Điều kiện CSGT hóa trang để đi tuần tra, kiểm soát

CSGT hóa trang để đi tuần tra, kiểm soát khi nào?

Cảnh sát giao thông có thể hóa trang để đi tuần tra, kiểm soát tuy nhiên phải theo một số yêu cầu nhất định, được quy định tại Thông tư 01/2016/TT-BCA.

Một là, phải có kế hoạch tuần tra, kiểm soát được người có thẩm quyền phê duyệt. Cụ thể:

  • Cục trưởng Cục CSGT, Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên có quyền quyết định việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang trong trường hợp:
  • Hóa trang sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT);
  • Đấu tranh phòng, chống tội phạm; khi tình hình an ninh, trật tự hoặc trật tự, ATGT phức tạp.
  • Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục CSGT, Trưởng phòng CSGT, Trưởng Công an cấp huyện có thẩm quyền quyết định việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang đối với trường hợp Hóa trang sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, ATGT.

Hai là, nội dung kế hoạch phải nêu rõ phương pháp thực hiện, lực lượng, phương thức liên lạc, thời gian, địa bàn tuần tra, kiểm soát; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để tuần tra, kiểm soát;

Ba là, Tổ tuần tra, kiểm soát phải bố trí một bộ phận cán bộ trong Tổ để hóa trang (mặc thường phục) thực hiện nhiệm vụ giám sát tình hình trật tự giao thông, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định pháp luật;

Bốn là, Bộ phận hóa trang và bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai trong một Tổ tuần tra, kiểm soát phải giữ một khoảng cách thích hợp bảo đảm việc xử lý vi phạm kịp thời, đúng pháp luật;

Năm là, nghiêm cấm lạm dụng việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang để sách nhiễu, gây phiền hà, làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.

Tuy nhiên, trong trường hợp nghi ngờ, người dân có thể yêu cầu kiểm tra CMT CAND, gọi điện đến đường dây nóng để xác minh, tố cáo.

Hiến pháp 2013 cũng đã nêu rõ, người dân có quyền tự do đi lại, tự do tiếp cận thông tin, trừ trường hợp đó là thông tin mật. Mà thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước thì phải được đóng dấu “mật”, “tuyệt mật” hay “tối mật”, khi đó lực lượng CSGT mới có quyền từ chối yêu cầu của người dân một cách đúng luật. Luật Tiếp cận thông tin cũng quy định quyền này của người dân cụ thể tại Điều 9, Điều 10. Mặt khác, trên thực tế đã xảy ra trường hợp CSGT làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý nhưng không có văn bản được phê duyệt của người có thẩm quyền, thậm chí còn có hiện tượng giả danh CSGT để dừng xe, dọa dẫm rồi lấy tiền của người dân… Bởi vậy, việc người dân yêu cầu CSGT cho biết kế hoạch tuần tra, kiểm soát là có căn cứ.

Tuy nhiên, nếu người dân cứ bị dừng xe là đòi kiểm tra kế hoạch chuyên đề của CSGT thì sẽ rất bất tiện cho người thi hành công vụ, thậm chí có thể dẫn đến lạm dụng việc kiểm tra này để cố tình gây khó dễ cho CSGT. Nếu nghi ngờ, người dân có thể yêu cầu kiểm tra CMT CAND, gọi điện đến đơn vị của chiến sĩ cảnh sát đó, hoặc đường dây nóng để xác minh, tố cáo.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần hướng dẫn công khai cách thức kiểm tra, giám sát với những trường hợp có tính phổ biến, để vừa đảm bảo cho người dân được kiểm tra, giám sát vừa không làm khó người thực thi công vụ, đồng thời ngăn chặn được trường hợp lạm quyền, giả danh cảnh sát.

Đánh giá bài viết
1 328
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo