Giáo viên đánh học sinh phạm tội gì?

Đánh học sinh là hành vi khá phổ biến của mỗi giáo viên, nhất là giáo viên mầm non và tiểu học. Bởi lúc này các em chưa ý thức được, còn nghịch nhiều và giáo viên không quản được. Vậy, Giáo viên đánh học sinh phạm tội gì? Bài viết dưới đây của HoaTieu.vn sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn.

Hành vi giáo viên đánh học sinh còn có thể bị xử phạt
Hành vi giáo viên đánh học sinh còn có thể bị xử phạt

1. Giáo viên đánh học sinh bị xử lý thế nào?

Tùy vào hành vi đánh học sinh ở mức độ nặng nhẹ thế nào, ban giám hiệu nhà trường sẽ xem xét để ra quyết định xử lý kỷ luật đối với giáo viên vi phạm bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, buộc thôi việc. Nếu hành vi chỉ diễn ra lần đầu và không đến mức độ nghiêm trọng thì sẽ bị áp dụng hình thức khiển trách.

Ngoài ra, hành vi giáo viên đánh học sinh còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 1 Điều 28 Nghị định 04/2021/NĐ-CP:

Điều 28. Vi phạm quy định về kỷ luật người học; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học; vi phạm quy định về chính sách đối với người học

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Kỷ luật người học không đúng quy định của pháp luật hiện hành;

b) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hơn thế nữa, nếu giáo viên đánh học sinh gây thương tích từ 11% trở lên thì giáo viên còn có thể đứng trước nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi cố ý gây thương tích sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm...

Giáo viên đánh học sinh phạm tội gì?

2. Giáo viên đánh học sinh thì có vi phạm đạo đức nhà giáo?

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 6 Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT thì hành vi giáo viên đánh học sinh được quy định như sau:

Điều 6. Giữ gìn, bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo

..........

4. Không xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học, đồng nghiệp, người khác. Không làm ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt của đồng nghiệp và người khác.

Như vậy, hành vi giáo viên đánh học sinh đã vi phạm truyền thống, đạo đức nhà giáo.

3. Giáo viên có quyền đánh học sinh không?

Giáo viên có được đánh học sinh không?

Giáo viên hay bất cứ ai đi chăng nữa cũng không có quyền đánh người khác. Hành vi xâm phạm danh dự, thân thể của người khác là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định.

Do đó, các thầy cô khi không thể bảo ban được các em học sinh thì cần báo lại với phụ huynh, ngoài ra có các hình phạt đối với học sinh hư phù hợp chứ không nên xúc phạt, đánh các em khiến mình có thể bị xử phạt không đáng có.

4. Giáo viên đánh học sinh có bị xử lý trách nhiệm hình sự không?

Theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 thì ta có:

“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

đ) Có tổ chức;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

i) Có tính chất côn đồ;

k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

Như vậy, hành vi giáo viên đánh học sinh mà gây thương tích cho học sinh từ 11% trở lên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức phạt nhẹ nhất đối với hành vi đánh học sinh bị thương tích trên 11% là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

5. Xử lý tình huống giáo viên đánh học sinh

Cách xử lý tình huống giáo viên đánh học sinh có thể thực hiện theo các nguyên tắc sau:

Thứ nhất là nguyên tắc đảm bảo tính chính trị: Thực hiện theo chỉ đạo của ngành, nghiêm khắc kiểm điểm giáo viên khi thực hiện sai quy định là còn tình trạng đánh phạt học sinh. Cho sinh hoạt lại quy định cấm đánh phạt học sinh đồng thời nhắc nhở bước đầu trong tổ. Qua đó nhằm chấn chỉnh lại những sai phạm của giáo viên nhằm không để ảnh hưởng uy tín của trường.

Thứ hai là nguyên tắc tập trung dân chủ: Không nghe và giải quyết sự việc khi nghe một chiều. Cần lắng nghe tất cả thành viên trong tình huống. Khi nắm chính xác thông tin rồi mới đề ra phương án giải quyết. Vì khi thu thập đủ thông tin và từ các phía sẽ giúp cho người giải quyết có cách xử trí đúng.

Thứ ba là nguyên tắc đảm bảo tính khoa học: Biết thu thập thông tin và xoa dịu phụ huynh kịp thời. Chọn thời điểm khi phụ huynh thấy nguyên nhân yếu kém của con họ để thấy được chẳng qua thầy cô giáo vì muốn tốt cho con mình nên mới xảy ra sự việc đáng tiếc chứ không phải vì trù dập hay ghét bỏ…

Thứ tư là nguyên tắc chú trọng đến yếu tố con người: Không ai liên tiếp mắc sai lầm. Cho cơ hội sửa sai sẽ giúp người mắc lỗi nhận ra sai lầm của mình.

Việc xử lý tình huống chỉ nhằm tháo gỡ những vướng mắc của phụ huynh, giáo viên và mục tiêu là chất lượng học tập của học sinh…

Thứ năm là nguyên tắc vận dụng và kết hợp hài hòa các lợi ích: Lợi ích ở đây là chất lượng học tập của học sinh. Nâng cao chất lượng cho trường cũng như dạy bảo học sinh phải tuân thủ theo quy định của ngành và không làm ảnh hưởng uy tín của ngành - trường và tập thể giáo viên. Nết hợp hài hòa các lợi ích trên thật khéo léo trong xử lý tình huống của mình.

Tóm lại, trong quá trình xử lý tình huống giáo viên đánh học sinh sẽ đòi hỏi cần phải xử lý thật linh hoạt. Tuy nhiên, cũng phải kiềm chế tính nóng nảy, luôn bình tĩnh khi đứng trước tình huống cần giải quyết, đồng thời vận dụng linh hoạt 5 nguyên tắc cơ bản trong quản lý giáo dục nêu trên. Việc chú ý uy tín, chất lượng và công bằng trong giáo dục cho trẻ sẽ giúp chúng ta giải quyết tốt các tình huống.

6. Giáo viên có được phạt học sinh không?

Căn cứ theo Thông tư 08/TT của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu rõ, việc thi hành kỉ luật đối với học sinh phạm khuyết điểm trong việc thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ của mình với 5 hình thức (từ nhẹ đến nặng):

- Khiển trách trước lớp;

- Khiển trách trước hội đồng kỉ luật nhà trường;

- Cảnh cáo trước toàn trường;

- Đuổi học một tuần lễ;

- Đuổi học 1 năm.

Ngoài ra, việc xử lý kỷ luật học sinh vi phạm còn được căn cứ vào các quy định tại:

- Điều lệ Trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 41/2010/TT-BGDĐT ngày 30/12/2010. Theo đó, học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập và rèn luyện thì tuỳ theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp:

+ Nhắc nhở, phê bình;

+ Thông báo với gia đình.

- Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011. Theo đó, học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện có thể được khuyên răn hoặc xử lý kỉ luật theo các hình thức:

+ Phê bình trước lớp, trước trường;

+ Khiển trách và thông báo với gia đình;

+ Cảnh cáo ghi học bạ;

+ Buộc thôi học có thời hạn.

Như vậy, giáo viên có quyền phạt học sinh nếu học sinh vi phạm các quy định, nội quy của nhà trường, lớp học. Tuy nhiên mức độ xử phạt và hình thức xử phạt phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Mời các bạn tham khảo thêm một số bài viết hữu ích khác từ chuyên mục Hỏi đáp pháp luật của trang Hoatieu.vn.

Đánh giá bài viết
4 3.950
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm