Giáo viên chưa nâng chuẩn đại học có được hưởng nguyên lương và phụ cấp

Từ ngày 01/7/2020, trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên các cấp được nâng lên so với hiện nay. Vậy những giáo viên chưa đáp ứng đủ trình độ chuẩn thì chế độ tiền lương có thay đổi gì không? Đây là thắc mắc của rất nhiều thầy cô, HoaTieu.vn xin mời các bạn cùng theo dõi nội dung sau đây để giải đáp về thắc mắc trên.

Chế độ tiền lương của giáo viên và phụ cấp hiện vẫn đang được nhà nước và các bộ ngành xây dựng sao cho phù hợp với tinh thần của nghị quyết 27 về cải cách chế độ tiền lương. Tới năm 2021 dự kiến sẽ có 5 bảng cán bộ công chức viên chức. Tuy nhiên đối với những giáo viên chưa đạt chuẩn thì trong thời gian học nâng chuẩn lên trình độ đại học thì có được hưởng nguyên lương và phụ cấp không?

Chế độ tiền lương và phụ cấp giáo viên trong thời gian đào tạo nâng chuẩn

Luật giáo dục 2019 chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020. Đáng chú ý tại Luật này là quy định về việc trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo các cấp đã được nâng lên so với Luật Giáo dục 2005.

Cụ thể, theo quy định tại Luật Giáo dục 2019, kể từ ngày 01/7/2020, giáo viên tiểu học và trung học bắt buộc phải có bằng cử nhân sư phạm trở lên. Theo đó, đối với những giáo viên tiểu học và trung học chưa có bằng Đại học, bao gồm cả những người tốt nghiệp hệ cao đẳng nhưng trên bằng có ghi tốt nghiệp “cử nhân” thì vẫn phải học lên để đủ chuẩn Đại học theo quy định mới tại Điều 72 Luật Giáo dục 2019.

Việc nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học, trung học cơ sở sẽ được thực hiện theo lộ trình cụ thể. Theo đó, Bộ GDĐT sẽ chỉ đạo dừng tuyển sinh ngành sư phạm đối với giáo viên dạy tiểu học trình độ trung cấp và cao đẳng ngay khi Luật Giáo dục 2019 được thông qua và có hiệu lực. Không tuyển mới giáo viên dạy tiểu học có trình độ trung cấp sư phạm hoặc cao đẳng sư phạm, đồng thời tổ chức đào tạo bổ sung theo hướng liên thông để khi sinh viên ra trường có trình độ đại học sư phạm tiểu học.

Đối với những giáo viên có trình độ Trung cấp sư phạm, Cao đẳng hoặc những giáo viên chưa đạt trình độ Đại học còn thời gian công tác từ 1 đến 5 năm, Bộ sẽ chỉ đạo các địa phương phối hợp các trường sư phạm thiết kế các khóa bồi dưỡng thường xuyên, nâng cao năng lực dạy học để đáp ứng yêu cầu đổi mới. Đối với những giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo là đại học thời gian công tác còn trên 5 năm, Bộ sẽ chỉ đạo các trường đại học sư phạm phối hợp chặt chẽ với các địa phương xây dựng lộ trình, kế hoạch đào tạo nâng chuẩn trình độ gắn với bồi dưỡng thay sách giáo khoa mới. Hình thức đào tạo cuốn chiếu ở các khối lớp với các hình thức linh hoạt, phù hợp, hiệu quả, thiết thực, không chạy theo thành tích hay học chủ yếu học để lấy bằng.

Song hành với nâng chuẩn trình độ đào tạo, Bộ GDĐT sẽ xây dựng quy định đảm bảo quyền lợi đối với giáo viên và đưa ra lộ trình phương thức triển khai phù hợp với từng đối tượng, vùng miền. Cụ thể, theo Điều 73 Luật Giáo dục 2019, Bộ GDĐT đã quy định các chính sách đối với nhà giáo khi học tập nâng cao trình độ như sau:

Điều 73. Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo

1. Nhà nước có chính sách đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho nhà giáo; nhà giáo được cử đi đào tạo, bồi dưỡng được hưởng lương và phụ cấp theo quy định của Chính phủ.

2. Cơ sở giáo dục có trách nhiệm tạo điều kiện để nhà giáo được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn theo quy định của pháp luật.

Như vậy, đối với những giáo viên hiện đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập chưa đủ chuẩn theo quy định mới tại Luật Giáo dục 2019 thì khi đi học lên (Cao đẳng, Đại học) để đủ chuẩn sẽ vẫn được hưởng lương và phụ cấp, đồng thời, các cơ sở giáo dục có trách nhiệm tạo điều kiện để nhà giáo được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn.

Đánh giá bài viết
10 15.415
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm