Rải đinh trên đường có thể bị phạt tù đến 10 năm

Xử lý nạn rải đinh như thế nào?

Hiện nay, xuất hiện một số đối tượng rải đinh để "bẫy" các phương tiện khi tham gia giao thông. Vậy hành vi rải "đinh tặc" trên đường này bị pháp luật xử lý như thế nào, mời các bạn tham khảo nội dung bài viết dưới đây.

Bẫy đinh trên đường không đơn thuần chỉ gây tốn kém vài chục ngàn đồng vá xe, thay ruột mà nó còn gây tai nạn giao thông làm chết người như nhiều ví dụ nhãn tiền. Từ ngày 1/7/2016, khi áp dụng Bộ luật hình sự (BLHS 2015), “đinh tặc” sẽ hết đất sống. Bởi chỉ cần bắt quả tang họ rải đinh là có thể xử lý hình sự mà không cần phải chứng minh hậu quả gây ra.

Rải đinh trên đường có thể bị phạt tù đến 10 năm

Trước đây, để xử hình sự “đinh tặc”, cơ quan tố tụng phải rất vất vả nhưng chỉ có thể xử họ về tội cố ý làm hư hỏng tài sản. Sở dĩ phải áp dụng tội này là bởi BLHS hiện hành không có tội danh riêng để trừng trị hành vi nêu trên.

Để xử lý, cơ quan tố tụng phải chứng minh hành vi rải đinh đã gây ra thiệt hại cho người khác từ 2 triệu đồng trở lên. Nếu chỉ mới bắt quả tang hành vi rải đinh mà chưa gây ra hậu quả gì thì cùng lắm chỉ chuyển qua phạt hành chính đến 7 triệu đồng theo Nghị định 34/2010.

Chính vì vậy, đã có nơi cơ quan tố tụng phải vận dụng pháp luật linh động để xử hình sự họ. Việc vận dụng ấy dựa vào lập luận: Tuy chưa gây ra thiệt hại thực tế hoặc thiệt hại dưới 2 triệu đồng nhưng hành vi của họ đã gây hậu quả nghiêm trọng phi vật chất, đó là làm ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, việc áp dụng pháp luật như vậy vẫn gây ra nhiều tranh cãi về pháp lý.

Khi lấy ý kiến dự thảo BLHS 2015, ban soạn thảo đã tiếp thu và bổ sung hẳn một tội danh riêng để trị “đinh tặc” bằng tội rải đinh, vật sắc, nhọn trên đường bộ. Theo đó, người nào cố ý đặt, rải đinh hoặc vật sắc, nhọn trên đường bộ thì bị phạt tiền từ 30 triệu đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. Nếu có tình tiết tăng nặng định khung, người phạm tội có thể đối diện mức án cao nhất của khung hình phạt lên đến 12 năm tù.

Nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia pháp luật và người dân đồng tình với việc bổ sung tội danh mới này. Bởi điều luật này sẽ giúp cơ quan tố tụng áp dụng pháp luật dễ dàng khi trị “đinh tặc”, giải quyết được các bất cập, vướng mắc vốn gây nhiều tranh cãi, băn khoăn trước đây. Tuy nhiên, sau đó lấy lý do khách thể không đặc thù, đối tượng xâm hại trùng lặp, nhà làm luật đã bỏ tội này đi và đưa hành vi rải đinh hoặc vật sắc, nhọn trên đường bộ vào cấu thành của tội Cản trở giao thông đường bộ. Điều luật này (Điều 261) đã được thông qua cùng BLHS 2015, ngày 1/7 tới sẽ có hiệu lực thi hành.

Theo Điều 261 Bộ luật hình sự 2015, hành vi cố ý rải đinh, vật sắc, nhọn trên đường bộ nếu gây ra hậu quả chết người, gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho người khác hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 30 triệu đến 100 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội thuộc tình tiết định khung tăng nặng thì “đinh tặc” có thể bị xử phạt đến 10 năm tù…

Việc áp dụng các khung hình phạt nói trên xảy ra khi “đinh tặc” đã gây ra hậu quả theo cấp độ mà điều luật đã liệt kê. Còn nếu chỉ mới rải đinh hoặc vật sắc, nhọn xuống đường mà chưa gây ra hậu quả gì thì áp dụng khoản 5 của điều luật này. Theo đó, nếu phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời thì bị phạt tiền từ 5 triệu đến 20 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.

Đánh giá bài viết
1 269
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo