõi thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

5. Chi cho công tác hệ thống hóa, rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật trong theo dõi thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

6. Chi cho công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

7. Chi cho công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

8. Chi tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tọa đàm trao đổi nghiệp vụ công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

9. Chi tiền lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ cho những người làm công tác theo dõi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

10. Chi tổ chức nghiên cứu khoa học về theo dõi thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

11. Chi khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

12. Chi sơ kết, tổng kết tình hình thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

13. Chi xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính.

14. Chi tổ chức cuộc thi, hội thi công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

15. Chi mua sắm, thuê trang thiết bị phục vụ cho quản lý công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

16. Chi công bố kết quả xử lý hồ sơ xử lý vi phạm hành chính trái pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng.

17. Chi hỗ trợ cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra, đánh giá các văn bản, tài liệu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính có nội dung phức tạp, phạm vi rộng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều cá nhân, tổ chức. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định cụ thể về thẩm quyền và cách thức xác định các hồ sơ phức tạp tại Bộ, ngành, địa phương mình.

18. Các khoản chi khác có liên quan trực tiếp đến quản lý công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính (nếu có).

Điều 4. Mức chi

1. Đối với các nội dung chi quy định tại khoản 1 đến khoản 13 Điều 3 đã có chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi hiện hành thực hiện theo chế độ hiện hành.

2. Ngoài ra, Thông tư hướng dẫn thêm một số khoản chi có tính chất đặc thù trong theo dõi thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính, gồm:

a) Chi tổ chức cuộc thi, hội thi công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở;

b) Chi mua, thuê trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính thực hiện theo tiêu chuẩn, định mức quy định tại Quyết định số 58/2015/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng máy móc, thiết bị của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập.

Việc thanh toán căn cứ vào hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp, hợp lệ được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong dự toán ngân sách hàng năm; trường hợp thuộc diện phải đấu thầu mua sắm thì thực hiện theo các quy định của pháp luật đấu thầu;

c) Chi công bố kết quả xử lý hồ sơ xử lý vi phạm hành chính trái pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng thực hiện theo định mức, đơn giá của các ngành có công việc tương tự và theo chứng từ chi thực tế hợp pháp và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi thực hiện;

d) Chi hỗ trợ cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra, đánh giá các văn bản, tài liệu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính có nội dung phức tạp, phạm vi rộng, ảnh hưởng đến nhiều đối tượng: Mức chi tối đa 500.000 đồng/hồ sơ;

đ) Các khoản chi khác có liên quan trực tiếp đến công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính (nếu có), theo hóa đơn, chứng từ chi thực tế hợp pháp, hợp lệ được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong dự toán ngân sách hàng năm.

Điều 5. Lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính

1. Việc lập dự toán, quản lý kinh phí bảo đảm cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính được thực hiện như sau:

a) Hàng năm, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao; các hoạt động, nội dung chi quy định tại Điều 3 và mức chi quy định tại Điều 4 Thông tư này, các cơ quan, đơn vị lập dự toán chi tiết kinh phí bảo đảm cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính, tổng hợp chung vào dự toán ngân sách chi thường xuyên hàng năm gửi cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật;

b) Đối với các tổ chức pháp chế không phải là đơn vị dự toán, hàng năm, tổ chức pháp chế căn cứ vào các nội dung kinh phí bảo đảm cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính quy định tại Thông tư này và kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính được duyệt, lập dự toán kinh phí bảo đảm cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính gửi bộ phận tài chính của cơ quan mình để tổng hợp chung vào dự toán kinh phí của cơ quan theo quy định;

c) Việc phân bổ kinh phí bảo đảm cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

2. Việc sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán, các văn bản hướng dẫn thi hành và các quy định cụ thể tại Thông tư này.

Điều 6. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 4 năm 2017.

2. Mức chi quy định tại Điều 4 Thông tư là mức chi tối đa làm căn cứ để các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trung ương lập dự toán kinh phí ngân sách nhà nước cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan trung ương quy định mức chi cụ thể để thực hiện chi tiêu cho phù hợp nhưng không vượt quá mức chi tối đa quy định tại Điều 4 Thông tư này trong phạm vi dự toán chi ngân sách đã được cấp có thẩm quyền giao để thực hiện.

3. Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương và khả năng cân đối ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định nội dung, mức chi cụ thể cho phù hợp nhưng tối đa không vượt quá mức tối đa quy định tại Điều 4 Thông tư này. Trường hợp cần thiết do yêu cầu công việc, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức chi cao hơn nhưng không vượt quá 20% mức chi quy định tại Điều 4 Thông tư này.

4. Trường hợp các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa ban hành văn bản quy định cụ thể mức chi thì các cơ quan, đơn vị được áp dụng quy định tại Thông tư này để thực hiện.

5. Khi các văn bản quy định về chế độ, định mức chi dẫn chiếu để áp dụng tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

6. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

Đánh giá bài viết
1 602
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm